Lời Người Viết:
Trong tuổi già tịch mịch xen lẫn phần rời rạt trong cảnh cuối đời, cuối cuộc, người viết nhận ra rằng: Lục Bát (6/8) 14 chữ của người Việt; Hài Cú (5-7-5) 17 của Người Nhật; hay 28 chữ xếp thành bốn câu của Đường Thi Trung Hoa…, tất cả chỉ cách xếp đặt những ngữ âm sao cho hợp với bản chất, tâm tình của mỗi người (làm thơ) thuộc các dân tộc khác nhau – Cốt làm sao nói cho đủ, tận cùng Nỗi Đau trong lòng. Còn chuyện “Hay/Dở; Hơn/Kém” là một vấn đề khác của, từ Người Đọc tại thời buổi khác, tình cảnh khác không ăn nhập gì với lời “Ý/Tình/Lời” khi người (làm Thơ) “chân thật” viết nên.
Vâng, chỉ cần/có/đủ một yếu tố duy nhất Sự Chân Thật – Điều mà bản thân Victor Hugo (1802-1885) trong phần tự sự của một cuộc đời kiệt liệt cũng đã viết ra… “Tôi có quyền nói ngay rằng đây là những câu thơ của một người chân thật, giản dị, nghiêm túc…” Paris, 24 Tháng Mười Một 1831”
Thế nên, thật lòng viết xuống…
Quốc phá sơn hà tại
(Nước mất sông núi vẫn còn)
Đỗ Phủ
Trận Một.
(Với chữ, nghĩa, cảnh bình thường của Người Việt Nam)
1.
Năm xưa ông viết xuống
Quốc phá sơn hà tại
Cảnh tôi thậm kinh hãi
Nước mất,
Người không còn!
2.
Nước mất, chỗ ngủ không còn
Thân nghiệt hộ khẩu, Sài Gòn đổi tên
Tìm về hẻm cũ thân quen
Nhìn vô thấy lạ… Người ngoài lấn, chen!
3.
Giấc trưa nằm võng đong đưa
Nhìn ra ngõ vắng, bình yên xóm giềng
Tàu cau hắt nắng lên thềm
Chiều “giải phóng” đến, nên thành “ngụy dân”
4.
Cha lâm tử trận “Bảy-Hai”
Khốn khổ về ngoại, cuối trời Năm Căn
Mây tiếp sóng, biển mịt mùng
Ngồi ôm em đói, lạnh bần bật rung
Bé ơi đừng khóc nghe cưng
Coi chừng chòm xóm ghét bầy “ngụy quân”!
5.
Bé mệt, ngủ thiếp cột đèn
Xấp vé số mỏng, đói cồn cào rêm
Tiện đường, gã giật giây chuyền
Sẵn tay, cướp hết mấy đồng nuôi em!
6.
“75” sự nghiệp kiên cường
“Bốn-tám” năm Nghiệp Khổ vô thường máu rây
Chết giữa biển không thấy bờ
Chết tắt nghẹt thở trên đường mưu sinh
Chết từ chữ, nghĩa “quang vinh”
Chết nên hiểu được “quá trình tự do”
7.
Má già tuổi “bảy mươi-lăm”
Xe tăng bắn cháy rần rần Bà Hom
Lặng thinh chụp tấm khăn rằn
Theo lối xóm chạy mong tìm thấy con
Thằng nhỏ đi lính Mũ Nâu
Giặc giả không về dẫn má vượt biên
Mậu Thân chạy giặc một lần (*)
Cuối đời, tàn cuộc cùng đành… vậy thôi!
(*) Mậu Thân, 1968-Tổng Công Kích-Tổng Nổi Dậy từ Lệnh đảng cộng sản miền Bắc/Thơ HCM
8.
Chữ, nghĩa nầy không là “thơ”
Thay tiếng thống khổ, nghẹn lời nói ra
Thiệt tình, không bao lăm hơi
Muốn buồn phải đủ sức người gióng lên!
9.
Thân nầy dùng để chịu đau
Chiếc đầu nung lửa, quả tim rạn rày
Hóa ra phận nghiệp Con Người
Chịu Khổ như thể trò chơi Trời hành!
10.
Thuở trước nhà vắng ngồi chờ
Ngoài sân bớt nắng nãy giờ trông con
Chén ăn chạm động mặt bàn
Lòng vui thanh thản qua ngày bình an
11.
Thoáng nghe ấm nước trào sôi
Ờ thôi có vậy được vui nảy giờ
Trận Hai.
(Với “Hài Cú Nhật/5-7-5”)
12.
Trời nóng lắm nơi Arizona
Băn khoăn lặng thắt thỏm. Lòng cha
Nhìn lên trời khó khăn
13.
Đứa bé ngã trên cỏ
Mẹ chập choạng hốt hoảng xe lăn
Kìa con… Ới con tôi!
14.
Báo Việt Nam rộn rã
Hơn một trái banh – Hãy cởi truồng
14 vượt biển chết thảm
15.
Tháng Sáu, nơi Normandy (*)
Bão lửa chết ba ngàn Lính Mỹ
Chuẩn bị nghỉ hè –DC.
(*) 6/6/1944 – Bãi đổ bộ Omaha, Normandy, Pháp
16.
49 năm sau 75
Xếp hàng ùn tắt nghẹt phi cảng
Việt Nam, “về” tham quan
17.
Chữ, nghĩa vốn có hạn
Cảnh già khó ở, ngồi ngó mông
Đành viết xuống đôi lời
18.
Nhớ quê nghẹn âm lời
Nhớ nhà đau dầm khắp châu thân
Đau nơi đâu? Vì sao?
19.
Lửa cho người sự Sống
Thảm thiết sao phần cuối một đời
Tro cốt không chút hơi
20.
Vẫn Thắp Tạ ơn đời (*)
Ngày xưa Tiên đã viết nên lời
Hạc vàng bay mất rồi
(*) Ý/Lời Tô Thùy Yên
Trận Ba.
(Với “Hài Cú Việt/7-5-7”)
21.
Mừng thay với quả trứng ăn sáng
Dưới sân xa thấp thoáng
Vô cư cảnh nhỏ cháu trông bà
22.
Thức khuya hẳn biết đêm rất dài
Tóc mai ai rơi rụng
Qua chưa tròn được một tàn canh
23.
Quê xưa ruộng đồng thăm thẳm nước
Cầu lạy trời mưa xuống
Từ cuối Tháng Tư quá sức nóng!
_______
Phan Phi Danh
Cali, 8 Tháng 6, 2023
Nhớ Ngày vào An Lộc, 8 Tháng 6, 1972