Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc (5)

Minh họa: Pixabay

Chẳng biết làm gì cho qua những ngày bão biển, anh vào trong kho lục trong đống văn khố xem có gì đáng đọc hay không. Anh mang ra từng chồng sách xuất bản từ Hà Nội đã tịch thu được trong cuộc hành quân trên vùng Bắc đảo năm trước. Những sách khảo cứu về Dược Thảo Việt Nam, chắc để cho du kích dùng mỗi khi thiếu thuốc bào chế. Những sách về Khảo Cổ, Lịch Sử và Văn Học viết theo quan điểm Marxism, mị giai cấp công nông, đọc không nổi.

Anh tìm được một quyển Địa Phương Chí của đảo, khiến anh nghiền ngẫm đến mấy ngày liền và là một cái cớ khởi đầu để anh có dịp đi gặp các cụ già trên đảo tìm hiểu thêm về các sử liệu, các dấu vết cổ xưa, kể cả các truyện truyền kỳ, huyền thoại.

Anh mở rộng tấm bản đồ với đầy đủ các hòn đảo của Việt Nam trong vịnh Thái Lan. Những cái tên nghe mường tượng như từ một thời cổ xưa lập địa với những Hòn Đồi Mồi, Hòn Kiến Vàng, Hòn Khoai, Hòn Thơm, Hòn Nước, Hòn Rùa, Hòn Tre, Hòn Nước, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Thổ Châu và Hòn Hải Tặc… mà nhiều hòn trong suốt thời gian ở đó anh không có dịp đặt chân đến.

Anh đọc tới những trang sau, những truyện có thật mà tưởng như truyền kỳ của một hòn đảo thường gọi là xứ của 99 ngọn núi, ý nói có nhiều núi lắm. Những chứng tích còn lại, như những bí mật của Chùa Sư Muôn. Những câu sấm của ông Đốc Phủ Chiêu với Chùa Cao Đài trên núi, mộ của những ông cố đạo ngoại quốc không hiểu từ đâu đến truyền giáo, có những cái tên lạ hoắc được chôn ở bãi biển sau quận từ thế kỷ trước mà những buổi chiều hè, lúc anh tắm biển xong thường ngồi nghỉ trên những tấm mộ xiêu đổ nhìn ra biển ngắm cảnh hoàng hôn.

Cái Giếng Tiên bên bờ sông Dương Đông nước mặn mà nước giếng vẫn ngọt. Có  những đền thờ Cá Ông rải rác trên đảo, nhưng khi anh có dịp đến thăm thì đã chẳng được ngư dân thờ phụng như trước nữa, chỉ còn chỏng chơ vài cái xương cá voi khổng lồ cũ kỹ…

Có một số trang sách liên quan đến sử liệu như thời của ông Nguyễn Ánh, Nguyễn Trung Trực và thời kỳ quân đội Nhật, Trung Hoa trong và sau Thế Chiến Thứ Hai trên đảo.

Nguyễn Trung Trực nổi lên chống Pháp, lúc thất thế phải chạy ra Phú Quốc, nương náu ở ấp Cửa Cạn. Cuối cùng ông vẫn bị truy lùng. Lúc quá quẫn, ông không thể đem theo được đứa con nhỏ, bèn treo con trên cây mong dân Cửa Cạn mang về nuôi giúp. Nhưng không biết dân ở đó không tìm ra hay đã làm lơ để đứa trẻ đó chết. Do đó, dân chúng tin rằng oan hồn cứ vất vưởng ở ấp làm đàn bà ở Cửa Cạn sanh nở khó khăn và trẻ sơ sinh thường hay chết yểu. Anh muốn phá bỏ cái truyền thuyết độc ác đó, nên đề nghị với dân chúng sửa sang lại nhà hộ sinh và chuyển một cô đỡ hương thôn về và yêu cầu Chi Y Tế cung cấp thêm thuốc men cho ấp Cửa Cạn.

Có một thời kỳ lịch sử cận đại của đảo mà được rất ít người nhắc đến, đó là những ngày quân Nhật chiếm đóng trên đảo trong Thế Chiến Thứ Hai. Họ đã chở đến hàng trăm tù binh để lập một sân bay lớn ở Cửa Cạn, dùng nơi đó làm căn cứ Không Quân Chiến Lược tấn công Tân Gia Ba. Một số người trên đảo vẫn còn nhớ cái cảnh từng đoàn tù binh đói ăn, gầy guộc phá rừng, san đất dưới ánh lưỡi lê của bọn lính Nhật. Ngày ngày, máy bay lên xuống từng đoàn, bụi mù cả một vùng. Ngày Tân Gia Ba thất thủ, quân Nhật ăn mừng bắn súng vang cả đảo. Anh cố tìm một số chứng tích của thời Nhật, nhưng không có dịp vì đó là một vùng bất an, chỉ thỉnh thoảng còn gặp được một vài người nói được một ít câu tiếng Nhật nhờ thời gian làm thông ngôn cho họ.

