Cách nay một thập niên, đêm 11 Tháng Hai 2012, như thường lệ, các ngôi sao ca nhạc tụ hội về khách sạn sang Beverly Hilton ở Las Vegas, dự bữa tiệc tiền lễ trao giải Grammy do Clive Davis tổ chức. The Clive Davis’ Pre-Grammy Party, hay ngắn gọn hơn là The Clive Party được chính ông sếp lớn nhất của hãng đĩa Arista lập ra từ năm 1976 và trở thành truyền thống tạo cơ hội cho những ứng cử viên các giải Grammy quen biết và hỗ trợ nhau mà cùng bừng sáng. Tiệc trước lễ trao giải Grammy 2012 vừa khai mạc thật tưng bừng thì tin buồn ập xuống khiến ai cũng sững sờ: Whitney Houston, biệt danh The Voice, nữ nghệ sĩ duy nhất có liên tiếp bảy ca khúc hạng nhất trên Billboard Hot 100 vừa chết!
Người ta phát hiện cô bất động trong bồn tắm tại phòng khách sạn Beverly Hilton. Khi ấy Whitney Houston mới 48 tuổi, chết vì chìm trong nước rất nóng, vài chỗ da bị phỏng, vì rối loạn tim mạch và vì tác động của cocaine. Cô chết khi chuẩn bị sẵn sàng đi dự tiệc vì Clive Davis không chỉ là một nhân vật hàng đầu trong làng ghi âm Mỹ mà còn là người thầy đáng nể trọng đã lèo lái, tạo dịp cho Whitney Houston trở thành một trong những nữ danh ca tài hoa và được yếu mến nhất trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Không nén nỗi xúc động lớn, ông Clive Davis loan tin buồn và tuyên bố bữa tiệc cứ tiếp diễn vì chắc chắn Whitney Houton cũng thích thế. Nam danh ca đàn anh Tony Bennett nói lời chia buồn, “Trước là Michael Jackson, rồi đến Amy Winehouse và nay là một Whitney Houston tuyệt vời. Tôi sẽ rất vui nếu như tất cả khách trong khán phòng này đều hợp lòng, hợp ý tạo lực thúc đẩy chính quyền đi đến quyết định hợp pháp hóa việc sử dụng ma túy!”. Và rồi ông cất giọng hát How Do You Keep the Music Playing, một bài ca u sầu rất hay của crooner Frank Sinatra.
Trong sảnh lớn của khách sạn có rất nhiều ngôi sao, từ chủ hãng đĩa Virgin Records Richard Branson đến nữ nghệ sĩ folk tài danh Jony Mitchell rồi vua rap thời ấy là Sean “Diddy” Combs. Có cả nữ vô địch quần vợt nhà nghề Serana Williams. Trong số nghệ sĩ trẻ thì có Britney Spears, Alicia Keys, Lana Del Rey, Adam Lambert, Wiz Khalifa, Jessie J… và hai “đệ tử” của Whitney Houston là Brandy và Monica. Có nhiều người nhớ đã nghe Tony Bennett kể: “Hồi những năm đầu thập niên 1980, khi nghe tin Whitney Houston ký hợp đồng với Arista Records, tôi đã gọi điện cho Clive (David) chúc mừng, ‘Clive, cuối cùng anh đã có được ca sĩ vĩ đại nhất mà tôi chưa nghe biết cho đến hôm nay!’. Còn Sean Combs thì phát biểu: “Whitney có giọng ca tuyệt vời nhất thế giới. Whitney chính là món quà của Thượng Đế!”.
Tất cả những chuyện này đã được Gerrick Kennedy, phóng viên của tờ The Los Angeles Times có mặt trong đêm tiệc và nay ghi lại trong cuốn Didn’t We Almost Have It All mới phát hành nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Whitney Houston. Theo Gerrick Kennedy, Whitney Houston chưa bao giờ hoàn toàn sung sướng, mãn nguyện và hạnh phúc. Qua sự rèn giũa của Clive Davis và của chính mẹ cô, nữ nghệ sĩ gospel nổi tiếng Cissy Houston, cô đã trở thành nghệ sĩ da màu thành công nhất, chiếm được trái tim của cả đám đông khán thính giả da trắng. Với tám album studio, cô đã bán được trên 200 triệu bản đĩa, có bảy ca khúc liên tiếp xếp hạng nhất Hot 100 Billboard, điều chưa từng xảy ra bao giờ.
Whitney Houston không hề sáng tác ca khúc và cũng không chơi nhạc cụ nào nên rất đúng khi giới phê bình gán cho cô mỹ danh “The Voice”. Một diva thứ thiệt chuyên hát R&B, soul và gospel và hát thật vang dội, từ vực sâu lên cao ngất, một cách hoàn toàn chinh phục. Được chọn là nghệ sĩ biểu diễn tại Super Bowl, sự kiện thể thao lớn nhất và thu hút nhiều khán giả nhất ở Mỹ luôn là ước mơ của các nghệ sĩ, vậy mà The Voice, một cô gái da đen xuất thân từ New Jersey, đã được vinh dự ấy. Màn đêm buông xuống, sân đông nghịt người, rồi Whitney Houston chậm rãi bước lên sân khấu. Quanh cô là những thành viên nam, nữ, da trắng, da đen của giàn đại hòa tấu Florida Orchestra mặc toàn vest đen trịnh trọng.
Trong bộ đồ thể thao màu trắng tinh đơn giản, Whitney Houston hiện ra sáng chói như một thiên thần trong màn đêm. Cô cất cao giọng hát Quốc ca Mỹ. Cô hát với tất cả trái tim, với cả niềm hãnh diện và người xem cảm nhận được tất cả những điều này. Nhiều người trên khán đài đã khóc, nhiều khán giả ngồi trước tivi trong nhà họ cũng đã khóc và nhiều người xúc động không nói được gì vì lần đầu họ chứng kiến một hình ảnh quá đẹp, quá ý nghĩa.
Chỉ trong bảy năm, từ năm 1985 đến năm 1992, Houston đã bán được 26 triệu album chỉ riêng tại Mỹ, giành được mười đĩa đơn Hot 100, và đóng vai chính trong phim The Bodyguard, thu về hơn $400 triệu. Đàn em Alicia Keys nhận xét: “Thành công chưa từng có của cô ấy đã đưa những ca sĩ da màu lên vị trí cao nhất trong giới mộ điệu ngành công nghiệp âm nhạc”. Trong ấn bản tưởng niệm 10 năm ngày mất Whitney, tờ People viết: Không có cách nào để nắm bắt được hết sự kỳ diệu của Whitney Houston, về tài năng của cô ấy, về ý nghĩa của cô ấy đối với rất nhiều người. Ngôi sao đương đại Adele từng nói: “Tôi luôn muốn hát giống Whitney Houston. Tôi nhớ hồi mình 17 tuổi đứng trước gương và hát I Wanna Dance with Somebody“. Tương tự, “tôi cũng như mọi ca sĩ, luôn muốn được giống cô ấy” – Beyoncé nói với Essence – “Cô ấy là nữ hoàng của chúng tôi, và cô ấy đã mở cửa và tạo ra một hình mẫu cho tất cả chúng tôi”.