Trước năm 1975, quyển Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta (nhà xuất bản SÓNG ấn hành 1974, Saigon) có một “số phận” khá đặc biệt, đặc biệt đến từ cái tên và ý hướng của những người xuất bản – ngay từ tựa đề đã nói đến sự trân trọng của những người biên tập tập sách quý giá này. QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA. Thân & thương lạ!
Trong lời phi lộ bùi ngùi một cảnh tình khó giải bày, phần nào giải đáp được lý do trước 1975, Văn Học là một phần đời, là một hơi thở, của đa số mọi người giai đoạn đó! “Đây là một trong những đóng góp một đời còn lại dành tặng quê hương trong cuộc chiến một phần tư thế kỷ hầu như đã phá vỡ gần hết tất cả gia tài nổi chìm của chúng ta. Sự đóng góp và cái gia sản tinh thần bất diệt của tổ tiên của những người làm việc trong lặng lẽ giữa tiếng ồn ào của đạn bom này, đã nói lên hùng hồn ý nghĩa của tranh đấu cho Tự Do và những giá trị Nhân Bản. Những người của phần đất bên này giòng Bến Hải.”
Và theo nhà văn VIÊN LINH “Hai mươi năm Văn Học Miền Nam là một cụm từ định mệnh, năm 1973 đã có tới hai tập sách biên khảo dùng cụm từ này khi miền Nam còn tồn tại, một là nhà văn Nguyễn Đông Ngạc khi anh làm một bộ sách để đời – chữ này tôi dùng rất cân nhắc và thấy không có chữ nào đúng hơn: “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, hai mươi năm văn học miền Nam 1954-1973,” Sóng xuất bản, và “Nhà Văn Miền Nam Hiện Đại, từ chia cắt 1954 đến ngưng bắn 1973,” do Cao Huy Khanh viết, Hiệp Phố in ấn; nhà xuất bản này do Viên Linh chủ trương, cuốn sách mới in tới trang 232 thì tất cả tan vỡ, nhưng 232 trang sách ấy vẫn còn nhớ đã đăng hết từng kỳ trên tạp chí Thời Tập, cũng của Viên Linh.”
“Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta”, ngoài là “hay nhất”, ngoài là “của quê hương chúng ta”… còn rất đặc biệt đến từ những bức chân dung của 45 văn nghệ sĩ – mỗi bức là một tác phẩm để đời, không chỉ là “chân dung” mà còn lột tả được một phần “tâm cảnh” và không khí sống của 45 văn nghệ sĩ tiêu biểu được ghi ảnh bởi nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh.
GIAI PHẨM VĂN số ngày 10 Tháng Sáu 1974, có một bài phỏng vấn rất đặc biệt với người-ảnh TRẦN CAO LĨNH xoay quanh những bức chân dung có-một-không-hai và vĩnh viễn là một-đằm-thắm-kỷ-niệm đối với những người yêu văn học miền Nam (những bức ảnh cho cuộc triển lãm “sắp tới” và vĩnh-viễn-không-bao-giời-tới của ông; những bức ảnh xuất hiện đầy “ám ảnh” trong tuyển tập trên) – trong đó nhiếp ảnh gia trần tình chia sẻ những câu chuyện rất thú vị về dự định, về góc nhìn của mình trong nhiếp ảnh, về “chân dung” của những người bạn thiết, về dự án Sài Gòn với nhà văn Mai Thảo, đặc biệt những cảnh huống bất ngờ và thú vị đã cho ra đời chân dung của “những nhà văn hay nhất của quê hương chúng ta “ – và vĩnh viễn tạc vào lòng độc giả những ảnh hình, những không khí “nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về”.
Nguyễn Trường Trung Huy
Sài Gòn, Tháng Chín|2021
Về cuộc triển lãm chân dung 50 tác giả Việt Nam
Phỏng vấn Trần Cao Lĩnh
Tên thực: Trần Cao Lĩnh, biệt hiệu Cao Lĩnh. Sinh năm 1925 tại Nam Định Bắc Việt.
Thiếu thời, hoạt động trong hai bộ môn kịch và họa, chuyển hẳn sang bộ môn nhiếp ảnh từ 20 năm trở lại đây.
Hội viên Hội Nhiếp Ảnh Hoàng Gia Anh Quốc (Associate of the Royal Photographie Society of Great Britain, gọi tắt là A.R.P.S) từ năm 1961.
Cao đẳng hội viên với đẳng cấp danh dự của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam.
Một trong những người nhiếp ảnh đầu tiên mang nền nhiếp ảnh Việt Nam vào lãnh vực nhiếp ảnh quốc tế, từ đầu thập niên 1960. Bằng sự tham dự những cuộc triển lãm nhiếp ảnh thế giới danh tiếng và đoạt những huy chương cao quý nhất của những cuộc triển lãm này.
Đã soạn thảo và xuất bản nhiều tập sách hướng dẫn kỹ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh, trong đó có những tuyển tập đã được phiên dịch, ấn hành và phổ biến trong và ngoài nước:
Bước Đầu Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (1966)
Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu (1968)
Việt Nam Our Beloved Land (1968) xuất bản ở Đông Kinh
Cao Nguyên Việt Nam, Quê Hương Yêu Dấu (1969)
Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Bước Hai (1971)
Tác giả nhiều bài viết về nhiếp ảnh ở nhiều báo chí và tập san văn học nghệ thuật. Giữ mục Tìm Hiểu Nhiếp Ảnh trên các tuần báo Điện Ảnh, Kịch Ảnh, Màn Ảnh, từ năm 1961 đến nay.
Giảng viên các lớp nhiếp ảnh cao cấp về nghệ thuật và chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Được đề cử nhiều lần vào ban giám khảo cuộc thi nhiếp ảnh toàn quốc và quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
Sáng lập và hoạt động trong nhóm Nghiên Cứu và Phát Huy Nhiếp Ảnh. Đã huấn luyện và đào tạo một số người nhiếp ảnh cho thế hệ chuyển tiếp. Có nhiều môn đệ đã thành danh trong quốc nội và quốc tế.
Hiện đang theo đuổi nhiều công việc nghệ thuật lâu dài, như soạn thảo, thu hình cho những tuyển tập nhiếp ảnh sắp đươc xuất bản: Biển Cả Việt Nam, Đồng Nội, Người Phụ Nữ Việt Nam, Chân Dung Thủ Đô Sài Gòn v.v…
Đang ráo riết xúc tiến việc thực hiện và trưng bầy, trong một cuộc triển lãm, chân dung 50 khuôn mặt văn nghệ Việt Nam.
*****
VĂN: Hình bìa Văn số trước và số này – Bình Nguyên Lộc và Dương Nghiễm Mậu – là ảnh Trần Cao Lĩnh. Hai hình này có nằm trong số hình được chọn cho cuộc triển lãm chân dung 50 Tác Giả Việt Nam của ông?
TRẦN CAO LĨNH: Chưa nhất định. Có thể thôi. Từ giờ đến ngày triển lãm, nếu có thời giờ, tôi sẽ chụp lại nhiều người. Để chọn những tấm hình ưng ý nhất.
VĂN: Đã có những tác giả nào được coi là xong suôi hẳn?
TCL: Một số ít. Như Tạ Tỵ, Hồ Hữu Tường, Dương Nghiễm Mậu… Những tấm hình đã thu coi như đáp ứng gần đúng sự đòi hỏi tôi muốn có cho hình tôi về mấy nhà văn này. Nhà thơ Sao Trên Rừng cũng coi như đã được. Trường hợp hoàn tất không có nghĩa là tôi đã phải chụp đi chụp lại nhiều lần. Hoặc chụp quá nhiều hình. Được là được. Có khi được ngay từ tấm hình thứ nhất.
VĂN: Cuộc triển lãm chân dung tác giả của ông rất lần đầu, rất mới lạ. Ông thực hiện nó, nhằm mục đích gì, trên tinh thần nào?
TCL: Trước hết, đóng góp tài liệu cho văn hóa Việt Nam. Từ trước đến nay, trong nhiều ấn phẩm, sách học, có hình tác giả, những tấm hình đó không trung thực, nhem nhuốc, xấu xí, cho có mà thôi. Đó là thứ hình cho thẻ kiểm tra hay giấy tờ xuất ngoại. Không thể gọi chúng là chân dung tác giả theo đúng ý nghĩa một chân dung. Một chân dung tác giả phải thể hiện được cá tính tác giả đó. Mặt khác, tôi yêu những người làm văn học nghệ thuật. Muốn ghi lại hình ảnh họ bây giờ, cho sau này. Thêm một lý do tình cảm: Phần lớn là bạn thân của tôi. Không có lý do sau, lý do “đóng góp” chưa chắc đã là một động lực thức đẩy tôi thực hiện được cuộc triển lãm. Vì rất công phu và mất rất nhiều thì giờ. Mà tôi thì không bao giờ có thừa thì giờ.
VĂN: Cuộc triển lãm của ông có liên quan nào với cuộc triển lãm chân dung nghệ sỹ và tác giả Việt Nam của họa sỹ Tạ Tỵ?
TCL: Nói không liên quan gì hết không đúng hẳn, tuy rằng hai cuộc triển lãm của chúng tôi, nếu cùng có, là hai công trình thực hiện riêng biệt, Cao Lĩnh và Tạ Tỵ không hề bàn soạn với nhau. Tôi khởi sự sớm hơn, trước khi anh Tạ Tỵ bắt đầu. Anh Tỵ chỉ có đưa ra ý kiến là cùng trưng bầy trong cùng một phòng triển lãm cho vui. Có thể sẽ như thế. Có thể không. Tùy theo sự xúc tiến của từng người trong hai chúng tôi.
VĂN: Những tác giả nào được ông thu hình trước nhất?
TCL: Hai khuôn mặt của nhóm Hàn Thuyên ngày trước: Lê Văn Siêu và Nguyễn Đức Quỳnh. Bấy giờ là cuối năm 1962.
VĂN: Đến nay đã ngót mười hai năm, mà ông vẫn chưa xong. Sao kéo dài lâu vậy?
TCL: Lâu thật. Công việc tôi bị gián đoạn nhiều lần. Lần vì tôi đau yếu. Lần vì quá bận rộn, bắt buộc phải tạm đình. Lần nào thời gian gián đoạn cũng kéo dài một hai năm. Nhưng lần này, tôi cố gắng xúc tiến gấp rút và hy vọng làm xong. Cũng nhân một cơ hội. Chả là hai tháng trước đây, anh Nguyễn Đông Ngạc có in một tuyển tập truyện ngắn các nhà văn Việt Nam. Tuyển tập ấy có thêm phần chân dung tác giả. Anh Ngạc đến xin hình tôi. Muốn tiếp tay cho anh Ngạc một cách đến nơi đến chốn, tôi nhân dịp thu hình luôn một số tác giả còn lại cho cuộc triển lãm.
VĂN: Bao giờ cuộc triển lãm của ông ra mắt được?
TCL: Nếu không có gì trở ngại, cuộc triển lãm chân dung 50 tác giả Việt Nam sẽ được khai mạc một ngày đẹp trời nào đó của năm 1975.
VĂN: Ông chọn các tác giả theo tiêu chuẩn nào?
TCL: Tất nhiên là các tác giả theo tôi đã biết, đã đọc và yêu mến tác phẩm họ. Những bạn thân thường gặp nữa. Nói chung, tôi muốn thu hình, cố nhiên là theo chủ quan riêng, những tác giả đã được công nhận, có tác phẩm đáng kể, đã đóng góp đích thực cho văn học nghệ thuật chúng ta.
VĂN: Mỗi lần thu hình một tác giả, ông có những sửa soạn nào? Về phần ông và về phần tác giả?
TCL: Phía tôi, có sửa soạn. Chu đáo và cẩn thận là đằng khác. Trước khi thu hình, tôi tìm hiểu, nghiên cứu người mẫu. Bằng cách đọc họ, hỏi han về con người, đời sống họ, gặp họ. Nghiên cứu một chân dung thường, đã là một tay ảnh nhà nghề như tôi, chỉ cần năm ba phút. Với một tác giả, không thể quá dễ dàng và mau chóng như thế. Tôi buộc tôi phải thấy được cá tính người mẫu. Buộc tôi phải thấy người mẫu như thế nào đã rồi mới mời họ đến trước ống kính. Về phần người mẫu thì không. Ngoài sự hẹn giờ và địa điểm thu hình.
VĂN: Chúng tôi nhận thấy ông không mời ai đến phòng chụp mà thu hình từng người ở từng nơi chốn khác biệt.
TCL: Đúng như thế. Tác giả này tôi thu hình ở nhà riêng. Tác giả khác ở bàn giấy, nơi họ làm việc, hoặc ở một địa điểm tôi đã nhắm trước và muốn họ tới đó. Ông hiểu tại sao không? Với tôi, bối cảnh rất quan trọng, cả với những tấm hình chân dung. Bối cảnh hỗ trợ cho sự biểu tỏ cá tính của người mẫu. Có thể nói bối cảnh là một thứ ánh sáng, một không khí kiện toàn cho sự phơi bầy cá tính người mẫu được tràn đầy và rõ rệt hơn. Như trường hợp Dương Nghiễm Mậu.
Tôi đã nhắm được cho anh Mậu một bối cảnh phù hợp. Đó là một hành lang dài, tối tăm, có những khung cửa tò vò. Nhưng lúc gần thu hình, tôi lại tình cờ tìm được một bối cảnh thú vị hơn gấp bội. Đó là một cái đồng hồ treo trên tường một văn phòng nơi anh Mậu làm việc. Cái đồng hồ đủ chữ số, nhưng hay cây kim lại rớt xuống, được buộc lủng lẳng bằng một sợi giây. Và Dương Nghiễm Mậu đã được thu hình dưới cái đồng hồ kỳ quái này. Một Dương Nghiễm Mậu nhắm mắt, tủm tỉm cười, nghĩ đến thứ thời gian kỳ quái, trên chiếc đồng hồ kỳ quái.
Cũng vẫn trong ý hướng làm nổi bật vai trò quan trọng của bối cảnh trong hình chân dung, tôi đã đặt anh Hồ Hữu Tường bán diện trước một nét cong uốn lượn mang hình thể bản đồ Việt Nam. Với hướng mắt họ Hồ nhìn đúng ngang tầm vĩ tuyến mười bảy. Tôi còn định chỉ thu riêng cái đầu anh Tường, như một thủ cấp. Cho ảnh gây được liên tưởng đến ngày anh Tường thoát án tử hình từ đảo trở về đất liền. Chân dung anh Vũ Hạnh tươi cười giữa một họa phẩm cháy tiêu hết chỉ còn cái khung, chân dung anh Tạ Tỵ như một bức họa lập thể, cũng là trường hợp của bối cảnh độc đáo tôi tìm thấy và rất lấy làm thú vị.
VĂN: Bối cảnh có làm phân tán trọng tâm của hình là khuôn mặt người mẫu không?
TCL: Của hình tôi thì tôi nghĩ là không. Bối cảnh không thể thiếu. Mặc dầu bối cảnh với tôi có khi chỉ là một nền đen vô tính.
VĂN: Được ông thu hình rồi, nhiều tác giả nhăn nhó nói ông đã đòi họ theo ý ông quá nhiều, khiến họ mất tự nhiên.
TCL: (cười) Không phải thế đâu. Các quý vị người mẫu của tôi phần lớn khó lắm….Yêu cầu họ tới trước ống kính một vài tiếng đồng hồ là đủ cho họ nhăn rồi à. Bảo đứng im đừng động đậy, cũng là đòi hỏi sao? Tất nhiên tôi thu hình theo ý tôi, không theo ý người mẫu. Chân dung là chân dung Thanh Tâm Tuyền, nhưng ảnh còn phải là ảnh Trần Cao Lĩnh nữa chứ. Thực hiện theo chủ quan mình, nghệ thuật nào chẳng vậy, kể cả nghệ thuật nhiếp ảnh. Ống kính tôi chính là cái nối dài của cặp mắt tôi.
VĂN: Ông có thể cho biết danh sách 50 tác giả?
TCL: Cái phân tích chụp hình rất ít. Rất nhiều, cái phần ngại. Nhưng hầu hết đã ưng thuận, hưởng ứng một cách vui vẻ. Một phần vì tình cảm cá nhân dành cho Trần Cao Lĩnh. Một phần vì họ thấy tôi không làm công việc này cho riêng tôi. Anh Bình Nguyên Lộc từ chối nhiều người muốn chụp anh. Với tôi, anh Lộc đã nhận lời tức khắc. Tóm lại, mọi người đều hưởng ứng, không ai từ chối.
VĂN: Có những trường hợp nào, ông thu hình tác giả xong rồi lại muốn thu thêm một lần nữa?
TCL: Có chứ. Như trường hợp anh Nguyễn Đức Quỳnh. Tôi thu hình anh Quỳnh lần đầu, cách đây mười năm. Thú vị và hài lòng lắm. Nhưng hồi gần đâu, gặp lại anh Quỳnh sau mười năm, tôi lại thấy khuôn mặt tuổi tác và đau yếu hiện thời của anh có những nét hấp dẫn và “Nguyễn Đức Quỳnh” hơn mười năm trước. Thế nào tôi cũng phải vác máy đến anh Quỳnh. Chụp thêm anh một lần nữa.
VĂN: Cá tính một người mẫu phát hiện theo tuổi tác hoặc trong một quy luật nhất định?
TCL: Không. Có một lúc nào đó, một khuôn mặt phơi bày toàn vẹn cá tính, hơn những lúc khác. Nhưng nói rằng sự phơi bày đó nằm trong một quy luật, một hiện tượng nhất định thì không phải.
VĂN: Tác giả nào photogénique nhất, đối với ông?
TCL: Tôi không thích dung chữ photogénique trong câu hỏi. Nhưng nếu phải dùng, thì này, những tác giả nam lại “ăn ảnh” hơn tác giả phái nữ đấy nhé! Du Tử Lê rất ăn ảnh. Nguyễn Đức Quỳnh cũng vậy.
VĂN: Có những chuyện vui nào thuộc loại “chuyện vui bên lề” đã xảy ra trong những lần thu hình tác giả của ông?
TCL: Mỗi lần thu hình, đến nhà riêng tác giả là một dịp để tôi được đi sâu vào đời sống riêng tư thân mật của các nhà văn nhà thơ Việt Nam hiện nay. Nhiều cái tôi thấy vui và tức cười lắm. Chẳng hạn như khi đến Thanh Nam, Túy Hồng. Thu hình Túy Hồng đứng dưới một họa phẩm Thái Tuấn xong rồi, đến lượt Thanh Nam. Tôi đề nghị Thanh Nam nên mặc áo sốc sếch một chút, với một ly rượu cầm tay. Vì Thanh Nam như thế mới đúng là Thanh Nam tửu đồ, nghệ sỹ. Túy Hồng phản đối liền.
Lúc đó, Túy Hồng chỉ nhìn thấy Thanh Nam như người chồng mà người vợ nào cũng muốn đầu tóc chải chuốt, phục sức nghiêm chỉnh. Mặc Túy Hồng không bằng lòng, tôi vẫn thu hình Thanh Nam với cái cà vạt tháo ra và ly uých ky trên tay. Chị Nguyễn Thị Vinh cũng có cái bất ngờ rất vui. Tôi đến hành lang Tax, nơi chị Vinh có một ngăn bán quần áo trẻ con nhằm đúng ngày chị đau chân, không đi đứng gì được. Thế là chị Vinh chỉ có những tấm hình ngồi. Đến Nhật Tiến, thấy chung quanh Nhật Tiến toàn trẻ nhỏ và sách báo thiếu nhi. Thấy thế nào chụp luôn như thế. Bối cảnh thích hợp cho hình Nhật Tiến cũng là bối cảnh đời sống hàng ngày của Nhật Tiến.
VĂN: Người ta thường nói đến những bậc thầy trên thế giới của nhiếp ảnh chân dung. Với ông họ là những ai vậy?
TCL: Nói bậc thầy hơi quá. Nói là những nhiếp gia về chân dung có kích thước lớn thì đúng hơn. Nhiều lắm. Tôi chỉ tạm kể: Lucien Laurelle của Âu Châu và Phillipe Halsman của Hoa Kỳ.
VĂN: Họ có kích thước khác thường ở điểm nào?
TCL: Hai nhiếp ảnh gia này đã đặc biệt thành công về chụp chân dung những vĩ nhân, những nhân vật lẫy lừng nhất của thế giới hiện nay. Lucien Laurelle nói như thế này về chân dung: “Chân dung là một tác phẩm tinh luyện phối hợp giữa kỹ thuật và tinh thần người chụp hình”. Tấm hình nào của Laurelle do đó cũng tỏ lộ cái chủ quan rất mạnh mẽ của Laurelle. Halsman thì nói hơi khác: “ Một chân dung thành công phải miêu tả được cá tính người mẫu lẫn không gian và thời gian lúc thu hình. Một người chụp chân dung không thấu hiểu và hòa nhập được với người mẫu, không thể thành công”
VĂN: Ông đồng ý như thế?
TCL: Đồng ý lắm. Tuy nhiên, tôi kể lại chuyện này. Cách đây mười năm. Philippe Halsman, trong một cuộc đi vòng quanh thế giới để chụp hình, có ghé Saigon. Qua sự giới thiệu của ký giả quá cố Francois Sully, tôi đã đi chụp hình với Halsman một buổi, bằng người mẫu của tôi. Suốt buổi chụp đó, Halsman đã sắp xếp, tạo không khí cho người mẫu bằng một cách thức rất… Hoa Kỳ. Tôi nói Hoa Kỳ, vì Halsman đã không biết nghiên cứu người mẫu, qua nụ cười, khóe mắt, cử chỉ thuần túy Việt Nam của người mẫu. Thành ra tấm hình không thành công. Nó chẳng diễn tả được gì hết về những nét điển hình của người đàn bà Việt Nam, tuy y phục và bối cảnh Việt Nam
VĂN: Ông thích chụp hình chân dung hay phong cảnh?
TCL: Một người ảnh đã tới một trình độ nào đó như tôi, chụp chân dung hay phong cảnh đều thích hết. Tuy nhiên, tôi thích chụp chân dung hơn. Con người tập trung trong nó hết thảy mọi diễn tả mà cảnh vật và thiên nhiên hữu tình đến mấy cũng không nói hết được. Ghi nhận những đam mê, say đắm, vui buồn vv… không đâu bằng trên một khuôn mặt. Đó là vùng biểu lộ tình cảm và rung động tận cùng và tuyệt vời nhất.
VĂN: Ông muốn nói gì thêm về cuộc triển lãm chân dung năm mươi tác giả?
TCL: Tôi còn muốn thu cả tiếng nói của tác giả nữa. Để người đi coi triển lãm, đã thấy chân dung một nhà văn một nhà thơ này, còn được nghe cả tiếng nói của nhà văn nhà thơ ấy. Cuộc triển lãm chắc chắn sẽ sống động và thú vị lắm. Tôi ân hận một điều: Vì quá khó tính trong giai đoạn đầu, tôi đã không kịp thu hình một số tác giả bây giờ không còn nữa. Như Lê Văn Trương. Như Tam Ích, Nhất Linh, Võ Đức Diên. Đáng lẽ tôi phải nghĩ tới chuyện thu hình lớp tác giả đứng tuổi trước, lớp trẻ tuổi sau. Thật đáng tiếc. Ngoài ra còn một số tác giả ở các tỉnh xa nữa. Như nhà văn Võ Hồng, nhà thơ Quách Tấn. Tôi chưa biết tiếp súc với họ như thế nào. Chắc tôi sẽ phải nhờ Văn liên lạc, để chừng nào quý vị ấy có mặt ở Sàigòn tôi được biết và vác máy tới.
VĂN: Ông đồng ý cho Văn in thêm một số hình tác giả trên bìa Văn những kỳ sau đây?
TCL: Cuộc triển lãm nào cũng muốn dành cho nó toàn vẹn tính chất bất ngờ. Cuộc triển lãm chân dung của tôi cũng vậy. Nhưng với riêng Văn, để tôi tính lại. Chắc là đồng ý đấy.
VĂN: Ông đang có những dự định nhiếp ảnh nào?
TCL: Soạn thảo mấy cuốn sách có hình về nghệ thuật nhiếp ảnh, về gianh sơn gấm vóc. Như ông đã hỏi trong phần tiểu sử. Mới đây, tôi gặp anh Mai Thảo. Chúng tôi nói chuyện nhiếp ảnh, nói chuyện nghệ thuật. Và cùng đi đến chỗ đồng ý là sẽ soạn chung với nhau bốn tập sách, trong đó có văn Mai Thảo và hình ảnh Trần Cao Lĩnh. Ba tập về điện ảnh, âm nhạc và sân khấu Việt Nam hai mươi năm. Nghĩa là từ một ngàn chín trăm năm mươi tư tới bây giờ. Tập thứ tư về Sàigòn, thành phố chúng tôi đang sống, đã yêu mến nó, muốn trình bầy những cảnh tưởng đặc thù của nó, không chỉ với người đọc trong nước mà với thế giới nữa.
Ba tập về quá trình sinh hoạt của âm nhạc điện ảnh, sân khấu Việt Nam hai mươi năm, tuy phần thu thập tài liệu và hình ảnh khá phức tạp, nhưng sự thực hiện tương đối dễ dàng. Mặc dầu vẫn phải chụp thêm nhưng tôi đã có sẵn một số hình khá lớn về nghệ sỹ trình diễn. Tập thứ tư, về Sàigòn, là tập chúng tôi thích làm với nhau nhất, cũng là công trình thực hiện đòi hỏi ở cả hai nhiều tìm kiếm và thời giờ nhất. Một thành phố lớn không chỉ là nhà cửa, cây cối, phố xa, những công viên và những rạp chiếu bóng. Nó còn có một không khí riêng, một hơi thở, một linh hồn riêng, hệt như đời sống một người.
Trong tham vọng chúng tôi, một tập sách về Sàigòn phải trình bầy được cả những vẻ đẹp đã phô bày rõ rệt, cả những vẻ đẹp ẩn dấu, thoáng qua. Nghĩa là tiền trường và hậu trường, mặt phải và mặt trái của Sàigòn. Muốn vậy, phải ghi nhận từ những cái lớn nhất đến những cái nhỏ nhất, từ Sàigòn ngõ hẻm ra tới Sàigòn đường lớn, hết thảy, không thiếu sót. Vấn đề là chúng tôi phải hội ý với nhau. Cho văn chương và hình ảnh trong tập sách không phải là hai miêu tả tách rời mà hợp nhất làm một, phần nọ chiếu sáng cho phần kia, phần kia kiện toàn cho phần nọ. Ấn loát tuyệt hảo cũng là một vấn đề khác nữa ấy là chưa nói đến chuyện phiên dịch ra ngoại ngữ. Nhưng chúng tôi đã bắt đầu.