Ma không đáng quan ngại!

Minh họa: jr-korpa-unsplash

Quỷ có thật. Ma cũng có thật.

Họ sống trong chúng ta. Đôi khi họ thủ thắng.

Stephen King

__________

Lời người viết:

Trong lúc thế giới Trung Đông đang nằm trong vũng lửa; chiến tranh Ukraine-Nga không biết sẽ nung sôi địa cầu lên thêm bao nhiêu tầng? Biển Đông khi nào dậy sóng?! Mà đem chuyện ma, quỷ nhỏ nhặt (cho dẫu được thực chứng) từ kinh nghiệm của một cá nhân ra kể thì e rằng “không đúng lẽ thường” đối với khổ đau vô hạn của người dân, lính Do Thái, Palestine, Ukraine, Nga đang gánh chịu.

Nhưng suy đi cho cùng, cảnh chiến tranh thương tâm, tàn bạo, vô lý, vô nghĩa kia cũng chỉ là “Trò Ma Quỷ” mà nhân loại đã, đang gánh chịu theo suốt lịch sử trên địa cầu. Dân tộc Việt là nạn nhân hàng đầu, dai dẳng nhất. Tuy nhiên, người viết cũng hy vọng, câu chuyện (nhỏ) sẽ đưa đến người đọc mối nhẹ lòng: “Trách nhiệm” của mỗi cá nhân chúng ta đối với cảnh khổ nhân sinh (đã/đang) hiển hiện chỉ là một điều rất tương đối, nhỏ nhoi?! Con người (chúng ta) làm được gì đây?

Một.

Ông Nhân vừa qua tuổi 80, độ tuổi giúp ông nhìn cuộc sống dung dị, dễ dàng. Những lo âu, khó khăn, nguy nan suốt quãng đời dài đã qua có lúc tưởng chừng “không chịu đựng nổi”,  nhưng rồi tất cả (cũng) đã qua đi… Qua đi và quên khuất như một chuyện thường tình mà nay nhớ lại tưởng chừng như không thực của một ai đó.

Cuối cùng, tất cả những điều gọi là “kinh nghiệm sống” nay nhớ lại không ngoài hai câu châm ngôn (thật sự) không rõ là của ai, đâu từ thời Platon, Socrates… mà ông thầy Trường Saint Joseph, Đà Nẵng bắt làm “Dissertation Morale/Nghị luận luân lý” với đề tài “Connais-Toi. Toi-même” khiến thằng nhỏ 12 tuổi chỉ xin nộp hai trang giấy trắng với hàng chữ tội nghiệp (rất thật thà): “Thưa Thầy em không biết”.

Câu châm ngôn thứ hai “Cách vật-Trí tri”. Nó nói cái gì vậy? Liếc copy và hỏi thằng bạn bên cạnh… Tao cũng không biết! Vâng, 80 năm một đời người, nay (dần) mới hiểu ra hai điều (chỉ hai không cũng quá đủ): Phải (tự) biết mình! “Cách (Mình) với Vật thì được Biết! Hai điều căn bản này giúp cho ông sống thong dong có thể nói là hạnh phúc. Do thấy bản thân được hạnh phúc nên ông Nhân thấy mình có… tội!

Cảm giác “có tội” không là phản ứng từ một tâm chất “đạo đức cao” nhưng bởi đã ở vào những tình thế (thật) như…

Sau ngày 11 Tháng Sáu, 1965, vỡ trận Đồng Xoài mà đơn vị, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù (Biên Hòa) bị tổn thất nặng, 14 sĩ quan từ tiểu đoàn trưởng đến trung đội trưởng đồng tử trận. Chỉ một mình Đại úy Lê Văn Phát của Đại Đội 74 với ông, lúc ấy là anh thiếu úy thuộc Đại Đội 72 còn sống sót. Thiếu Úy Nhân năm 1965 được 23 tuổi vào Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp (Hạnh Thông Tây) nhận xác bạn, Thiếu Úy Trần Trí Dũng, gã bạn cùng lớp từ Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng ở những năm 1950. Gã bạn, trưởng ban thể thao toàn trường ngày xưa đẹp như thần Apollo trong chuyện thần thoại Hy Lạp nay chỉ là một cái xác xanh tái nhợt nhạt. Trong tình cảnh ấy, lại nghe bà cụ già bên cạnh buông lời khóc kể… “Con ơi là con ơi… Sao cháu bỏ bà N… ơi!” Người chết cũng tên N như gã thiếu úy.

Thế nên, cảm giác “có tội” hình thành từ đấy – Tội được sống khi người khác chết. Cảm giác “có tội” trở nên hiện thực nặng nề hơn khi trở về hậu cứ tiểu đoàn trong căn cứ Không Đoàn 33, Biên Hòa thấy ra một sân cờ trắng màu khăn trang, âm âm lời khóc kể… “Anh ơi! Anh ơi sao anh chết bỏ mẹ con tui…”.

Trở về văn phòng đại đội, vợ viên trung đội phó Tăng Màn Tài và hai đứa con chụp lấy ông… “Thiếu úy ơi! Thiếu  úy ơi!” Quả thật, lúc ấy ông thấy thấy ra, (nhỡ ngã) chết dễ chịu hơn phải (được) sống.

Cảm giác “khó sống/sống khó” này tăng dần theo cường độ, thay đổi theo từng tình thế qua năm 1968, Tết Mậu Thân ở Ngõ Âm Hồn, Huế với những người chết đang ở trong vị thế quỳ cúng Giao thừa; hoặc trong ngày 6 Tháng Tám khi đi bộ vào An Lộc qua dãy mộ đào vội cạnh đường của người dân chạy loạn trong Tháng Tư khi quân cộng sản bắt đầu tấn công thị xã; cảnh chết trong cuối Tháng Sáu 1972 khi theo Tiểu Đoàn 11 của Mê Linh bước chân lên những thước đất mũm xác người của Đại Lộ Kinh Hoàng, Quảng Trị.

Và cuối cùng sáng ngày 30 Tháng Tư 1975 khi đứng ở thềm Hạ Viện, Công Trường Lam Sơn chứng kiến hai chiếc xe Zil (xe vận tải Trung Cộng) chở đám nữ du kích đâu từ ngoài Phú Lâm vào “giải phóng” Sài Gòn. Đúng giờ Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long tự sát dưới chân tượng Thủy Quân Lục Chiến. Chứng kiến đủ để hiểu nên điều xa xót: Người có thể CHẾT khi đang SỐNG. SỐNG cũng là một cái TỘI.

Sau ba-mươi năm ở Mỹ (1993-2023), cảm giác “có tội” thay đổi từ những tình thế có vẻ “nhẹ nhàng” hơn… Như lần cuối năm 1996 ở Houston, chứng kiến người lính Mỹ, cựu chiến binh Việt Nam trước 1975, khởi hành từ Atlanta, đi bộ qua Texas, Houston để tới California tìm người yêu, vốn là boat people mà anh ta đã gặp ở North Carolina năm 1980. Người Lính quyết đi tìm vì biết chắc cô gái (thực) yêu anh.

Anh lên đường vạn dặm với một con chó làm bạn, mặc chiếc áo field jacket mòn rách có huy hiệu đơn vị cũ, 1st Aviation ở Pleiku. Ông đã đưa cho người lính gói thức ăn mang theo đi làm, ít tiền lẻ và nước mắt rưng rưng. Cảm giác “có tội” được nhẹ phần vì lúc ấy ông còn khả năng được khóc. Nhưng nay, vào độ tuổi 80, qua thế kỷ 21. Khóc cũng không nổi. Khóc không nổi cho dẫu cảnh khổ thấy được cao như núi.

Cảnh khổ không đâu xa, thấy ra hàng ngày, hàng đêm từ căn phòng lầu 8 khu chung cư nhìn xuống khoảng sân vận động thấp thoáng những người vô gia cư thuộc nhiều sắc dân trú ngụ. Ban ngày cảnh khổ hòa lẫn với sinh hoạt thể thao của đám học sinh trung học trong vùng, hoặc với những cuộc đấu thể thao của đám đàn ông (da màu) rảnh rỗi, không đi làm. Vào đêm, cảnh khổ hiện rõ nét, sắc nhọn hơn. Xa xót hơn. Đám người vô gia cư tập hợp sau căn nhà vệ sinh công cộng, chập choạng, đứng ngồi lổm nhổm…

