Ngày 14 Tháng Mười Một, ca sĩ Chế Linh gửi tin nhắn cho các trang truyền thông quen biết để cậy nhờ xin lỗi việc ông không thể có mặt được trong chương trình diễn Tết Vạn Lộc “Hội tụ giọng ca vàng hải ngoại” ngày 12 Tháng Mười Một tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Ông phải sử dụng hình thức thông tin gián tiếp như vậy, không thể qua bất cứ tờ báo nào của báo chí nhà nước, vì không có một tờ báo nào của Việt Nam đưa tin về chuyện ba ca sĩ tên tuổi của hải ngoại đột nhiên ngừng diễn vì “bệnh” trong cùng một đêm.
Trong lời xin lỗi, ca sĩ Chế Linh có nói rõ rằng “Chế Linh, Hương Lan và Tuấn Vũ không được biểu diễn do Ban Tuyên giáo chỉ định mà chúng tôi không biết vì lý do gì. Vì thế, chúng tôi không thể xuất hiện để hát cho quý vị nghe một lần nữa. Xin lỗi quý vị, mong sự thông cảm của quý vị. Thành thật cảm ơn”.
Từ Sài Gòn, ca sĩ Chế Linh dành cho chút thời giờ để chia sẻ về câu chuyện này, cũng như những điều mà trước giờ, ông chưa có dịp bày tỏ.
Xin ông cho biết sự việc như thế nào?
– Tôi nhận được lời mời của anh Nguyễn Công Vượng, vừa là đạo diễn, vừa tổ chức chương trình này. Để chuẩn bị cho chương trình, tôi từ Mỹ bay về trước gần hai tuần để phối hợp chương trình cho tốt. Còn gần một tuần nữa trước ngày diễn, bên Ban Tuyên giáo gọi anh Vượng lên để nhắn gửi về chương trình. Sau đó, Vượng trở về và lo lắng nói rằng “Mọi chuyện đang khó khăn quá, con có thể nhờ chú gọi cho Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nhờ gỡ vụ này được không?”.
Tôi nhận lời và gọi theo đề nghị của anh Vượng. Tôi tự giới thiệu và nói là chuyện đang xảy ra thật sự không tốt chút nào cho đất nước. Tôi chuyển lời đề nghị của anh Vượng là nhờ ông kiểm tra lại chương trình, xem về vấn đề gì đang gây khó khăn để giải quyết dùm. Tôi cũng trình bày rằng chương trình hoàn toàn hợp pháp, đầy đủ giấy phép, nhưng đang gặp khó khăn từ lệnh miệng. Tất cả nghệ sĩ đã chuẩn bị, dàn dựng từ mấy tháng rồi, tốn nhiều tiền của nhưng giờ ách tắc như vậy. Tôi nhấn mạnh rằng cách làm như vậy sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất xấu, vì vậy tôi mạo muội gọi cho ông chủ tịch nước nhờ can thiệp.
Phía ông Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc hồi đáp như thế nào, thưa ông?
– Lúc đó, ông chủ tịch có vẻ rất lắng nghe, và nói “rồi, được, tôi sẽ cho kiểm tra ngay, nhưng nếu chương trình này đã có giấy phép đầy đủ rồi thì tại sao lại có chuyện lợn cợn như vậy?”. Tôi mới trả lời rằng “Ngài hỏi tôi cũng như không, vì tôi cũng không biết chuyện như thế nào, và tôi chỉ biết là gọi cho ngài xin được kiểm tra lại chuyện này”.
Sau cuộc gọi đó, không biết tình hình diễn ra như thế nào nhưng mọi thứ vẫn im lặng như vậy. Cho đến khi chương trình biểu diễn còn ba ngày nữa là đến thì đạo diễn Nguyễn Công Vượng mới gọi cho tôi và nói rằng “Chú ơi. Chú không được hát rồi. Chuyện này ngoài sức của con nên chú thông cảm”.
Lúc đó tôi có yêu cầu Nguyễn Công Vượng rằng nên có thông báo rõ ràng để cho khán giả biết mà không trách mình; không nên để đến giờ phút chót mới nói thì khán giả sẽ phản ứng. Tôi cũng tin là Ban tổ chức sẽ làm nên không can thiệp gì thêm nữa. Tiếc là họ làm điều này quá trễ, ở cuối giờ của chương trình nên nhiều khán giả bị hụt hẫng. Chuyện lớn hơn tôi nghĩ vì ban tổ chức lúc đó nói đến ba ca sĩ hải ngoại là Chế Linh, Hương Lan và Tuấn Vũ đều không có mặt vì “bệnh”. Tôi nghĩ Ban tổ chức nói là ngầm ngụ ý cho khán giả biết là vì sao, nhưng có nhiều người trông chờ, vượt đường xa để đến chờ nghe hát đã tức giận, phản ứng.
Tôi có gọi cho Nguyễn Công Vượng sau đó, và nói rằng mình làm như vậy thì khán giả sẽ nói mình là người lừa họ. Và sẽ đẩy các ca sĩ không xuất hiện được vào thế rất khó trả lời với mọi người. Vì trước khi chương trình diễn ra, chúng tôi (ba ca sĩ) đã xuất hiện trong cuộc họp báo và kêu gọi mọi người hãy đến để ủng hộ chúng tôi.
Việc không được diễn trong chương trình, ông có được giải thích lý do là vì sao giấy phép đã cấp thì nay lại hủy. Ông có nhận được công văn thông báo nào về chuyện này?
– Không có công văn gì hết. Vượng nói với tôi rằng chương trình bị “chấn chỉnh lại, rà soát lại chuyện văn nghệ sĩ hải ngoại”. Trước đó gần hai tuần, tôi cũng có hát bình thường ở sân khấu Việt Xô, Hà Nội với 1,200 khách. Còn ở show Tết Vạn Lộc có sức chức đến 5,000 khán giả. Tôi ngạc nhiên vì chương trình khác không sao, nhưng đến chương trình của Vượng thì khó khăn. Vượng nói rằng “ở trên họ đang chấn chỉnh nên không muốn chú xuất hiện”. Tôi có trả lời rằng sao cũng được nhưng nên có công văn chính thức chứ không thể đưa lệnh miệng, và không biết ai ra lệnh như vậy. Làm như vậy là gây khó cho người trình diễn và khó cho cả người tổ chức.
Tôi cần phải nói là bởi vì chúng tôi sống ở nước ngoài, và khi có được thư mời và có công văn cho phép của chính phủ thì chúng tôi mới vui vẻ về để trình diễn với đồng bào của mình. Chứ chúng tôi không cầu lụy để xin được tham gia một chương trình nào cả.
Dường như các chuyến về Việt Nam biểu diễn, các nghệ sĩ như ông và Tuấn Vũ, Hương Lan… không nhận được các lời chỉ trích rằng chạy về để kiếm tiền ở quê nhà?
– Khi khán giả gọi tên chúng tôi và đòi hỏi được gặp mặt thì chúng tôi đáp ứng. Và ở đâu có đồng bào của mình đòi hỏi thì chúng tôi vẫn đi đến, không chỉ ở Việt Nam. Nhưng nói đi thì phải nói lại. Khi chúng tôi đi về Việt Nam để biểu diễn thì cách nào đó cũng đã trái với cam kết tinh thần của những người Việt tỵ nạn cộng sản, nhưng đồng bào ở quê nhà hàng triệu người còn nhớ, còn thương và còn giữ trong tim hình ảnh của nền văn nghệ mà chúng tôi đã thành danh thì chúng tôi phải về để chia sẻ với họ.
Nhiều lời chỉ trích rằng chúng tôi đã làm ngược lại tinh thần của những người tỵ nạn cộng sản, quả đúng vậy, nhưng vì tình đồng bào chúng tôi đi về quê hương. Tiếng hát của chúng tôi vẫn nguyên vẹn với dòng nhạc và tinh thần của chúng tôi đã sống.
Ông có liên lạc với ca sĩ Tuấn Vũ và Hương Lan sau sự cố ngoài ý muốn này không?
– Tôi vẫn chưa liên lạc được với hai người đó, nên chưa biết trường hợp của họ như thế nào. Thật ra là mỗi chuyến về Việt Nam, các ca sĩ thường dùng số điện thoại mới nên khó liên lạc như ở bên Mỹ.
Sau câu chuyện bị ngừng diễn hết sức kỳ lạ của ca sĩ Khánh Ly, ông có nghĩ gì về chuyện biểu diễn ở Việt Nam?
– Theo kinh nghiệm của tôi, từ chuyện chị Khánh Ly thì mọi chuyện lúc này rất lạ, do những việc chồng chéo về lệnh, công văn, luật pháp… Chuyện của chị Khánh Ly bị phạt với bài Gia Tài Của Mẹ – một bài hát không nằm trong danh sách cấm – thì rất lạ. Chị Khánh Ly vì muốn hoàn thành chuyến lưu diễn của mình nên làm thinh, nhưng rồi cũng không yên. Rõ ràng là có một sự phân biệt đối xử: Cho phép từ người này, và không đồng ý từ người khác. Rồi thuận tay, ai đó lấy cớ rằng phải “chấn chỉnh” lại ca sĩ hải ngoại. Thật ra nếu muốn chấn chỉnh gì, họ có thể nói rõ ràng là muốn như thế nào, cần gì, chứ không thể nói “chấn chỉnh” chung chung vậy, không ai hiểu là vì điều gì? Mà vì sao “chấn chỉnh” ca sĩ hải ngoại?
Ông có nghĩ mình cũng là người bị “chú ý”? Vì năm 2011, ông đã bị Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn Hóa Thể thao & Du lịch Hà Nội, cơ quan đã quyết định không cho phép Chế Linh tiếp tục biểu diễn ở Hà Nội. Lúc đó ông Long tuyên bố rằng đã báo cáo việc này với Bộ Văn hóa và cả PA25, cơ quan theo dõi văn hóa tư tưởng của Bộ Công an.
– Tôi nghĩ đang là chuyện của một vài cá nhân chứ không phải gọi là chính sách quốc gia chủ trương. Chuyện cấm cản một ca sĩ không còn là chuyện nhỏ đâu, đây là bộ mặt văn hóa của một nước. Việt Nam hôm nay đã bước vào sân chơi của thế giới rồi thì trong sân chơi này đòi hỏi sự công bằng. Mà ở đây là tước đi quyền chọn lựa và quyết định của người dân. Hành động như vậy có hợp với chính sách mà nhà nước Việt Nam tuyên bố không?
Tôi từng bị hủy show sát ngày và phải vào nhà thương nằm để tránh trả lời các lời hỏi thăm, phỏng vấn. Lúc đó tôi bị sửng sốt và không hình dung được chuyện gì đang đến, nhưng giờ thì tôi có đủ kinh nghiệm để bình tĩnh và lên tiếng.
Cấm thì cũng đã cấm rồi. Diễn thì cũng đã diễn xong. Vậy thì với hoàn cảnh như chương trình vừa rồi, và những vấn đề như vậy, ông muốn nói thêm điều gì?
– Tôi kêu gọi là quan chức nào đã ra lệnh cấm cản như vậy thì phải cần chính thức ra mặt để xin lỗi khán giả, xin lỗi vì đã làm những thay đổi ngoài luật pháp như vậy đối với anh em văn nghệ sĩ. Như vậy thì mới gọi là công bằng đối với khán giả, công bằng với nhà tổ chức và những người trình diễn.
Ở đây, tôi nhấn mạnh là vấn đề không phải nói để được hát hay không ở sân khấu Việt Nam, mà quan trọng là mọi thứ cần minh bạch và đúng luật. Đứng đẩy chúng tôi vào thế những người lừa đảo khán giả.
Xin cảm ơn ca sĩ Chế Linh.
___________
-Ca sĩ Chế Linh: “Quan chức nào cấm cản, phải ra mặt xin lỗi khán giả”
–Kiểm duyệt văn hóa của Cộng sản từ sau 1975, vẫn mơ hồ và ấu trĩ