Minh họa: Pixabay

Hồi còn nhỏ, khi lửa chiến tranh đốt cháy cả làng mạc thân yêu, tôi phải cùng ba má và các em nhỏ dại lìa bỏ quê nhà tản cư về quê ngoại sống trong cảnh lầm than khốn khổ trăm chiều. Hai năm sau, khi khói lửa tạm yên, gia đình tôi vừa mới hồi cư phải tất bật chạy lo cơm áo.

Từ ấy tôi bắt đầu làm quen với công việc đồng áng cũng như hòa mình vào cuộc sống của nông phu, nông phụ trên ruộng đồng sông nước. Từ ấy biết bao tình cảm trong sáng nẩy nở trong lòng tôi. Tôi yêu những vần ca dao đầu tiên ngọt ngào như dòng sữa mẹ mà Má tôi đã rót vào tai tôi theo nhịp võng đưa. Tôi yêu những câu hò điệu hát dân gian tình nghĩa qua những cuộc hát hò đối đáp lý thú. Ngoài tình cảm trìu mến thiết tha dành cho người mẹ, tôi muốn nói lên tất cả sự kính yêu dành cho Ba tôi.

Ba tôi là một mẫu người vừa nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân từ. Cuộc đời của Ba tôi có thể nói là cả chuỗi dài thất bại, nhiều nỗi đắng cay. Người ôm nhiều hoài bão nhưng không bao giờ thực hiện được mơ ước của mình, nên chỉ biết an phận thủ thường. Tuy vậy Ba tôi vẫn là một người cha tốt, đã trọn đời cúc cung tận tụy với gia đình. Hơn thế nữa trong thế bi kịch của cuộc đời, Người vẫn không chịu bó tay đầu hàng, mà trái lại còn giúp ích cho đời trong khả năng sở đắc của mình.

Thời kháng chiến chống Pháp, cũng như hàng hàng lớp lớp thanh niên trai tráng khác, Ba tôi cũng đứng lên đáp lời sông núi. Văn hay, chữ tốt, vốn liếng chữ Pháp và chữ quốc ngữ của Ba tôi chắc cũng đủ để vinh thân một đời nếu chấp nhận được quan trên nâng đỡ, cất nhắc. Nhưng không hiểu sao Ba tôi vẫn tỏ ra mệt mỏi, chán nản trường danh lợi. Năm mười chín tuổi, Ba tôi cưới một cô thôn nữ khác quận làm vợ.

Má tôi tuy ít học nhưng trọn đạo làm dâu, yêu chồng, thương con vô bờ bến. Sau khi chị tôi chào đời, ba má tôi phải tạm xa nhau để Ba tôi lên Sài Gòn phụ giúp bác tôi coi sóc tổng quát một nhà in lớn. Công việc đang tiến hành suôn sẻ, nhà in bỗng bị cháy rụi bởi chiến tranh. Ba tôi phải cuốn gói trở về quê cũ sum họp với Má tôi sau hơn một năm trời cách biệt. Năm sau đó, tôi mở mắt chào đời trong vòng tay thương yêu của cha mẹ.

Minh họa: Pixabay

 

Từ ấy tôi lớn dần lên bên ruộng đồng sông nước đầy ắp tình người, rất ư “điệu nghệ”! Cuộc đời tôi cũng bình bồng theo vận nước, có lúc tản cư rồi hồi cư, mới tạm thời ổn định cuộc sống. Một việc không may xảy đến gia đình tôi. Ông bà xưa có câu: “Ba mươi mốt bước qua, ba mươi ba bước lại” ý chỉ những năm xui xẻo lớn trong một đời người. Năm ba mươi mốt tuổi, vừa mới hồi cư, vết thương cũ nơi chân trái trong thời kháng chiến chống Pháp của Ba tôi bỗng nhiên tái phát, đau nhức dữ dội, không thể đi dứng được.

Không đủ phương tiện lên nhà thương tỉnh điều trị, Ba tôi được người anh rể tốt bụng cho thuốc Nam băng bó, cầm cự cơn đau. Trong thời gian nầy, hằng tuần tôi phải lội ruộng băng đồng để đến nhà dượng Hai tôi cách xa hơn ba cây số để bổ thuốc cho Ba tôi. Với tuổi còn thơ dại, lại hay sợ ma nên mỗi lần bước tới mấy chòm mả mùa nước nổi, cây lúa lên cao, tôi co giò phóng mau như sợ… ma đuổi.

Có lúc tôi bị té sấp, úp mặt xuống ruộng nước, mặt mày tèm lem tuốc luốc, quần áo mình mẩy ướt ngoi. Mặc dầu bị lạnh run lập cập, đầu óc luôn bị ám ảnh bởi mấy chuyện ma do chú tôi kể hôm trước, nhưng tôi vẫn không hề nao núng miễn làm sao có thuốc để điều trị vết thương Ba tôi mau lành. Sau hơn một năm trời nằm liệt giường, nhờ một danh y chữa trị, chân Ba tôi đã bình phục; nhưng phải chống nạng mới đi được. Tội nghiệp Má tôi nửa thời xuân sắc “làm dâu gánh nợ con chồng”, nay phải thay thế Ba tôi cáng đáng mọi việc trong nhà cũng như ngoài đồng áng. Cũng may có chú tôi và bà con chòm xóm đỡ đần một số việc nặng nhọc, gia đình tôi mới lây lất sống đắp đổi qua ngày đoạn tháng.

Vốn nghe danh sở học, lại thêm cám cảnh thương tật của Ba tôi, nên dân làng đề nghị Người mở trường dạy học. Vì mới hồi cư, nhà trống trước trống sau nên ông bà Nội tôi cho Ba tôi mượn tạm căn nhà dưới làm nơi dạy học. Bàn ghế toàn bằng gỗ tạp được đóng tạm sơ sài. Thật là nhà trống một gian gồm một thầy thất cơ lỡ vận với đám học trò đông đúc với nhiều trình độ khác nhau, trong đó có chú tôi, chị tôi, mấy anh em chú bác của tôi và tôi.

Mặc dù bị thương tật, Ba tôi vẫn chống nạng để dạy học. Trong thời gian nầy, Ba tôi bắt đầu dạy tôi những bài học vỡ lòng, cách ráp vần quốc ngữ và bảng cửu chương hóc búa. Ba tôi coi học trò như con cháu ruột thịt và dạy chúng với tất cả tâm hồn nhiệt huyết. Ba tôi là một nghiêm sư nhưng không dữ đòn như những ông đồ xưa. Thỉnh thoảng Người mới đánh những trò hư với cây thước bảng. Tôi nghe thiên hạ đồn, có những ông thầy xưa rất dữ đòn với đám học trò trai lỳ lợm, biếng học.

Chẳng hạn như bắt học trò nằm dài trên bàn rồi dùng roi mây quất lấy quất để vào mông, hoặc bắt học trò quỳ gối lên vỏ mít, vỏ sầu riêng; có khi bắt học trò chụm năm đầu ngón tay lại rồi lấy thước khẽ. Tôi còn nhớ một kỷ niệm khó phai mờ trong tâm khảm. Một bữa nọ, tôi bị kêu lên bảng giải bài toán đố mà Ba tôi đã ra đề hôm trước. Mặc dầu thường ngày tôi luôn được điểm 9, điểm 10 trên 10, nhưng hôm ấy tôi loay hoay mãi vẫn không tài nào giải nổi bài toán hóc búa.

Nguyên do là vì hôm trước tôi mê đá banh với bọn trẻ trong xóm, đến tối mịt mới về nhà rồi lăn đùng ngủ say như chết. Còn đang đứng như trời trồng, mặt đỏ bừng vì thẹn, bỗng nghe tiếng “Chát! Chát! Chát!” của cây thước bảng phát ra từ trên vai, trên lưng tôi. Tôi chết điếng, ê ẩm cả người. Cả lớp im phăng phắc. Tôi co giò phóng ra vườn, lủi vô đám mía mất dạng. Lúc ấy tôi đâm ra oán giận Ba tôi đã “làm nhục” tôi trước lớp học.

Tôi đâu phải trò hư, cũng không phải là đứa con ngỗ nghịch. Bây giờ khi đã có con rồi, tôi mới hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, khi đã làm thầy rồi mới hiểu được nỗi lòng thầy học của mình, tôi càng thấy thương Ba vô cùng. Với cương vị người thầy mà cũng là người cha, Người muốn tôi “hay chữ” nên mới “dữ đòn” như vậy. Bởi vì dạy mà không nghiêm, chính là lỗi ở ông thầy (Giáo bất nghiêm, sư chi nọa). Hơn nữa trong thâm tâm ông, tôi là viên ngọc quý, là mùa Xuân, là lẽ sống của Ba tôi.

Minh họa: Pixabay

Ngoài việc dạy chữ, Ba tôi còn rèn luyện cho tôi thói quen mê đọc truyện Tàu. Hồi ấy ông Tám – em ông Nội tôi, thường chở cam quít bằng xe đò lên chợ Cầu Ông Lãnh Sài Gòn để bán. Sáng đi, chiều về. Ông rất thương Ba tôi nên thường mướn truyện Tàu và tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đem về cho Ba tôi mượn đọc trước. Khi nào rảnh ông mới đọc sau. Chiều chiều sau giờ tan học, tôi thường ra chợ Cống Đá, xã Thuận Thới đón ông Tám về từ chiếc xe đò Hiệp Thành để nhận truyện Tàu cho Ba tôi.

Đôi khi tôi còn được tặng ổ bánh mì dài cả thước. Bánh mì nầy ăn rất khoái khẩu. Bây giờ không còn lò bánh mì nào làm được loại bánh mì nầy nữa. Đây là cái duyên đưa tôi làm quen truyện Tàu rồi đâm ra “ghiền” đọc truyện Tàu. Như con bò ăn cỏ, tôi “ngốn” hầu hết truyện Tàu từ Thuyết Đường, Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Phong Thần đến Tây Du Ký, Thủy Hử

Trí nhớ của tôi khá tốt. Trong các đám tiệc như cưới hỏi, giỗ chạp, mấy chú bác trong xóm thường đem truyện Tàu ra “bàn”, “luận”, “đấu trí” với nhau. Hễ chỗ nào “bí”, các bác nhờ tôi “giải”. Tôi thuộc vanh vách những chương, hồi trong truyện Tàu nên nói đâu trúng đó. Ai cũng khen tôi đáo để, khiến lỗ mũi tôi nở phồng lên.

Ba tôi thường đem “Lời bàn” của Mao Tôn Cương, hoặc thay thế họ Mao phân tích những điều tôi chưa thấu hiểu suốt. Tất cả tấm gương Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, những điều thường thức về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, về tam cang ngũ thường, về thuật dùng người, dùng binh, về thuật xử thế của người xưa đều nằm trong truyện Tàu. Ôi!

Cái thú mê truyện Tàu, nó làm con người ta quên ăn mất ngủ, bỏ cả cơm nước. Nó như có ma lực khiến người ta đọc hết hồi nầy sang hồi khác, hết cuốn nầy sang cuốn khác. Hèn chi ông Vương Hồng Sển đã bỏ công viết thành quyển sách Thú Xem Truyện Tàu thật chí lý. Hèn chi ca dao miền Nam lại “sính” dùng điển tích truyện Tàu trong các câu hò điệu hát. Chẳng hạn như câu hát huê tình sau đây:

Chẳng thà em chịu đói chịu rách

Học theo cách bà Mạnh, bà Khương

Không như chị Võ Hậu đời Đường

Làm cho bại hoại cang thường nhơ danh.

Trong một bài viết nhan đề Tết Thầy Ở Một Làng Quê Miền Nam, tôi có đề cập đến thầy Nguyễn Văn Ái, tức soạn giả kiêm đạo diễn các tuồng cải lương, kiêm diễn viên bất đắc dĩ Việt Ái. Người đó chính là Ba tôi. Chính Người đã truyền cho tôi sự say mê đờn ca tài tử, hát cải lương và ca vọng cổ. Những buổi đờn ca tài tử trong xóm vào các dịp lễ lạc, ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp, Ba tôi thường dẫn tôi theo.

Những đêm trình diễn của đoàn cải lương tại xã nhà hoặc các xã lân cận, tôi ít khi vắng mặt. Có lúc tôi bị đẩy lên sân khấu ca vài câu vọng cổ nhan đề “Đội Gạo Đường Xa” của soạn giả Kiên Giang (lại thêm một diễn viên bất đắc dĩ). Thành thật mà nói lúc ấy tôi bị “khớp” quá cỡ thợ mộc. Mặc dầu có làn hơi dài và ca chắc nhịp, nhưng tôi không thể đưa hết tình cảm mình vô bài hát để luyến láy trữ tình, muồi mẫn được. Những tuồng cải lương do Ba tôi soạn hoặc cải biên như Gương Liệt Nữ, Tẩy Hận (tức Tam Tạng Xuất Thế), Phạm Công Cúc Hoa, Võ Tòng Sát Tẩu… được đông đảo khán giả miệt vườn đón nhận nồng nhiệt.

Đặc biệt bản vọng cổ, bài “tủ” và cũng là cái nhụy của cải lương được các giọng ca “nức nở” của các kép muồi Hai Việt và Năm Khương làm khán giả rơi nhiều nước mắt. Đào chánh của đoàn hát không ai thay thế lại là kép muồi Năm Khương với giọng ca nỉ non, sầu oán mà dân làng thường gọi là “đào lộn hột”! Đào phụ “lộn hột” có kép Hai Hinh, Bảy Hải, Ba Dành, Hai Bốn. Vai vua và thừa tướng có Bảy Trình. Kép hài có Thợ Sáu. Kép độc có Ba Kiết không thua gì kép độc Trường Xuân của các đoàn cải lương nổi tiếng ở Sài Gòn thời bấy giờ.

Tôi còn nhớ rõ như in là đêm đoàn hát diễn tuồng Phạm Công Cúc Hoa, hai chị em Nghi Xuân (Bảy Hải đóng) và Tấn Lực (Năm Khương đóng) trong lúc lê la xin ăn nơi đầu đường xó chợ trên đường tìm cha, đã “nhập vai” một cách xuất thần khi hát bản Hoài Tình muồi rệu. Báo hại đêm đó, khán giả rơi nhiều nước mắt và sẵn sàng “bố thí” cho hai trẻ mồ côi!

Có điều bất ngờ thú vị là bầu gánh chính là ông Chín Luộc, em ông Tám Nhị, đều là em của ông Nội tôi; còn Hai Việt, Ba Kiết và Năm Khương là ba anh em ruột, đều là các chú họ của tôi. Vì các xuất hát đều không bán vé, hát “thả giàn” nên ông bầu Chín Luộc cũng như ông Nội và ông Tám tôi đều là những “Mạnh Thường Quân”, sẵn sàng trang trải mọi chi phí của đoàn hát.

Ba tôi, cụ Nguyễn Văn Ái – tức soạn giả Việt Ái (1924-2002) chụp khoảng năm 1995 tại tư gia, ấp Giồng Gòn, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long)

Ba tôi còn là một trường đời cho con học hỏi bởi cách xử thế và những nhận định sâu sắc của ông về cuộc đời. Như tôi đã kể trong bài Tết Thầy, Ba tôi mở lớp dạy học trong hoàn cảnh gieo neo, đơn chiếc. Không được hưởng lương của chánh phủ hay bất cứ khoản trợ cấp nào, ông thầy giáo làng Năm Ái chỉ nhận một khoản học phí tượng trưng, học trò nghèo thường được miễn phí. Người coi học trò như con cháu ruột thịt và dạy chúng với tất cả tâm hồn, nhiệt huyết, thể hiện rõ nét “tình nghĩa giáo khoa thư” vì cuộc đời ông có thể nói là cả một quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư thu gọn.

Đó là một ông thầy mẫu mực trong cách đối nhân xử thế chẳng những “dĩ ngôn vi giáo” mà còn “dĩ thân vi giáo”. Ba tôi thể hiện tình làng nghĩa xóm qua việc giùm giúp bà con chòm xóm viết/làm đơn xin phép chánh quyền sở tại trong các dịp quan, hôn, tang, tế, v.v… mà không đòi hỏi bất cứ khoản thù lao nào. Đặc biệt Ba tôi cương quyết từ chối thảo các đơn từ kiện tụng của người nầy nhằm thưa gởi làm hại người khác.

Những lúc tôi chơi vơi, lạc lõng như thuyền không lái, như ngựa không cương, Ba tôi đã giúp tôi xác định phương hướng cho đời mình. Lúc được hỏi nên chọn Văn Khoa, Sư Phạm hay Luật Khoa khi vào Đại học, Ba tôi trả lời không chút do dự: “Con nên học Sư Phạm tuy có nghèo nhưng đó là nghề chân chánh, còn ngành Luật dễ khiến cho con người đổi trắng thay đen”. Sau nầy qua sách vở và kinh nghiệm bản thân, tôi mới biết nghề nào cũng cao quý, bởi vì “Chỉ có người dở chớ không có nghề hèn”. Chắc chắn trong thâm tâm Ba tôi không muốn tôi – viên ngọc quý của ông bị bất cứ tì vết nào.

Ba tôi là người thấu hiểu tâm trạng và nỗi khổ của tôi hơn ai hết, nên đã can thiệp đúng lúc. Tháng Tư đen 1975 cũng là năm tôi bước vào ba mươi mốt tuổi, sóng gió ập đến gia đình tôi. Công danh vừa mới lóe lên như ánh chớp liền bị tắt lịm. “Nước trôi sự nghiệp, hoa tàn công danh”, tôi như người mất hồn, lơ láo trong cuộc-đổi-đời-vàng-thau-đen-trắng-nhục-vinh. Rồi những tháng ngày buồn nối tiếp nhau, tôi như một người bất đắc chí, nhụt cả ý chí, niềm tin và nghị lực. Bạn bè người vượt biển, kẻ băng rừng, kẻ lang thang làm người thất tình, thất nghiệp.

Chỉ còn Thanh Quang và tôi rong chơi với những chuỗi ngày vô vị, mượn thơ và rượu giãi cơn sầu. Mặc dầu Thanh Quang (Lê Quang Nghĩa) nhỏ hơn tôi năm tuổi nhưng chúng tôi mãi mãi là đôi bạn “tri âm” với biết bao kỷ niệm đong đầy khi còn giảng dạy ở Đại học Cần Thơ, cùng “mắc cạn” trong nghịch cảnh không lối thoát: Cùng “đăng ký” xuất cảnh không được chấp thuận, cùng đợi chờ trong vô vọng, kẻ trước người sau đã vượt biển tìm tự do và cùng tới trại tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai Á.

Thanh Quang có số may mắn hơn tôi nên đã được đài BBC (Anh Quốc) tuyển dụng khi vừa tới trại tị nạn một tháng. Sau hơn mười năm làm việc cho đài BBC, anh đã xin chuyển qua Hoa Kỳ làm biên tập viên cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ đó cho đến khi về hưu. Còn tôi lại tiếp tục bị “mắc cạn” trên đảo.

Mặc dầu chuyến vượt biển xuất phát từ Cần Thơ vào mùa Giáng sinh 1987 tương đối thành công, nhưng gia đình sáu người chúng tôi phải nằm chờ ở trại tị nạn một thời gian dài. Mãi đến Tháng Ba 1989, gia đình tôi mới được định cư ở Canada. Thật ra gia đình tôi có “duyên” đến định cư ở xứ “đất lạnh tình nồng” nầy bởi một người em vợ đã bỏ nhiều công sức và thời gian chạy lo việc bảo lãnh từ lúc chúng tôi còn ở Việt Nam. Xin cám ơn em thật nhiều!

Lúc còn bị “chết đuối người trên cạn” tại Việt Nam, hai đứa chúng tôi cứ chiều chiều thường lân la các quán cóc ở hè phố Cần Thơ để “dụng tửu phá thành sầu”. Đôi khi tôi nổi hứng ngâm nga mấy câu thơ trong hơi men chếnh choáng:

Năm tháng trôi qua, năm tháng hết

Bạn bè “đi” hết có còn ai

Ngược xuôi, xuôi ngược nào ai biết

Ta hãy vui cho trọn phút nầy!

Vấn đề “đi” hay “ở” được vợ chồng tôi đem ra bàn bạc, tranh cãi. Đôi khi quyết liệt đến nỗi cơm không lành canh không ngọt, cơ hồ hạnh phúc gia đình mà chúng tôi hằng nâng niu trân quý suýt bị tan vỡ. Có lúc tôi hiểu lầm và đổ thừa tại gia đình bên vợ “tác động” vấn đề “đi-ở” khiến “chiến tranh lạnh” diễn ra trong gia đình tôi. Rồi cả đến thông gia cũng phải bất hòa!

Người có lỗi và tự ái tràn trề, quá ư cố chấp là tôi. Ba tôi đã dỗ dành và ân cần khuyên dạy tôi với cương vị một người bạn không hơn không kém: “Nếu con muốn bảo vệ được hạnh phúc gia đình thì phải xin lỗi và dỗ ngọt vợ con”. Cung kính không bằng vâng lời, tôi đã bảo vệ được hạnh phúc gia đình trong tầm tay vì bản chất vợ tôi thích nghe những lời ngọt ngào hơn là cay đắng. Và chúng tôi tin chắc rằng hạnh phúc gia đình của chúng tôi sẽ luôn được bền vững cho tới ngày xuôi tay nhắm mắt.

Minh họa: Pixabay

Bây giờ Ba tôi không còn nữa. Người đã ra đi vào cõi vĩnh hằng để lại biết bao niềm thương, nỗi nhớ và biết bao kỷ niệm cho những người thân yêu. Tôi ân hận vì chưa báo đền công đức sanh thành dưỡng dục một cách trọn vẹn như những tấm gương hiếu tử trong sử sách. Tôi càng thấm thía tư tưởng người xưa “Tử dục dưỡng nhi thân bất đãi” (Con muốn nuôi mà cha mẹ không chờ được).

Nước chảy xuôi chớ không bao giờ chảy ngược. Cho nên ta phải gấp rút trả hiếu, thi đua báo hiếu. Bởi vì: “Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi tình cha thương con là “CHO” chớ không phải “CHO VAY” để có thể gọi là trả đủ” (Võ Hồng).

Ở Bắc Mỹ vào tháng Sáu, tháng có một ngày Lễ của những người Cha. Riêng ở Việt Nam, ngoài ngày dành riêng cho Mẹ – ngày đại lễ Vu Lan Rằm tháng Bảy, chưa có một ngày nào dành riêng cho Cha. Đó là một sự thiếu sót, một sự bất công. Bởi vì Nghĩa Mẹ bao la trời biển bao nhiêu thì Công Cha cũng ngất trời sông núi bấy nhiêu!

Tôi tạm mượn những dòng sau đây để thay lời kết bài viết về người cha kính yêu của mình.

Ba tôi không “vĩ đại như một con khủng long thời tiền sử, một ngôi đền cao vời vợi” mà Trần Quang Hải đã hết lời ca ngợi cha mình – tức Giáo sư Trần Văn Khê. Ba tôi chỉ là một người cha bình thường với cả chuỗi dài thất bại, nhiều nỗi đắng cay. Nhưng trong thế bi kịch của cuộc đời, Người không cam tâm chịu đầu hàng, chấp nhận thua cuộc, mà trái lại đã giúp ích cho đời trong khả năng sở đắc của mình. Có thể nói Ba tôi mãi mãi là niềm tự hào của tôi, vì Người vừa là ông thầy nghiêm khắc, vừa là người cha nhân từ, vừa là người bạn đáng tin cậy luôn có mặt vào những phút quan trọng nhứt của cuộc đời tôi.

Và hơn ai hết, tôi càng thấm thía câu ca dao cũ: “CÒN CHA GÓT ĐỎ NHƯ SON…”.

__________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: