Trong chiến tranh Việt Nam, cứ gần Lễ Giáng Sinh, có những phái đoàn văn nghệ hậu phương của Mỹ đi trình diễn tại các căn cứ tiền tuyến của lính Mỹ ở Việt Nam.
Các cuộc trình diễn này được tổ chức bởi cơ quan the USO –USA. USO là một tổ chức bất vụ lợi thành lập từ năm 1941 chuyên cung cấp các chương trình, dịch vụ và các buổi trình diễn trực tiếp cho quân đội Mỹ và gia đình.
USO được thành lập theo lời yêu cầu của Tổng Thống Franklin D Roosevelt thời Thế Chiến II. Có khoảng 5,559 buổi trình diễn của USO từ năm 1965-1972 bao gồm gần 3,000 minh tinh tài tử, các ngành nghề chuyên môn và các sinh viên đại học. Không những thế, phải kể thêm các nhóm trình diễn của các quốc gia khác tại các căn cứ quân đội Mỹ ở thành phố và địa phương trong nước họ.
Từ đầu tới cuối các chương trình USO, danh sách các tên tuổi minh tinh tài tử nghệ sĩ thượng thặng của Mỹ đặc biệt không có tên minh tinh Jane Fonda, hay lính Mỹ gọi là “Hanoi Jane.”
Ngược lại, Hanoi Jane lại có tên trong đoàn FTA phản chiến lập năm 1972 để chống lại hoạt động của USO phục vụ quân đội Hoa Kỳ.
FTA là 1 cuốn phim tài liệu năm 1972 với Jane Fonda, Donald Sutherland, đạo diễn là Francine Parker có nội dung phản chiến nhằm vào đối tượng lính Mỹ chống chiến tranh năm 1971, đồng thời là tài liệu đả phá chương trình yêu nước và ủng hộ chiến tranh của Bob Hope.
FTA đầu tiên là khẩu hiệu tuyển quân của quân đội Mỹ từ chữ “Fun, Travel and Adventure” thế rồi bị sửa lại là “Fuck The Army” theo cuốn phim của đạo diễn Francine Parker để lính Mỹ chống chiến tranh lên tiến hô hào “NO WAR.”
Phim FTA ra mắt vào Tháng Bảy, 1972, đúng vào những ngày đi thăm viếng Hà Nội ồn ào của Jane Fonda nhưng đã thất bại bởi dư luân chính trị đến nỗi chỉ chiếu trong vòng 1 tuần lễ là phải rút lại do quyết định của nhà phát hành phim “American International Pictures.”
Không những thế, hầu hết các copies đều bị tiêu hủy để ngăn chận sự cố gắng tái xuất hiện trong tương lai.
Cho đến hôm nay, người Việt tỵ nạn chỉ được nghe, được thấy và được đọc chuyện và hình ảnh của Hanoi Fonda do CS Bắc Việt chụp hình và tung ra chứ chẳng bao giờ biết đến cuốn phim TFA.
Ở miền Nam và thế giới chỉ biết có thế thôi nhưng có biết đâu rằng Hanoi Jane và Donald Sutherland đã tung phim ảnh này ngay trong đất Mỹ để chống chiến tranh VN mà đối tượng không phải là người dân Mỹ, ngược lại chính là quân đội Mỹ, những người lính GI chống chiến tranh.
Ít người chúng ta biết được chuyện này bởi âm mưu địch vận và phản chiến của Hanoi Jane đã bị dập tắt ngay sau 1 tuần lễ được chiếu và sau đó, bị tiêu hủy luôn trong tương lai, không ai muốn biết đến nữa.
Trở lại danh sách các tên tuổi nổi danh đã tham dự chương trình của USO lên đến hàng ngàn người kể từ Thế Chiến II, các tên tuổi chọn lọc đứng đầu gồm có: Bop Hope, Charlton Heston, Marilyn Monroe, Ann Margaret, Glenn Ford, John Wayne, Ursula Andress, James Brown, David Jr., Sammy, Angie Dickerson, Connie Francis, Jayne Mansfield, Robert Mitchum, Debbie Raynolds, Romy Schneider, Connie Stevens, Rachel Wielch, Robin Williams, Lance Armstrong, Kid Rock.
Tours của USO không phải tầm thường bởi sự có mặt của các nghệ sĩ thượng hạng của Mỹ. Như Bing Crosby có mặt với USO trong thế chiến thứ 2 đi ủy lạo binh sĩ Hoa Kỳ, như Bob Hope năm 1966 và những năm sau đó, ở Saigon, Long Bình, Đà Nẵng và vịnh Cam Ranh.
Bob Hope shows là những buổi trình diễn USO nổi tiếng, hấp dẫn và đông lính Mỹ tham dự nhất không những bởi tài nghệ hài hước của ông mà còn đi kèm với sự xuất hiện của nhiều nữ minh tinh màn bạc khác như Ann Margaret, Rachel Welch, Connie Steven, phi hành gia không gian Neil Armstrong, Carroll Baker, Anita Bryant, Marilyn Monroe… và các hoa hậu của Mỹ.
Như Robin Williams, người nổi tiếng mỗi buổi sáng trên đài phát thanh của quân đội Mỹ thường nói “ Good Morning Vietnam” trong chiến tranh Việt Nam. Như John Wayne trong đệ nhị thế chiến năm 1942 đã đi shows tới 3 tháng ở Úc, Anh và tân Guinea. Như Marilyn Monroe trình diễn 10 buổi trong 4 ngày ở Nam Hàn năm 1954.
Christmas 2024 có một câu chuyện hay rất cảm động và có hậu, liên quan tới một minh tinh đã từng tham dự chương trình USO với Bob Hope ở Việt Nam mà mọi người Việt chúng ta ít biết đến – Ann Margaret.
Ann Margaret sinh tại Thụy Điển ngày 28/4/1941, năm nay là 83 tuổi. Bà đến Mỹ lúc 6 tuổi. Tốt nghiệp đại học Northwestern nhưng rồi lựa con đường ca hát tại Las Vegas để tiến thân.
Con đường ca hát đưa đến con đường phim ảnh và truyền hình, tất cả đều rất thành công.
Bà năm 26 tuổi, lập gia đình năm 1967 với tài tử Roger Smith, 34 tuổi và ở với nhau trọn đời dù không có đứa con chung nào cả.
Roger Smith mất năm 2017 do bệnh myasthenia gravis (suy nhược cơ bắp nhất là ở mặt, tay và chân).
Có một cựu quân nhân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và bà vợ, nghe tin Ann Margaret sẽ ra mắt sách và ký tặng ở 1 tiệm bán sách, họ muốn đến gặp Ann Margaret để xin chữ ký.
Bà vợ người cựu quân nhân kể lại rằng:
Sau khi đi làm ra, chúng tôi đến tiệm sách lúc 12 giờ trưa trong khi tiệm sách mở cửa từ lúc 7:30 sáng. Một hàng rồng rắn xếp hàng quanh tiệm, vòng ra bãi đậu xe và kéo dài mãi mất hút cuối bãi đậu xe. Nhân viên tiệm sách cho hay là Ann chỉ ký tên trên sách mà thôi, không có ký cái gì khác.
Richard, tên người chồng nghe vậy, thật thất vọng bởi anh ta muốn cho Ann xem một tấm hình thời chinh chiến mà anh cũng như những người lính Mỹ khác đã trân quý nó suốt cuộc đời binh nghiệp của mình.
Bà vợ kể rằng Richard là một người lính ít khi kể chuyện đời lình cho vợ nghe chỉ trừ chuyện Richard có lần bị bắn sẻ bởi lính CSBC, nhưng may mắn không chết.
Khi Ann Margaret xuất hiện, thật xinh đẹp tuyệt vời. Mọi người kiên nhẫn và háo hức chờ đợi để xin chữ ký. Rồi tới lúc Richard được gặp Ann. Với quyển sách cầm trên tay để đưa cho Ann ký tặng, Richard lôi ra 1 tấm hình. Nhân viên tiệm sách bèn la lên:
-Ann sẽ không ký nó đâu.
Richard nhỏ nhẹ:
-Tôi hiểu, tôi chỉ muốn cho Ann được thấy tấm hình mà thôi.
Ann nhìn thấy, bỏ cái bút xuống và cầm tấm hình trong tay, lặng người trong giây lát rồi nói nhỏ:
-Đây là một trong những người đáng quý trọng ở Việt Nam. Tôi chắc chắn sẽ ký bức hình này, bởi tôi hiểu họ đã làm gì cho đất nước và tôi luôn luôn dành thời gian cho họ.
Đôi mắt Ann long lanh giọt lệ, bà kéo Richard choàng qua cái bàn và muốn tặng một cái hôn thật ý nghĩa cho Richard.
Bà đã làm nhiều chuyện để tỏ lòng tri ân cho sự can đảm của các người lính trẻ bà gặp trong nhiều năm cũng như để tỏ lòng ngưỡng phục họ và tỏ lòng biết ơn vô cùng đến họ.
Ít người chung quanh được nghe thấy điều này và bà đã đứng chụp một tấm hình mà chỉ với một mình Richard đứng đó mà thôi.
Sau đó, chúng tôi đi ăn trưa, Richard vẫn lặng im. Khi tôi hỏi Richard có muốn nói gì về chuyện này không thì chồng tôi đã rơi nước mắt trên khuôn mặt, anh nghẹn ngào nói:
-Đây là lần đầu tiên trong đời, chưa hề có ai đã cám ơn anh về cuộc đời lính chiến của anh, trừ Ann Margaret.
Bởi trong chiến tranh Việt Nam, khi Richard cũng như những người lính Mỹ khác trở về quê hương, họ đã bị dân chúng phỉ nhổ và lá ó chửi bới.
Buổi gặp gỡ với Ann là một khúc quanh mới cho cuộc đời của Richard.
Giờ đây, anh có thể đứng thẳng người bước đi hiên ngang và lần đầu tiên trong đời, Richard đã cảm thấy hãnh diện khi mình trở thành người cựu chiến binh của chiến tranh Việt Nam.
Tôi sẽ giữ mãi trong lòng về sự biết ơn về Ann Margaret bởi chỉ một thái độ nho nhỏ đó đã để lại cho chồng tôi một ý nghĩa vô cùng to lớn. Từ đó, tôi muốn nói một điều là về lời Cám Ơn, xin được gửi đến với tất cả những người trên khắp nơi của đất nước đã một thời phục vụ cho quốc gia. Tự do không phải dễ mua và tôi sẽ vô cùng biết ơn những người đã hiến dâng đời mình cho đất nước. Tôi muốn mọi người hãy chuyển tải câu chuyện này đến những người khác để họ hiểu rằng sự hiến thân cuộc đời cho đất nước là một điều có ý nghĩa rất quan trọng, xin đừng coi thường.
Snopes.com đã chứng nhận tính chất: True – sự thật của câu chuyện ngày 7 Jan, 2002 bởi Barbara Mikkelson.
Tấm hình được ký không phải với lời cám ơn riêng của Richard hay của Ann Margaret mà của cả hai người.
Một người nói:
-Xin Thượng Đế phù hộ cô về những chuyện cô đã làm cho những người lính chúng tôi
Người kia đã trả lời:
-Và cũng xin Thượng Đế phù hộ ông để chứng nhận điều ông làm thật là quan trọng.
Câu nói này đã để lại chữ ký của Ann Margaret trên tấm hình.
Trong khi cuốn phim FTA của Hanoi Jane bị tiêu hủy sau 1 tuần lễ chiếu ngoài rạp rồi để lại 1 tấm hình đầy lính cộng sản chung quanh.
Không một cựu quân nhân Mỹ nào muốn cầm tấm hình này để cám ơn và xin chữ ký của Hanoi Jane như Richard và Ann Margaret.
Hai người đàn bà và hai tấm hình của thời chiến nhưng hai ý nghĩa ngược đời nhau bởi hình ảnh của những người lính đứng chung quanh họ.
Một nhóm với ánh mắt thù hận lạnh lùng, một khối với đôi mắt vui thích sung sướng.
Một tấm đã làm rơi nước mắt của người xem, một tấm bị phun nước miếng của người coi bởi hai chữ: Yêu nước và phản quốc.
Đau đớn thay người xem và người coi đều là người Mỹ trong suốt dòng lịch sử của đất nước Hoa Kỳ mà chẳng phải thuộc về năm tháng giới hạn của chiến tranh Việt Nam 1963-1975.