Sau khi tốt nghiệp trường Hành Chánh và sau gần một năm trời ở quân trường Đồng Đế về, bạn bè anh đã đi xa gần hết. Anh mang cái đầu húi cao, da cháy nắng đen xạm đi lạc lõng ở Sài Gòn hay ngồi từng ngày dài trong các quán cà phê, đợi ngày được ném đi vào một vùng xa xôi nào đó mà mình chưa được biết.
Nhớ lại thời gian ở Đồng Đế, những ngày đầu của một tháng huấn nhục, quân trường không thấy bóng ai đi bộ, di chuyển là chạy. Bị phạt thường thường là tập thể và xảy ra luôn luôn, ít nhất mỗi lần là 50 cái hít đất. Tối nào cảnh phạt dã chiến cũng diễn ra vừa khôi hài vừa mệt đứt hơi. Mỗi bữa ăn không được kéo dài quá năm phút, nghe tiếng hô “Đứng dậy!” là mọi người phải đi ra khỏi phòng ăn. Mất trật tự một chút là bị giải tán và kêu tập họp lại đến năm bẩy lần mới được tha. Sĩ quan cán bộ tha hồ sỉ vả, ai tỏ ra tự ái là bị phạt liền, nhiều lúc không có duyên cớ, vì khi huấn nhục, chủ thuyết nhân vị của ông cố vấn Ngô Đình Nhu phải để ngoài cổng trường.
Những cuộc di hành hàng tuần theo tốc độ, nếu về chậm là cả tiểu đoàn lại phải đi lại. Mỗi lần như thế, trông một số bạn đến thật thối chí, đường thì còn xa, có anh vác khẩu Garant M1, như gánh nặng ngàn cân, mặt chảy dài, lết những bước đi tưởng như không bao giờ về đến đích được. Chúng tôi thường đổi câu đầu của bài Lục Quân Việt Nam thành “Đường trường xa, con chó nó tha con mèo…”.
Có anh người cao ngòng nghèo, đeo súng đạn quanh người, lưng mang sac-à-dos nặng ba mươi ký nhiều lúc uốn éo trông thật tức cười. Có anh, lúc đứng ở thế nghiêm trong hàng, súng cao ngang đầu. Có anh, đã mệt còn bị sỉ vả đâm bừa, bị phạt trọng cấm hoài và phạt chung với các quân nhân phạm kỷ luật trong quân trấn. Trong số chúng tôi có nhiều người học hành cố gắng, gương mẫu, có anh có số điểm cao nhất đỗ đầu, nhưng để cho cân bằng với bên quân đội, thành đồng thủ khoa của khóa.
Không thể nào quên được trong cái lò luyện thép đó, anh và các bạn vốn là những thư sinh cùng với những người có cấp bậc trung sĩ được huấn luyện để trở thành sĩ quan hiện dịch. Dù sau này anh có được học thêm các lớp cao cấp hơn, anh vẫn nhớ những người bạn đó. Cả cuộc đời của họ đã gắn liền với quân ngũ, đã tham dự khắp chiến trường, từ những trận bình định trong miền trung châu sông Hồng đến những trận đánh thí người Hòa Bình. Cuối cùng lại được thả xuống cứu Điện Biên tuyệt vọng. Họ gan lì, hãnh diện với binh nghiệp, nhưng lại giầu tình đồng đội.
Cũng không thể nào quên được những ngày cùng họ vượt Hòn Khô, qua đèo Rù Rì hay băng qua những cánh đồng Diên Khánh. Những đêm tảo thanh dọc đường xe lửa, vừa đi vừa ngủ, vồ cả vào cây cối bên đường. Có những lần vượt suối mùa mưa, trôi luôn cả súng. Những buổi ngồi ở thao trường, nắng cháy rát bỏng áo trận.
Nhiều tối không được nghỉ, các đại đội phải luân phiên nhau đem cát, xi-măng và nước lên đỉnh Hòn Khô để đắp tượng một người lính đứng theo thế thao diễn nghỉ, cao gần hai chục thước để làm kỷ niệm của khóa cho quân trường. Những buổi sáng chạy bộ từ Đồng Đế đến Cầu Đá, rồi quay trở về, nếu hôm nào không may bị xếp vào hàng giữa thì hôm đó đến ngạt thở vì hơi người xông ra nồng nặc. Những buổi tối ngồi gác tại Ba Làng, nhìn trăng sáng long lanh trên mặt biển. Những buổi thao dượt tấn công, phản phục kích, vượt cầu dây, tuột núi, hay bò dưới hỏa lực ban đêm mà đạn bay vèo vèo thành những đường thẳng sáng lia lịa trên đầu.
Nhớ đến cả những buổi nghỉ phép cuối tuần, mặc quân phục dạo phố cứng ngắc, mặt cháy nắng đen xạm, đi lên đi xuống hàng chục lần dọc phố Độc Lập. Những buổi chiều tại các quán dọc bãi biển Nha Trang, ngồi ngắm biển xanh, nghe tiếng thùy dương và những đợt sóng xô vào bờ đều đều mà nghĩ đến một ngày nào mình được trở lại Sài Gòn.
Nghĩ đến những người bạn xưa lúc đó, sau này trở thành những “Cọp đầu rằn”, những “Trâu điên”, những “Lôi hổ”… tung hoành trên khắp các chiến địa một thời. Có người đã anh dũng nằm xuống từ lâu trong thung lũng Ashau, trong sình lầy Đồng Tháp, ở chốn địa đầu Tam Biên hay đã thất thế tàn lụi trên quê hương, nơi mà họ chiến đấu cho khỏi cảnh ngục tù thì nay đã trở thành ngục tù cho chính họ.
Cũng như mọi người, quân trường đã huấn luyện giúp anh và các bạn anh trong những ngày sắp tới, lòng tự tin, can trường, tôn trọng kỷ luật và nhất là tinh thần đồng đội. Với những câu châm ngôn “Tự Thắng Để Chỉ Huy”, cùng với “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm”, và những lời thề tại vũ đình trường ngày nào vẫn còn văng vẳng mãi đâu đây. Quân trường lại còn giúp cho cách làm việc chính xác, không như những lý thuyết cao siêu rối bời thu thập trong đời sinh viên tại đại học. Ngay như một cái lệnh hành quân mạch lạc: Ước lượng tình hình địch, tình hình bạn, ấn định mục tiêu, kế hoạch hành quân, phối hợp truyền tin, tiếp vận, nó như một cái mẫu để giúp mọi người làm những chuyện lớn chuyện nhỏ sau này.
Trong mục đích huấn luyện tối hậu của Tổng thống Diệm, anh và các bạn được chỉ định vào những chức vụ chỉ huy trung đội hay đại đội trưởng khóa sinh để sau này hi vọng có thể nắm vững tình thế tại địa phương. Một lần anh được cử làm tiểu đoàn trưởng, có dịp đứng trong vũ đình trường, trước ba quân hét lớn: “Tiểu đoàn theo lệnh tôi!”, để xuất quân khởi đầu một cuộc dạ hành đi bộ 60 cây số, suốt đêm. Theo tướng Đỗ Cao Trí, một người lính bộ binh giỏi là một người đi bộ giỏi.
Sau khi ra khỏi quân trường, anh và các bạn hầu hết được đưa về địa đầu, các quận miền Trung, Cao nguyên hay đồng bằng Cửu Long. Các bạn anh đều tham gia vào các cuộc hành quân lập ấp. It lâu sau, anh nghe tin Nguyễn Ngọc Vỵ thành quận trưởng tại một quận trong tỉnh Bình Định.
Nhiều lúc ngồi nhớ lại, tự nhiên một bài quân hành quen thuộc mà thường vừa hát vừa phải gào lên trong quân trường chợt vang đến anh:
Đường về Nha Trang nung chí người trai.
Một trời thép súng nở hoa tươi cười
Tập luyện ngày đêm luôn có anh tôi
Mưa nắng thao trường thấm bao mồ hôi
… …
Leo dây tử thần đùa với gió núi
Đu đưa giữa trời một đêm không trăng sao
Xung phong lên quyết chiến thắng gian lao
Chiến công rực rỡ trong nắng đào.
Tiếng quân hành của đại đội năm xưa đó, lẫn với nhịp đi và tiếng hô: “Hai, ba. To lên!” hòa cùng gió biển, từ một miền cát trắng, bên kia bờ đại dương… nay hẳn đã trở thành một âm ba huyền thoại của một thời chinh chiến đã xa?
Hơn tháng sau, anh xuống tỉnh Kiên Giang trình diện, mới biết nhiệm sở cuối cùng của mình là đảo Phú Quốc. Anh thản nhiên cầm sự vụ lệnh do ông Phó Tỉnh Trưởng, một người tốt nghiệp trước anh nhiều khóa trao cho. Ông ta như có vẻ ái ngại, an ủi một sinh viên mới ra trường:
– Em cứ ở tỉnh ít lâu cho quen, ngoài Tết hãy ra cũng được. Nếu cần gì thì cho “qua” biết.
Anh cám ơn ông và bước ra khỏi Tòa Hành Chánh. Khi vào trường, lúc nào cũng tưởng mình sẽ được ở Sài Gòn, cùng lắm là đi tỉnh. Nay tỉnh cũng không được mà quận lớn cũng không xong. Bây giờ lại là một hòn đảo, nghe cũng thấy là lạ…
Anh đi dọc theo kè đá, tự nhiên mùi hăng nồng của con lạch cửa biển và hình ảnh những con thuyền nằm bên nhau để chờ con nước ra khơi đã đưa đến cho anh những cảm giác lạ chưa từng có.
Tối đó, anh trở về khách sạn. Trong giấc mơ, tự nhiên anh thấy những hòn đảo xanh, những vùng biển lặng, thơ mộng như những truyện anh đã đọc. Anh thấy cả những cô gái mặc xiêm y sặc sỡ, mình trần, tóc xõa dài như trong các tranh vẽ của Gauguin hiện ra, mộc mạc và đa tình đang múa những vũ điệu của miền nhiệt đới trong tiếng trống bập bùng. Một lần nữa, anh tưởng như mình sẽ lại được sống một cuộc đời bồng bềnh như mây nước để đi tìm những thiên đường đã mất từ lâu…
Anh ở Rạch Giá gần tháng trời trong khách sạn Hải Thiên. Chiều chiều, lên sân thượng nhìn ra biển xa, để cố tưởng tượng đâu là Phú Quốc, nhưng chỉ thấy đảo Hòn Tre nằm phục ngoài xa như một con rùa bơi trên mặt nước và những cánh hải âu dập dờn trong gió…
Hàng ngày tiệm cơm tàu Đông Phát hay Hưng Phát gì đó cho người bưng cơm đến tận phòng. Anh nghĩ, sao có người đàn anh ở khóa trên lại lo cho đàn em một cách chu đáo đến thế. Nằm dài mà ăn cơm Tàu mãi cũng phát ngấy, trời lại gần Tết, anh bèn lấy cớ xin về Sài Gòn để sửa soạn thu xếp trước khi ra đảo. Biết lần này đi lâu lắm mới có ngày trở lại. Anh cùng một vài người bạn còn lại như sống vội, đến hết nơi này đến quán nọ như để tạm biệt. Đúng như truyện tình cải lương của anh lính chiến: “Ngày mai anh đã đi xa rồi, Thành Đô lưu luyến chắn bước chân tôi, trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi…”
*****
Phú Quốc là một hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan, gần Cam-Bốt hơn Việt Nam. Chiều dài 50 cây số, chiều ngang chỗ rộng nhất là 30 cây số. Trên máy bay nhìn xuống, anh thấy toàn một màu xanh. Màu xanh của biển cả và màu xanh của núi rừng. Hai cái màu xanh ấy được phân biệt bởi những đợt sóng bạc vỗ vào bờ. Tự nhiên, anh thấy tâm hồn mình lâng lâng, nhẹ nhàng như xa rời hẳn được những mệt mỏi của cảnh phồn hoa đô thị và như đang được đưa vào một cảnh hư ảo, hoang sơ.
Lúc anh đến đảo, tất cả các đường bộ đều bị cắt đứt. Các ấp còn lại toàn nằm sát ven biển và mọi sự giao thông đều phải dùng đường biển.
Đảo chỉ còn lại hai xã: xã Dương Đông nằm bên phía Tây gồm ba ấp Cửa Cạn, Dương Đông và Cây Dừa. Xã Hàm Ninh nằm bên phía Đông gồm hai ấp Bãi Bổn và Hàm Ninh. Còn một xã Dương Tơ nằm phía trong đảo, đã bị xóa tên từ mấy năm qua. Trong năm ấp còn lại, bốn ấp đã có hàng rào chiến lược, còn lại ấp Bãi Bổn nằm phía ven Đông Bắc chưa có.
Những ngày đầu anh chưa biết làm gì, ngày ngày ngồi ký hàng chồng các bản sao khai sinh, hôn thú, những chứng từ thị thực, những giấy phép xuất nhập đảo… Sau đó, anh được nhân viên quận đưa đi thăm mọi người và mọi nơi trong quận lỵ.
Anh sang xóm Cồn để ngửi mùi nồng thơm của biển và nhìn ngư dân ngồi vá lưới. Sang chợ cá để thấy cảnh ướt át, tấp nập chuyển cá lên bờ. Vào các hãng nước mắm Hồng Đại, Sáng Tươi, Huỳnh Thành Tựu… tự nhiên thấy mình nhỏ bé, đứng dưới những “nhà thùng” khổng lồ ủ nước mắm và được chủ nhân cho nếm nước mắm cốt để từ mấy chục năm qua, đôi khi được dùng như thuốc chữa bệnh. Đến xóm Quy Khu, thấy hàng dẫy nhà mới san sát do dân ở các vùng xôi đậu trở về lập cuộc đời mới.
Họ cũng không quên đưa anh lên thăm miếu Dinh Cậu ở cửa Dương Đông. Họ tin tưởng rằng, ai mới đến đảo, nhớ đến thắp nén hương trình diện sẽ được Cậu phù hộ che chở.
Chẳng bao lâu, anh quen gần hết mọi người. Ai lạ mặt từ đâu tới anh có thể nhận diện được ngay. Anh làm việc với họ như trong một đại gia đình. Ngày giỗ, ngày kỵ, đám cưới, đám hỏi, họ không quên anh. Ngày Rằm, anh được sư ông mời lên chùa lễ Phật và dùng cơm chay. Đầu tháng, anh đến Thánh thất Cao Đài dự cuộc hành lễ. Ngày lễ Thiên Chúa Giáo, lại thấy anh ngồi trong đám giáo dân nghe tiếng vị linh mục giảng lẫn với gió biển trong một thánh đường cổ rêu phong có lẽ đã được xây từ thế kỷ trước.
Có một hồi sự giao tế đã chiếm gần hết ngày giờ của anh. Sáng ra, ngồi hàng giờ ở quán Phù Ngọc Lục ăn hủ tíu, uống cà phê. Chiều đến, lên nhà mát Sơn Hải do Bảy Hiền, làm quản lý, ngồi nhậu các món biển nhúng dấm và nhìn mặt trời tròn đỏ ửng lặn dần xuống mặt biển. Có lúc lại ngồi trong nhà lồng chợ, ở quán Cù Đe tới khuya mới trở về quận.
Hình như dân chúng nơi xã, quận có một thói quen để dò tính người; sau đó mới tỏ thái độ để hợp tác làm việc. Họ thường kính nể, cởi mở và thành thật với những người “chịu chơi” với họ, nhất là trong vụ ăn nhậu.
Ngày trước, như một thư sinh, anh không uống nổi nửa ly bia mà khi ra làm việc ở đảo, anh dần dần cũng cố theo họ đi từng vòng uống đến chục ly cối, đắng cả miệng, nhưng anh cũng cố giữ để không bao giờ bị gục.
Nhiều lần, cố nể lời mấy chàng Địa Phương Quân hay Nghĩa Quân ngồi quanh một chậu rượu đế, họ pha thêm những thứ gì mà anh không được biết, uống đến xây xẩm mặt mày. Họ lại cố mời cho bằng được để cho pha thêm một ít giọt “huyết hổ mang”, cầm đũa gắp một miếng tiết canh rắn và ăn một miếng chả trăn mà lần hành quân trước mấy người lính gốc Miên đã bắt được trong rừng. Anh cố ăn ra vẻ ngon lành, nhưng lúc về, nghĩ lại vẫn còn thấy rờn rợn.
Chẳng bao lâu, anh từ một sinh viên mới ra trường, suốt đời sống ở thành thị, đã chịu được sự thử thách của người dân, của những người lính tiền đồn, anh đã nhập được vào với họ, và anh thành một dân “chịu chơi”. Chính anh, anh cũng đã vừa từ một lò luyện thép được tôi ra, nên anh cũng chẳng từ chối những nhiệm vụ cùng với họ trong các cuộc hành quân lập ấp mà chính phủ đã đặt chỉ tiêu cho đảo.
Phú Quốc lại gồm các ty, sở như một tỉnh nhỏ. Nhưng những công chức làm việc trên đảo thường coi như bị đi đầy. Họ đếm từng ngày một để chóng được trở về đất liền. Buồn nhất là nghe những người lính, bao nhiêu năm không được về lại đất liền, bao nhiêu năm không được trở về quê hương thăm cha mẹ, họ hàng thân thuộc. Những em nhỏ, nói đến Sài Gòn như nghe chuyện một giấc mơ, hay ở một thế giới khác, mà nghĩ rằng cả đời mình chắc khó có ngày đến đó được. Những cụ già từ xóm xa, khi đến quận gặp anh vẫn chắp tay vái và gọi anh bằng “Quan”. Dặn mấy ông cụ bao nhiêu lần là chỉ cần gọi bằng “ông”, nhưng vừa được câu trước, đến câu sau, các cụ lại quen miệng gọi là quan như thường. Đã sang đến thập niên 60 mà khi hỏi các cụ, ai là người đứng đầu nước Việt Nam bây giờ. Các cụ vẫn trả lời là “Vua Bảo Đại”.
Nhiều lúc anh ngồi nghĩ, trải qua bao nhiêu cuộc cách mạng, bao nhiêu cuộc chính biến ở thượng tầng, những làn sóng, những âm ba đó đã chẳng thay đổi được những tư tưởng ở chốn tận cùng này hay sao?
Anh muốn mang một chút sinh khí mới cho những sinh hoạt trên đảo. Anh hay hội họp với mọi người, khuyến khích tổ chức các sinh hoạt tập thể hay các buổi trình diễn văn nghệ công cộng, các ngày đi chơi ở những hòn đảo xa hay săn cá dưới biển…
Trong những buổi công chức học tập chính trị hàng tuần, nhiều lúc anh quên cả cái nhiệm vụ là phải nói cho họ nghe những chủ thuyết Nhân Vị, Cần Lao… Anh lại rẽ sang một ngã khác để họ tham gia bàn cãi những vấn đề khác thiết thực, những vấn đề căn bản chính trị và kinh tế, hay các mục thời sự quốc tế, quốc nội… Một ông công chức già, đến nhắc khéo anh là phải cẩn thận vì có tai mắt của đảng Cần Lao. Anh nghĩ mình cũng liều lĩnh và coi thường. Nhưng may, mấy đảng viên Cần Lao trên đảo cũng là dân chịu chơi nên họ cũng chẳng báo cáo về ông “Cố vấn” làm gì…
CÒN TIẾP
_____________