“1984” đang đứng đầu danh sách bestseller (sách bán chạy nhất) bán trên mạng của Nga trong năm 2022.
Vẽ lên một bức tranh đen tối, cuốn sách lấy bối cảnh một tương lai tưởng tượng, nơi các nhà độc tài toàn trị tước đoạt mọi quyền tự do của công dân để bảo đảm sự ủng hộ cho các cuộc chiến vô nghĩa. Tác phẩm viễn tưởng này được tải xuống (download) nhiều nhất năm 2022 trên trang web bán sách trực tuyến của nhà sách Nga LitRes và là tác phẩm được tải xuống nhiều thứ hai trong tất cả các trang web bán sách cộng lại (theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass trong bản tin ngày 13 Tháng Mười Hai).
“1984” của tác giả người Anh George Orwell được xuất bản năm 1949 không lâu sau khi Đức Quốc xã bị đánh bại và Chiến tranh Lạnh của phương Tây với đồng minh cũ Josef Stalin và khối cộng sản Liên Xô chỉ mới bắt đầu. “1984” bị cấm ở Liên Xô cho đến năm 1988 mới được xả cảng.
Orwell cho biết ông đã sử dụng chế độ độc tài của Stalin như một hình mẫu cho sự sùng bái cá nhân của một “Big Brother” (người anh cả) tự cho mình nhìn thấu mọi việc và dùng cảnh sát tư tưởng để buộc các công dân Liên Xô và các nước chư hầu phải tin vào một tư duy “ngược ngạo: “Chiến tranh là Hòa bình, Tự do là Nô lệ”!
Việc “1984” tưởng như đã lui vào quá khứ bất ngờ ngoi lên đầu bảng bestseller được một số nhà quan sát xem như “sự trổi dậy của ký ức về thời Stalin” và là “tiếng vang thời hiện đại làm liên tưởng đến sự cai trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin”, người đã loại phe đối lập chính trị và truyền thông đa chiều ra khỏi cuộc sống chính trị Nga trong hơn hai thập niên ông ta nắm quyền.
Cuộc xâm lược Ukraine của Putin vào Tháng Hai được bảo vệ bằng luật mới quy định “ai công bố bất kỳ thông tin nào về cuộc chiến khác với các tuyên bố chính thức của chính quyền sẽ bị xem là phạm tội”. Kremlin cũng tránh né từ “chiến tranh” và thay bằng “hoạt động quân sự đặc biệt”. Các quan chức ở Moscow luôn khẳng định Nga không có ác ý với Ukraine, không tấn công nước láng giềng và không chiếm đóng lãnh thổ Ukraine (dù thực tế là chiếm giữ và sáp nhập thô bạo).
Tuần trước, chính trị gia Nga đối lập Ilya Yashin đã bị kết án 8,5 năm tù giam với tội danh “lan truyền thông tin sai lệch về quân đội” vì đã dám công khai thảo luận các bằng chứng của truyền thông phương Tây về sự tàn bạo của Nga ở thị trấn Bucha, gần Kyiv mà Nga nói là bịa đặt. Tháng trước, người phát ngôn của Kremlin vẫn khẳng định không có cuộc tấn công nào vào các mục tiêu dân sự Ukraine, bất chấp nhiều đợt không kích các cơ sở năng lượng, công ích của Ukraine khiến hàng triệu người không có sưởi ấm, ánh sáng và nước trong mùa đông giá lạnh. Nga đã thực hiện 7 đợt tấn công vào các mục tiêu này.
Tuy nhiên, bằng cách “đánh lận con đen” để làm nhẹ đi những liên tưởng xấu về “1984”, bà Darya Tselovalnikova, dịch giả tiếng Nga của “1984” còn phát hiện ra những điểm tương đồng với tiểu thuyết của Orwell ở những chỗ khác. “Trong cơn ác mộng tồi tệ nhất của mình Orwell cũng không thể mơ rằng thời đại của chủ nghĩa chuyên chế tự do (liberal totalitarianism) và chủ nghĩa tự do chuyên chế (totalitarian liberalism) cũng sẽ đến phương Tây khi con người như những cá nhân bị tách riêng và cô lập sẽ cư xử giống bầy thú dữ” – dẫn lại từ CNN.