Đọc lại Kim Dung, cũng chẳng vui sao?

Kim Dung là một trong rất hiếm vài nhà văn, mà con số người đọc chẳng những mỗi ngày không giảm đi, lại cứ tăng dần lên. Nhiều tác giả, học giả đã viết về Kim Dung, luận về Kim Dung…

Minh họa: Unsplash

Tôi là người thích đọc Kim Dung từ thời niên thiếu. Cũng đã dăm lần viết về Kim Dung. Những bài tôi viết về Kim Dung, được bạn đọc và bạn hữu yêu thích, khuyến khích tôi nên viết một cuốn chuyên luận về Kim Dung. Tôi có hứa sẽ viết về “những mối tình trong các tác phẩm Kim Dung”. Có người hỏi, tại sao lại chọn “chuyên đề” là “những mối tình…” mà không phải một chủ đề khác? Xin có đôi lời bày giải như sau:

Trong các tiểu thuyết của Kim tiên sinh, dù cốt lõi là lịch sử, là những ngụ ngôn chính trị, là triết lý nhân sinh quan của Kim tiên sinh về thời đại và thời cuộc vân vân. Nhưng, tất cả mọi thứ kể trên, đều đã được lồng vào hoặc xen vào bởi những mối tình, của những nhân vật vừa hư cấu, vừa lịch sử của ông. Có thể, chủ tâm của Kim Dung viết như vậy để câu chuyện thêm phần lâm li ái ố dễ lôi cuốn người đọc chăng?

Nhưng theo tôi, Kim tiên sinh còn một thâm ý uyên áo khác, là mọi chuyện trong cuộc đời, dù quốc gia đại sự hay thường tình tiểu sự, đều chẳng có chuyện chi không vướng víu đến chuyện giữa đàn ông với đàn bà, giữa trai với gái, giữa giống đực với giống cái… Tức là, “nhất âm, nhất dương chi vị đạo”.

“Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”. Một Âm với lại một Dương liền tức thì làm nên cái Đạo. Vậy mà, thời trước tháng Tư 1975, những người đọc Kim Dung ở Việt Nam và dường như ở khắp nơi, ngày cả trên quê hương Trung Hoa của tiên sinh, hầu hết đều là phái nam. Thế này là thế nào? Chẳng thế nào cả!

Minh họa

Xưa nay, con người ta, đặc biệt là cư dân vùng Đông Nam Á châu, có một tập quán đáng ghét là cứ lãnh vực nào đàn ông thích thú, can dự vào nhiều thì quý vị phụ nữ bèn lánh xa hoặc đứng một bên mà ngó chơi chơi. Cái lối đứng vừa quan sát, vừa “canh me” như kiểu mấy bà mẹ đứng canh con nít đang nô đùa nghịch ngợm với nhau. “Canh me”, để lỡ có đứa nào vấp té hoặc đánh lộn thì… ra tay can thiệp, vậy mà! Thí dụ như chính trị xã hội, kinh doanh thương mại…

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã biến chuyển hoàn toàn. Quý phụ nữ tham gia vào tất cả những lãnh vực từ lâu chỉ có quý ông chủ trì ngày càng đông đảo. Như chính trị, xã hội, kính tế vân vân. Con số quý bà, quý cô đọc Kim Dung nói riêng, và tiểu thuyết võ hiệp nói chung, ngày càng phát triển đáng kể. Thậm chí, đã có những cây bút phụ nữ bắt đầu viết về Kim tiên sinh, như Trương Hiểu Yến là một.

Trương Hiểu Yến là đồng tác giả cuốn “Giải Mã Tiểu Thuyết Kim Dung” với Vương Hải Hồng.

Mở đầu cuốn “Giải Mã Tiểu Thuyết Kim Dung”, là bài tựa của Vương Kinh Sinh, bậc thủ lãnh của Vương Hải Hồng. Trong bài tựa này, Vương Kinh Sinh đã viết:

“Ba mươi năm trước, người Trung Quốc ở lục địa rất ít ai biết tới Kim Dung tiên sinh đang ngụ ở Hương Cảng viết truyện kiếm hiệp. Có vài người biết tới, thì đại khái cũng chỉ coi đó là trò giải khuây. Hai mươi năm trước, các nhà trí thức mang kính dày cộp còn coi truyện võ hiệp là thứ văn chương dối trá mua vui. Họ chỉ mờ mịt không hiểu tại sao loại văn chương mua vui không mấy phong nhã ấy, cho dù anh không muốn xem cũng vẫn không thể nhịn không xem?

Chính trong sự mờ mịt không hề xấu hổ ấy lại nảy sinh hai thực tế: một là mười lăm bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Kim Dung thì bình quân mỗi bộ đều được tái bản hơn một ngàn lần, đạt tới đỉnh cao không nhà văn nào có thể tưởng tượng nổi, về số lượng tiêu thụ kể cả in lậu phi pháp thì đạt tới con số một trăm ngàn bản, nên bản thân Kim Dung tiên sinh cũng có thân giá mười mấy lần một trăm ngàn.

Hai là Đặng Tiểu Bình cũng đã chứng minh là mình thích đọc tiểu thuyết Kim Dung, theo chuyện kể thì câu nói đầu tiên của lão nhân gia khi gặp Kim Dung tiên sinh là: “Tôi đã đọc tiểu thuyết của ông.” Không lẻ thì có đôi, Tưởng Kinh Quốc ở bờ biển đối diện cũng là một người “Say mê Kim Dung”. [1]

Minh họa: Unsplash

Chưa nói đến thành tựu của những tác phẩm, công trạng đầu tiên và lớn nhất của Kim Dung là, đã đưa tiểu thuyết kiếm hiệp ra khỏi thành kiến ngàn đời trước, xem nó chỉ như “trò giải khuây”. Một tác giả phải khiến cả hai lãnh tụ Quốc Cộng của đất nước mình đều say mê đọc, thì có thể nói “vô tiền khoáng hậu”.

Do đó, bậc nữ lưu Trương Hiểu Yến, người mà đồng tác giả của cô là Vương Hải Hồng đã thành tâm ngân ngợi: “Cô là bạn tâm giao của Hoắc Thanh Đồng, quả nhiên quạt lông áo vàng, thanh tâm thoát tục” [2] đã phóng bút theo phong cách Kim Thánh Thán trong Phần I của cuốn sách với tiểu đề “Hoa Đào Bóng Rụng – Phụ Nữ Đọc Kim Dung” như sau:

“Người xưa đọc sách mười phần đẹp đẽ, phải có giai nhân phục thị, áo hồng thêm hương.

Hiện nay phụ nữ không đóng vai phục thị và thêm hương nữa, họ khoác áo ra trận, mắt nhìn tay viết.

Áo hồng đọc Kim Dung, cũng chẳng vui sao?

Đàn ông xem đá bóng, cắn răng nghiến lợi, chửi rủa luôn miệng; phụ nữ đọc Kim Dung, tâm thần ngây ngất, lòng dạ bồi hồi, cũng chẳng vui sao?

Có bạn từ phương xa tới, mở miệng là khen Kim Dung, cũng chẳng vui sao?

Bạn gái đọc “Thần Điêu Hiệp Lữ” yêu trọng Dương Quá, vốn đã để con mắt trên trán, bây giờ lại càng thà thiếu đừng thừa, giữ mình như ngọc, chẳng cũng vui sao?

Đợi lúc tay cầm tiểu thuyết Kim Dung, người phục thị bên cạnh ghé mắt vào, kế đó bạn trai mỉm cười, chẳng cũng vui sao?

Có bạn trai nghiện đọc Kim Dung, lúc ở nơi công cộng dùng tiếng lóng giang hồ nói chuyện yêu đương, chẳng cũng vui sao?

Nếu vào nhà xí đọc tiểu thuyết Kim Dung, bịa đặt là bị táo bón, cũng chẳng vui sao?

Trời sinh tính hay bới móc, mà đọc tiểu thuyết Kim Dung bản in của Tam Liên gần như không có chữ nào sai, chẳng cũng vui sao?

Đi sửa giày gặp phải người mê Kim Dung, người thợ cứ lo nói chuyện Quách Tĩnh, một đôi giày mà sửa hơn nửa giờ, chẳng cũng vui sao?

Hồng Thất Công ngón tay trỏ rung mạnh, than thở sinh không gặp thời, không thể cưới đầu bếp đệ nhất thiên hạ là Hoàng cô nương làm vợ, ngây thơ thẳng thắn, cũng chẳng vui sao?

Bất Giới vốn là hòa thượng, yêu thương ni cô xinh đẹp. Sinh được ni cô Nghi Lâm, hòa thượng cha, ni cô mẹ cưỡng ép Lệnh Hồ Xung cưới ni cô con gái mình làm vợ, chẳng cũng vui sao?

Đông Phương Bất Bại sai khiến hàng ngàn giáo chúng, nhưng lại bị Dương Liên Đình gọi tới quát lui, mà lại vợ giả chồng hờ đóng vai phụ nữ hiền thục, chẳng cũng vui sao?

Tác giả tả phụ nữ gần như giống hệt, có thể nhận Tiến sĩ ngành Phụ Nữ học, chẳng cũng vui sao?

Xem tới đoạn đánh nhau kịch liệt, đưa mắt một cái đọc qua mười hàng, chẳng cũng vui sao?

Rửa tay nấu canh, đang học nấu món Hảo Cầu Thang trong thực tế, được mọi người khen ngợi, chẳng cũng vui sao?

Anh hùng võ công bình thường, trong chớp mắt trở thành cao thủ, chẳng cũng vui sao?

Hiệp nữ cũng có thất tình lục dục, cũng muốn khuấy sóng biển giấm, chẳng cũng vui sao?

Từ xưa đến nay, từ võ lâm tới đời thường, anh hùng khó vượt ải giai nhân, cũng chẳng vui sao?

Võ lâm vốn là xã hội, thế giới vốn là giang hồ, luật chơi tương đồng, chẳng cũng vui sao?” [3]

Minh họa: Unsplash

Trương Hiểu Yến cô nương nhân say mê tiểu thuyết Kim Dung đến nỗi lập ngôn như trên, xem thế đủ biết ma lực của Kim tiên sinh chẳng thể tầm thường! Cái “chẳng cũng vui sao” tôi thích nhất của Trương cô nương là câu cuối cùng: “Võ lâm vốn là xã hội, thế giới vốn là giang hồ, luật chơi tương đồng….”. Rồi từ đó, tùy tiện, mỗi người đọc Kim Dung có thể tự tìm cho mình hằng hà xa số những cái “cũng chẳng vui sao?” khác!

Riêng cá nhân tôi, khi chọn viết với chủ đề “những mối tình trong thế giới Kim Dung”, thì cũng là một thứ “chẳng cũng vui sao” đó thôi!

Tình yêu, xem như thể có thật mà đôi khi chẳng có thật. Đây là tôi đã thấm thía cái triết lý nhân sinh của nhân vật hoạt hình Charlie Brown, tác giả là Charles M. Schulz. Tác giả họa sĩ hoạt hình Charles M. Schulz nghe đâu thời còn tiểu học, bảy tám tuổi gì đó, đã “say mê” một con bé cùng lớp: tóc đỏ, mặt đầy tàn nhang và tính tình thì vừa bossy, crabby lại hết sức selfish…

Tức là, con bé này vừa hay át giọng kiểu bà cô, vừa bẳn tính (ngang như… cua) lại hết sức ích kỷ. Mối tình thơ dại tưởng sẽ phai nhạt theo thời gian, nhưng từ tiềm thức rồi tàng thức của ông Charles M. Schulz, con bé tóc đỏ mặt tàn nhang… nó vẫn còn tồn tại khôn nguôi.

Vì thế, khi Schulz vẽ truyện tranh Peanuts rất ăn khách cả trẻ con lẫn người lớn… với những nhân vật như chó Snoopy, chim Woodstock, cậu bé ngậm khăn Linus, con bé Sally v.v…; thì Lucy là con bé đặc biệt nhất mang đầy đủ những cá tính con bạn nhóc tiểu học năm nào của Charles M. Schulz. Lucy vừa thân thiết với Charlie Brown nhưng cũng lại là con nhỏ làm điêu đứng Charlie Brown vô cùng tận… Cho đến một hôm, Charlie Brown đã… ngậm ngùi tìm ra cái triết lý nhân sinh như sau:

“That’s life… All the trues are false and all the falses are true.” Đúng Sai, Thật Ảo là những thứ luôn lộn xộn trộn lẫn với nhau, không có lằn ranh rõ rệt! Nhất là tình yêu và sự… ghét bỏ.

Nói đến “tình yêu”, chẳng thể không nói đến cặp bài trùng của nó: “sự ghen tương”.

Chả thế, mà Salomon [khoảng 955-935 BC], vị đại đế lừng lẫy một thời ở Trung Đông, người vẫn tự hào có 700 “thê tử” và hơn 300 “thê thiếp” đã phải tán thán một câu để đời: “Tình yêu đẹp như cái chết, và ghen tương sâu thẳm tựa nấm mồ!”

“Tình yêu đẹp như cái chết…” Phải chăng, tột cùng của tình yêu là thứ hạnh phúc “quá độ”, đến nỗi, con người ta đang phút giây hưởng thụ nó, lại muốn “chết liền một khi”, để mãi mãi vẫn còn giữ được cái cảm giác “đẹp” hạnh phúc tuyệt vời đó mà không sợ mất đi… Không sợ mai kia mốt nọ… nó không còn được… như vậy nữa?! Và “nấm mồ”, “sự ghen tuông” tuy chỉ nằm dưới “ba thước đất”, nhưng lại là một “sâu thẳm” vô cùng tận bất khả tư nghì!

Kim Dung miêu tả những câu chuyện tình trăm chiều muôn hướng đã tinh vi xuất sắc, ông đi vào tâm lý của sự ghen tương (đặc biệt là phụ nữ) lại càng thiên biến vạn hóa ảo diệu khôn lường.

Kim Dung viết truyện võ hiệp kỳ tình. Mới thoáng qua ai cũng cho “võ hiệp” là khung chính, “kỳ tình” chỉ như phần phụ lục đính kèm mắm muối thêm hương. Tôi lại thấy mấu chốt như thế này: Nếu không có những mối “kỳ tình” để làm chất dẫn cốt lõi thì cái “võ hiệp” trong tiểu thuyết Kim Dung, rốt cùng, chỉ có thể khấm khá hơn chút đỉnh hoặc cũng như trăm ngàn những câu chuyện “đấu đá”, “bạo lực” ở ngoài đời cũng như trong tiểu thuyết của những tác giả khác.

__________________

[1] Vương Hải Hồng, Trương Hiểu Yến. “Giải Mã Tiểu Thuyết Kim Dung”, Nam Phương XB xã, Hải Nam 1999. Cao Tự Thanh dịch. NXB Trẻ 2002. Trang 11 & 12.

[2] Vương Hải Hồng, Trương Hiểu Yến. Như trên. Trang 300.

[3] Vương Hải Hồng, Trương Hiểu Yến. Như trên. Trang 21.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: