Có nhiều người khi sinh con ra, bên cạnh tên thật hay, thường có một tên khác gọi ở nhà dí dỏm dễ thương, hay tên thật dở để khỏi bị “bà” bắt.
Bà ở đây là bà nào không ai biết được, thế nhưng nhiều người vẫn sợ, rồi kiêng. Riêng đối với bà Thịnh, bà không tin như thế, ngược lại, bà cần con cháu bà tên thật hay, phải có ý nghĩa nữa để đem may mắn vận vào cuộc đời nó.
Hàng xóm nhà bà, có thằng bé tên Tí Chuột, chỉ là tên gọi tại nhà, trong giấy tờ là An Khang rất hay thế mà không gọi, cứ tên Chuột mà kêu làm khi lớn lên cuộc đời nó không ra gì, luôn chui rúc như đời một con chuột. Còn thằng con nhà khác thì tên La, em trai là Lắc. Cả hai anh em cho đến gần 40 tuổi, tương lai như lơ lửng trên cành cây, lúc la lúc lắc, chả đi tới đâu.
Vì thế, khi cưới con dâu giữa năm Mão, bà mong dâu mau có bầu để năm tới sinh con năm Thìn. Đối với bà, Thìn là rồng, một linh vật có huyền thoại cao quý biểu tượng sức mạnh phi thường, hùng dũng dành cho phái nam. Dù con dâu chưa có bầu, chưa sinh con, bà đã mơ ước một đứa cháu trai đặt tên Thăng Long.
Điều bà mơ ước đã đạt được ước mơ. Đúng năm Thìn, con dâu bà đã hạ sinh một cháu trai đích tôn kháu khỉnh, nối dõi tông đường. Bà mừng lắm và yêu cầu cha mẹ nó lấy tên do bà đặt là Thăng Long. Bà giải thích, Long tức là rồng. Mà bản chất của rồng thì sẽ tung bay. Thằng cháu bà tương lai sẽ ngất ngưỡng tận mây xanh, tha hồ tung hoành không ai đè đầu dận cổ được nó.
Con trai và con dâu vốn thương quí kính yêu bà vì cả đời, từ khi chồng chết, bà ở vậy hy sinh tuổi thanh xuân nuôi nấng chăm lo cậu con trai độc nhất, nên chúng chiều ý bà cho bà vui, lại nữa bà đặt tên cho cháu cũng hay và có ý nghĩa nữa!
Vốn nuôi mộng cho thằng cháu bay bổng, từ thuở bé, Thăng Long vừa biết nói, bà đã giải thích cho bé hiểu ý nghĩa tên nó mang. Chưa hết đâu, nhờ có cơ hội gần bé nhiều hơn bố mẹ khi bố mẹ bé bận công việc, đi làm giao con nhờ bà trông nom. Ngoài những lúc cơm nước, đưa dẫn bé đi học, rảnh, bà hay kể chuyện về những con rồng cho nó nghe.
Với bà, rồng là con vật ngon lành hết sẩy nhất, là vua của các loài thú, không thể so sánh với các con vật khác.
Khi Thăng Long vào nhà trẻ rồi vào mẫu giáo, bé học xếp đồ hình hay học về những con vật như chim, chuột, chó, mèo, gà vịt, cá, tôm… tuyệt nhiên không thấy con rồng như bà nội nói, nó về nhà thắc mắc hỏi:
Bà ơi, con rồng là con gì mà con học không thấy nói và cũng không thấy nó nữa
Bà từ tốn giải thích cho bé:
-Làm sao thấy được vì nó chỉ là con vật do người đời từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa khi còn ăn lông ở lỗ đến giờ tưởng tượng phác họa ra mà thôi.
-Phác họa ra làm gì vậy bà?
Bà bí, không biết trả lời sao, phần nó còn quá nhỏ để nhồi vào đầu nó những điều mà chính bà cũng chưa hiểu rõ. Bà thoái thác bận nấu cơm, rồi hôm khác bà nghiên cứu tìm hình một con rồng trong một nhãn bánh đưa bé xem. Con rồng thật đẹp, màu vàng tươi óng ánh, thân rồng uốn hình sin với 12 khúc, có vân, có vảy, có chân, có bờm sư tử, có râu cằm… và còn bay trên mây nữa.
Bà giải thích cho bé: “Con xem, con rồng đẹp không. Trong văn hóa phương Đông lẫn phương Tây, người đời phác họa ra nó để biểu trưng cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường, hùng dũng, đầy quyền năng và chí lớn của một con người. Tư tưởng đó giúp con người mặc sức bay bổng, vươn lên như rồng vậy.”
Thằng bé nghe bà nội nói, đối với nó cao siêu quá, nó không hiểu gì cả, chỉ ậm ự ngả vào lòng bà, hai con mắt mơ màng rồi ngủ lúc nào không hay.
***
Rồi Thăng Long lớn dần lên, bà Thịnh vẫn nuôi mộng dạy bảo cho thằng cháu đích tôn của bà thành người hữu dụng. Nó phải khác người khác, như con rồng, tuổi rồng và cái tên nó đang mang. Bà luôn tin bản chất thần kỳ của rồng chắc chắn tiềm ẩn trong những ai sinh năm Thìn. Do vậy, nhân bé sinh năm Thìn, bà đặt tên Thăng Long hàm nhắc nhở bé phải biết vươn lên, năng động, năng nổ, nếu không bay sẽ là con rắn.
Nhưng cuộc đời, đâu phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Đâu phải ước mơ nào cũng dễ dàng thành tựu mà không gặp trắc trở chông gai. Ngay ông Trời, ai cũng nghĩ “ông Trời có mắt” biểu tượng sự công bằng mà cũng có lúc mưa, lúc nắng, lúc bão bùng, yên ả; thì thế gian mà bà Thịnh đang sống cũng thế thôi.
Cuộc đời vốn vô thường, thay đổi mọi lúc, mọi nơi…. cho nên, giữa khi bà đang hy vọng ngút ngàn về thằng cháu nội, thì bây giờ bà cũng thất vọng không kém khi Thăng Long đến tuổi dậy thì, nó cũng thay đổi theo chiều hướng của một đứa trẻ… ta đây, muốn làm người lớn!
Thăng Long hay theo bạn bè, nghe lời rủ rê của bạn bè hơn nghe lời bà nội. Nó ham chơi hơn ham học. La cà theo bạn bè trong những lần dã ngoại, đi chơi về khuya, giờ giấc thất thường. Đôi khi về tới nhà thì nằm lăn ra ngủ. Bà hay cha mẹ gọi ăn cơm, Thăng Long thoái thác đã no rồi cũng không muốn ló mặt. Thăng Long ngủ li bì. Dậy, chỉ ăn và chơi.
Bà Thịnh buồn lắm. Bà hay than thở cùng con trai và con dâu: “Biết thế này, mẹ đặt tên cho nó là Hạ Long mới đúng. Rồng gì mà cứ nằm ụ như con rồng đất. Nếu rắn thì còn đỡ, rắn còn bò được.”
Cậu con trai an ủi bà:
-Tuổi dậy thì hay giở chứng nổi loạn. Ngang tàng, bướng bỉnh. Mẹ an tâm, rồi đâu cũng vào đấy.
-Mẹ chỉ sợ tuổi trẻ bồng bột, đua đòi rồi sa ngã. Mẹ chỉ còn mong vào phúc nhà thôi. Hy vọng có phúc có phần!
-Thì mẹ cứ tin vậy đi!
Tuy trông mong vào phúc nhà, bà Thịnh nghĩ “còn nước còn tát,” bà cố gắng hết lòng dạy bảo thằng cháu nội cưng duy nhất của bà. Bà tìm đến Thăng Long, tỉ tê với nó:
-Con biết không, bà thương con lắm, nên bà mới quan tâm đến con. Người dưng bà có xía vào đâu. Con là cháu đích tôn của dòng họ, con phải làm sao cho gia tộc vẻ vang để thiên hạ, nếu không trọng thì cũng không khinh mình được.
-Con có làm gì đâu, nội?
-Thì con cứ đi chơi với bạn bè hoài, bê tha không lo thân.
-Bạn bè rủ thì mình đi chơi với chúng. Không đi, chúng bỏ con, con chơi với ai?
-Con chơi với bà nè.
-Với bà, con gặp hằng ngày rồi. Nếu không… chơi với bà, bà vẫn không bỏ con. Vì một phần máu thịt con nằm trong bà. Phần máu thịt bà nằm trong con. Bà đâu bỏ con được.
Nghe Thăng Long lý sự, bà Thịnh vui trong lòng, bà nói:
-Nhưng con phải biết lựa bạn mà chơi. Chọn bạn tốt, giỏi để học hỏi nó mới nên người chứ!
-Con thì bạn nào con cũng chơi hết. Có lần bà nói với con, cái gì …cái gì… tam nhân đó.
-À, “tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư!”
-Đó, bà từng dạy con ba người cùng đồng hành sẽ có người là thầy mình. Con chơi tất. Tốt cũng chơi. Xấu cũng chơi. Tốt cho mình học hỏi. Xấu cho mình tránh. Cả hai đều là sư mình mà.
Rồi Thăng Long vòng tay ôm bụng bà, trấn an:
-Bà an tâm đi, lo giữ gìn sức khỏe. Cháu bà không tệ đâu.
Bà Thịnh cảm động, âu yếm dí tay lên trán nó:
-Sư mày! Nói thì nhớ nhé!
Được thể, bà Thịnh tỉ tê tiếp: “Con có biết tên Thăng Long của con, bà đặt cho con hay và ý nghĩa lắm không. Long là rồng thường xuất hiện chỗ cao quí nơi chùa chiền, cung đình của vua chúa. Họ vẽ những con rồng uốn lượn thật đẹp thường đứng từng cặp đối đầu hay châu đầu với phượng, phượng hoàng (nữ hoàng của loài chim), biểu tượng cho phái nữ, để diễn tả sự tốt đẹp cao cả may mắn nhất trên thế gian này.
Bởi vậy, trong cung đình, rồng phượng còn được trang trọng đặt ở vị trí cao chót vót ngang với Thiên tử. Người ta còn dùng tên Long ghép với tất cả những vật dụng, sự việc liên quan đến vua. Như giường ngủ của vua thì gọi là Long sàn, khuôn mặt vua thì gọi Long nhan, áo mặc là Long bào, áo lễ gọi là Long cổn, bàn viết là Long án, cửa vua ra vào là Long môn, thuyền rồng của vua là Long châu, xe vua với đoàn tùy tùng là Long giá, mạch đất tốt để tán thi hài con cháu được làm vua gọi là Long huyệt, Long mạch, ân sủng vua ban gọi là Long ân, thân vua là Long thể, não vua đương nhiên là Long não trùng tên với thứ bỏ vào tủ quần áo cho thơm và khử gián…”
Thăng Long chen vào: “Còn mắt vua là… là…Long nhãn, râu vua là…là… Long tu phải không bà? Long nhãn mẹ con thường nấu thánh bổ lường, long tu nấu súp đó. Ăn… mắt vua và… râu vua, ngon số dách, bà nhỉ.”
Biết thằng bé châm chọc mình, bà Thịnh cười mắng yêu: “Sư mày!”
Những khi trò chuyện như thế với Thăng Long, bà thấy nó không… ngu như bà tưởng, bà an lòng tin vào phúc nhà, cố ăn ở lương thiện để phúc cho con cháu.
***
Thế nhưng, cuộc đời vốn vô thường, thích thách thức trêu ngươi. Biến cố 30 Tháng Tư 1975 đưa cả nước vào thảm cảnh. Không riêng gì gia đình bà Thịnh mà hầu hết dân miền Nam đều lâm vào cảnh tù tội, đói nghèo, hận thù….
Thăng Long cũng bị ảnh hưởng, dù đang theo đuổi đại học Khoa Học, thằng bé bị trù dập, bị đào thải, chế độ mới không dùng đến những thành phần như Thăng Long, khi sơ yếu lý lịch có cha là sĩ quan quân lực VNCH, bị tù cải tạo.
Lâm cảnh kinh tế khó khăn là nạn chung của xã hội, tuy ai nấy ngày đêm lo lắng không biết tương lai ra sao, nhưng vấn đề ưu tư hàng đầu của gia đình bà Thịnh đó là việc Thăng Long bị gọi nghĩa vụ quân sự sang Campuchia, thực thi nghĩa vụ quốc tế, bành trướng xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài “Cộng Sản Đông Dương.”
Thật là trớ trêu khi cha là “ngụy” mà con sẽ là bộ đội nhốt cha mình. Không những thế, sang Campuchia, sinh mạng của cháu bà như chỉ mành treo chuông hy sinh một cách vô lý trong những cuộc giao tranh khốc liệt mà bao người ra đi đã không có ngày về. Do vậy, dù tài chánh trong nhà eo hẹp, bà cùng con dâu, thân mẫu của Thăng Long gom góp vòng vàng bấy lâu dành dụm, bán thêm vật dụng cần thiết trong nhà để đủ sở hụi lo cho Thăng Long một chỗ vượt biên.
May mắn cho gia đình bà, Trời đã nhìn xuống, Thăng Long vượt biên một lần được trót lọt.
Sau thời gian ngắn tại đảo để lập hồ sơ định cư, Thăng Long dễ dàng được Hoa Kỳ nhận vì nằm trong diện ưu tiên con của sĩ quan quân lực VNCH. May mắn thêm nữa, đến Hoa Kỳ, Thăng Long được một gia đình người Mỹ có chút thế lực cưu mang, hướng dẫn và dẫn dắt ngành nghề phù hợp khả năng Thăng Long, để sau này có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội.
Thăng Long từ khi xa bà và gia đình, cậu cũng biết thân, nếu không dựa vào chính mình thì ai lo cho đây. Lại thêm cha mẹ nuôi người Mỹ nhân hậu chăm sóc cậu chu đáo, đáp ân tình, cậu cố gắng theo sự chỉ dẫn của họ để vượt qua kỳ sát hạch gắt gao, học viên phải có khả năng lãnh đạo, sức khỏe tốt và đạo đức nữa mới có thể gia nhập Học viện Không Quân Hoa Kỳ, một trong những trường nổi tiếng, chọn lọc kỹ càng, nơi đào tạo các sĩ quan không quân trở thành những nhà lãnh đạo không quân Hoa Kỳ phục vụ cho đất nước.
Sau nhiều năm phấn đấu nơi xứ người và bốn năm miệt mài tại học viện, Thăng Long nhận được bằng cử nhân về khoa học và được phong quân hàm thiếu úy trong Không Quân Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, bà Thịnh luôn theo dõi mọi tin tức về cháu bà. Bà mừng rơi nước mắt khi Thăng Long đạt những điều bà ước mơ. Phải thế chứ, cháu bà là người Việt, vốn tự hào ví mình giống rồng tiên, đã vậy, Thăng Long mang tuổi rồng, tên rồng, mà bản chất rồng luôn quật cường dù ở hoàn cảnh nào, nghịch cảnh nào vẫn bất khuất, ý chí tự cường cũng tìm cách vùng vẫy tung bay, ngoi lên, tiến tới như… rồng vậy.
Thăng Long không những cho gia đình, gia tộc niềm hãnh diện mà nơi xứ người còn làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Cứ tưởng tượng tại Hoa Kỳ, Thăng Long là phi công lái máy bay tung hoành giữa bầu trời cao rộng có khác nào là rồng gặp mây vùng vẫy giữa trời xanh.
Nếu Thăng Long còn kẹt tại Việt Nam trong hoàn cảnh xã hội đất nước như vậy, Long không thể… thăng được mà không chỉ… hạ, long còn là con rồng đất với thời gian sẽ tan trong sình lầy nước đọng.
Việc bà để Thăng Long rời xa bà, một mình trơ trọi nơi xứ người, bà thương nhớ lo lắng lắm chứ, bao đêm bà mất ăn mất ngủ, luôn cầu khẩn trước bàn Phật phù hộ cho cháu bà bình yên may mắn. Nay thấy sự thành công mỹ mãn của con cháu, bà mới nhận ra sự hy sinh, và quyết định của bà là một lựa chọn đúng.
Một thời gian sau, sau khi con trai bà Thịnh được thả về từ lao tù cộng sản, gia đình bà đoàn tụ tại Hoa Kỳ do Thăng Long bảo lãnh theo diện ODP.
Ngày đón đại gia đình tại phi trường, Thăng Long dẫn theo một thiếu nữ vô cùng duyên dáng xinh đẹp. Thăng Long ôm choàng bà nội, và thủ thỉ cùng bà:
-Cháu dâu của bà đây. Bà thấy thế nào ạ?
Bà Thịnh ngắm nghía cô gái rồi buột miệng hỏi:
-Cháu có phải tên… Phượng không?
Cả nhà cười vui khi nhớ đến những ngày bà Thịnh luôn dặn Thăng Long kiếm bạn gái tên Phượng hay Phụng (nữ hoàng của loài chim) cho xứng hợp với tên Long tức rồng (vua của loài thú) như thế mới “môn đăng hộ đối.” Con trai bà xen vào:
-Rồng sao lấy chim làm vợ được, hả mẹ?
Cũng chỉ là biểu trưng ý chí vươn lên thôi mà, chứ chúng có phải là rồng thật, chim thật đâu.
Mọi người đã ra khỏi phi trường, trước khi lên xe về nhà, Thăng Long nói với bà nội:
-Con kiếm mãi cô tên Phượng, Phụng không có, nếu có, cũng không đẹp nên con không vâng lời bà được. Bạn gái con đây tên Hoàng, vậy bà bằng lòng không?
Bà Thịnh cười, mắng yêu:
-Sư mày! Hoàng tức là Phượng Hoàng rồi còn gì. Phải thế chứ, cái tên nhắc nhở mình vươn lên. Vươn lên không phải để hà hiếp người, mà không ai đè đầu dận cổ mình được!