Đĩa hát bắt đầu nhập vào Việt Nam từ lúc nào và nó đóng góp vào đời sống giải trí của người Việt ra sao. Mời đọc lại bài viết dưới đây của nhạc sĩ Hoàng-Chương, đăng trên tờ Việt Báo số 20, ghi ngày “từ 1 tới 8-10-1949”. Trong bài viết này, tác giả đã giúp cho thấy một phần bức tranh không chỉ nền công nghiệp non trẻ đĩa hát của Việt Nam mà còn trình độ và xu hướng thưởng thức âm nhạc thời bấy giờ…
***
Trong địa-hạt-âm-nhạc, dĩa hát có một công-dụng và một giá trị to tát. Nghệ thuật biểu diễn sẽ khó tránh khỏi phôi phai, nghèo nàn nếu không nhờ thâu-thanh vô dĩa với thời-đại dĩa nhựa, nhạc công đã tiêu được mối hận chết đi chưa lưu lại được ngón đàn điêu luyện của mình về sau. Ngày nay một Enrico Caruso, một Paderewski dầu chết đã bao nhiêu năm, thế-giới vẫn còn thưởng-thức mãi giọng ca đẹp như nhung lụa hoặc tiếng đàn piano tuyệt-diệu của họ, ký-âm-pháp chỉ ghi nhạc-điệu lên mặt giấy. Dĩa nhựa thâu-giữ âm-thanh một cách trực-tiếp vô giữa lòng than đen cháy để phân phát ra khắp bốn phương trời, sống hoài cùng thời gian. Do đấy, người Âu châu còn gọi nó là NHẠC BỎ HỘP (musique en conserve).
Dĩa hát ngoại quốc nhập cảng vào xứ ta đã ngót nửa thế kỷ. Nhưng dĩa bằng tiếng mẹ đẻ chỉ mới xuất hiện chừng 30 năm trở lại. Hãng đầu tiên thâu thanh tiếng Việt là hãng Pathé. Nếu tôi không lầm thì những dĩa bắt đầu bằng câu giới thiệu: “Thưa quý ngài, gánh cải lương thầy Năm Tú ở Mỹ Tho xin đờn một bản nghe chơi” đều thuộc vào hạng cũ nhất.
Về sau nhiều hãng khác nối tiếp nhau xuất hiện. Hãng Odéon, Victor của Pháp, hãng Béka của Đức và Hãng Asia của người mình ở Chợ-lớn. Thoạt tiên những bản Tầu: Xái phỉ, Xàng-xứ-liếu, khóc hoàng-thiên được hoan-nghinh cực lực rồi đến tuồng Cải-lương với Tập-bích ban, Văn hí ban. Không bao lâu dĩa nhựa đã thành nơi quy-tụ của hầu hết tài-danh nức tiếng một thời như: Hồng-Hoa-Lệ, Năm-Phỉ, Phùng-Há, Sáu-Nết, Kim-Thoa, Ba-Giáo, Tám-Long, Tư-Huyến.
Bắt đầu từ 1936 trở đi, nhạc Vọng-cổ cùng với tên cô Ba Bến-tre, cô Năm Cần-Thơ, cô Tư-Sạng v.v… bá chiếm hầu hết dĩa nhựa. Chỉ còn dành cho các loại khác một mảnh đất chật hẹp. Dân-gian say mê vọng-cổ như say kinh nhật-tụng. Số dĩa sản xuất hằng năm của mỗi hãng lên đến 200.000. Nhưng trận chiến-tranh thế-giới bùng nổ. Vì thiếu nguyên-liệu nhập-cảng, các hãng phải tự ngưng việc thâu-thanh. Mấy năm gần đây họ bắt đầu hoạt-động trở lại. Một vài hãng mới thành-lập. Song le quan-niệm âm-nhạc của quảng-đại quần-chúng ngày nay đã khác hẳn xưa. Dầu muốn dầu không các chủ-nhân dĩa hát đều bắt buộc từ bỏ những điệu cố-hữu để tìm đến một cái gì mới mẻ hơn, theo sát với trào-lưu hơn.
NHỮNG DĨA HÁT CŨ
Nhiều người hễ nghe nói đến dĩa hát cũ là nghĩ ngay đến dĩa vọng-cổ. Thiệt vậy, loại vong-quốc-nhạc ấy từ trước đến giờ vẫn được thâu-thanh nhiều hơn hết. Trải bao năm qua, từ hình-thức một bài Dạ-cổ hoài-lang đơn giản, biến lần ra vọng cổ 4 câu, rồi 8, rồi 16 qua tay mấy “bực thầy” dẫu có thay đổi ít nhiều về hình-thức nhưng đại-để vẫn giữ nguyên cái bản-chất mềm yếu rã rượi của nó. Một điều lạ nhất trong lịch-sử âm-nhạc nhân-loại là chưa hề bao giờ thấy điệu nhạc nào (kể cả cổ lẫn kim) lại được yêu-chuộng bền-bỉ gần như không biết chán suốt một thời gian dai dẳng nhường ấy.
Đem so-sánh những dĩa hát cách nhau 20 năm nay, trăm dĩa như một, ta vẫn nhận thấy âm-điệu y nguyên, họa chăng chỉ chênh lệch ở một đôi phần tiết-tấu (dịp nội và dịp ngoại). Người ta chỉ đặt thêm lời ca, gán cho mỗi dĩa một tên rồi thâu-thanh liên-tiếp. Những dĩa ấy, đừng nói chi đến sự thiếu khoa-học, thiếu hệ-thống trong lối đàn ca mà riêng về phương-diện văn-chương của bài hát thì trừ ra một số ít bài còn có thể hiểu được đôi chút, hầu hết đều than khóc bâng-quơ bằng một giọng đau tim, chỉ những “nứt rạn” và “khô héo” dường như bốc từ bên kia cửa mộ. Tuy vậy, thỉnh-thoảng ta cũng bắt gặp đôi dĩa thiên về luân-lý giáo-dục (Mẹ khuyên con), lịch-sử (Mỵ-Châu Trọng-Thủy), hoặc trào-phúng do Chín Móm diễu. Dưới phong-trào cách-mạng, các nhạc-sĩ vọng-cổ đã đem những đầu-đề chống thực-dân để đặt bài. Tiếc rằng loại này hồi đó vì thiếu nguyên liệu nên không thể vào dĩa. Dẫu sao, nhạc vọng-cổ vẫn giữ hoàn-toàn tính-cách đau ốm, tuy muốn làm cho tươi, cho mạnh cũng chẳng được nào.
Ngoài vọng cổ, hãng Béka đã có công sưu tầm thêm loại nhạc bình dân Trung, Bắc. Những dĩa Nam Ai, Nam Bình, Hò mái nhì do cô Dung, cô Nhơn ca theo cung đờn tài hoa của cậu Tôn Út, những dĩa Mong anh khóa, Kiều lẩy do các đào Tiềm, Nhật ở Khâm Thiên kể đều thuộc vào loại dĩa rất quý, đáng làm tiêu-biểu cho cả một nền cổ nhạc. Cũng nên nói đến mấy dĩa thuộc loại tôn giáo như: Châu văn Thánh Mẫu, Tụng kinh Phật.
Bên cạnh những dĩa thuần Việt-Nam ấy còn có những dĩa hát tiếng ta theo điệu Tây. Và không ai chối cãi bằng chính những dĩa Marinella , Reviens! Guitare d amour… mà cô Ái Liên hát với giàn nhạc Francois Nở đã khởi đầu cho phong trào cải cách to rộng sau này.
NHỮNG DĨA HÁT MỚI
Sau mùa Cách-Mạng giải-phóng, dĩa hát Việt-Nam đã chịu một biến-cải quan-trọng. Cùng chung số-phận với tất cả mọi thứ lạc-hậu, nhạc vọng-cổ bị đào-thải để nhường chỗ cho một nguồn nhạc mới, dồi-dào sinh-lực. Các nhà sản-xuất dĩa hát, muốn chiều theo thị-hiếu thính-giả, bắt đầu thâu-thanh loại cải-cách. Đầu năm 1948 hãng Asia phát hành luôn một lần bốn dĩa của Đức Quỳnh kết-quả mỹ-mãn. Số dĩa in ra không đủ bán. Những dĩa hát đầu tiên ấy chưa được hoàn-toàn về phương-diện nghệ-thuật có lẽ vì còn mang một tính-cách thử-thách. Quen như vọng cổ cho nên lối thâu thanh ở đây thiếu quy củ, phần đàn phụ họa nhiều khi lấn cả phần hát. Sự biểu diễn cũng chưa được săn sóc châu đáo. Ta nhận thấy cây Piano thấp hơn kèn đến nữa giọng và nhất là ở bài Tống Biệt mấy cây kèn đi “bậc ba” (tierce) nghe như khóc.
Cách dăm tháng sau hãng Việt-Long cho ra đời mấy dĩa của Lê Thương do giọng ca mỹ miều của Trần-v-Trạch diễn tả với giàn nhạc Phi-Phi. Mặc dầu chỉ lưa thưa mấy cây đàn đám nghệ sĩ đã dụng công làm nỗi được những tác phẩm đầu tay. Xuất sắc nhất là dĩa Hòn Vọng-Phu (1) mà lối trình bày khéo léo theo âm hưởng Á Đông gợi nhiều màu sắc dân tộc.
Tiếc rằng sau lớp dĩa đầu tiên đáng chú ý ấy, gần đây hãng Việt Long làm ta thất vọng với một số dĩa vừa thâu thanh ở Pháp gửi về. Không biết ông nhạc trưởng Radio Picture nào đó thông minh quá đã đem đổi hẳn bài Cô lái đò mơ từ nhịp “Waltz” sang nhịp “Slow” khiến người nghe có cảm giác gần như bị khinh miệt. Có những bản nhạc đổi nhịp này qua nhịp khác vẫn hay nhưng có nhiều bản chỉ hay nhờ ở nhịp. Cô lái đò mơ sở dĩ được phổ thông là vì cái nhịp Ba bồng bột lôi cuốn của nó. Nay ban Radio Picture đàn chậm rì lại thêm cô Ngọc Cúc ca trật từ đầu đến cuối. Cùng chung một số phận, những dĩa Con thuyền không bến, Thiên thai… chỉ đưa lại một bất mãn qua giọng hát kỳ khôi và cằn cỗi của ông Lê-Vinh. Ca-sĩ này ưa đệm các chữ “ề”, “à” vào trong câu hát nghe giống như hát bội. Tôi tự hỏi không hiểu thâu thanh mấy dĩa ấy người ta có định cho người ngoại quốc thưởng thức nhạc mới Việt Nam chăng?
May thay gần đây tôi có dịp được nghe một ít dĩa của hãng ORIA, nhận thấy ở mấy bài Trời xanh thẳm, Mưa đêm thu, Tiếng thu… riêng về phần hòa âm rất quy củ. Mặc dầu Văn Lý với giọng ca bán “thổ” bán “kim” cố níu lấy giọng yểu của cô Hoàng Lan một cách vô vọng.
TƯƠNG LAI DĨA HÁT V.N.
Nhìn lại quãng đường xa lắc đã qua, dĩa nhựa Việt Nam vẫn chưa thâu thập được kết quả gì xứng đáng với sức sống cũ càng của nó. Suốt hai năm nay nó đang lần mò đi tìm một phương hướng mới, một hứa hẹn. Hơn hết bao giờ, ta có thể tin chắc chắn rằng nhờ lòng sốt sắng của nghệ sĩ, nhờ quan niệm nghệ thuật mới mẻ của toàn dân, dĩa nhựa không bao lâu sẽ chiếm được địa vị xứng đáng của nó. Nhưng trước hết cần đến sự nhiệt thành của các nhà sản xuất. Cả tương lai dĩa hát V.N. còn nằm mong manh trong bàn tay họ.
Tôi còn nhớ, nhân nói chuyện, một ông chủ dĩa nọ bảo với tôi rằng sở dĩ ông chưa hẳn chuyên chú về nhạc cải cách vì sợ giá trị nó chưa được vững vàng, in ra nhiều bây giờ, ít năm nữa khi trình độ âm nhạc đã lên cao thì sẽ bán không chạy. Ý kiến ấy thật sai lầm. Kho tàng nhạc mới, sau mười mấy năm gầy dựng, tính ra số nhạc phẩm giá trị không phải là hiếm. Có những bản nhạc đã từng được hoan nghênh ở Mỹ, ở Nga, ở Pháp, ở Nhật há chẳng thể vừa lòng một ông chủ dĩa? Còn nói về phương diện kỹ thuật thì những dàn nhạc Vỏ đ Thu (sic), Trần văn Lý, Lê v An, Kim Sơn (Dung) nào kém thua gì ngoại quốc? Nếu cứ nhặt nhạnh bất cứ một bản đàn nào rồi thuê dăm ba nhạc công thổi kèn ẩu tả, cho thêm một ca sĩ “lang thang” hò hét thì đừng nói chi bây giờ, đến trăm năm nữa chưa chắc đã ra hồn.
(Huỳnh Minh Hiệp chép lại từ bộ sưu tập báo chí riêng)