Đảo Phú Quốc, một lần nữa lại phải để cho một sư đoàn tàn quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng đến tá túc, sau khi bị Hồng Quân của Mao Trạch Đông vượt qua sông Dương Tử tràn xuống phía Nam và đẩy họ qua biên giới Việt Nam, hình như vào khoảng những năm đầu của thập niên năm mươi. Chính quyền Pháp hồi đó không biết giải quyết ra sao, nên phải giải giới và tập trung họ trên đảo. Ít lâu sau, Tưởng Giới Thạch củng cố được lực lượng tại Đài Loan, và họ có dịp trở về. Một số nhỏ Quốc Quân không muốn hồi hương đã ở lại, lấy vợ Việt Nam và sinh cơ lập nghiệp trong các vườn tiêu trên đảo.

Có một điều, anh thấy rất ít tướng lãnh và ngay cả sĩ quan phục vụ trên đảo biết đến tính cách chiến lược của hòn đảo đã được dùng để khống chế vịnh Thái Lan trong Thế Chiến Thứ Hai, hoặc biết đến những hiểm địa của Nguyễn Trung Trực lúc kháng Pháp và của Nguyễn Ánh khi lánh nạn Tây Sơn, mà sau này ông đã dựng được nghiệp lớn. Có lẽ, vì thế mà Việt Cộng cứ đi lại tự do trên chín mươi phần trăm đất trên đảo, mà Quốc Gia chỉ có vỏn vẹn vài ấp sát ven biển.

Ít năm sau, anh có dịp đi du hành quan sát tại Đài Loan, tổ chức bởi trường Cao Đẳng Quốc Phòng Việt Nam mà anh theo học. Trên chuyến bay từ Đài Bắc ra đảo Kim Môn, Mã Tổ nằm sát ngay bờ biển Trung Hoa lục địa, lúc gần tới, anh thấy phi cơ phải bay gần sát mặt biển để tránh tầm máy dò radar của Trung Cộng. Một vị Đại Tá Trung Hoa, hướng dẫn phái đoàn, ngồi cạnh anh hỏi chuyện, anh làm những gì và ở đâu.

Anh có nhắc đến thời gian ở Phú Quốc. Ông ta mừng rỡ và nói ngay, ông ta đã ở trong đám Quốc Quân hồi đó. Ông kể rất rành mạch các địa danh trên đảo và có hỏi thăm anh về khu nghĩa trang của các Quốc Quân đã bỏ mình tại đó được chôn cất sát sân bay Dương Đông. Hồi anh ở đảo, thỉnh thoảng anh lại nhận được công điện yêu cầu tiếp phái đoàn Trung Hoa Quốc Gia đến chỉnh trang nghĩa địa và thăm viếng các chiến hữu của họ đã nằm xuống mấy chục năm về trước.

*****

Có một trang trong cuốn Địa Phương Chí nói đến tên bà Kim Giao. Anh không rõ sự liên hệ của gia đình bà với triều nhà Nguyễn ra sao, chỉ biết khi nhà Tây Sơn nổi lên chiếm miền trong và Nguyễn Ánh phải lánh nạn ở Phú Quốc, bà cũng đem theo gia nhân và năm mươi con trâu ra đảo, nghĩ đến việc khai phá và lập nghiệp lâu dài. Công cuộc của bà đã thất bại, không hiểu vì quân Tây Sơn đến đánh phá hay đất trên đảo không thích hợp cho sự trồng trọt. Ít lâu sau bà mất, gia nhân bỏ trốn dần về đất liền và đàn trâu xổng chuồng thành một lũ trâu rừng lang thang trên đảo.

Anh vội tìm cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, muốn đi ngược lại dòng thời gian để tìm một vài niên hiệu và những gì đã xảy ra trong thời bà còn sống trên đảo. Anh giở lại những trang sử nói về anh em nhà Tây Sơn và lúc Nguyễn Ánh lánh nạn, có những đoạn liên quan đến đảo như sau:

Tháng Ba năm Nhâm Dần (1782), vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, đem hơn một trăm chiếc thuyền vào cửa Cần Giờ đánh nhau với Nguyễn Vương ở Thất Kỳ Giang tức Ngã Bảy. Trận ấy quân Nguyễn Vương thua to có người Pháp tên là Mạn Hòe (Manuel) làm chủ một chiếc tàu phải đốt tàu mà chết. Nguyễn Vương phải bỏ thành Saigon về đất Tam Phụ (Ba Giồng) rồi ra lánh ở đảo Phú Quốc.

Lúc bấy giờ lương thực hết sạch, Nguyễn Vương cùng với người đi theo phải hái rau và tìm củ chuối mà ăn, thế lực cùng kiệt, thật là nguy nan quá. Nhân vì khi trước Nguyễn Vương có quen một người nước Pháp làm giám mục đạo Gia Tô, tên là Bá Đa Lộc, khi đó đang ở Thái Lan, ngài bèn sai người đến bàn việc. Ông Bá Đa Lộc nói nên sang cầu cứu nước Pháp, nhưng phải cho hoàng tử đi làm tin thì mới được.”

Năm 1784, sau khi thua ở Sài-Côn, Châu Văn Tiếp cùng Nguyễn Vương sang Thái Lan cầu cứu. “Vua Thái Lan tiếp đãi Nguyễn Vương rất hậu và sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân cùng ba trăm chiếc thuyền sang giúp. Quân Thái Lan lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thích, Sa Đéc. Khi đánh ở Mân Thích, Châu Văn Tiếp ỷ thế đi đến đâu quấy nhiễu dân sự đến đó, làm nhiều điều tàn ác cho nên lòng dân oán hận lắm.

Nguyễn Huệ vào đến Gia Định nhử quân Thái Lan đến gần Rạch Gầm và Xoài Mút ở phía trên Mỹ Tho, rồi đánh phá một trận, giết quân Thái Lan chỉ còn được vài ngàn người chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Nguyễn Huệ phá được quân Thái Lan rồi đem binh đuổi đánh Nguyễn Vương. Nguyễn Vương bấy giờ hết cả lương thực cùng với mấy người chạy về Trấn Giang, ra đảo Thổ Châu, đảo Cổ Cốt, rồi sang Xiêm La.”

Ít lâu sau, anh em nhà Tây Sơn bất hòa với nhau và ngày càng suy nhược. Ở các nơi, nhiều đảng lại theo về chúa Nguyễn, nổi lên đánh phá làm cho quân Tây Sơn giữ không nổi. Nguyễn Vương đang ở Thái Lan “được tin đất Gia Định có thể lấy được, Vương bèn để thư lại từ tạ vua Thái Lan, rồi nửa đêm đem Vương mẫu cùng cung quyến xuống thuyền về nước. Bấy giờ là tháng Bảy năm Đinh Tỵ 1787. Nguyễn Vương đi qua đảo Cổ Cốt, có người nhà Thanh tên là Hà Hỉ Văn thuộc Thiên Địa Hội đem mấy người đến xin theo giúp. Vương về đến Hà Tiên, cho người đưa Vương Mẫu và cung quyến ra Phú Quốc, rồi cùng mọi người về đóng ở Long Xuyên”.

Hai năm sau, 1789, Nguyễn Vương lấy lại được toàn đất Gia Định và 13 năm sau, năm 1802, Nguyễn Vương thống nhất sơn hà và lập nên triều Nguyễn.

Anh gập cuốn sử lại, nghĩ đến những thời gian nguy khốn của Nguyễn Ánh, nghĩ đến những ngày long đong trên biển chơi trò đuổi bắt với Nguyễn Huệ. Anh lại nhớ đến những truyện truyền kỳ về Nguyễn Ánh được cá voi giữ thuyền cho khỏi đắm trong cơn giông bão, nhớ đến những con cá họ đem bày bán ở chợ, trên lưng có dấu năm đầu ngón tay. Hỏi mấy ông cụ già thì được biết, khi thuyền Nguyễn Ánh trôi trên biển, hết lương thực, đói quá, có đàn cá bơi lại hiến mình và Nguyễn Ánh đã cầm lấy để ăn. Sau này, Nguyễn Ánh lập xong nghiệp lớn và những con cá đó đã được mang trên mình dấu tay của một chân mạng đế vương.

Nhưng có một hình ảnh mà anh đã hình dung ra và đã theo anh mãi trong những ngày ở trên đảo và cả sau này nữa, đó là đàn trâu của bà Kim Giao. Tính ra những con trâu này đã được mang ra đảo vào khoảng hơn 200 năm trước, hiền lành chỉ biết cần cù, gia sức cầy bừa, nhưng sau này con cháu của chúng lại trở thành một lũ trâu rừng lang thang…

Anh có dịp nói chuyện với một số dân trong rẫy, ngoài vòng ấp chiến lược, họ cho biết đàn trâu chỉ còn lại hai con. Năm trước một con đã bị bắn chết. Nghe đến đó tự nhiên anh thấy buồn rầu như đã đánh mất một vật gì quí báu mà không thể nào tìm lại được.

Anh tưởng tượng ra rằng hai con trâu cuối cùng đó chắc đã có một thời được sống trong một đàn. Có những ngày thong dong gặm cỏ trên những ngọn đồi xanh. Có những trưa đằm mình dưới nước trong vùng “Vũng Trâu Nằm” trên vùng Bắc đảo. Có những đêm nằm kề nhau nhai lại cỏ dưới ánh trăng hay bên dòng suối. Có những đêm mưa lạnh nằm chúi vào nhau dưới những tàng cây hay cả những lần chạy thục mạng vì bị các tay súng săn rượt đuổi.

Hai con trâu đó có thể đã chứng kiến bao nhiêu cảnh mất dần của một đàn. Thỉnh thoảng, có những người lính gặp chúng đuổi theo bắn, chúng thường giơ sừng ra đỡ khiến sừng con nào cũng chỉ còn trơ một nửa và lỗ chỗ những vết đạn. Hai con trâu còn lại chắc đã không có nhiều ngày thong dong trên đồng cỏ, không còn những ngày yên ổn nằm bên dòng suối mà chắc đã có nhiều ngày lang thang trốn lủi trong các rừng cây.

Bây giờ một con đã bị bắn chết, còn một con lủi thủi cô độc, trong một vùng hoang đảo mênh mông. Anh không muốn tưởng tượng ra thêm nữa về tình cảnh của một con trâu rừng cuối cùng trên đảo. Nhưng như thế cũng đủ làm cho lòng dạ anh bồn chồn, lo lắng về số phận của nó. Anh đã nghĩ đó là một hình ảnh, một huyền thoại cuối cùng của hòn đảo, của một thiên đường đã mất mà anh đang sống, mà anh đang đi tìm từ ngày đến đảo. Nhưng sao anh thấy cái huyền thoại đó quá mong manh và không hiểu nó sẽ kết thúc vào lúc nào và như thế nào; mặc dầu anh đã cẩn thận dặn dò các người lính và dân trên đảo là không nên săn đuổi con trâu nữa…

*****

Có một lúc, anh có cảm tưởng như cả hai bên, lính quốc gia và du kích cộng sản trên đảo muốn quên hẳn cả cái việc là phải đánh phá lẫn nhau. Họ cứ lừ lừ, mặc nhiên chung sống hoà bình để yên hưởng cái cảnh tự do mênh mông của biển cả và của núi rừng. Lâu lắm không nghe thấy một tiếng súng từ trong núi bắn vào các ấp. Cũng lâu lắm không thấy lính đi mở các cuộc hành quân. Sự yên bình đã như đưa hòn đảo trở lại một thời hoang sơ nào đó, xa hẳn cái thế giới đầy cảnh hỗn loạn, bất an bên ngoài.

Nhưng thời gian này đã chẳng kéo dài được bao lâu, khi mà những bản báo cáo hàng tháng về các hoạt động quân sự gửi về Tiểu khu không có gì hấp dẫn. Phía bên kia chắc cũng vậy, Tỉnh Ủy cũng đã chán đọc những phúc trình trống trơn, chẳng có sự quấy phá nào cả. Cả hai bên lúc đó chẳng còn có thể ngồi yên mà ngắm biển, ngắm rừng được nữa. Lính quốc gia phải bỏ những ngày lai rai họp nhau ngồi nhậu trong quán, phải bỏ những buổi ôm con nằm trên võng, mơ màng hát ầu ơ trong trại gia binh. Còn du kích cũng không còn dịp ngồi hơ tay trên đống lửa chờ khoai mì nướng chín trong một xó núi nào đó. Tất cả đã bị buộc chặt vào một guồng máy, và tất cả đều bị cuốn theo không thể cưỡng lại được. Cũng không thể  ngưng lại được, nếu không theo chắc rồi cũng bị nghiến nát.

Bắt đầu dường như bị cấp trên khiển trách ăn không ngồi rồi, cả hai bên đều mò ra làm bộ đánh nhau cho có lệ. Tối nào, mọi người cũng chẳng cần phải đợi lâu để được nghe mấy loạt súng bắn bâng quơ vào nhau, vọng từ hai bên bờ sông Dương Đông, ngả ngoài phi trường như báo cho biết họ đã làm xong cái nhiệm vụ cuối cùng của một ngày và mọi người có thể đi ngủ yên mà không bị ai phá giấc nữa.

Trò chơi này hình như cũng không qua mặt cấp trên lâu được, hay có lẽ lúc đầu đánh nhau chơi sau thành đánh nhau thật. Một lần, một viên đạn bâng quơ đâu đó đã trúng vào đầu và làm thiệt mạng một anh nghĩa quân, đang ngồi ăn bữa cơm tối do vợ đưa đến đồn canh mà chắc anh ta không nghĩ rằng đó là bữa cơm cuối cùng vợ anh đem đến. Nhìn máu anh chảy loang vào chén cơm đổ trên sàn xi măng, mọi người đều xót xa, tức giận.

Vài tuần sau, tình báo chi khu khám phá được một chòi thám thính của Việt Cộng ngay ở sườn núi đầu phi trường, bèn mở cuộc phục kích, một tên chạy thoát, một tên bị bắt sống. Hôm đó, anh cùng Quận Thanh và Đại Úy Hùng đi ở toán sau, lúc tới nơi được báo cáo tên Việt cộng rất lì lợm, không khai thác được, cố vùng thoát và cuối cùng đã bị bắn hạ. Trên đường trở về quận, Thạch Sinh, Hạ sĩ thám báo nói với anh:

– Thế nào tụi nó cũng đến lấy xác về, em đã gài bẫy lựu đạn xung quanh và thêm một quả mở chốt đặt ngay dưới bụng.

Tối hôm đó, anh cùng mấy người ngồi uống la-de với cá khô thiều trên lầu quận, đợi tiếng nổ từ trong núi vọng ra để chơi nốt cái trò chơi của chiến tranh.

Hai bên đã bắt đầu vào một cuộc chơi thật. Hai Cu, Ủy Viên An Ninh của Hội Đồng Xã Dương Đông bị tử thương vì một trái lựu đạn từ đâu liệng vào quán nổ tung, trong khi cùng ngồi với mấy người bạn uống cà phê. Mấy đêm sau, đang nằm ngủ anh giật mình tỉnh dậy, nghe giọng Thiếu Úy Bình từ đồn Hàm Ninh qua máy âm thoại báo cho biết đồn đang bị tấn công. Mười phút sau, Thiếu Úy Bình kêu lại, mất bình tĩnh, giọng la hoảng vì bị hỏa lực của địch quá mạnh, quên mất cả dùng mật mã:

-Đại Úy! Đại Úy! Tụi nó bắn rát quá, không ra được. Chắc đồn mất đêm nay quá. Đại Úy điện xin máy bay ra dội bom yểm trợ hộ. Chắc chết đêm nay mất Đại Úy ơi!

Nghe giọng Thiếu Úy Bình, anh nhớ đến cái đồn nhỏ đó, cô lập như miếng mồi ngon, không nơi tiếp cứu, lúc bị đánh rất dễ mất tinh thần. Hồi lâu, Thiếu Úy Bình vẫn cố bám vào máy kêu cứu, khiến Đại Úy Hùng nổi quạu:

-Thế này thì đánh đấm cái con mẹ gì! Ra ngoài mà chỉ huy lính đi chứ, cứ ngồi đó mà lải nhải thì đồn mất là cái chắc!

Anh lại nghe Đại Úy Hùng quát lớn:

-Đánh bỏ mẹ chúng nó đi, chúng nó đâu có bao nhiêu! Để tôi gọi An Thới đem chiến hạm đến!

Nói xong, Đại Úy Hùng tắt máy, làu nhàu:

-Từ ngày ông đi lính đóng đồn có thấy cái máy bay nào nó đến tiếp cứu đâu. Đã ở đảo mà còn ham, sao nó ngu thế!

Rồi ông quay sang liên lạc với Duyên khu 4 An Thới xem có chiến hạm nào gần đó đến bắn cho mấy vài phát yểm trợ tinh thần. Duyên khu 4 trả lời sẽ liên lạc với hạm đội. Anh lại nghe thấy tiếng Đại Úy Hùng:

-Chờ liên lạc được thì đồn mất mẹ nó rồi còn gì!

Gần sáng, mọi người hồi hộp gọi lại Hàm Ninh, thì may quá đồn không mất!

CÒN TIẾP

_____________

Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: