Ký ức tuổi nhỏ của tôi gắn liền với cái hàng ba. Khi tôi ra đời, cái hàng ba đã ở đó rồi. Bây giờ chắc không ai biết “cái hàng ba” là gì?
Mẹ tôi nói cái hàng ba của nhà ngoại còn ra đời trước mẹ. Khi xây nhà mẹ đã bê nguyên cái hàng ba nhà ngoại vào Sài Gòn, ở Ngã tư Bảy Hiền. Rồi mấy chục năm tuổi thơ, tôi chưa bao giờ rời cái hàng ba đó một ngày, không loanh quanh, luẩn quẩn ở hàng ba nhà mẹ, thì cũng loay hoay trở về với cái hàng ba ở nhà ngoại.
Cái hàng ba là khoảng hiên trước nhà, dài bằng hết chiều dài ngôi nhà, nhưng chỉ rộng có 4-5 thước, hai bên là hai hàng cột và được ngăn với nhà hàng xóm bằng cái bông gió, hoặc chỉ là mấy hàng lan can chạy dọc có đúc sắt bên trong, bên ngoài bọc xi măng. Trên lan can bông gió là một cái bệ, cũng xây bằng xi măng, có lát gạch bông Đời Tân kiểu cổ, rất bền theo thời gian.
Lan can bên hàng ba ngăn cách với nhà hàng xóm chỉ lấy lệ bằng hàng hàng rào mồng tơi mà hai nhà vẫn chia nhau lặt lá nấu canh tôm tươi. Bên hàng rào nhà tôi trồng cây mận trắng, bên kia hàng xóm trồng cây mận hồng hây hây như má con gái. Mỗi trưa hè, tụi con nít hai bên nhà hái cả rổ mận trắng lẫn hồng rồi ngồi trên hàng ba chia cho nhau ăn.
Trên hàng ba này tôi đã có rất nhiều kỷ niệm buồn vui của thời tuổi nhỏ. Là buổi trưa mẹ trải chiếu dưới táng mận ngồi nhổ tóc sâu cho bà. Là gặp buổi trăng rằm sáng rõ, mấy chị em nằm chong mắt tìm bóng chú cuội ngồi dưới gốc cây đa.
Trên hàng ba này còn là nơi tôi nằm ngửa mặt nhìn trời, hai chân đung đưa thả xuống lan can gạch, mải mê hàng giờ nhìn những đám mây, vì trên đám mây có khuôn mặt người mình thương. Đám mây của ngày xưa luôn thay hình, đổi dạng, nhưng lúc nào cũng mang khuôn mặt của những người mình thương.
Đó là khuôn mặt của những người vẫn còn một bên, như là mẹ, là ba, là anh chị hai, là chị Tư trợn, chị Ba Vàng , hay bà Ba còng vú em, những người mà mỗi ngày mình luôn nhìn thấy mặt, rất đỗi bình thường, nhưng bỗng hiện lên trong đám mây sáng rỡ, hiền lành và rõ ràng từng đường nét.
Có khi đó là những khuôn mặt của người đã đi xa rồi, nhưng chợt hiện lên, không rõ mồn một, mà mềm mại và dịu dàng, vì những đường nét bị xóa mờ bởi ánh sáng, bởi tia nắng, bởi làn gió, và bởi vì mình nhung nhớ. Đó là khuôn mặt của bà ngoại, của ông ngoại, của cậu út, của cậu ba, của những người không bao giờ còn về nữa. Nhưng mỗi ngày lại hiện ra trong đám mây.
Những thời khắc đó, nằm trên hàng ba, ngửa mặt nhìn trời, hai chân lơn tơn, thõng xuống, đung đưa giữa hàng lan can bằng gạch, là những thời khắc, mê mẫn, ngọt ngào nhất của tuổi thơ.
Sau này, mẹ tôi dời nhà, rồi bán nhà, xây nhà mới mấy lần, những căn nhà dần về sau không còn lưu giữ kiến trúc của thập niên 50 – 60 nữa, càng ngày càng cầu kỳ và hiện đại. Cái hàng ba vì thế mà biến mất, chốn thiêng liêng tụ tập và hàn huyên với hàng xóm cũng không còn, vì người ta không còn nhu cầu nói chuyện với nhau qua cái hàng ba.
Nhưng cái hàng ba không mất đi trong ký ức của tôi. Trong nỗi nhớ nhà, cái hàng ba vẫn luôn ở đó, hiện lên rõ mồn một. Ký ức như một cuốn phim màu sắc tươi nguyên, quay cận cảnh, thật chậm rãi, từ hai cây cột cái tròn màu trắng, đến hàng lan can chấn song, nhìn qua hàng rào kẽm gai lưa thưa cho có lệ ngăn với nhà hàng xóm, và sau đó là cái bệ xi măng lát gạch bông rêu phong cũ mòn quen thuộc, và rồi, ký ức lại trải mình ra trên cái bệ mát rượi lất phất gió trưa hè có mùi hoa mận thơm ngòn ngọt rưng rức ấy, lại ngửa mặt nhìn vào trời xanh, màu xanh trong vắt của ngày xưa, và rồi ùa về, đầy trời, những đám mây bông xốp màu trắng tinh của bông gòn. Trên đó, mang đầy những khuôn mặt người mình thương!