Nguyễn Thị Hoàng – “Định mệnh còn gõ cửa” (*)

Trước khi nổi tiếng với tác phẩm đầu tay Vòng Tay Học Trò, Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện trên văn đàn với chất giọng thơ lạ và lẩn khuất đâu đó là một niềm sầu sâu thẳm rất đàn bà như trong những bài thơ ký dưới tên Hoàng Đông Phương trên tạp chí VĂN…

“Em đợi anh về những chiều thứ bẩy
Hiu hắt vòm trời buổi sáng thứ hai
Nhạc dạo mơ hồ trong tiếng mưa bay
Thành phố ngủ quên những ngày chủ nhật

Cho em xin một chiều vui thứ bẩy
Có nhạc phòng trà có lá me bay
Tiếng gió reo vui đêm dài xa lộ
Nửa cuộc đời còn khoác kín vòng tay.”

Người ta chỉ biết nhiều đến Nguyễn-thị-Hoàng khi bà nổi lên với ồn ào scandal “Vòng Tay Học Trò”.

Xuất hiện nhiều kỳ trên một tờ báo khá “chính thống” là Bách Khoa và ký tên là Hoàng Đông Phương bắt đầu từ 1966 – ngoài là thành công đầu tay khiến Nguyễn-thị-Hoàng đường hoàng bước vào “chiếu trên” trên văn đàn từ những năm đầu thập niên 60, trong một chừng mực nào đó là một cơn déjà-vu… xảy ra đến hai lần với bà.

Trong một bài phỏng vấn với Mai Ninh, bà Nguyễn – thị – Hoàng đã nói rõ và nói kỹ về quyển này như sau:

“… Chán chương trình, không khí ở Văn khoa, Luật, bỏ học, đi làm không lâu lại bỏ việc này (thư ký riêng của một tỉ phú) 1960, tìm việc khác 1961. Được bổ nhiệm về Nha-Trang dạy học, trường nơi đây từ chối; chuyển lên Đà-Lạt. Trường nữ dư giáo sư, trường nam thiếu nên xảy chuyện “hoa lạc giữa rừng gươm”, 1962. Năm sau bỏ Đà-Lạt. Mùa hè 1964, một xấp pelure ố vàng, một cây bút gì đó, viết một hơi một tháng, VTHT. Bách khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao. Nhưng sau đó chuyển cảnh qua chồng con, bản thảo VTHT xếp lại. Đến 66, một nhóm tìm kiếm VTHT, xuất bản. Tái bản 4 lần trong vòng mấy tháng. Sóng gió nổi lên từ mọi phía, vì những lý do và động lực khác nhau. 5 tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới. Rất tiếc cuộc biển dâu cuốn trôi không còn một mảnh tài liệu nào, còn trí nhớ NTH thì chỉ gạn lọc lưu trữ những gì tốt đẹp. Hình như nhân danh hay đại diện phụ huynh học sinh, nhà trường gì đó có lên tiếng trong một bài báo. Không có những phản ứng trực tiếp tương tự như trong phim đối với cuốn truyện, còn gián tiếp thì không biết.

Khi viết, với không phải viết cái gì đã sống, mà trên khung cảnh, sự kiện, nhân vật của khoảnh khắc thoáng qua “trong vai” cô giáo ấy, tăng giảm biến đổi để đúng vóc dáng một câu chuyện. Đã không tính đến chuyện viết tiểu thuyết hay hình thành một tác phẩm với dụng ý, mục đích nào mà chỉ góp nhặt lại những mảnh vụn của một khúc đời đã vỡ.

Thế mà nó trở thành tác phẩm, tác giả với hàng loạt những hệ quả sinh khắc liên hồi từ ấy.

Được lồng bóng trong một giai đoạn thời sự bất an, những ngộ nhận phê phán không thuần túy qua lăng kính văn học nghệ thuật mà nhiều vấn đề ngoài nó.Cái nhãn hiệu độc dược hiển nhiên dễ dán là vô luân lý đạo đức, hay một chữ gì đó tương đương hoặc nặng nề hơn.

Nhưng nó là như thế nào so với hàng loạt những tác phẩm đã dịch và in ra, những câu chuyện có thật trong đời thật. Trong VTHT hay bất cứ đâu, nếu cô giáo yêu một học trò ngoài lớp mình dạy bị kết án thì những mối tình hay hôn nhân giữa thầy giáo với học trò(chuyện thường thấy), lớp mình hay lớp khác trong trường, thì được phép, tại sao?

Nên hình như chủ đề chỉ là cái khiên, những mũi tên nhắm phần sau là một trường hợp, của một giai đoạn.

Nó là cái chìa khóa mở cửa vào một thế giới, nhưng hơn mười năm sau, cũng là thứ chìa khóa đóng kín thế giới ấy lại để có mặt bỗng nhiên vắng mặt.

Nó là cái khởi đầu muốn chấm dứt tất cả những gì trước và sau nó, nhưng thật phản tác dụng, nó lại là cái tín hiệu, là mối nối của những tương giao, hiệu ứng hai mặt của một tính cách định mệnh. Bởi, nó gián đoạn, chôn vùi gần kín thời gian một đời người hay một đời viết, nhưng bù đắp, cái gián đoạn chôn vùi này lại lắng đọng và tích lũy một tố chất cuồn cuộn khác trong hồn nhiên tự tính.

Trên tất cả, nó đem đến những kiếm tìm gặp gỡ và bù đắp cái không là gì cả mà là tất cả của hôm nay, như giọt lửa sau cùng dưới đám tro vùi, thắp lại được một phần còn mong manh mà kỳ thực là cái khởi đầu chờ mong của SỐNG và VIẾT.

Khoảng 71, 72 gì đó, Kiều Chinh và Đặng Trần Thức có tìm gặp NTH định làm phim VTHT. Về sau lại thôi, hình như vì sợ đọ sức với Mourir d’aimer của Pháp. Sau đó (sách hay phim) ai làm gì liên quan đến VTHT, NTH hoàn toàn không hay biết, cho đến nay. NTH vẫn vấp phải những thứ tương tự oan khiên như vậy. Sự thật, những thứ kia là thuần túy phim ảnh, tiểu thuyết, phía mình thì trích dẫn và phóng tác bằng chính những mảnh vỡ đời mình. Ví dụ, một thời gian sau cuốn Ngày Qua Bóng Tối, NTH xem Un Certain Sourire của F. Sagan. Những nhân vật trong NQBT của NTH lại giống như Luc (với Rossano Brazzi Ý), Bertrand, Dominique và Francoise, chỉ khác ở F.S thì phá phách, ở NTH thì rã rời (trong truyện này)…”

Sáng tác sung mãn (như phần nhiều các tác giả trước 1975 – dĩ nhiên trong số các tác phẩm của bà có quyển hay rất hay và dở rất dở). Nhưng trong những cái “rất dở” đó, tôi vẫn luôn bắt gặp được điều gì đó rất độc đáo, có khi là cách dùng một từ đảo, một câu văn dài hay chỉ đôi khi là một ý tưởng miên man hoài hoài không chấm dứt… (khác ngược hẳn với văn chương hiện nay, nhiều quyển chỉ… “kêu” mỗi cái tựa sách, bên trong… là một cùng cực của sự rỗng tuyếch và sáo mòn).

Sự miên man bất tận qua những lời độc thoại của nhân vật cũng có thể nói là phong cách sáng tác đặc trưng của bà, đặc biệt trong các truyện ngắn trên Văn…

Bà từng nói về việc VIẾT của mình như sau:

“Một tác phẩm có mặt từ ba yếu tố: nghĩ (hay cảm), viết, và in. Nghĩ thì như thở, càng bị rượt đuổi vây khốn, càng dập dồn, chồng chất. Viết ra thì khó liên tục nếu ăn ở không yên và chèo chống không ngừng với mọi vấn đề. Nếu vượt hai điều trên được, lại phải đứng dừng trước bức tường thứ ba: in ra, ngoài khả năng của một tác giả tận cùng đơn độc, trong mọi nghĩa. Khi qua đi một khúc đoạn ở cuộc đời hay nỗi niềm riêng, NTH vẫn ngạc nhiên là mình vẫn còn sống và câu hỏi duy nhất là làm sao để in ra, cũ và mới những gì đã ứa ra từ quá trình sống… chín này.”

Tôi không biết lúc bà đang sáng tác những tác phẩm này trên VĂN, bà có một niềm ưu tư hay món nợ tình cảm gì đang nợ nần với ai không mà trong mỗi tác phẩm, để lại dư vị trong tôi đều là một chút buồn… loang ra như nền “trời xanh trên mái cao”, cuộn trào như sóng, cao xa tầm tay với, buồn thấm đẫm vào thịt da qua từng con chữ, từng câu văn… Khi chấm hết mội truyện ngắn, Nguyễn-thị-Hoàng gieo vào độc giả một thứ dung môi “độc hại” nhưng đầy thú-đau-thương “ứa ra từ quá trình sống chín” ấy của bà…

Những nỗi buồn “oan trái” đôi khi mang chút ít dằn vặt “hiện sinh” đã từng gây nên ít nhiều “dè bỉu” nơi những người cho văn chương của Nguyễn-thị-Hoàng chỉ là một thứ văn chương “làm dáng”… Tôi không biết nên đồng tình hay phủ nhận ý kiến này…?!?

Chỉ biết rằng sự “làm dáng” ấy, hay nói đúng hơn là cái ý thức “làm văn” nơi Nguyễn-thị-Hoàng nếu có, đến từ sự ham muốn biến tiểu thuyết/truyện ngắn của mình thành một “phương tiện” để lý giải đời sống, lý giải sự “vô-lý” của đời sống và cái hoa mỹ, nếu có, chính là sự khỏa lấp vết thương sâu trong lòng các nhân vật bất hạnh của mình… Vì hơn ai hết, bà biết, cái kết không viên mãn, cái kết dấy lên như một vết sưng tấy… là bản án mà mỗi nhân vật phải lãnh chịu, không hơn không kém…

Những chữ, những dòng, những chấm và cả những-không-chấm trong truyện ngắn Nguyễn-thị-Hoàng… như một chiếc thuyền lòng đã mắt nạn và nằm kẹt lại vĩnh viễn nơi người đọc, những “triết lý”, những câu hỏi liên tiếp reo lên trong truyện ngắn của Nguyễn-thị-Hoàng neo lại trong lòng tôi một chút mơ màng trong đời sống chật chội này, nó cũng đủ làm dấy sáng trong tôi leo lét những lân tinh hy vọng, dù là ít ỏi… hy vọng lấy từ chút hơi tàn sức kiệt muốn sống và phải sống… Cái triết lý ấy từng được Nguyễn – thị- Hoàng nói đến dâu đó trong nhiều tác phẩm.

“Trong mỗi mấp máy, bước chân đi vào hay ra khỏi đời sống hỗn tạp mang mang, trong từng thấp thoáng linh cảm hay cỏn con mơ tưởng của con người đều vẩn vơ dấu vết của bước chân định mệnh. Bước chân đó dù ghé dến thềm đời của một người nào, dù dịu dàng hay mãnh liệt, dù thầm kín hay ngang nghiên cũng đều là một ma lực kì dỵ, vừa dẫn dắt ta theo con đường  vạch sẵn từ tiềm thức nhưng đồng thời cũng dìu ta lên một cõi sáng láng nào, dù là khoảng cao phải trải qua bao nhiêu vực thẳm của đời sống và tâm hồn. Sự trốn chạy chỉ là một cách để dấn sâu thêm vào vực thẳm. Và sự dấn sâu tâm hồn hay đời sống vào vực thẳm cũng là một cách để cuối cùng bay vút lên cao” (Cho Đến Khi Chiều Xuống – truyện dài).

Đi sâu vào cõi sống tâm hồn và giải nghĩa… ý nghĩa của định mệnh, phải chăng Nguyễn-thị-Hoàng cố công đi tìm câu trả lời “Đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn… anh đó”.

Cách diễn tả tâm trạng của người nữ trong những truyện ngắn trên VĂN của bà cũng thật đặc biệt và táo bạo: thường là một trào dâng thèm khát yêu thương, thèm khát được vỗ về… tình thương như là một cứu cánh cần kíp cho đời sống trong từng nhân vật của Nguyễn – thị- Hoàng, họ có thể không ăn, không ngủ… nhưng họ phải yêu, phải tận hiến cho tình yêu, phải thở “khói thương nhau”… thì lúc đó họ mới tồn tại… cho đến khi sự bất toại của đời sống xảy đến, những người nữ ấy bàng hoàng nhận ra khuôn mặt đau đớn của đời sống… Buông tay và trượt ngã… nhưng họ, vẫn tiếp tục phải sống, phải đối mặt…

Vẽ thêm nhiều khuôn mặt cho nỗi buồn, Nguyễn-thị-Hoàng còn biến truyện ngắn của bà hấp dẫn độc giả bằng chính cái cảnh huống bà gán ghép cho những nhân vật như chưa thể bi kịch hơn của mình – có khi là khung cảnh của một đêm tối, chàng trai vô danh nào đó gặp lại cô gái nhỏ năm nào, giờ đã “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” trong ĐÊM TÀN OANH TRẢO; bao nhiêu kỷ niệm – bấy nhiêu đau đớn…; có khi lại là một hành trình đi tìm sự cứu cánh trong tình yêu của một người nữ đã qua thời xuân sắc gặp lại người em gái nhỏ năm nào… trao yêu thương để rồi bẽ bàng thấy rõ vị trí của mình, chỉ có thể là bên lề của cuộc sống, khi mà “đi chỉ là dẫm đẹp lên chỗ của những người khác” trong MÙA XUÂN LÁ VÀNG (cũng có thể nói phải chăng Nguyễn-thị-Hoàng là nhà văn đầu tiên chạm đến vấn đề nhạy cảm trong văn chương: đồng tính nữ với tinh tế trong ngòi viết không thể “sensual” hơn); lại có khi là một cõi sống mịt mùng trong đó tình yêu tìm đến trong một bóng dáng vừa xa xôi, vùa gần gũi nhưng rồi tất cả cũng chỉ là hư ảnh để rồi cuối cùng con người còn lại trong chính nỗi bơ vơ cực cùng của mình khi tuyệt vọng ùa đến một cách choáng ngợp và bất ngờ trong BÓNG SAO CHÌM , BÓNG MA… Và rồi nữa, sự hạnh ngộ thoáng chốc, tưởng chừng là một nhịp cầu tương phùng giữa hai tâm hồn lạc loài, nhưng rồi, gặp chỉ để càng xa thêm, vì mỗi người đã tự đẩy mình sang hai bờ của trùng dương cô đơn… trong GỢI NIỀM THÂN MẬT…

Nữ nhà văn “hồng nhan đa truân” ấy, sau khi khuấy đảo văn đàn trong một thời huy hoàng của văn chương miền tự do, nay đã chọn cho mình một lối sống im lặng… nói như bà trong trường thiên “nhật ký” NHẬT KÝ CỦA IM LẶNG… phải chăng “bất động cũng là hành tung của một kẻ ẩn mình”… Tôi thấy đâu đó cũng có sự “nổi loạn” ngay trong “phát ngôn” có phần yếm thế kia…

Tôi luôn bắt gặp những suy tư rất riêng, và nhiều lúc, những độc thoại này, như một độc thoại dành riêng cho mình trong truyện ngắn Nguyễn-thị-Hoàng

“…đến một lúc nào đó, ta gặp một người nào, chỉ một lần, dù mến yêu dù thù ghét, cũng chỉ một lần, rồi từ đó cho đến ngày nhắm mắt, vĩnh viễn, dù trái đất còn quay, người ta vẫn có thể còn đi lại, viếng thăm nhau, những đường bay vẫn tiếp tục nối kết mây trời và biên cương nhưng không bao giờ, ta còn gặp lại người đã gặp một lần thứ hai nào nữa, DÙ SỐNG SÓT ĐẾN VẠN TRIỆU ĐỜI TA SỐNG…”

Tôi không mong đó là những gì mà Nguyễn-thị-Hoàng muốn dành cho chính bà trong đời sống này…

Chút tình… xin đừng lãng quên! **

(*): Tên một truyện dài của tác giả

(**): Chút tình xin lãng quên: tên một truyện dài của tác giả

Nguyễn Trường Trung Huy, Tháng Mười|2021

——————————————————————————————————–

Mời các bạn đọc lại truyện ngắn ĐÊM TÀN OANH TRẢO của Nguyễn Thị Hoàng đăng trên tạp chí Văn, sau được đưa vào tập Tuyển Truyện 12 tác giả (NXB Hoàng Đông Phương – cũng là nhà xuất bản của riêng Nguyễn Thị Hoàng – Saigon – xuất bản 1968) (***)              

Mình đã bỏ quên đôi giày không biết quãng nào dưới bãi sau khi tắm. Bao nhiêu buổi sáng, bao nhiêu lần tắm. Sao chỉ lần này bỏ quên. Sao không một thứ nào khác, mà đôi giày. Sự mất mát bất ngờ vẫn tạo ra những nhận hưởng bất ngờ tiếp theo. Hai bàn chân không lùi vào cát nóng, mình thênh thang đi vào đảo, trên cát vàng nhạt lởm nhởm vỏ ốc và mảnh san hô trắng xoá nhập nhoà bóng im của những hàng lựu già khô quắn còn đơm hoa đỏ. Trên đầu mình, hai hàng lựu gầy guộc cành khô với bông đỏ chói dàn chào tươi cười dưới vòm trời xanh mênh mông không một vần mây, như mặt biển thứ hai úp ngược, hay chính vòm trời xa xanh cũng là biển thẳm ngoài kia. Hơi gió thở đều trong lá dừa láng lẩy ru thần trí mình đê mê đi tới.

Mình còn nhận ra là đang đi tới, với cảm giác nhẹ nhàng tất cả đã thật dứt khoát lùi lại đàng sau, chiếc tàu lớn đã nhổ neo rời vùng biển cũ. Thế là mình mất tích ở đây, không ai biết. Chỉ còn thế giới thanh bình của tĩnh vật. Những hòn sỏi tím. Những vỏ ốc, vô số mảnh vụn san hô, trắng và xốp như xương người khô héo. Muốn một trái lựu thật chín hột hồng vàng, mọng nước mát. Lựu lủng lẳng đầy hai bên lối đi, những trái vàng xanh núng ở đầu cuộng, cái bong khô vừa rụng. Sao chẳng hái một trái, cứ phải đi tìm người trồng. Không một nhà cửa xung quanh.

Tại sao lại đến đây, và đi tìm mua một trái lựu. Tại sao muốn mua khi không còn một đồng nào mà không thản nhiên hái trộm trái ở ngay tầm tay với. Sao tìm kiếm. Nhưng tất cả những gì liên hệ đến sự sống còn cũng bắt buộc xô đẩy mình tìm kiếm. Buổi trưa trải nắng thảm vàng lên khoảng vườn cỏ khô cho mình nằm xuống một bóng im và nhìn ra. Từ sườn đảo cao này có thể trông thấy đường xanh miên man của biển kẻ lên nền trời trắng nhạt. Tiếng một con chim luých chuých trong cây không tên nào quanh quất. Vẫn còn sinh vật khác. Không bao giờ được một mình. Vậy không thể huỷ diệt bằng một đắm chìm quên lãng trong vắng lặng và quạnh hiu. Không được. Không thể yên thân. Lại phải đi. Nhưng đi đâu. Làm thế nào trốn thoát được ý nghĩ trở về và tiếp tục cuộc tìm kiếm ngu ngốc. Sao không quên đi được mình là gì là ai. Không xoá được tất cả mọi hình ảnh diễn ra khắp đời từ ấu thơ đến trưởng thành, khung cảnh thấp thoáng nuôi dưỡng bóng dáng của một sinh vật bé bỏng. Vì mình chạy lếch thếch mấy mươi năm săn đuổi con vật bé bỏng đó. Nó gọi tên là gì, không biết, có thể nhưng không cần biết. Chỉ muốn tìm và phải tìm cho thấy thế thôi.

Tại sao đã chạy trốn qua đảo cho cách xa đứt đoạn cuộc kiếm tìm. Nó bây giờ ở cách mình một mặt biển mênh mông. Có phải tạo một khoảng cách cho sự tìm kiếm bớt ngu ngốc vô nghĩa. Mình tưởng yên, nhưng không thể yên. Mặt biển sóng sánh mặt trời, những vỉ sò ốc, những hột cát, tất cả rưng rức một màu nhớ nhung quay quắt. Nỗi nhớ như cung điệu trầm dịu bỗng trào lên trong vắng lặng. Tất cả những gì mình đã làm có khùng điên không, có nghĩa lý gì không. Tất cả những suy nghĩ của mình có đi đến đâu không. Có gì làm mình quyết định tấp vào bờ đảo này. Một sự chống chọi tuyệt vọng với ý nghĩ cuồng điên là tìm cho thấy nó và nghiền nát… Nghiền nát nó như làm vỡ tan tành muôn nghìn mảnh vụn trí nhớ của mình.

Trên đầu, những trái lựu vẫn treo lủng lẳng chờ đợi. Có tiếng chân người xạc xào trên bẹ dừa khô. Mình sẽ hỏi xin một trái lựu cho qua cơn khát. Nhưng vẫn muốn giữ cơn khát lại, quặn thắt trong cổ. Sau cơn khát là mình sẽ không còn gì nữa để cảm thấy. Cơn khát là sự việc duy nhất còn lại trong mình trên bờ đảo vắng. Người đàn bà già khòm hỏi mình ngồi chờ gì trong góc vườn này. Mình nói xin một trái lựu, bà ta nói, không ai cấm hết, cứ ăn đi, nếu thấy thích. Mình nhoài tay ngắt một trái, gìm chặt giữa hai lòng bàn tay. Trái lựu nứt một đường cong và những hột vàng hồng căng mọng nước tỉa ra hai hàng răng ngọc. Mình nhấm một hạt lựu, lắng nghe, rồi ném trái lựu ra xa về phía bờ biển.

Nỗi ám ảnh vẫn là một bông hồng tươi thắm kỳ dị trên cành khô đã năm tháng lụi tàn, và mình chỉ muốn, bây giờ thì chỉ muốn có thế thôi, rung thật mạnh cho những cánh hoa này rã xuống, nếu không ngắt được bông hoa ra khỏi cành, không thể nhổ bung gốc hoa héo hon ra khỏi vùng đất keo sơn âm u của quá khứ. Đó là loài hoa độc và thơm, mình có thể chết, nhưng đồng thời mình cũng chỉ sống được với nỗi ám ảnh ngu dốt và no đầy không đứt rời đó. Có phải tất cả dùng dằng ray rứt đó là vì quãng thời gian quá dài quá nặng mười năm mười ba mười lăm năm sâu. Có phải vì quá đẹp. Có phải vì quá gần không, vô lý hoàn toàn, không một lý do nào cả. Và cũng không có một cái gì cả.

Thế mà đeo đẳng dằng dai vặn xoắn trí óc mình đến thế. Đã tưởng dứt lìa được những phiền toái đó trong một khoảng trống không hiu quạnh cách xa đời sống, như trong một thế giới khác không có nó, nguyên do dịu dàng và cay độc của mọi ám ảnh. Nhưng không. Mình đã liều bỏ hết. Đồng bọn. Sự bình yên. Một triển vọng nào đó, như mình đã từng bỏ Luật, đã từng bỏ Văn khoa, bỏ hết để đi lính, lính thủy. Cơ duyên là đó đã tách rời tất cả, hiện tại quá khứ tương lai, cả con người thực của mình. Nhưng chính con ma lại hiện hình trên đường chạy trốn. Con ma sao nó hay dạo phố thế. Áo trắng ngát mông lung toả ngợp cả một khoảng chiều đìu hiu thành phố biển trên áo lấp lánh những mảnh xa cừ trắng, tím và xanh, màu của ốc sò, những sinh vật rã rời đáy biển. Và tóc thì dài như đêm mun. Dài và lướt thướt, xa vời, bay bổng, ngọt ngào với gió.

Trắng và đen thôi, như cặp mắt những óng ả, chao lượn, ngập ngừng, hăm hở. Con ma diễn tả một cái gì đó. Không biết. Nó làm chìm thần trí trong vũng nước đen sóng sánh rong rêu, và những con cá thia đỏ. Phải, nó cũng như một con cá thia đỏ giữa vầng rong âm u. Vì vậy mà nó sáng mãi ở tâm trí mình thứ ám ảnh dị kỳ đau đớn đó. Mình vì vậy phải bỏ ra phố luôn, nhất là những chiều thứ bảy, cả những chiều không được phép. Bị phạt liên miên. Đánh đổi khổ nhục tình nguyện bằng những lần bất ngờ được thấy nó, nó vẫn chỉ hai màu đen và trắng, nhưng không lúc nào giống lúc nào. Cầu vồng vẫn hiện bảy sắc giữa hai cơn trời thay đổi nắng mưa, nhưng có cầu vòng nào giống được cầu vồng nào. Nó tung tăng như vào chỗ không người, nhưng nó lại cũng uốn lượn như một con vũ nữ giữa hộp đêm thơm nức đông đảo.

Đã nói là nó biểu hiệu cho nhiều thứ khác nhau, khác nhau và chống nhau. Cho nên nó làm mình phát điên, con thủy thần xanh ngắt rong rêu trăng sao đáy biển, con ma áo trắng tóc dài tuổi thơm cặp sách học trò trước ngực choàng ôm, sự lộng lẫy diêm dúa của một vai tuồng đổi lớp liên hồi. Nó thế đấy. Nó đi phố và không mua thứ gì hết, cũng chẳng cầm theo một vật gì trong tay, nó thênh thang trôi lướt với khói và gió. Cho nên mình ngợp và cay sè hai mắt. Mình đi theo, cách khoảng ngập ngừng, rộn rã, từ đầu phố tới cuối phố. Nó đảo ngược con đường, đi lại từ cuối đến đầu. Nó vào một nhà hàng hỏi và cười; rồi đi ra, vẫn không mua thêm thứ gì. Mình cũng làm theo như thế. Chứ sao.

Muốn săn đuổi phải làm theo những cái đích đáng làm để khỏi lạc hướng, mình cũng hỏi cười và đi ra, dại khờ như khuôn mặt bị chôn lâu ngày dưới hầm đá xanh rêu đóng. Nó đi và biến mất mấy phút sau đó, không hiểu trên một chiếc xe nào. Trốn lẩn vào một nhà nào. Mình chết đuối giữa phố vắng lúc đó. Mình mất tăm nó. Tại sao lại trả ơn cho mười mấy năm đau đớn đuổi theo bằng sự mất hút lặng câm như thế. Không, phải tìm cho ra. Dừng lại một nơi nào, gột rửa hay suy tính thêm về hình ảnh đó, và phải tìm cho ra. Mình nghĩ, có cơ hội nào, mình sẽ giết chết nó mất, như ngốn một củ khoai. Một củ khoai bột vàng óng mềm. Hồi nhỏ nó cũng giống như thế, một củ khoai, đâu đó, loáng thoáng trong ký ức mình mỏi mệt nhiều năm nâng niu một quãng đường lá tre bay chập chùng bóng tối.

Tại sao nhà mình lại ở gần nhà nó, không, xin lỗi, tại sao nhà tôi lại ở gần nhà em ngày đó Mimi. Cách mười mấy khu vườn yên tĩnh vu vi, và một băng ngang hẻm vắng. Và trường hai đứa lại bãi một giờ, cho những buổi chiều tôi đi theo em, từ bên kia đến bên này sông, từ vùng sáng tím của hoàng hôn cho đến miền đen im lìm bóng tối. Yên lặng và nhẫn nại, se sẽ từng bước chân, dịu nhẹ từng ý nghĩ thầm, từng hơi thở, như chỉ một vấp chạm mơ hồ trên lối cỏ, một nhịp đập mạnh của trái tim mình cũng đủ làm cho cái bóng thanh cao nhỏ nhắn trước tầm mắt mỏi mòn mình theo dõi tháng năm đủ vỡ tan theo không gian mông lung chiều xuống bồi hồi.

Và cứ thế, những ngày những tháng những năm khoảng cách thềm lặng trôi đi miên man. Cho đến ngày Mimi bỗng biến thành người khác, cái áo vải phin hồng thay bằng hai tà phấp phới lụa xanh, buổi hoàng hôn âm u khép kín của mắt buồn ngó xuống đã thênh thang chớp nhẹ vầng trời bình minh những sáng hồng đi qua con đường nhỏ vắng, bên một ao bèo hoa tím ngẩn ngơ trôi theo bóng mây trắng ngát mùa hè chập chùng đáy nước. Tôi bỗng thấy một buổi em mỉm cười. Và nụ cười đã mở bốn cửa hoàng thành rêu phong nếp gió rồi em ra đi. Ngôi nhà cỏ cao khép kín bóng dáng thân yêu những ngày cùng đi cùng về thầm lặng. Tiếc quắt quay đã không một lần gặp gỡ, chẳng buổi hẹn hò. Bây giờ thì bặt tăm hình bóng.

Nhưng mình có chịu thua đâu. Chỉ một năm sau là tìm được nơi Mimi đến. Một thành phố biển. Vẫn cặp sách dịu dàng trước ngực. Vẫn mái tóc đêm dài khoả kín thời gian. Mình bỏ học, bởi không thể đổi trường, và ghi tên vào một trường tư. Công hay tư cần gì. Miễn là lại thấy Mimi qua đó, mỗi buổi chiều về, con đường nhựa vắng đổ xiêu góc biển trắng. Mình đi theo sau Mimi vẫn một khoảng cách dài lặng lẽ, vẫn nín hơi im nghe buổi chiều bay lên cao, và tiếng áo lụa, bây giờ là màu tím hoa bèo trôi nổi, xạc xào ủ gió. Có gì thay đổi đâu. Không, có chứ, những tàn lá vàng, màu lá bát ngát lạ kỳ không tên của thành phố miền biển ngợp hồn người mới đến, thắp lên trong khoảng chiều mờ tím thứ ánh sáng kỳ ảo của đôi con ngươi sững sờ bỏ ngỏ cảm xúc phiêu du cho tình yêu tìm về lọc lừa trú ẩn.

Cái màu vàng xanh chói lói như chắt ra từ âm thanh cao vút và trong vắt cõi thiên thai nào cao và rợp trên xa, bởi mình vẫn nghe thấy tiếng đàn hát vang vang, tiếng suối reo và sênh phách rộn ràng, hay chỉ là ảo giác mông lung của gót chân hồng đường về gởi dấu. Và còn nữa, ôi si cuồng tuổi ngà mới chuốt hai mươi, mình mê man lắng nghe cả cái mùi phân ngựa nồng và hăng bốc lên từ khoảng tường cao ngăn cách con đường ảo mộng với chuồng nuôi thú của viện Pasteur nào đó. Đến nỗi, Mimi cười nhé, nghĩ đến em, tôi nhớ đến thứ lá vàng kỳ ảo, con nắng hồng chếch chiều hôm, tiếng sóng vỗ bờ xa ru hai chân em bơ vơ về với nhà ấm áp, và cả mùi phân ngựa nồng nồng hăng hăng suốt những năm miền biển gió xanh xao cuối hè thổi dạt bãi hồn lau trắng nhớ nhung.

Và rồi Mimi lại đi sau những năm học vội vàng như sóng lượn. Lần này thì mình chịu thua và mất tăm. Mất tăm trong nhiều năm. Cố nuốt trôi những năm học lỡ làng còn lại, và đi Sài-gòn. Không Mimi ở đó. Nghe đâu đã lấy chồng. Nghe đâu đã chết. Nghe đâu còn sống, nghe đâu bây giờ diễm lệ vô cùng, nghe đâu bây giờ lãng mạn vô biên. Biết ai mà hỏi.

Thôi đâm đầu vào một ngành học, một nghề nghiệp nào đó đi, lớn rồi mà. Mình tự do, và bỏ trường lần nữa, đâm đầu vào lính thuỷ, đâm đầu xuống nước cũng vậy thôi. Cho đến ngày con ma cũ hiện ra trên hè phố. Nhưng vô ngần lạ lùng xa cách. Có phải đã nhìn đăm đắm, như trêu ghẹo mời mọc, cho thoả lòng kiêu hãnh của thứ nhan sắc tinh ma. Thôi mà không biết tôi là ai không. Là cái thằng ngày xưa ở gần nhà đó. Tôi muốn tìm cách nói. Nhưng vô ích. Những rung cảm trong mình đã khác, như vóc dáng yêu kiều về vẻ đẹp lồng lộng của Mimi cũng đã khác. Không còn như cũ, trong sạch và thầm kín nữa. Lửa đã cháy lên đây. Lửa bén khắp rừng lau trắng hồn xưa thơ ấu, khắp những ngày dài công việc khô khan. Mình hết là con trai. Mình là đàn ông. Mimi hết là con nít, đã là con gái, đàn bà, mình phát điên, phát điên khi đi qua con đường cũ của chiều bãi học xưa nào im tiếng, ngửi lại mùi phân ngựa hăng nồng, cồn cào kỷ niệm, cồn cào ruột gan. Làm sao gặp riêng em, làm sao có riêng em, và nghiền em như nghiền một củ khoai bột vàng. Có hiểu vì sao lại nghĩ đến củ khoai bột vàng không Mimi.

Thử nhớ lại những mùa đông cầu gãy, qua sông bằng phà, tạt xuống chợ đông, nhìn những hàng quà bốc hơi nóng trong cơn đói, và ngắm thật kỹ những rổ khoai bột vàng nấu chín bày bán bốc hơi thơm phảng phất mùi lá dứa. Củ khoai vàng và cơn đói xa xót mùa đông mưa dầm. Xin lỗi nghe không Mimi, vì lời nói thì cục mịch quá, chỉ có những ý nghĩ thênh thang, những cảm xúc ngọt ngào thánh thót không nói với em được, em củ khoai và cơn đói, em con ma và đêm dài, em, Mimi, con cá thia đỏ và vầng rong ám ảnh, em, Mimi, là cái gì đây khi mình đầu hàng trở vể lại phố, bỏ đảo như đã bỏ căn cứ, lại lao mình vào cuộc kiếm tìm, mà lần này thì, mình đã lừ đừ như một thằng say.

Chưa bao giờ, từ mười mấy năm nay lang thang săn đuổi, mình có thể nhìn cặp mắt sao khuya ấy gần đến thế. Không phải kết quả của một kiếm tìm, nhưng là sự tình cờ, sự tình cờ cay nghiệt. Mình nào có muốn thế, có muốn tất cả ảo ảnh mười năm, cuộc chạy đua mỏi mệt có thể kết thúc dễ dàng và đột ngột thế. Nhưng cái chong chóng đã ngừng quay, im sững, và mình hết chóng mặt phải lảo đảo ngắm nhìn hoài những nan quay mù tít thời gian. Những gì mình muốn đã không bao giờ tới, và bây giờ đã tới điều mình chẳng muốn bao giờ.

Mimi đó. Có phải thật là Mimi không. Đúng rồi, không thể là ai khác, mặc dù tất cả sắc màu, dáng dấp, quần áo, tất cả đều đổi thay hết ở Mimi. Lầm thế nào được, trước khi vào khung cửa đỏ quánh đèn khuya của tiệm cà phê mình đã đi qua đi lại nhiều lần và nhìn vào. Đúng là Mimi. Mimi ngồi với một người đàn bà lớn tuổi, không hiểu liên hệ, họ chọn bàn gần cửa kính, sát tấm màn nhung màu huyết dụ. Cái bàn thấp và nhỏ, như gần sát mặt đất, đến nỗi khi mình đi từ ngoài nhìn vào chỉ thấy khoảng cổ và đầu Mimi với bàn tay ngón thon chống cằm, còn tất cả như chôn vùi dưới bóng tối. Sự mỏi mệt trễ tràng nào đã nhuốm đầy mái tóc mỗi đêm ánh sáng đèn kẻ lên một dợn hồng lóng lánh. Nụ cười héo hon ở khoé môi và rỡ ràng ở hàm răng, ngỏ lời chào thầm lặng với một hình bóng khuất mặt nào đối diện dưới hai con mắt rười rượi âm u thứ bóng tối triền miên của cô đơn và tịch liêu.

Cườm tay trắng nhỏ long lanh chiếc vòng mọi vàng còn vương vấn dấu tích của những ngày học trò trẻ dại, dấu tích duy nhất kêu gọi hai chân tôi phiêu bồng năm tháng bước lên thềm nhạc hoang bải hoải của quán cà phê lặng câm và vào chiếm một khoảng nhỏ không gian đầm ấm, gọi cà phê, ngắm Mimi, và đếm những gịot cà phê nhỏ xuống sợi buồn kỷ niệm. Mình nghĩ đến sự tìm kiếm lâu dài. Đến những nhớ mong và mộng tưởng. Nhớ đến nhớ đến vô vàn hình ảnh chập chùng của quá khứ sóng sánh trong hiện tại nồng nàn hai gò má Mimi căng nỗi vui vì một ai đó không biết. Người con gái chợt vui chợt buồn, cho mình nghe cả tiếng chân đi mơ hồ của gót hồn lãng đãng. Có thật mình đã săn đuổi người này không. Vì sao.

Có một thứ cảm tình nào gọi được tên không. Nghe vi vu của im lặng đáp lời trong bóng nàng im lìm đổ xuống màu tường hồng sẫm. Mình nhìn sang, tìm kiếm, Mimi đó nhưng mình vẫn tìm kiếm, trân trối dại khờ, hình như hai môi hé mở, con mắt sững sầu, và cả người mình đổ xô trên mặt bàn, nghiêng về phía trước. Mình say một thứ rượu nào không bao giờ được uống. Và cà phê hết nhỏ giọt rồi. Nhạc bay loáng thoáng trong những mảnh sáng hồng vỡ của chiếc đèn quay. Có cái gì nung nấu quắt quay cựa mìn, vùng vằng thức giấc. Mình lên đây đã mấy ngày rồi không nhớ, ở đâu và bao giờ đi cũng không nhớ, như thời gian đọng lại đây rồi, và cả đời mình cũng chết giấc trong góc tiệm cà phê câm nín này.

Mimi cũng đã biến thành tượng đá tím chơ vơ ngồi kia. Nghe những giọt sương lan dài trong cỏ rối ngoài kia bờ đồi khuya khoắt. Vòm trời đen và sâu mở xuống những con đường mịn bóng như tơ. Làm sao cùng tìm thấy nhau ngoài đó. Mình gọi thầm trong lòng, tiếng gọi lan dài thao thức không nguôi, cho đến hớp cà phê cuối cùng trong tách và Mimi quay lại. Mái tóc bây giờ phủ đầy khuôn mặt, chỉ gửi lại mình kẽ hở một con mắt. Con mắt ném tới lời khiêu khích, một thứ câu đố huyền bí và xa vời của thời gian nào xa lắc. Nhưng con mắt cũng chỉ diễn tả một thản nhiên đón tiếp, không phải sững sờ kinh ngạc của dịp trùng lai nồng nàn. Nhận có ra mình đâu. Thôi không cần, cứ coi như là một con mồi mới đi. Con mồi sẵn sàng chết co quắp trong móng vuốt em, và hãy tiếp tục gọi mời, tiếp tục xôn xao kiêu hãnh.

Không bao giờ ngờ như thế, cái thằng lẽo đẽo theo sau mười mấy năm trời điên dại bây giờ ngồi đây, biết hết biết hết về em, thuộc lòng từng tật xấu, nhớ kỹ từng thói quen, đếm đủ những màu áo em mặc suốt những năm đầu đời thơ dại đó, trên quãng đường trúc tre nhập nhoà bóng tối đó, tưởng tượng được là tôi biết ở bắp chân trái em, gần sau đầu gối có một vết nốt ruồi đen to, thứ nốt ruồi không mang một sứ mạng nào cho số phận theo tướng số. Biết chứ sao không, cái hôm chủ nhật trên đường em tập xe đạp lăn kềnh xuống ao đó, và ống quần xếch lên.

Tình cờ thôi nhé, đừng nghĩ bậy bạn củ khoai bột vàng của anh. Xưng anh chứ, sao lại không. Em nhìn đến thế tức là anh có quyền làm bất cứ thứ gì, em gọi tên đúng cơn say của thằng người lắc lư ảo mộng trong lòng. Có quyền, phải rồi, mình đang mặc một bờ-lu da đen, tóc hơi dài vì Đà-Lạt gần Nô-en quá lạnh không muốn cúp, mang bốt cao, và quần, à quần vơ-lua đỏ, như một con khỉ gánh xiếc, không như một thứ cao bồi sang vừa lãnh được tiền thưởng giết mướn quân cướp từ văn phòng của một sê-ríp và mình cảm thấy là có quyền, khuỳnh khuỳnh tay và hô có quyền có quyền. Sao em lại mở to hai mắt ngạc nhiên thế. Nhận ra mình rồi phải không. Mình hơi cao và mập, lại trắng ra, một thứ đồ hộp hấp dẫn. Không, không phải em nhìn vì thế. Mắt em bỗng long lanh và khoé môi nhếch lên cười, chào đón một cái gì. Phải rồi, không phải mình, mà khúc nhạc.

Cái vẻ ngất ngây của người đi nắng gặp cơn mưa dịu bất ngờ trên khuôn mặt rỡ ràng ngửa lên lắng nghe. Em khát nhạc đến thế sao. Chỉ có điều đó là tôi không biết. Gì thế, sao lại gõ gõ ngón tay móng san hô xuống mặt bàn. Đừng chấm nước vẽ ngoằn ngoèo lên mặt kính thế. Lại nguẩy mái tóc. Và cười thầm lặng miên man sau cánh tay vội vàng che má. Và hai vai rung rung lên. Cười vui gì vậy, ơ kìa, cơn say từ đâu đến, cái gì làm choáng váng ngửa nghiêng em. Nhạc. Đúng là vì nhạc. Và trên môi em hồng, nhạc đã phổ lời hát nhỏ ngất ngây. Hát như thế đi. Và hãy sống theo lời hát. Như thế là đã quá muộn rồi. Bây giờ thì hiểu vì sao tôi săn đuổi. Sự cám dỗ lặng lờ dấu kín bây giờ bắt lửa cháy lên. Có phải là củ khoai đâu. Hỏa diệm sơn. Ở cặp mắt lay láy nỗi buồn hun hút. Ở mái tóc ngựa rừng tung gió phiêu du. Ở nét cổ ngửa lên say ngây một cảm xúc nào đốt cháy trong lòng. Và ở dáng ngồi, ấp ủ về phía trước và tung vương ra đằng sau tất cả sự lôi kéo ngấm ngầm, ở mũi giày nhọn vắt gõ gõ hứng thú xuống sàn nhà tối, ở những ngón tay mân mê vào nhau, nghiền nát cho vụn vằn một vướng vít cuối cùng vào ràng buộc đời sống gông cùm khuôn khổ.

Cháy đi Mimi, củ khoai bột vàng, không, núi lửa Vésuve. Núi lửa vun lên khỏi vùng bóng tối, mái tóc quẫy mạnh như một ngọn cờ đen khởi loạn đam mê. Cánh cửa mở bung cho gió lạnh bên ngoài cuốn đi ngọn lửa vô hình bừng bừng đêm vắng. Quãng phố khuya miền lạnh cao thấp nhấp nhô. Mình theo sau Mimi, vẫn một khoảng âm thầm, nhưng bây giờ thì chắc chắn, con đường gần dứt nẻo và cuộc săn đuổi sắp chấm dứt, đêm nay.

Con đường khuya đồi sâu hun hút như một cửa hầm địa ngục bây giờ chỉ có ba người, hai bóng đàn bà nổi lềnh bềnh giữa vũng đen trước mặt và mình lảo đảo đàng sau. Mình bước thật chậm, ghìm lại thứ hơi nóng ấm và nồng bốc lên khắp thân thể, trồi lên mặt da hâm hấp, bưng bít trong những lần áo quá dầy làm ngột ngạt. Quăng đường quanh như sẵn sàng chấm dứt sau một khoảng tối bất ngờ trước mặt, và mình thì chỉ muốn con đường dài mãi tối, mình mãi đi, và Mimi vẫn như từ mười mấy năm nay rồi, luôn luôn trước mặt trong khoảng cách, không mất hút cũng không đứng lại. Một cái gì đấy bỗng vướng víu nơi cổ và mình thèm khạc thật mạnh xuống đất, nhưng nín được, và nuốt, thật mình thấy mình quái gở, bất định, không biết đang mong muốn gì, vừa tự cảm thấy cao và sáng, nhưng đồng thời, tối và thấp, như những vùng mênh mông của bãi dâu dưới kia.

Con đường bỗng nhợt lên một lằn sáng mỏng từ đồi cao chiếu xuống. Hình như nhà cửa lô nhô bắt đầu trên đó. Mình dừng. và hai người đàng trước cũng dừng. Hình như một tiếng sét nổ chậm và xa trong chân mây. Và vùng đất âm u dưới chân đồi sụp lún xuống, khi mình nghe giọng người con gái, nghe lần đầu tiên, nói với người đàn bà, chị lên trước, em đi loanh quanh một vòng đã. Người đàn bà, khuya rồi, không về ngủ, mai dọn về sớm, lại định giở cơn điên lên sao. Người con gái, điên gì, mai lại về dưới đó, em tiếc không khí đêm thơm cỏ ướt và sương, ngồi chốc lát cũng được, rồi sau lên mà. Người đàn bà bước lên sườn đồi vắng một mình, đường vắng vẻ thế, coi chừng đó. Có ai đâu chị, người con gái nói, và mình bỗng thấy nàng chìm xuống mất hút trong vũng tối nào dưới cỏ. Mình bước tới trong khi bóng người đàn bà khuất lên nền trời sao xanh lấm tấm trên đỉnh đồi cong, hai mắt mở nhưng không nhìn thấy gì ngoài bóng đen dầy đặc bốc lên từ trí não căng đầy một ước muốn tan hoang vũ bão. Một lúc mê thiếp đi như thế, rồi mình ngồi xuống, không hiểu sao lại ngồi xuống đúng ngay chỗ đó.

Cái xoáy nước của thời gian, cái bẫy êm đềm của thú dữ. Mình nghe hơi thở ấm và thơm nào bốc lên như hơi sương nung nóng dưới vầng lửa rớt của mảnh mặt trời rụng vỡ, và giọng nói mê sảng nhung lụa, thánh thót nhưng gỗ đá, âm thanh toát ra lạnh lẽo từ pho tượng vỡ trong bảo tàng viện một ngày mưa dầm vắng khách viếng thăm, bây giờ anh mới đến nơi sao. Cái cục vướng ban nãy lại trồi lên ngang cổ, và mình bỗng muốn khạc mạnh, nhưng lại nén và nuốt xuống, lần này nóng bỏng như nuốt một cục lửa than cháy đỏ. Cũng biết tôi theo sao, tôi nói bằng một giọng khác thường, xa lạ, như một thằng chết dại nào ẩn trốn trong tôi thốt lên.

Biết chứ sao không, theo sau mười mấy năm nay, tôi cũng muốn dừng lại một bữa nào đó, hỏi vì sao anh làm thế, nhưng không bao giờ muốn dừng. Làm thế là làm thế nào, đi theo à. Không, không phải là việc đi theo, đi theo thì có gì lạ phải hỏi đâu, nhưng chỉ đi theo thôi mà không bao giờ xảy ra điều gì khác, anh không có chủ đích nào cả. Chủ đích của tôi ở cái không chủ đích. Vậy sao anh lại dừng tối nay. Tại cô dừng, cho nên tôi hết lối đi. Tôi không dừng đâu, đang bay đây, anh đi đi, chỗ khác. Thì cứ nghĩ như tôi đã đi chỗ khác, có sao đâu. Tiếng một nắm cỏ ướt bị bứt tung lên trong những ngón tay bứt rứt dằng xé. Anh như thế nào nhỉ, nàng hỏi.

Tôi không biết nữa, tôi biết rõ cô hơn chính tôi. Tôi cũng bứt một nắm cỏ. Rồi ném nắm cỏ xuống con đường vừa đi qua. Mimi cũng làm như thế, và nhìn sang mình, sao hai con mắt anh như thế, trong quán cà phê đó. Mình nhìn, cấm người ta nhìn sao. Không phải nhìn, anh hệt cái móng nhọn của con sư tử ngủ. Mình nghe buồn buồn trong tủy xương một thứ nước đá tan chảy nhỏ giọt đều đều, thế à, tôi chỉ tưởng là con mèo, con mèo rình mồi thôi. Mimi cười nhẹ, rình mồi, làm gì có, nó có đói đâu, anh không biết nhìn, nhưng lại biết đánh thức.

Mình câm. Một cơn bão, không, một con trốt dữ dội ào lên quay tít vòm trời sao trên đó, và bãi cỏ tối bỗng tối lên như biển dầu nóng hừng hực quanh chỗ ngồi hai đứa. Tôi ghét anh, thực tình là ghét, lắm lắm, nên đã chẳng bao giờ quay lại, chẳng bao giờ dừng chân, nhưng những lúc không anh theo sau, tôi cảm thấy mất mát điều gì, những lúc đó tôi vẫn hình dung thấy anh, mường tượng lại cách anh cấu vào móng vuốt của con sư tử ngủ, và tôi ngợp người…

Mình không nghe gì nữa, phải, đang ngợp người đây. Quay cuồng trong đêm tối hình ảnh của con đường lá tre thoang thoảng bay, buổi chiều miền biển với bóng lá vàng xanh rực rỡ lẩn quất mùi nồng hăng của phân ngựa, mùi thơm cồn cào của lá dứa ướp trong củ khoai vàng, tất cả tất cả trộn lẫn ứa lên, như con lụt đục ngàu, nhận chìm mình xuống cái đáy sông choáng váng những bùn lầy và nước mặn. Mình lao lên ngụp xuống vừa muốn vượt thoát vừa muốn ôm choàng lấy những dợn sóng, và dưới phút giây giằng co tuyệt vọng của hối hận và thất vọng, của say mê và chán nản tận cùng, đôi môi Mimi không màu không dáng mớm lên mùi thơm ngọt ngào của một chòm oanh trảo nở thầm.

Trong hai mắt Mimi ngửa chờ bóng tối, mình thoáng thấy long lanh và sâu hút những mảnh vỡ lạnh lùng của vầng sao trên đầu, bọt sóng tung tóe đục ngàu cuồn cuộn tràn qua một bờ đê vỡ. Rồi không gì nữa. Đèn còn sáng mãi trên kia đồi đêm, nhưng mình nghe như có tiếng sói tru dài vang vang trong xương tủy, tóc da. Mình biết làm gì và đi đâu ngày mai, khi bóng đêm dài tàn rụng theo những chòm oanh trảo nồng nàn. Có lẽ phải về đó, bờ đảo hoang với những cây lựu già đơm bông đỏ thắm mùa hè, về đó và an hưởng sự nghỉ ngơi chưa bao giờ được hưởng, cho đến này bị thộp cổ lôi về căn cứ, hay một nhà tù nào đó, đâu cũng được, miễn là…

————————

(***): Về tập “tuyển truyện” đặc biệt này, nhà văn Viên Linh trong một bài viết đã viết như sau:

“… Cuốn này tôi được thấy nó thành hình ngay từ đầu, trong ngôi nhà của nhà văn nữ trên đường Cầu Bông, Gia Định. Lúc ấy tác giả cuốn sách “Vòng Tay Học Trò” – nhan đề tác phẩm và cũng là “vụ việc” nhắc tới một chuyện tình sôi nổi giữa thầy trò, trong đó có sự việc nhà văn nữ là nhân vật chính.

Cuốn sách có nhan đề “tuyển truyện” không phải của Nguyễn Thị Hoàng, song do Nguyễn Thị Hoàng đứng ra chọn bài, sắp xếp, xuất bản, gồm truyện ngắn “Đêm Tàn Oanh Trảo” của bà, và 11 truyện của 11 tác giả khác.

Xếp đặt trong cuốn sách theo thứ tự như sau: “Màu Trời” của Thanh Tâm Tuyền, “Cửa Sau” của Mai Thảo, “Như Giọt Nắng Vàng” của Nhã Ca, “Nơi Em Sẽ Đến” của Viên Linh, “Trên Ngọn Lửa” của Cung Tích Biền, “Những Luống Hoa Cải Vàng” của Nguyễn Quang Hiện, “Những Cái Bóng” của Huỳnh Phan Anh, “Vực Hồng” của Nghiêu Đề, “Những Ngày Ở Sài Gòn” của Sơ Dạ Hương, “Đêm Tàn Oanh Trảo” của Nguyễn Thị Hoàng, “Truyện Con Tinh” của Doãn Quốc Sỹ, “Cơn Mưa” của Nguyễn Đình Toàn.

Sách gồm sáng tác, 11 truyện ngắn và một vở đối thoại, của 12 tác giả, ngoài ra không có thêm một lời nào của nhà xuất bản (thông thường người ta gọi vở kịch, ở đây văn bản đó khác với văn bản một vở kịch, chỉ thấy những câu đối thoại).

Sách dày 286 trang, in trên giấy trắng, cho thấy đó là loại sách in trên máy nhỏ, trên giấy đã cắt xén và bao lại từng “ram,” khổ giấy viết thư 8.50×11” (inch, đơn vị đo lường quen gọi là phân Anh, khác với đơn vị cm ta quen dùng từ thời nhỏ còn đi học) là khổ giấy thông thường cho các máy in A.B.Dick hay Mololith. Loại sách này ít khi in nhiều quá 1,000 cuốn, thông thường là 500 cuốn, có khi 100 cuốn các nhà in nhỏ cũng vẫn nhận in.

Sách in bằng giấy báo (news prints), giấy thô mỏng, loại tiểu thuyết thời Việt Nam Cộng Hòa, thường là in khoảng 1,000 cuốn trở lên, loại giấy này hãng giấy trao thẳng cho nhà in từng cuộn trên xe vận tải, cả cuộn giấy được lắp vào máy in, thường phải in cả ngàn cuốn hay nhiều hơn vì một khi ấn công bấm cho máy chạy, rồi dù có tắt máy ngay, nó đã in xong cả ngàn tờ giấy.

Tập truyện có nhan đề giản dị là “tuyển truyện” (không viết hoa dù là tựa sách in ngoài bìa) = 12 tác giả 12 truyện, trong đó truyện của Nguyễn Thị Hoàng nhan đề là “Đêm Tàn Oanh Trảo”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: