Lời Người Viết: Trong tuổi già tịch mịch xen lẫn phần rời rạc của cảnh cuối đời, cuối cuộc, người viết nhận ra rằng: Lục Bát (6/8) 14 chữ của người Việt; Hài Cú (5-7-5) 17 chữ của Người Nhật; hay 28 chữ xếp thành bốn câu của Đường Thi Trung Hoa…, tất cả chỉ cách xếp đặt những ngữ âm sao cho hợp với bản chất, tâm tình của mỗi người (làm thơ) thuộc các dân tộc khác nhau – Cốt làm sao viết cho đủ, nói được Nỗi Đau trong lòng.
Chỉ cần/có/đủ một yếu tố duy nhất Sự Chân Thật – Điều mà bản thân Victor Hugo (1802-1885) trong phần tự sự của một cuộc đời kiệt liệt cũng đã viết ra… “tôi có quyền nói ngay rằng đây là những câu thơ của một người chân thật, giản dị, nghiêm túc…”, Paris, 24 Tháng Mười Một 1831. Gần hai trăm năm sau cũng chỉ thấy ra vậy.
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả…
Người trước tìm không thấy
Kẻ sau chưa thấy về…
Trần Tử Ngang
(661-702)
1/Chuyện tháng Sáu…
11.
Bỗng dưng, chẳng nhớ “từ đâu” (*)
Mồng 8 Tháng 6, cố vào Bình Long
Trời ơi lửa dậy quá chừng
Thịt da nào chịu trùng trùng đạn bom?!
(*)8 Tháng Sáu 1972 tới Lai Khê, theo TĐ6ND vào An Lộc.
12.
Ngày ấy vỡ Trận Đồng Xoài (*)
11 Tháng 6, mưa sầm sập tuôn
Lửa, máu, bom, đạn chập chùng
Sấm sét chớp sáng mặt người chết non
(*)Trận Đồng Xoài (11 Tháng Sáu 1965): TĐ7ND 14 sĩ quan tử trận; TĐ52BĐQ; TĐ 2/7/SĐ5BB không tính.
13.
Nghĩ được gì giữa nghĩa trang
Lính chết, vợ trẻ đau dầm tiếng than
Biết được gì nơi nhà quàn
Người ơi… Cuối cuộc, tàn đời có/không?!
2/Nghĩ trong cảnh cuối cuộc…
21.
Thế nào người cũng “Đi/Về”
Đi/Về đâu đấy… Đến kỳ vậy thôi!
Vậy thôi… Giờ cũng tới rồi
Về/Đi – Thở hắt một hơi nhẹ hều.
22.
Cuối đời buộc phải thấy ra
Sống coi như thể một thôi đọa đày
Ờ hay ma/quỷ/trời/người
Cầm bằng qua đủ một trò “chó/mây” (1)
(1)Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) – Cung Oán Ngâm Khúc
23.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau (1)
Hàng xóm lạnh vắng, cửa nhà đóng im
Xa xa ngờ tiếng tàu bay
Nhớ xưa tan tác thất thần ra đi!
(1)Chiều chiều ra đứng ngõ sau – Ca dao người Việt xưa
24.
Ngày ngày nhìn quanh cảnh nhà
Ao bèo không có, bãi bờ khô hoang
Nào đâu dáng núi, quành sông
Trơ vơ cột điện, giăng giàn ăn-ten
Ở lâu chẳng quen gọi tên…
III. Ngày Xuân nơi Miền Nam
31.
Năm cô đi lấy chồng
Vừa qua mười-tám tuổi
Chồng chết Tết Mậu Thân (1)
Thảm thiết thành góa phụ
Chưa tới được hai-mươi!
(1)Tổng Công Kích-Tổng Nổi Dậy cộng sản nơi Miền Nam (1- 5/1968)
32.
Đêm Xuân máu, lệ đổ như suối
Giao Thừa “súng giải phóng” nổ vang
Tiến lên sống, chết từ “thơ bác” (1)
Vinh quang nào xây xác vạn Dân Nam? (2)
(1)Mật lệnh Tổng Công Kích-Tổng Nổi Dậy Mậu Thân nơi Miền Nam, với thơ HCM phát ra từ Hà Nội – Đêm 31 Tháng Giêng 1968.
(2)Tiến Quân Ca – Nhạc Văn Cao: “Đường vinh quang xây xác quân thù...” Ba Đình, Hà Nội, 2 Tháng Chín 1945.
33.
Mậu Thân chưa quên đêm kinh hoàng
Đầu trẻ chập thêm đoạn khăn tang
Cha chết Xuân-Hè nung đỏ lửa (1)
Nát thân di tản xuôi Nha Trang (2)
(1)Tổng Công Kích Xuân-Hè/Chiến Dịch Nguyễn Huệ (3-9/1972)
(2)Di tản Miền Trung – Chiến Dịch 275/CD HCM (10/3 – 30/4/1975)
34.
Nào hãy hát dẫu lời ca đứt khúc
Hãy hát to cho không tròn âm sắc
Hát lớn lên vọng dội cõi phương Nam
Khi lệ nóng tuôn tràn…
Lần ở Huế
Lá Cờ Vàng lên trước Phú Văn Lâu (1)
Giữa mưa Xuân đẫm máu oan hờn…
(1)Lễ Chào Cờ lần quân Nam tái chiếm Thành Phố Huế, 24 Tháng Hai 1968.
IV. Điệp khúc mùa Hè
41.
Dẫu cho đi hết sông cùng biển
Chẳng biết nơi đâu chốn trở về
Cuối cuộc, cuối ngày, nơi vắng vẻ
Cũng đành, thở hắt nỗi buồn thôi…
42.
Thoáng nghe ấm nước réo sôi
Tưởng chừng âm động thuở thời ấu thơ
Nguồn vui chùng xuống bất ngờ
Tội chưa… Thấp thoáng một lần ước mơ!
43.
Đêm khuya ra đứng bờ ao… (1)
Ao nhà nào có, lặng lờ chung cư
Thân cô chập bóng chạnh chùng
Nặng sầu phải “đủ sức buồn” cưu mang!
(1)Ca dao người Việt xưa
__________
20 Tháng Bảy 2023
Nơi đất Mỹ – Nhớ buổi nước cắt/nhà tan (20 Tháng Bảy 1954)