Những suy nghĩ về việc của Huy Đức

(Facebook)

Trước hết, phải nói lại về việc tôi phủ nhận việc Huy Đức bị bắt hôm trước. Tôi là người thích sự đơn giản của sự rạch ròi nên cũng phải nói cho rõ.

Tôi có kiểm tra thông tin với một người bạn, là hàng xóm của Huy Đức thì bạn ấy bảo “không phải” và không nói gì thêm. Vì tin bạn nên đinh ninh là Huy Đức vẫn ổn, trong lòng thấy mừng. Hóa ra bạn ấy quan niệm “bắt” nghĩa là phải có lệnh, giấy tờ nọ kia.

Sau đấy thì tôi mới biết rõ là Huy Đức quả thật bị giữ, dưới hình thức nào thì tôi không biết. Tôi chỉ tự an ủi là cách nói chuyện của mình khác với sự kiệm lời của bạn ấy mà thôi.

Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ là người đưa, hóng hớt tin tức và bài viết của tôi chủ yếu nói về thái độ của con người trước một sự việc. Dù sao, tôi cũng xin lỗi về việc đưa tin không chính xác. Nhân việc này tôi muốn chia sẻ thêm về cảm nhận của tôi trước sự việc này.

Nhiều bạn có đưa ra lý do là mấy bài viết gần đây của Huy Đức. Tôi rơi vào trạng thái bán tín bán nghi. Chẳng lẽ lại là thế? Đến mức vậy sao?

Nếu đúng chỉ là những bài viết ấy thì những người viết bình luận về chính trị, xã hội ở Việt Nam quả thật ở một vị trí nguy hiểm. Các bạn có thể cười và cho tôi là ngây thơ về chính trị. Tôi sẽ chấp nhận và sẽ học thêm để bớt ngây thơ.

Nhưng nếu đúng là vậy thì thật đáng buồn. Một đất nước muốn phát triển được một cách thực sự thì mọi mặt cần phải đi song hành với nhau theo một góc nhìn tổng thể, đa chiều.

Một hệ thống muốn thực sự trở nên mạnh mẽ thì mọi bánh răng, mọi chức năng đều phải tốt. Một sợi dây thừng bền bỉ, chịu lực tốt thì mọi nhánh nhỏ của nó đều phải tốt.

Việt Nam muốn thành một cường quốc thì bên cạnh phát triển kinh tế cần phải quan tâm tới dân trí, sự văn minh trong nhận thức của công dân, ý thức về pháp luật, quyền tự do ngôn luận, khoa học, kỹ thuật, nhân quyền…

Về mặt lo-gic thì mọi mặt sẽ tương hỗ với nhau, cái này làm mạnh cái kia. Khoa học công nghệ phát triển mà không có một cơ sở vững chắc về tính nhân đạo, về quan niệm lợi ích chung của nhân loại thì khoa học công nghệ có thể được dùng vào việc hủy diệt một dân tộc khác hay một giai tầng nào đấy của xã hội.

Một đất nước động viên tự do ngôn luận sẽ khiến thế hệ trẻ nói riêng và công dân nói chung sẽ năng nổ tìm hiểu, sẽ bàn luận, tranh luận để khai sáng trí tuệ, một đất nước nhờ vậy mới có được nhiều những tài năng về nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nó như trong một gia đình. Ông bố gia trưởng, luôn áp đặt suy nghĩ, quan niệm với con cái, lại áp dụng hình phạt quá nghiêm khắc và độc đoán. Con cái nếu nhất nhất tuân theo thì liệu có thể phát triển thành một con người tài năng, thành đạt, có ích cho bản thân và xã hội được không?

Tôi trân trọng những con người biết nguy hiểm mà vẫn lên tiếng nói lên suy nghĩ, khát vọng, chính kiến của mình. Con chim sinh ra để hót, con người có lương tri, có trí tuệ hay còn gọi là trí thức thì không thể không cất lên tiếng nói công chính.

Bắt con chim không được hót, nó sẽ chết. Bắt trí thức im lặng thì đất nước ấy không thể phát triển rực rỡ. Thế hệ trẻ sẽ trở nên thụ động, nhợt nhạt, không có lý tưởng và đầy sợ sệt.

Ai cũng sợ phải vào tù. Còn biết bao kế hoạch của cuộc đời, ý muốn làm trọn phận người, trách nhiệm với người thân, trả nợ những ân tình đang mang vác… Nhưng nếu phải im lặng để không được làm một con người có lương tri đúng nghĩa, một con người can đảm thì một con người chân chính sẽ đành hy sinh, sẽ lỗi hẹn với tất cả để được sống đúng là mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: