Ít ai biết rằng tù nhân lương tâm (TNLT) ở Việt Nam khi vào tù, ngoài cuộc chiến để bảo vệ nhân phẩm và tính mạng của mình hàng ngày, thì ở quê nhà bên ngoài, gia đình của họ vẫn có cuộc chiến với các cơ quan địa phương, tập tành vận động cho chồng trên mạng xã hội, đối diện với những đe nẹt thường xuyên vì dám đưa tin những chuyện chồng mình trong trại giam ra ngoài.
Thế nhưng ngay cả khi người tù nhân lương tâm hết án ra về, cuộc chiến đó vẫn tiếp diễn. Đôi khi cuộc chiến đó còn đau đớn hơn những gì mà họ đã từng trải qua.
Trong cơn tai biến, oan khiên phủ xuống mái ấm gia đình họ, có thể nói đã khiến mọi thứ dần vụn vỡ, tan nát hết. Từ đó, những người mẹ, người vợ phải kham nhẫn gồng gánh tất thảy, vừa nuôi chồng, con trong chốn lao tù, vừa phải chịu những áp lực, những đòn roi quất hằn lên tấm thân cò gầy guộc.
Những người mẹ, người vợ ấy đã chọn nói dối chồng, con mỗi khi thăm nuôi, rằng mọi thứ ở bên ngoài “vẫn ổn, vẫn bình an”, để người thân chốn lao tù được yên lòng. Tôi gọi đó là những lời nói dối ngọt ngào, dành cho chồng, con bởi tình yêu thương và đức hi sinh cả. Cho dù ở bên ngoài, họ phải nhận những đòn thù tàn độc bởi kẻ ác luôn rình rập vây quanh chờ cơ hội xuống tay, đối với những người phụ nữ kiên trinh này.
Phúc – cậu sinh viên với một tương lai đầy hứa hẹn ngày sau, nhưng mọi thứ đã bị vùi dập sau song sắt nhà tù chỉ vì Phúc nói những điều, trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Mẹ của Phúc – bà Út phải tần tảo lặn lội thăm nuôi con từ đó, nhưng kẻ ác vẫn không tha cho mẹ con bà, khi tung tin rằng bà nhận tiền ủy lạo từ hải ngoại, cho nhiều gia đình TNLT khác, mà giữ làm của riêng. Tin tức này đến tai những TNLT cùng trại với Phúc, nhiều người trong số đó, không cần xác tín thực hư, đã tàn nhẫn đánh đập Phúc không thương xót. Quá oan ức, Mẹ Phúc kêu gào đối chất cùng kẻ ác tung tin, nhưng chỉ có sự im lặng rợn người…
Tượng tự, một người mẹ khác, là bà Huệ quyết tâm đi kêu oan cho con trai mình, là Thanh Bình, với án tù chánh trị dài đăng đẵng. Cũng vì lẽ đó, mà cả gia đình bà suýt mất mạng, nếu không được xóm giềng hiểu chuyện cưu mang, trong quãng thời khốn khó. Nhà bà Huệ, trong con hẻm nhỏ, của quận nội ô Saigon, một sáng kia, hơn hai mươi tên côn đồ, trên những chiếc xe phân khối lớn, tay cầm những trái bom xăng, chúng tràn vào con hẻm gầm rú kiếm tìm để đốt nhà bà Huệ, chỉ vì gia đình bà có con là “phản động”. Cả con hẻm đều biết, nên ra sức giấu nhẹm không tiết lộ, nên bọn côn đồ lùng sục hàng giờ đồng hồ mới chịu bỏ đi. Ai cũng biết, chỉ mỗi chánh quyền sở tại không biết?
Công đức hi sinh thầm lặng, của những mẹ dành cho con trong chốn ngục tù cộng sản, cũng không khác biệt là mấy đối với những người vợ, dành cho chồng của họ đang bị giam cầm. Có nhiều người phải nhịn ăn nhịn mặc, tiết kiệm từng đồng bạc lẻ, rồi lặn lội hàng ngàn cây số để thăm nuôi chồng nơi sơn cùng thủy tận, ở đó chỉ có mỗi cái nhà tù.
Anh Trần Thanh Phương, một người thợ may nhưng trước vận nước ngã nghiêng, anh chọn xuống đường biểu tình để phản đối, nên anh bị bỏ tù. Vợ của anh Phương – chị Lê Khanh đã gần như gục ngã, trước cảnh con thơ vô tội, một đứa bé 12, 13 tuổi lại bị triệu tập thẩm vấn hỏi cung liên tục nhiều ngày, chỉ vì cha của con chị, thực hiện quyền Hiến định. Một đứa trẻ thì liệu chúng biết gì, sao người ta có thể tàn độc hành xử với “búp măng non” như thế?
Thêm trường hợp khác về cách kẻ ác hành xử tàn độc đối với trẻ em – con của những TNLT, cụ thể là con của anh Lưu Văn Vịnh. Một buổi chiều, chị Thập – vợ anh Vịnh – đến trường sớm để đón con về. Từ ngoài cổng trường, chị nhìn thấy con mình lẻ loi ngồi riêng co ro một góc sân trường, trong khi lũ bạn đang cùng cô giáo nô đùa diễn tập một tiết mục mừng ngày Nhà giáo. Đi tìm sự thật, mới hay con của anh Vịnh bị cô giáo kì thị không cho diễn tập cùng chúng bạn, lí do chỉ có một “cha của bạn ấy là “phản động””. Cho dù có phản ứng thế nào, thì nỗi đau vẫn hiện hiện trong lòng người mẹ là chị Thập, rồi ôm con tất tưởi ra về. Hôm ấy, trời cũng đổ mưa, như cố gột rửa những điều vô nhân tánh.
Một cô giáo dạy bậc Tiểu học ở Đắc Lắc, nhưng có vị phụ huynh kia (nghề nghiệp là công an), nói xa nói gần, ám chỉ cô giáo kì thị con của người này vì có mẹ là công an. Một sự suy diễn vô căn cứ, nhưng trở thành cái cớ để phụ huynh này, yêu cầu Ban Giám hiệu Nhà trường chuyển lớp, không muốn cho con học với cô giáo này nữa. Một hình thức ngầm gây áp lực, chỉ vì cô giáo đó có chồng (cũng là thầy giáo) bị cáo buộc là có tội theo Điều 117 BLHS – tội “phản động”. Ấy là chuyện của chị Hà, vợ của thầy Đặng Đăng Phước.
Nỗi đau về thể xác, còn có thể đong đếm được, nhưng nỗi đau từ tinh thần bởi kẻ ác gây ra thì không bút mực nào tả xiết. Hơn nữa, như đã nói, cho đến khi ra tù, cuộc chiến để tự bảo vệ mái ấm gia đình chính họ vẫn cứ phải tiếp diễn, trước những bẫy rập li gián, chia rẽ, kích động mà kẻ ác dày công giăng mắc.
“Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”, cho nên người cộng sản càng không muốn những gia đình TNLT, gắn kết keo sơn cùng nhau, bởi đây là điều rất kiêng kị đối với đảng phái cầm quyền. Họ sẽ tìm mọi cách phá hủy bức tường lũy vô hình này, với mọi thủ đoạn có thể.
Vì lẽ đó, sau quãng thời khốn khó trong chốn lao tù, trở về cùng người thân, với xã hội, người TNLT có lẽ nên tỉnh táo, sáng suốt hơn, trước những mưu hèn kế bẩn, những gièm pha ác độc có chủ đích. Để rồi cùng siết chặt tay những người thân yêu của mình, hướng về một tương lai tốt đẹp hơn, nơi ánh bình minh vẫn chiếu rọi mỗi ngày.