Như những thể loại nhạc blues, country, rock, rhythm & blues, soul… cái tên jazz của nhạc jazz cũng có nguồn gốc riêng của nó. Chuyện diễn ra cách nay đã 105 năm, vào ngày 26 Tháng Hai 1917.
Ngày hôm ấy, trong studios ghi âm của hãng đĩa Victor Talking Machine Company tại Chicago đã diễn ra một chuyện rất lạ. Mà trước khi kể chuyện lạ ấy, xin hỏi các bạn rằng có phải những Louis Armstrong, Duke Ellington, Billie Holiday, Ella Fitzgerald, Charlie Parker, Nat King Cole, Nina Simone… đều là những nghệ sĩ biểu diễn jazz lừng danh thế giới và họ đều là người Mỹ da đen, đúng không?
Vậy thì chuyện lạ là thế này, cửa studios Victor Talking Machine mở ra, một nhóm nhạc công trẻ bước vào ghi âm đĩa nhạc mà sau này được công nhận là đĩa jazz đầu tiên trong lịch sử. Nhìn họ kìa, toàn những anh Mỹ da trắng tóc vàng, mắt xanh, từ anh chơi piano, anh thổi kèn trombone qua anh đánh trống, anh thổi clarinette đến anh thổi kèn cornet, tất cả đều là da trắng. Không một bóng dáng anh Mỹ da đen nào cả, thậm chí lai trắng lai đen cũng không có.
Chuyện lạ là vì nhạc jazz là âm nhạc của người Mỹ da đen, còn đây, họ chơi nhạc jazz nhưng họ lại là những chàng Mỹ da trắng, đặt tên ban nhạc là “Original Dixieland Jass Band”. Và điều không ngờ là họ chơi rất hay. Đĩa 78 vòng của họ có bài Livery Stable Blues và Dixie Jass Band One-Step bán chạy như tôm tươi. Chỉ sau một thời gian ngắn đã hết sạch 1.5 triệu bản. Cả đến nam danh ca opera người Ý Enrico Raruso rất ăn khách thời ấy cũng phải chịu thua năm chàng trai Mỹ da trắng này!
Chẳng vì nguyên nhân nào, một lúc cao hứng, các thành viên quyết định thay hay chữ S ở tên nhóm bằng hai chữ Z và hình thành ban nhạc Original Dixieland Jazz Band. Danh từ “Jazz” ra đời như thế đó, rất đơn giản, rất bình thường…
Câu chuyện về nhóm chàng trai Mỹ da trắng mê Dixieland bắt đầu tại New Orleans khi mà Harry H. James, chủ nhân một hộp đêm tại Chicago, nhận thấy bên lề đường một ban nhạc đang khua trống, thổi kèn inh ỏi để quảng cáo cho một trận đấu quyền Anh và trong đó có anh chàng chơi kèm cornet rất hay tên là Dominic James, biệt danh là Nick La Rocca. Sau khi trận boxing kết thúc, Harry chủ quán bar đi theo Nick La Rocca thổi kèn cornet đến Haymarket Café là nơi mà Nick La Rocca chơi mỗi đêm cùng với các nhạc công thuộc chỉ huy của tay trống Johnny Outha Stein.
Họ có tên là Dixieland Jass Band, chơi nhạc rất cuốn hút nên Harry James ra sức thuyết phục Stein kéo cả nhóm đến Chicago chơi trong hộp đêm của mình. Thế là vào đầu năm 1916, ban nhạc này, từ miền Nam đã đổ bộ xuống thủ phủ tiểu bang Illinois. Họ gồm tay trống Stein; tay kèn cornet La Rocca; tay sáo clarinette Alcide Nunez; tay kèn trombone Eddie Edwards và tay đàn piano Henry Ragas. Họ gặt hái thành công ngay lập tức. Và khi Stein bỏ đi thì Nick La Rocca trở thành thủ lĩnh, đổi tên thành Original Dixieland Jass Band.
Và rồi xuất hiện ông Al Jolson (biệt danh Nghệ sĩ giải trí vĩ đại nhất thế giới, vừa là ca sĩ, kịch sĩ, vũ công… và 10 năm sau đó là người đầu tiên nói trong phim nhựa). Al Jolson có công tìm cho ban nhạc này một ông bầu và một hợp đồng chơi nhạc tại New York City. Buổi hòa nhạc đầu tiên trong Reisenweber Club, ngày 15 Tháng Một 1917, thành công ngoài sức tưởng tượng, dù cũng có một số những người hâm mộ jazz thực thụ có bĩu môi chê ỏng eo. Vì theo họ, làm sao mấy anh chàng da trắng này có thể chơi jazz xuất sắc bằng những “black jazzmen”…
Chỉ hai tuần sau đó, Original Dixieland Jass Band đã vào studio của hãng đĩa Columbia ghi âm. Không được tốt như mong muốn, các băng nhựa gốc phải vứt vào thùng rác. Nhưng không nản lòng, các chàng trai thử lại lần nữa, vào ngày 27 Tháng Giêng 1917 trong studio Victor Talking Machine Company (mà sau này trở thành RCA-Victor, nhãn đĩa của vua rock Elvis Presley). Và họ đã thành công, từ Original Dixieland Jass Band thành Original Dixieland Jazz Band!
Khi ấy hãng Columbia mới hiểu ra mình đã sai lầm nên vội vàng cử người đi thương lượng, mời nhóm quay lại thực hiện khoảng 20 ca khúc. Đĩa này đã giúp nhóm nổi tiếng suốt thời gian dài trong thế giới hộp đêm New York cho đến khi bị các nhóm jazz da đen giành lại hào quang. Năm 1919, Original Dixieland Jazz Band lên tàu vượt Đại Tây Dương sang Anh tìm cơ hội tái tỏa sáng. Ngày 28 Tháng Sáu năm ấy, họ được hoan nghênh nhiệt liệt khi chơi trong buổi Dạ vũ Chiến Thắng (mừng một năm kết thúc Thế chiến thứ nhất), có sự tham dự của Vua Anh George V, Thống chế Foch và cả Thống chế Pétain (Pháp). Sau đó họ trở về quê hương và tiếp tục chơi nhạc, được yêu mến. Cho đến ngày nọ, đầu năm 1925, Nick La Rocca rời bỏ, khi lên chiếc Buick lái về nhà ở New Orleans và không bao giờ trở lại, đánh dấu chấm hết cho Original Dixieland Jazz Band…