Từ lầu cao ông nhìn xuống, những hình người lúc nhúc, vung vẫy, run rẩy trong bóng tối giữa đêm lạnh se thắt, hai, ba giờ sáng! Năm 1837, Victor Hugo (1802-1885) từ trái tim từ nhân đã viết trong tập “Âm Động Bên Trong/Les Voix Intérieures” những lời thắm thiết thương cho tình cảnh kẻ nghèo khó nơi kinh thành Paris khi mùa Đông đến…

“Những kẻ khó thốt lên lời kinh sợ. Hỡi Mùa Đông! Ôi Chúa đã bỏ tôi. Sẽ khổ đói và thân khô gầy guộc. Chết lạnh run bên bếp lửa lụi tàn…” Hai trăm năm sau, trên nước Mỹ và khắp thế giới có mấy ai chạnh lòng cho thân phận kẻ không nhà khi mùa Đông Bắc Mỹ đang dần tới. Ông Nhân cảm thấy “có tội/tội rất cụ thể” từ căn phòng chung cư ấm áp, bình yên. Thế nên, ông có “dự định” thực hiện kế hoạch với khả năng (rất) hạn chế của thân phận một kẻ tỵ nạn trong 80 tuổi để nhẹ bớt “mối tội”.

Hai.

Từ Đường Số 1 (nối dài của đường Bolsa, Westminster khi vào địa phận Santa Ana) ông rẽ trái trên đường Olive để vào Hoa Chung Cư, khu chung cư 11 tầng lầu cao nhất vùng. Ông liếc trái (theo thói quen) về phía hàng hiên mà người phụ nữ tên Jenny hằng ngày ngồi ngó mông.

Jenny là phụ nữ Mỹ da trắng sinh 1963 (do khai báo với ông vì quá kinh ngạc khi nhận được 10 đôla, buổi đầu tiên khi ông vừa dọn đến chung cư này, 2016), tóc hoe vàng, mắt xanh, da trắng (tất nhiên) dẫu cảnh sống không nhà đã trở nến lấm lem, bẩn thỉu (càng thêm lột rõ từ nền da trắng nguyên thủy). Jenny tìm chỗ ngồi nơi hàng hiên, dưới bóng cây olive xa hẳn khu sân vận động mà đám vô gia cư phái nam (da màu) độc quyền chiếm cứ. Jenny thường ngồi bất động hoặc ngã nằm trên sàn đất khi mệt mỏi. Hai bàn chân trần đen đúa, dơ bẩn co quắp… Không thấy người phụ nữ này ngửa tay xin người qua đường, và cũng hiếm có ai dừng lại bố thí.

Ông Nhân hằng cảm thấy nặng lòng do vẻ chịu đựng bất động của người đàn bà (Mỹ) mà đã có lần ông nói với lòng chân thành: “Tôi coi cô như con, con gái tôi chỉ sau cô mấy tuổi!” Cũng bởi “năm 1963” kia khắc sâu xuống lòng ông “Dấu Ấn Sống/Chết” không thể xóa: Năm ông ra trường Đà Lạt và lần Đệ Nhất Cộng Hòa bị đổ sụp! Thế nên, ông quyết tâm thực hiện kế hoạch:

Sẽ đưa Jenny đến một motel trong vùng, thuê phòng cho cô tắm rửa, gội đầu, mua cho bộ áo quần mới và đôi dép. Cần nhất là đôi dép. Bởi ông đã có lần chịu tủi nhục ở Đà Nẵng do một người bạn của mẹ từ chối không cho đi theo vì không có giày… Hai cái chân thằng N đen như chân thằng ăn mày! Phải có đôi giày, đôi dép trước khi tính tới áo quần. Ông cũng (đã) nghĩ đến tình thế bị cáo buộc này nọ nếu đưa Jenny đi thuê phòng motel, bởi đám vô gia cư phái nam (cũng) đã một lần gây sự khi thấy ông cho Jenny tờ giấy bạc 20 đô. Ôi! Làm tốt mà tính toán, so đo thì không còn là tốt nữa! Ông Nhân quyết tâm thực hiện kế hoạch khi thuận tiện trước mùa Đông tới.

Ông Nhân cho xe vào parking, parking lot số 44. Trước parking, trên chiếc ghế dài có dạng hình người đàn bà ngồi gục đầu, đang nói cell phone với cách khẩn cấp! May I help you something? Ông đến trước người đàn bà (hẳn là người Châu Á) do dáng dấp thấp, nhỏ, đeo kính trắng. Người đàn bà đứng dậy: Tôi cần một parking đậu xe! Ông Nhân cười vui:

“À chị là người Việt, tôi cứ tưởng là người Tàu! Chung cư này không có đủ parking, vì người thuê phần đông lớn tuổi, đi xe lăn nhiều hơn xe hơi! Lúc mới đến tôi cũng phải thuê parking bên ngoài. Mà chị đậu xe ở đâu?”

Người đàn bà nói bâng quơ… “Tôi đậu chung quanh đây”. Ông Nhân dễ dàng nồng nhiệt: “Tôi có thể giúp cho chị một parking. Nhưng vào trong cho ấm, đứng ngoài này lạnh…” Ông Nhân đi trước, người đàn bà theo sau “không một tiếng động”.

Vào phòng khách, đứng trước cửa thang máy, ông Nhân đề nghị rành rẽ, thẳng thắn: “Tôi có người bạn, ông ta là họa sĩ 90 tuổi, ở với người vợ cũng lớn tuổi nơi mobile home bên trái cây cầu cách đây chỉ mấy phút xe. Nhà ông ta có hai parking nhưng không có xe, tôi có thể nói cho chị gởi xe không có gì khó khăn”. Người đàn bà tỏ vẻ ngại ngần: “Xa quá…”

Ông Nhân nói lớn phản đối: “Không xa gì cả, có đường xe buýt chạy đến trước cửa chung cư này”. Ông chỉ ra cửa chính, phía có trạm xe buýt! Người đàn bà (vẫn) tỏ vẻ thoái thác: “Đợi xe buýt mất công lắm!” Ông Nhân nóng nảy: “Lâu lắc gì, đường xe buýt số 66 chạy suốt đêm, 15 phút một chuyến. Đây là đường xe active nhất vùng. Chỉ mất mấy phút là đi, về, xong chuyện gởi xe”. Người đàn bà im lặng không hưởng ứng! Ông Nhân chán nản: “Sài Gòn, chị ở đâu? Tôi ở Trương Minh Giảng”.

Ông Nhân nghĩ thầm: “Như vậy là người Sài Gòn cũ, cư dân mới gọi là đường Sĩ, Sĩ… gì đấy! Với ý nghĩ này, ông thấp giọng (thân mật) giãi bày: “Như vậy chị là người Sài Gòn, nếu đọc sách, báo, nghe nhạc thì đã biết tên tôi… Tôi là người viết lời ca bản nhạc của nhạc sĩ Trần… trước ở Sài Gòn, hiện nay ai cũng biết! Tôi giúp cho bao nhiêu người khắp nơi, chứ đâu chỉ một cái parking cho chị.”

Người đàn bà không trả lời, đột nhiên chỉ ra cửa (chính)… “Người đi qua, đi lại kìa!” Ông Nhân nhìn ra cửa. Chiếc cửa tự động mở rộng – KHÔNG MỘT AI. Ông hấp tấp bước vào thang máy (cửa tự động mở khi xuống đến tầng #1) nhìn lui bảo người đàn bà… Chị có lên không? Người đàn bà biến mất!

Kết Lời:

Lên đến phòng, ông Nhân ngồi im, định thần thì chợt cảm thấy lạnh buốt sống lưng, từ đỉnh đầu đến gót chân. Ông nhớ lại… Người đàn bà mặc áo choàng, mũ trùm đầu, y phục của con trẻ trong Mùa Halloween; đeo kính trắng không có gọng khác hẳn với các loại kính  cận/viễn thị với gọng đồi mồi hoặc kim loại (tùy theo thời trang) mà giới phụ nữ thường dùng thay một trang sức.

Và đôi mắt – Đôi mắt đứng tròng sau lớp kính trắng – Khác hẳn ánh mắt điều tiết lóng lánh của Đỗ, Bùi… những bạn thân mà anh hằng tiếp xúc bao nhiêu năm trước đây. Tuy nhiên, điều quan trọng ông nhận ra được: Lòng Tốt/Sự Thẳng Thắn không phải (luôn) là một Ưu Điểm – Dự định với người đàn bà Mỹ tên Jenny kia có thể/rất có thể đưa đến tai họa! Ông Nhân (tự) kết luận với tâm cảm không mấy vui: “Đến 80 tuổi mà cũng không hiểu được đâu với đâu!”

Mùa Halloween 2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: