Cái bàn gỗ từ Manzanar

Cái bàn gỗ do ông nội đóng. (Hình: Thuỷ Như)

Lần đầu tiên anh đưa tôi về chào thăm ba mẹ anh, tôi thật ấn tượng với cách bài trí trong nhà. Từ phòng khách tới phòng ăn, từ nhà bếp đến phòng quilt của mẹ anh. Đơn giản, thoáng và đẹp hài hoà.

Ngày ấy tôi cũng còn mới mẻ với nước Mỹ, vừa mới thoát khỏi trợ cấp của nhà nước nên chẳng biết những món đồ nội thất ấy mắc hay rẻ. Tôi chỉ thấy khác hẳn với những nhà Việt Nam tôi được đến thăm. Dầu vậy khi vào thăm phòng của anh, tôi thấy có một bàn viết nhỏ cũ kỹ chẳng xứng hợp với những bàn ghế và vật trang trí trong nhà. Thấy tôi nhìn cái bàn rồi nhìn những vật trang trí trong phòng, anh giải thích. “Đây là kỷ vật của ông nội anh để lại. Ông đóng cái bàn này trong trại tập trung. Anh chỉ đánh bóng lại một tí thôi.” Tôi ngạc nhiên: “Trại tập trung?” Anh gật đầu: “Trại tập trung Manzanar. Hy vọng có ngày chúng ta sẽ đến thăm.” Tôi thêm vào: “Ba em cũng bị giam trong trại tập trung cuả cộng sản Việt Nam bảy năm.” Và tôi nói thầm trong đầu: “Nhưng chắc mình sẽ không bao giờ trở lại ghé thăm.” Sau đó chúng tôi nên vợ chồng và tôi được nghe kể về câu chuyện di cư đến nước Mỹ của bên nội của chồng tôi.

Ông bà nội và ngoại của ông gia tôi di cư từ Nhật sang Mỹ vào cuối những năm 1890. Họ chăm chỉ làm ăn nên đến 1942, họ có một nhà hàng khách sạn nhỏ và một tiệm bán trái cây ở phố Nhật, Los Angeles.  Rồi chiến tranh bùng nổ. Ngày 7 tháng 12, 1941 Nhật thả bom Trân Châu cảng ở Hawaii.  Thế là tháng 2, 1942 Tổng Thống Roosevelt ký sắc lệnh bắt những người có gốc Nhật phải vào ở các trại tập trung nằm hầu hết ở miền tây Hoa Kỳ.  Gần 120,000 người Nhật bị dồn vào 10 trại tập trung ở các tiểu bang California, Idaho, Utah, Arkansas, Colorado, Wyoming and Arizona.

Khoảng 66% số người này có quốc tịch Mỹ. Hai bà cố và ông bà nội của anh cùng ba người con là cô hai, ba của anh và cô út ở trong số những người này.  Gia đình họ không kịp bán cơ sở kinh doanh nên phải đóng cửa nhà hàng, khách sạn, tiệm buôn và gởi nhà cho hàng xóm lên xe nhà nước tiến về Manzanar, hướng bắc California.

Hình chụp từ viện bảo tàng Manzanar lệnh bắt buộc những người gốc Nhật vào trại tập trung (trái) và tấm bảng của một chủ tiệm gốc Nhật bị đóng cửa. (Hình: Thủy Như)

Theo sắc lệnh mỗi gia đình chỉ được đem hai vali đồ dùng cá nhân và tư trang tập trung tại hội đồng mỗi thành phố từ ngày 6 – 7 tháng 5, 1942. Xe của chính phủ sẽ chở họ đến các trại tập trung. Họ đến Manzanar lúc trại mới vừa dựng lên rất thô sơ thiếu thốn mọi thứ. Trại Manzanar là trại tập trung giam người Nhật đầu tiên. Đa số tù nhân là từ Los Angeles. Sau đó, các trại khác lần lượt mở ra để giam các người Nhật từ khắp lãnh thổ Hoa kỳ. Cả Canada cũng có trại giam giữ những người gốc Nhật thời gian đó.   Trại Manzanar nằm trong thung lũng Owen, dưới chân dãy núi Sierra Nevada cách Los Angeles khoảng 230 dặm về phía bắc. Trong một chu vi một dặm vuông, khoảng mười ngàn người gốc Nhật ở trong 504 barracks chia thành 36 blocks.  Mùa hè có khi nóng đến 110ºF và mùa đông thì các ngọn núi chung quanh phủ đầy tuyết làm khí hậu lạnh băng.

Gia đình ông bà của anh được ở chung trong một barrack cùng với một vài gia đình khác. Những người bà con của gia đình từ San Diego thì ở cách đó một block. Chung quanh trại là những hàng rào kẽm gai với những lính canh sẵn sàng nhả đạn vào những người toan trốn trại. Những barrack lợp bằng giấy dầu nên ở trong nhà thì nóng bức trong mùa hè và  lạnh giá trong mùa đông. Mỗi barrack có một bếp dầu, một bóng đèn, những chiếc giường nhỏ kê sát nhau được lót nệm làm bằng rơm và mền là những miếng vải thô. Nhiều gia đình ở chung một barrack nên họ dùng các tấm vải của họ đem theo để che các giường ngủ.  Khỏi phải nói những người Nhật lúc đó thất vọng đến dường nào.

Một barrack (tái tạo) tại Manzanar (Hình: Thủy Như)

Rất nhiều người Nhật thời bấy giờ là những người thành công về nhiều lãnh vực khác nhau.  Họ là những thương gia như gia đình ông bà nội của anh, rồi những bác sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư, các công chức nhà nước và cả những chiến binh đã phục vụ trong quân đội Hoa kỳ trong thế chiến thứ nhất…  Tất cả phải rời bỏ nhà cửa và cơ sở làm ăn để đi đến trại tập trung theo lệnh chính phủ Hoa Kỳ. Điều đặc biệt là không một người gốc Nhật nào cố trốn tránh lệnh này. Có những người tự đến trại Manzanar bằng những chiếc xe hơi đắt tiền của họ. Có một người trong dòng họ của anh xin gia nhập lính nhưng bị từ chối, bắt phải trở về để đến một trại tập trung. Chỉ có những người gốc Nhật đang ở trong quân ngũ (như một người bà con khác của bà nội anh) thì không phải  vào trại tập trung.

Người Nhật giỏi làm nông nhưng cũng phải chịu thua vùng đất cằn cỗi Manzanar. Đất đai sỏi đá khó trồng được các loại nông phẩm. Họ phải ăn đồ hộp của chính phủ cung cấp trong suốt thời gian ở trại. Không trồng trọt được ở trại Manzanar nhưng những tảng đá lớn ở đó quả là sự an ủi lớn của đấng Tạo hoá cho những người Nhật lúc đó. Họ tạo dựng vô số vườn đá với những hòn non bộ đủ hình thù, kiểu dáng. Hầu như mỗi block đều có một khu vườn. Dường như những khu vườn là nơi để họ quên đi những khó khăn bế tắc trong trại tập trung.  Trẻ con đến trường lập tạm trong trại. Người lớn sửa sang lại nơi ở. Những bác sỹ, dược sỹ, y tá thì làm việc trong trạm y tế của trại với tiền lương khoảng 19 đô một tháng. Một số người mở tiệm tạp hoá, cắt tóc và cả dịch vụ ngân hàng trong trại Manzanar. Vài tháng sau đó một số người được ra làm việc ở những trang trại chăn nuôi gần đó. Ông nội của anh là một trong số những người ấy. Công việc của ông là phân loại trống mái những gà con mới nở. Ông làm với độ chính xác cao nên được gọi đi làm thường xuyên.

Một vài vườn Nhật còn sót lại  ở Manzanar. (Hình: Thuỷ Như)

Người Nhật thích đá và gỗ. Họ dùng đá tạo vườn ngoài trời. Lấy những mảnh ván từ những kệ chở hàng đến trại để làm bàn ghế, tủ kệ để dùng trong mỗi gia đình. Nhiều vật dụng chưng bày ở viện bảo tàng Manzanar rất đẹp. Có lẽ gỗ ngày xưa tốt nhưng sự khéo léo và sáng tạo của những người Nhật trong hoàn cảnh thiếu thốn lúc đó là một điều đáng khâm phục. Ông nội của anh đóng nhiều vật dụng nhưng có lẽ cái bàn viết là vật ưng ý nhất nên ông đem về Los Angeles sau khi ra khỏi trại năm 1945. Đó là cái bàn có ba ngăn kéo phía bên phải nằm chồng lên nhau từ dưới lên trên. Gần sát mặt bàn phía bên trái là một ngăn kéo rộng và cạn.  Bàn được đóng bằng gỗ từ những tấm ván của những kệ chở rau quả lấy được một trong những nơi ông làm việc lúc ở trại. Và có cả một mảnh từ bảng tên đường trong trại được đóng bên hông bàn.

Khi gia đình trở về lại Los Angeles, may mắn là người hàng xóm đã trông coi căn nhà nên không bị ai chiếm đoạt. Dầu vậy, căn nhà bị bỏ hoang trong hơn ba năm đã bị hư hỏng nhiều. Ông nội anh cùng những người bà con đã sửa chữa lại ngôi nhà để cho rất nhiều người bà con về ở cùng vì họ không còn nhà cửa.  Tất cả đều bắt đầu lại từ đầu và chiếc bàn gỗ đi theo gia đình ông nội cho đến khi ông qua đời năm 1999.  Rồi chiếc bàn được về nhà ba anh. Mỗi lần dọn nhà, ba anh đều đem chiếc bàn theo. Nó không đẹp nhưng mang biết bao kỷ niệm của gia đình. Và bây giờ cái bàn được cậu con trai lớn của chúng tôi làm bàn ngồi học.

Cái bàn được cậu con trai lớn của chúng tôi làm bàn ngồi học. (Hình: Thủy Như)

Ba anh lúc đó mới sáu tuổi nên ký ức về trại tập trung không nhiều. Mỗi lần hỏi chuyện, ông nói chỉ nhớ là thường chạy chơi với những đứa trẻ khác trong barrack. Có vài lần mãi chơi nên tiến về hàng rào kẽm gai thì bị người lớn la quay trở lại trước khi bị ăn đạn của lính canh. Dường như ông không có những cay đắng về trại tập trung. Ông ra khỏi trại lúc gần mười tuổi. Chồng tôi là con trai trưởng, nên lúc mười tuổi, anh được ba dắt đến thăm trại Manzanar. Lúc bấy giờ trại bị bỏ hoang nên tiêu điều lắm.  Sau đó, những người Nhật từng sống trong trại các tập trung cùng con cháu của họ đã vận động công, của và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để Manzanar trở thành khu di tích lịch sử. Cô hai của anh là một trong những tiếng nói mạnh mẽ trong việc này. Năm 1972 Manzanar được công nhận là một di tích lịch sử của bang California.

Năm 1988 Tổng Thống Reagan nhân danh nước Mỹ chính thức xin lỗi những người Nhật bị giam trong những trại tập trung. Ông cũng ký một quỹ để bồi thường mỗi người Nhật bị giam trong trại với số tiền hai chục ngàn đô. Trong khoảng 80,000 người còn sống đến năm 1988, có khoảng 60,000 người nhận số tiền này. Đối với rất nhiều người  Nhật trong đó ông dượng của anh, một lời xin lỗi từ nước Mỹ là đủ.  Số tiền $20,000 không có nghĩa gì cả.

Giải thích cho con về đài tưởng niệm (Thuỷ Như)

Năm 1992 Manzanar được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2001 Viện bảo tàng quốc gia về cộng đồng Mỹ gốc Nhật được khánh thành ở Washington, D.C.  Năm cậu con trai lớn của chúng tôi lên mười, anh đưa gia đình chúng tôi đến thăm Manzanar. Khác với lúc anh lên mười, Manzanar ngày nay khang trang hơn nhiều. Chúng tôi thấy nhiều khu vườn Nhật được khôi phục. Viện bảo tàng trưng bày rất nhiều di tích.  Lúc anh mười tuổi, Manzanar tiêu điều, hoang vu và trơ trọi. Ba anh không thể chỉ cho anh những dấu tích của gia đình. Năm gia đình chúng tôi đến thăm, anh có thể chỉ cho các con tôi, tên của hai bà cố, ông bà nội, các anh chị em và bà con của ba anh trên màn hình có 10,000 tên của những người ở trại Manzanar. Chúng tôi thăm các barrack, vườn đá và tìm khu đất chỗ gia đình ông bà của anh ở hơn 70 năm trước.

Danh sách những người ở trại Manzanar (Thuỷ Như)

Anh bảo các con của tôi:  “Ông nội đã ở trong trại tập trung này từ tháng 5 năm 1942 đến tháng 12 năm 1945. Vậy là họ đã ở đó bao lâu?” Các con tôi tính toán và trả lời: “Hơn ba năm rưỡi.” Anh tiếp: “Ba mươi năm sau, ông ngoại cũng ở trong một trại tập trung khác bảy năm.” Cậu con nhỏ của tôi tiếp: “Trại tù cộng sản Việt Nam phải không ạ? Tụi con nghe mẹ kể nhiều lần.” Cậu con lớn tôi hỏi: “Thế Việt Nam có xin lỗi và đền tiền cho ông ngoại không?” Tôi  bỗng thấy nghẹn giọng, ráng trả lời con:  “Chắc là không. Hy vọng là có một ngày… nhưng niềm hy vọng ấy có thể chẳng bao giờ xảy ra.”

Tôi thấy mắt mình nhoà đi khi trả lời con câu đó. Tôi thầm nghĩ: “Chẳng biết có ngày ấy hay không.”  Xin kết thúc bài viết này với câu nói của John Tateishi, người lãnh đạo cuộc vận động cho công lý của những người Nhật trong các trại tập trung. “[Công lý cho những người Nhật bị giam trong các trại tập trung] đó là di sản chúng tôi để lại cho đời sau và cho đất nước, để nói rằng ‘Anh có thể phạm sai lầm, nhưng anh phải sửa nó lại – và khi sửa sai, hy vọng sẽ không lặp lại lỗi đó nữa.’”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo