Có người chỉ nghĩ về, nhớ về kỷ niệm trong đời khi tham gia vào sự kiện nào đó đủ lâu, đủ ngấm. Tôi cũng muốn vậy, nhưng không được! Tôi theo nhân sinh quan của mẹ tôi. Mẹ tôi dạy:” Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời.”
Bạn bè tôi vẫn nghĩ từ năm 2008 đến năm 2014, tôi đi “du lịch” qua năm nhà tù cả ngoài Bắc trong Nam là lần đi “du lịch” lần đầu và duy nhất. Thực ra đó là lần thứ 2. Lần đi đầu tiên của tôi vào năm 1989 (khi mẹ tôi đã mất được một năm). Lần ấy, bề ngoài tôi chỉ là vượt biên vì kinh tế, dù lảng vảng trong đầu có gợi ra lý do vì chính trị.
Hôm nay, xin kể chuyện đi tù lần thứ nhất của tôi do định làm thuyền nhân mà người Việt hải ngoại dùng từ “boat people.” Trước tiên, phải tả qua bối cảnh.
Sau khi kết thúc nội chiến, thống nhất đất nước, vì đói khổ và ít lý do khác, phong trào vượt biên ở Miền Nam lan ra Miền Bắc. Ở Miền Bắc, hai tỉnh có nhiều người vượt biên bằng thuyền nhất là Hải Phòng và Quảng Ninh. Dân Hải Phòng, Quảng Ninh vừa thức thời vừa giáp biển và hải trình đến Hồng Kông cũng ngắn, đi bằng thuyền gỗ không gắn mày chỉ trên dưới 10 ngày, đi bằng thuyền gắn máy chỉ bốn, năm ngày.
Một yếu tố khác khuyến khích người Việt Nam bỏ đất nước đông hơn là được truyền thông và dân Trung Quốc sống ven biển các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, đảo Hải Nam giúp đỡ. Trung Quốc mới “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979.
Dân Trung không ưa chính quyền Việt Nam ngã về Nga -Xô. Họ giúp người Việt vượt biên cho người Việt vượt biên gạo, thực phẩm, nước uống… khi thuyền của dân Việt đi tị nạn gặp trục trặc, ghé vào bờ.
Mỗi chiếu tối, vào giờ vàng, chương trình phát thanh của đài Trung Quốc bằng tiếng Việt dành một thời lượng đưa các file ghi âm trực tiếp lời nhắn của người vượt biên lên sóng:”Mẹ ơi, bố ơi, ơi, ơi … con đã đến X, Y… Trung Quốc,” khiến nhiều người dân bắt sóng mở “đài địch” hóng chờ.
Không chỉ dân thường làm Boat People mà bộ đội, công an, cán bộ công nhân viên chức nhà nước cũng đi. Vịnh Bắc Bộ mùa Hè và Thu thường nổi dông bão, mùa Xuân thường gió mùa Đông- Bắc. Trời Phật không phù hộ độ trì thì chết trên biển, hoặc bị bắt, Trời Phật cho thì đến nơi. Người đi nhiều, người chết biển cũng nhiều.
Có thể nhiều người Hải Phòng tầm tuổi tôi còn nhớ chuyện thuyền viên cả tàu viễn dương Hoa Phượng Đỏ của công ty Haiphong Ship cướp tàu vượt biên đến Hồng Kông.
Chuyến ấy tàu chạy không tải vào cảng Sài Gòn nhận hàng. Trên tàu có nhiều đàn ông, đàn bà, cô, cậu là thương gia cỡ nhỏ “bám càng” vào Sài Gòn cất hàng ra Bắc. Khi tàu Hoa Phượng Đỏ cập cảng Hồng Kông an toàn, nửa số bà, cô khóc lóc đòi về; nửa còn lại mừng vì được đổi đời miễn phí…
Tôi không có cái cơ hội miễn phí kia. Càng đen đủi hơn tôi và cả nhóm (tôi nhớ khoảng bảy, tám cô cậu) vượt biên bị bắt. Người tổ chức giao hẹn đón chúng tôi tại một bến sông ở Cầu Xe, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, một địa điểm cách cửa biển khoảng 10 hải lý. Chúng tôi đến nơi hẹn trước cả giờ hẹn., vào 11 giờ đêm. Không thấy thuyền, chỉ thấy mặt sông hoang vắng. Không biết người tổ chức chuyến đi lừa gạt chúng tôi hay đã chạy đi vì nghi có động.
Chúng tôi đang đứng tần ngần trên bãi sông hoang vắng thì hàng chục ngọn đèn pin bật sảng xung quanh. Khoảng 20 thanh niên vận đồ dân thường xông đến. Họ vây lấy chúng tôi. Họ móc lựu đạn, dao găm trong túi ra và nói, nếu chúng tôi bỏ chạy họ sẽ ném theo. Họ lục túi chúng tôi lấy hết tiền USD và vàng, vì trong số người đi có nhiều người mang theo tiền đôla và vàng. Họ nói nếu chúng tôi ngoan ngoãn họ sẽ cho đi, chống lại họ báo công an. Thu hết tiền vàng xong họ bỏ đi thật. Khi bóng họ vừa khuất vào bóng tối thì công an ập đến.
Trong đêm chúng tôi bị dẫn giải vào giam tại một nhà kho nằm phía trong đê Cầu Xe trước khi bị thu hết giấy tờ của mọi người. Mấy năm sau có dịp đi qua tôi chụp được tấm hình nhà kho này.
Sáng hôm sau chúng tôi bị đưa về khu tạm giam tại trại giam Kim Chi của tỉnh Hải Dương. Họ tách chúng tôi ra, mỗi người một xà lim lẫn với các tù nhân mang tội danh khác. Xin được miễn kể về thời gian bị giam giữ trong địa ngục Kim Chi.
Sau này, được tự do, tình cờ gặp, hỏi chuyện một người trong nhóm vượt biên bất thành đêm ấy, tôi được biết tất cả họ được thả ra sau ba ngày bị xét hỏi. Họ thả ra vì dân vượt biên không có yếu tố chính trị bị bắt thời ấy đông như kiến, vả lại bấy giờ Nhà nước đang thiếu cơm nuôi tù.
Tôi không trong diện chỉ nhận một Lệnh tạm giữ 7 ngày.
Tôi là người cao tuổi nhất trong đám tù vượt biên. Họ nghi tôi, khéo léo xét hỏi để tôi nhận là người tổ chức cuộc vượt biên. Trời đất! Nếu tôi là người tổ chức sao tôi bị bỏ lại hoặc bị lừa! Tôi chân thật khai mình là công chức, có thêm viết văn, viết báo bằng tay trái, là hội viên của hội văn nghệ Hải Phòng. Viên cảnh sát điều tra hỏi lại: “Là nhà văn, nhà báo sao lại vượt biên?” Tôi cũng chân thành trả lời: “Nghèo quá!”
Hơn hai tháng sau họ trả tự do cho tôi. Về nhà, vợ tôi kể rằng trước đó, một người nhận là công an Hải Dương xuống gặp chính quyền địa phương và cơ quan công tác của tôi để sao chép hồ sơ về tôi. Anh ta yêu cầu vợ tôi chi ra một chỉ vàng, nếu không muốn chồng bị truy tố. Lại phải kêu TRỜI. Vợ tôi đâu có nổi một vảy vàng!
Rồi tôi được biết thêm có một người họ xa bên vợ tôi, làm cán bộ Viện Kiểm Sát tỉnh Hải Dương đã can thiệp để tôi được thả. Có thể anh vì tình, có thể vì tin tôi không phải là người tổ chức cuộc vượt biên.
Vì mẹ tôi được an táng tại nghĩa trang gần nhà mà mỗi lần ra thăm mộ mẹ, tôi lại đi qua ba ngôi mồ giả nằm cạnh nhau của ba mẹ con người địa phương chết cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng giờ trên biển vì thuyền bị đắm năm 1988.
Người mẹ sinh năm 1963, chết năm 1988. Thương hai cháu. Cháu thứ nhất sinh năm 1981, chết năm 1983, hưởng dương bảy năm, cháu thứ hai sinh năm 1983, hưởng dương năm năm.
Tôi trộm nghĩ: Tôi sẽ hòa nhập tốt cuộc sống Mỹ nếu trời đất, thần Phật phù hộ lần vượt biên ấy tôi đến được Mỹ. Và nữa, đã ở Mỹ tôi, vợ tôi, các con tôi, được tôi bảo lãnh qua, chắc không có khả năng trở thành “Việt kiều yêu nước.”