Về một vị sư lạ giữa đời: Thầy Minh Tuệ

(ảnh: FB)

LTS: Thời gian gần đây, dân cư mạng hay lan truyền tin tức và hình ảnh về một vị sư khổ hạnh nhưng luôn hân hoan trong con đường đi khất thực khắp trên đất nước. Vị sư tên Minh Tuệ, không nhận tiền cúng dường, không nhờ vả độ đường, chỉ nhận cơm rau ai cho thì hoan hỉ nhận, ngày ăn một buổi. Thậm chí trên facebook, những người yêu mến vị sư này còn lập ra cả trang Theo Bước Sư Thầy Minh Tuệ. Giữa một quần thể các nhà sư quốc doanh vụ lợi, gian dối ngôn từ bảo vệ nhau để trục lợi, hình ảnh vị sư Minh Tuệ khiến nhiều người yêu mến và cảm động. Thậm chí, Giáo hội Quốc Doanh Phật của Nhà nước còn ra hẳn công văn nói sư thầy này không được công nhận, thậm chí lén gọi công an xét hỏi ông trên đường du hành. Ý kiến của nhà văn Thái Hạo dưới đây, là một trong những ý kiến phản bác sự chỉ trích đầy ác ý về vị sư này. 

Thời gian vừa qua tôi vô tình thấy hình ảnh một vị tu sĩ được lan truyền trên mạng xã hội, tên là Thích Minh Tuệ. Tôi tò mò tìm xem thêm một số clip do nhiều người đưa lên; rồi lại thấy cả những bài bình luận của nhiều thành phần khác nhau: khen – chê, tán dương – dè bỉu, thậm chí ác ý chụp mũ và vu khống, đủ cả. Xin có mấy suy nghĩ thế này.

Đầu tiên, việc bộ hành (còn gọi là hành cước) và khất thực là một trong những truyền thống quen thuộc của Phật giáo, nên cách của ông Thích Minh Tuệ không phải là điều gì đặc biệt hay lập dị. Trên thực tế, nếu quan sát, chúng ta cũng sẽ thấy hiện nay có nhiều người đang thực hành như thế, chỉ là họ không được/ bị các youtuber, tiktoker…để ý hay biết đến nên không đưa hình ảnh lên mà thôi. Trong lịch sử, ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, ông đã cùng với học trò mình đi khất thực khắp nơi; đến nay vẫn có hẳn một phái như thế, gọi là phái Khất sĩ. Không chỉ đi bộ, có người còn tam bộ nhất bái (ba bước một lạy) hoặc nhất bộ nhất bái (mỗi bước một lạy). Ở Trung Quốc cận đại, thiền sư Hư Vân có lẽ là người đã đi nhiều nhất theo cách ấy.

Việt Nam cũng không xa lạ khi thi thoảng ta vẫn gặp những vị sư vừa đi vừa lạy trên quốc lộ.

Hạnh đầu đà (khổ hạnh) là một thực hành Phật giáo cũng quen thuộc và phổ biến: mặc áo vá, ngày ăn một bữa, tối ngủ dưới gốc cây hoặc nơi nhà hoang, nghĩa địa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi và hưởng thụ… Ở các nước theo Phật giáo nguyên thủy không ai xa lạ gì với điều này. Tóm lại, hành trạng của ông Thích Minh Tuệ không có gì kỳ đặc hay kỳ quái cả, thậm chí nó gần hơn với hình ảnh Đức Phật và tăng đoàn trong quá khứ. Và cũng vì thế, những bình luận tỏ ra ngạc nhiên để tấn công là một loại hành vi thể hiện sự kém hiểu biết, nếu không phải là ác ý.

Là một người làm trong nganh địa chính, sư thầy Minh Tuệ buông bỏ rồi đi tu, ra đi trong cuộc khổ hạnh với tâm niệm giác ngộ bằng đội chân trần (FB)

Riêng về ông Thích Minh Tuệ, với những clip tôi coi được, thì thấy rằng đây là một người ăn nói có phần vụng về nhưng mộc mạc, thật thà. Ông luôn nói đi nói lại rằng, việc đi như thế là để “tập học”, và ông không nhận mình là thầy của ai cả, ngược lại một mực xưng “con” với tất cả mọi người. Ông nói việc xưng hô như thế là một cách để tự nhắc rằng mình chưa có thành tựu gì và đồng thời thể hiện sự tôn trọng và mong cầu cho mọi người có tâm hướng thượng. Ông cũng không nói điều gì cao siêu huyền bí, nếu có ai hỏi về phương pháp tu hành thì ông chỉ luôn lặp lại, là “giữ giới” và làm việc tốt. Với ông, giữ giới là cốt lõi của tu hành. Và điều này là rất đúng đắn.

Lúc Phật Thích Ca sắp qua đời, học trò lo lắng rằng không biết sẽ nương tựa vào đâu khi thầy mình chết đi, Đức Phật đã căn dặn “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”. Đó là 2 người thầy lớn nhất và sáng suốt nhất. Với Phật giáo, giữ giới là điều căn bản nhất. Anh có thể thuyết giáo cao siêu đến đâu nhưng nếu anh không giữ giới thì không đáng tin. Ví dụ, một trong những giới của người xuất gia là không giữ tiền bạc, ai làm được thì đó là đệ tử chân chính của Phật. Ngày nay, chỉ một giới ấy thôi nhưng hầu hết đều “phạm”; không những thế còn bày mưu tính kế, thao túng tín đồ để sống xa hoa với xe xịn, đồng hồ hiệu, chùa chiền như cung điện, tiền hô hậu ủng như vua chúa.

Như chính ông Minh Tuệ đã nói, rằng ông chỉ là một người đang “tập học”, cố gắng sống đúng với lời Phật dạy, ông không nhận làm thầy hay dạy dỗ ai, cùng lắm là chia sẻ vài lời nếu bị “ép” quá. Vì thế, mỗi người cũng cần tôn trọng điều đó: Có thể yêu quý, tôn trọng, nhưng không nên sùng bái cá nhân và thần thánh hóa một vị tu sĩ đang tìm cách “làm chủ cái tâm của mình” (như chính lời ông nói). Và quan trọng hơn, có lẽ nên để yên cho ông ấy tu hành, đừng săn đón/ săn lùng để đưa lên mạng.

Người như tu sĩ Thích Minh Tuệ trở thành “của hiếm” trong hoàn cảnh hiện nay, vì thế hình ảnh ông một mặt trở thành tấm gương khiến nhiều người ngưỡng mộ và kính trọng; nhưng mặt khác cũng sẽ gây đố kỵ, căm ghét, thậm chí tìm cách gây hại. Việc tung hô ông quá mức hoặc dùng ông để chỉ trích những kẻ giả tu, vô tình có thể khiến ông gặp nguy hiểm. Nên bảo vệ những người như ông bằng cách bớt quấy rầy và bớt tung hô. Và tốt hơn hết là lặng lẽ học ở ông những điều tốt đẹp phù hợp với cuộc sống của bản thân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: