Lặng lẽ bên đời

Hình minh hoạ: jakob-owens-unsplash

Năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày tốt nghiệp khóa 17 Đốc sự Học viện Quốc gia Hành chánh, các bạn bè cùng khóa có tổ chức một buổi họp mặt ba ngày tại Thủ phủ Little Saigon, Nam California, chương trình gồm có một tối tiền hội ngộ “Đêm Tâm Tình”, ngày hôm sau chính thức là buổi dạ tiệc “Hội Ngộ” và sau đó là một ngày dã ngoại đi cắm trại chung ở bãi biển Del Mar Beach (San Diego, CA). Tất cả có hơn một trăm người từ khắp nơi trên thế giới về tham dự.

Đại hội rất thành công, đặc biệt trong đêm tâm tình ở sảnh đường khách sạn Huntington Beach có xướng tên các bạn đã quá vãng và giữa sảnh đường có đặt một bàn thờ chưng hoa quả, nhang đèn và danh sách hơn 30 người bạn đã khuất, đứng đầu danh sách xếp theo thứ tự ABC là Hà Duy Bàn.

Khi lập danh sách nầy anh em căn cứ vào những sự kiện cụ thể từ mọi nguồn tin xác thực, có người đã mất trong những ngày di tản ở miền Trung, có người đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng ở tại quận đường và vĩnh viễn đã nằm lại nơi ấy… và nhiều nhất là các bạn đã bỏ mình trên biển cả trên đường vượt biên sau năm 1975. Danh sách tương đối chính xác, có nhân chứng rõ ràng, riêng trường hợp của bạn Hà Duy Bàn, anh em cũng nhận được tin như thế, nhưng có khác hơn đôi chút.

Khi có lệnh đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh, hầu hết các quân nhân, công chức đều chấp hành nghiêm chỉnh lệnh buông súng và ra trình diện với chánh quyền mới. Lúc bấy giờ Hà Duy Bàn đang là Phó Quận trưởng Quận Nhứt, Thị xã Cần Thơ, thay vì ra trình diện, bạn đã cùng với một người chị ruột từ Cần Thơ đi xe đò xuống Rạch Giá tìm một người bạn thân cùng khóa đang làm việc tại đây để bàn tính việc mua ghe vượt thoát ra biển. Rất tiếc người bạn vì hoàn cảnh gia đình mẹ già, con mọn nên đã từ chối và nói với bạn rằng dù có khó khăn đến thế nào đi nữa bạn ấy cũng sẽ không đi và quyết tâm ở lại.

Sau khi phân tích hết những khó khăn cho người bạn thân biết vì bạn là dân di cư năm 54, tuy còn nhỏ không biết gì nhiều, nhưng nghe gia đình kể những gì đã xảy ra ở miền Bắc khi cộng sản về Hà Nội. Nhưng cuối cùng cũng không lay chuyển được ý nghĩ của người bạn thân, nên bạn đã một mình tự mua ghe ra biển.

Từ sau đó không còn ai biết tin tức về bạn nữa, cùng lúc bấy giờ vì quá nôn nóng và vội vã ra đi nên không ít người đã bị gạt hay bị cướp thủ tiêu quăng xác xuống biển để phi tang, còn nếu may mắn mua được ghe thì cũng chỉ ra tới cửa biển là chìm. Bạn đã quyết tâm ra đi như thế thì không còn con đường nào khác hoặc tới nơi tị nạn hoặc là bỏ mình trên biển cả.

Hà Duy Bàn, thứ hai từ trái qua (Pleiku, 1970). Ảnh do tác giả gửi

Sau khi kiểm chứng với người bạn cùng khóa ở Rạch Giá năm xưa, nay cũng đã sang Hoa Kỳ, lúc nào cũng ân hận về sự từ chối của mình với bạn bè, hay ít ra cũng nên giúp cho bạn mình mua được chiếc ghe tương đối đi được vì là nơi làm việc của mình, và người bạn nầy cũng nghĩ rằng Hà Duy Bàn chắc không còn sống. Tin tức khắp mọi nơi từ trong nước cũng như ở hải ngoại về bạn vẫn biệt vô âm tín.

Những năm sau nầy, cũng vào những lần hội ngộ, anh em lại càng tin rằng Hà Duy Bàn đã mất. Riêng tôi trong những lúc tưởng nhớ như vậy lại nghĩ về Hà Duy Bàn nhiều hơn. Chúng tôi sinh hoạt chung, thân thiết với nhau trong suốt mấy năm trời ở ký túc xá, cùng nhau đi cà phê đêm ở quán “Chiều Tím” trên đường Cao Thắng gần trường. Bạn học bài ít lắm, chỉ chuyên đọc sách của các triết gia. Rồi hằng tuần phải về thăm gia đình ở tận Biên Hòa mất nhiều thì giờ, thế mà bạn lại thi đậu ra trường thứ hạng cao.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là hôm ra trường đi nhận nhiệm sở, bạn lái chiếc xe gắn máy hiệu Kawasaki màu đen chở tôi ra trạm hàng không Phạm Ngũ Lão. Hồi chọn nhiệm sở thì hào hứng lắm nhưng đến khi đi, nghe mọi người kể về tình hình chiến sự vô cùng ác liệt ở Kontum thì hơi lo. Bạn biết thế nên trên đường đi bạn nói vui:

– Pleiku, Kontum đất lành, phong cảnh hữu tình và thành phố toàn là người đẹp. Không chừng ra đó quên đường về quê nha bạn.

Tôi cười và sực nhớ ra là bạn đã lang thang ở Pleiku suốt năm thứ hai, tập sự ở đó nên hỏi thăm dò:

– Bạn có gởi gì về Pleiku không?

– Có. Chỉ gởi về nơi ấy chút nắng Sài Gòn, nhờ bạn mang giùm.

Sau đó chúng tôi chia tay nhau mỗi người một ngả trên bước đường công vụ, không có cơ hội gặp nhau cho đến ngày chính quyền VNCH tan rã… anh em tản lạc khắp bốn phương trời.

Mấy chục năm sau, kể từ khi các bạn cùng khóa ở hải ngoại tập họp nhau để kiểm điểm lại kẻ còn người mất, anh em hiện đang ở nơi đâu thì bạn lại có tên trong bảng “phong thần.” Tuy có hơi ngờ ngợ đôi chút nhưng rồi thời gian chầm chậm trôi đi hơn 10 năm sau nữa vẫn không có tin tức gì về bạn, trong khi việc đi về Việt Nam càng lúc càng dễ dàng, sự gặp gỡ những người thân quen trước đây cũng thoải mái không khó khăn gì lắm. Anh em cũng thường xuyên liên lạc khắp nơi, gom góp tiền gởi về Việt Nam giúp các bạn đang gặp khó khăn, bệnh tật hay có hoàn cảnh ngặt nghèo, có nhiều bạn muốn biết tin về Hà Duy Bàn, sống chết ra sao nhưng cũng không ai biết như thế nào.

Thế rồi cho đến một hôm có người bạn, tình cờ trong câu chuyện xã giao gặp được một người đàn bà Việt Nam ở San Diego tự xưng là chị ruột của Hà Duy Bàn và nói rằng em chị hãy còn sống, nhưng chị cũng không cho biết rõ ràng hư thực như thế nào. Từ khi có tin nầy, tuy cũng bâng quơ, nhưng anh em quyết định xóa tên bạn ra khỏi danh sách những người quá vãng.

Mãi đến năm 2023, người bạn cùng khóa làm việc ở Rạch Giá năm xưa, nay đã là một tu sĩ tại gia, trường chay mấy chục năm, qua Mỹ theo diện bảo lãnh và Tết năm nay về Việt Nam thăm gia đình, đồng thời cũng có ý nguyện là sẽ cố gắng tìm cho được người bạn gần 50 năm không có tin tức.

Cơ duyên may mắn đã đến, người bạn về Việt Nam chuyến nầy xem như mãn nguyện, chỉ nhờ vào một mẩu tin ngắn “Chùa Bà Trầu” của một tín hữu gởi cho mà thành ra một câu chuyện tìm bạn sau nửa thế kỷ…

Sau khi nhận được tin nhắn, các bạn cùng khóa còn ở Việt Nam đã kiểm chứng và xác minh với người cho tin nhắn rồi cùng nhau hẹn ngày đi đến chùa, nơi cư trú của Hà Duy Bàn. Anh em định lên chùa ngày rằm, trong dịp có đông đảo tín hữu để dễ dàng liên lạc hay hỏi han nhiều hơn nếu bạn mình không có mặt.

Sáng sớm ngày hẹn đi, mọi người vô cùng náo nức cùng nhau đi tìm bạn mình, gần 48 năm không gặp, đầu tiên là đi tìm “Chùa Bà Trầu” ở Cù Lao Phố tỉnh Đồng Nai. Anh em đi vòng vo hỏi thăm người địa phương mãi cho tới gần trưa mới đến chùa. Ngày rằm mà chùa đóng cửa vắng tanh, xuống nhà chung chỉ có vài người, nhưng rất may là có người biết và hướng dẫn anh em đến tận “cốc”, vì hình như Thầy Bàn có chức sắc cao trong chùa nên ai cũng biết.

Hà Duy Bàn (Chùa Bà Trầu, Cù Lao Phố, Đồng Nai, 2023). Ảnh do tác giả gửi

Gần nửa thế kỷ trôi qua, anh em gặp nhau mừng vui chuyện trò khôn tả, hồi tưởng lại cảnh đồng môn tan đàn xẻ nghé mỗi mảnh đời một khác mà lòng đau như cắt, một số bạn theo đường tu hành mà cũng khác, bạn Hà Duy Bàn chừng ấy năm tu tịnh, không giao du với bên ngoài, bạn chỉ quanh quẩn trong cốc nầy và chỉ lui tới chùa Bà Trầu ở cách đó chừng 200 mét.

Bạn cho biết do linh tính mách bảo có nhóm bạn sẽ đến thăm nên bạn mới tiếp chứ ai khác thì đóng cửa không tiếp. Bạn đến chùa sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 xin ở cốc nầy, lúc bấy giờ cốc là chòi lá (sau nầy anh em của Bàn đã xây lại), các chòi khác thì những người tu già yếu, cùng nhiều lý do khác nhau đã bỏ đi hay về nguyên quán, chỉ còn một mình bạn là duy nhất ở tu cho tới ngày nay. Thời gian đầu mỗi ngày chùa cho ba mâm cơm (sáng, trưa, chiều) hai bình nước sôi, hiện nay thì tự lực, bạn tự trồng rau, khoai bắp trên mảnh đất nhỏ sau chùa để sinh sống.

Trong cốc có một phòng nhỏ chỉ đủ để một giường xếp, treo quần áo, một khoảng kê bàn để một dàn máy vi tính, một WC cá nhân, nhà bếp nhỏ, tổng diện tích chừng dưới 20 mét vuông, có hành lang hẹp để xếp bàn tiếp khách. Chỉ có vậy thôi.

Sinh hoạt của bạn cách ly hoàn toàn với bên ngoài, chỉ chú tâm tu tập trong cốc, ngày tụng mấy thời kinh và làm công quả ở chùa Bà Trầu trong những ngày chùa có lễ hội. Thỉnh thoảng cũng có người thân trong gia đình đến thăm, còn tuyệt nhiên không có tiếp xúc với người không quen.

Được tin bạn còn tại thế và đằng đẵng suốt 48 năm trời ẩn thân nơi am cốc, sống một cuộc đời khiêm cung, khổ hạnh khiến cho lòng tôi chùng xuống. Tôi đã đọc nhiều sách cũng như hồi ký của biết bao nhiêu người đã trải qua những cuộc đổi đời nghiệt ngã, nhưng tôi chưa hề thấy một cuộc đời nào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 lại tự giam mình trong một không gian chật hẹp u tối như vậy để tu hành hay nghiền ngẫm chuyện đời? Dù thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng đã xuất xử như một “bậc minh triết” (chữ mà bạn hay dùng ngày xưa).

Nhìn mấy tấm ảnh chụp về nơi sinh hoạt của bạn, tôi trộm nghĩ cuộc đời ngẫm ra cũng không cùng, tưởng thành hóa bại, tưởng hay hóa dở, tưởng mất mà lại còn, chớp mắt thôi đã thay đổi hết. Tất cả đều do mệnh trời, mọi việc tưởng chừng như tình cờ nhưng thật ra là do Đấng Tạo Hóa đã an bài. Biết vậy để tâm không vọng tưởng mà sống thanh thản, thân tâm thường an lạc. Thăm Bạn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: