Hồi còn nhỏ ở Việt Nam, tôi đâu biết Tây phương có ngày lễ Cha, lễ Mẹ. Tôi chỉ biết ngày rằm tháng Bảy ở Việt Nam là lễ Vu Lan báo hiếu. Hồi đó, tôi rất thích những bài hát về tình cha nghĩa mẹ. Chị tôi và tôi, lấy máy cassette nhỏ hát rồi thu băng bài Bông hồng cài áo, Ơn Cha và Mẹ tôi… Chờ đến chiều đợi lúc mẹ rảnh việc, chị tôi rón rén cho băng vào máy, rồi bật lên. Khi bài hát chấm dứt mẹ đưa tay gõ nhẹ lên đầu hai đứa tôi: “Tụi bay bày đặt quá!” mà mắt mẹ chớp chớp. Sau này tôi vẫn tiếc nuối tại sao lúc đó lại không đem đến cho ba nghe mấy bài nhạc ấy, có thể vì tụi tôi luôn sợ ba bởi ba rất nghiêm khắc với con cái, như phần lớn ông bố thời xưa.
Tôi nghe kể ba mẹ cưới nhau không hề có sự quen biết trước, chỉ là vì hai người đều cùng quê. Ông nội và ông ngoại là bạn thân với nhau. Lúc hai ông tới nhà nhau chơi, ông nội thấy mẹ hiền lành giỏi giang; ngược lại ông ngoại cũng thấy ba chững chạc, đã học ở trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, thông thạo tiếng Pháp, lại chăm chỉ siêng năng… Thế là hai ông bạn già ngoéo tay làm sui gia mà không cần cho hai đương sự gặp nhau tìm hiểu.
Mẹ về nhà ba làm con dâu trưởng, từ một thiếu nữ sống nhàn nhã sung sướng ở nhà ông ngoại giờ cáng đáng phận làm dâu muôn phần vất vả. Ba thương và trọng mẹ lắm, nhưng bản tính ba vốn nghiêm nghị, cứng rắn, ít biểu lộ tình cảm, đồng thời ba cũng rất có hiếu với ông bà nội, ý thức trách nhiệm của người trưởng nam trong gia đình, gánh vác công việc nhà trước sau thay ông nội… Sau này khi mẹ tôi mất, ba chỉ mới ngoài năm mươi, dù các anh chị em tôi đã khá lớn, ba tôi vẫn ở vậy cho tới khi qua đời.
Mẹ tôi vẫn hay kể về cuộc đời của ba mẹ cho chị em tôi nghe. Năm 1945 loạn lạc, ở Bạc Liêu giặc giã, mất mùa, người Miên nổi dậy đánh đuổi người Việt… Ba tôi đưa cả gia đình bỏ hết ruộng vườn chạy lên Sài Gòn. Tạo dựng cuộc sống mới ở Sài gòn đầy khó khăn, ba đã vất vả bươn chải làm việc để cưu mang cả nhà gần hai chục người. Vốn thông thạo tiếng Pháp, nói được tiếng Triều Châu, thêm một ít tiếng Miên, vì ở Bạc Liêu quê tôi có rất nhiều người Hoa và người Campuchia sinh sống. Ba tôi lại giỏi về tính toán sổ sách, nên sau những công việc lao động chân tay, ba cũng tìm được một việc làm thích hợp về quan thuế. Gia đình tôi trụ lại được ở Sài Gòn. Ba tôi sau đó may mắn được vào làm kế toán cho công ty xuất nhập cảng mà chủ nhân là người quốc tịch Pháp gốc Hoa. Thời gian đó, kinh tế gia đình tôi tương đối vững vàng, ba còn gửi về cấp dưỡng hàng tháng cho ông bà nội ở quê.
Năm 1966, ba không may bị bệnh nặng, phải nằm viện điều trị một thời gian dài, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn, mẹ phải lo toan nhiều việc cực nhọc, vừa ra vào bệnh viện nuôi ba, vừa phải lo con cái ở nhà. Ba nằm bệnh viện mấy tháng mới xuất viện. Khi đã bình phục hẳn, ba được nhận trở lại công ty xuất nhập cảng vì khó tìm đươc một nhân viên có khả năng làm việc hiệu quả và tinh thần trách nhiệm tốt như ba, cuộc sống gia đình trở lại bình ổn. Năm 1974 tuần lễ cuối tháng 7, bất ngờ mẹ ngã bệnh và qua đời chỉ sau vỏn vẹn một tuần lễ, trong sự bàng hoàng của gia đình, người thân lẫn bà con xóm giềng. Mẹ mất đi ở tuổi 48, mọi sinh khí trong nhà như đi theo bà. Hôm đám tang vừa xong, buổi trưa trời mưa như trút nước, ba ngồi nhìn ảnh mẹ sau màn hương khói, miệng cứ gọi nhỏ “mình ơi, mình ơi” mà nước mắt tuôn ướt áo. Lần đầu tiên cũng là lần duy nhất trong đời tôi mới thấy ba khóc nhiều như vậy.
Có nhiều lần giữa khuya bước ra phòng khách, tôi thấy có đốm lửa trong đêm tối, biết ngay là ba đang ngồi đó với nỗi nhớ vợ da diết. Lúc đó tôi rất muốn ôm chầm lấy ba để cùng chia sẻ nỗi đau, nhưng tôi vẫn không làm được hành động đó, chỉ nghẹn ngào hỏi nhỏ “Ba chưa ngủ hở ba?”. Ba lặng lẽ dụi tắt điếu thuốc, đứng dậy bước đi. Tôi biết nỗi xúc động đang tràn ngập sẽ òa vỡ nếu ba lên tiếng. Ông đang cố giữ cái nghị lực cứng rắn của người đàn ông, là cha, là đầu tàu của gia đình.
Cho đến ngày 30 tháng Tư, biến cố lịch sử này làm tan nát rất nhiều gia đình miền Nam. Anh Hai bị đi tù cải tạo gần chín năm. Chị Ba là công chức chế độ cũ, chức vụ nhỏ, nên chỉ học tập ba ngày; chồng là hạ sĩ quan nên cũng không phải tập trung cải tạo lâu. Ba tôi lo xa, sợ vợ chồng chị Ba sẽ bị gây khó dễ nên gom góp mua một mảnh đất rẫy ở Long Thành cho vợ chồng chị. Ông cũng đi đi về về phụ làm rẫy. Đứa em trai út của tôi nghỉ hè năm lớp 9 lên rẫy chơi, đi tắm suối trợt chân té, đuối nước chết. Quá đau buồn, ba tôi trở về Sài Gòn, sống cùng tôi và đứa em gái út. Tôi nhớ hoài những năm 1980, ba lúc đó thật vất vả, phải lo xếp hàng hết mua gạo tới mua khoai, mua bột mì rồi đem đi đổi lấy bánh mì. Có những buổi chiều ba ngồi lựa từng hạt thóc lẫn trong gạo. Trời nóng ba ở trần, nhìn người ba gầy trơ xương, tôi thấy tim nhói đau. Tôi không bao giờ tưởng tượng nổi sự thay đổi khác biệt của ba sau 1975, từ một người đĩnh đạc, nghiêm khắc, một người chủ gia đình, ba bỗng trở thành nội trợ bất đắc dĩ, còm cõi ngồi nhặt từng hạt thóc trong rổ gạo…
Rồi sóng gió tiếp tục kéo đến. Chị Tư cùng hai con gái 7 và 8 tuổi đi vượt biên bị chìm tàu, chết thảm. Ba tôi như ngọn đèn dầu leo lét chực tắt lịm. Một thời gian ngắn sau, trong một đêm khó thở phải vào cấp cứu, ba qua đời vì quá kiệt sức. Hồi mẹ mất, ba và các anh chị em tôi đủ mặt cạnh bên nên chắc mẹ cũng ra đi thanh thản. Còn ba thì những ngày cuối đời quạnh quẽ. Tôi lúc đó đã ở bên nhà chồng, vài ba ngày ghé về thăm ba. Anh chị em người còn, người mất, người ở xa, anh Hai và em gái tôi ở chung thì lại bận đi làm cả ngày… Đám tang ba buồn bã lặng lẽ. Lúc còn sống, ba dặn con cái khi ba mất hãy đem thiêu rồi gửi vào chùa. Có lẽ vì ba không muốn các con tốn kém cho tang lễ, nhất là khi cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn sa sút.
Gần bốn năm sau ngày ba mất, tôi qua Mỹ cùng chồng diện HO. Nhiều lúc tôi nhớ ba với nỗi ăn năn khôn nguôi. Khi tôi có khả năng có thể lo cho ba một đời sống thoải mái vui vầy với con cháu thì ba không còn nữa. Anh Hai tôi rồi em gái tôi cũng lần lượt qua Mỹ. Anh em tôi ở khác tiểu bang. Mỗi năm tới ngày giỗ ba, chúng tôi mỗi nhà đều nấu mâm cơm tưởng nhớ. Ở Việt Nam, chị Ba và thằng Sáu cũng làm cơm giỗ ba. Tụi tôi hay nói đùa với nhau, mỗi lần giỗ, ba tha hồ đi khắp nơi, ăn cơm Việt Nam rồi sang ăn cơm Mỹ…
Ba ơi, trước mặt con bây giờ là bức ảnh cả gia đình mình chụp từ năm 1960, lúc đó con mới lên sáu. Bức ảnh đã lem luốc rách nát vì trận hỏa hoạn năm xưa, nhà mình bị cháy. Sau khi ngọn lửa được dập tắt, ba tìm thấy bức ảnh này giữa đống đổ nát. Ba cất kỹ nó bao nhiêu năm trong tủ giấy tờ. Sau ngày ba mất, con thu dọn tủ mới thấy bức ảnh. Và con đã mang bức ảnh theo cùng gia đình mình khi sang đây.
Sắp tới Ngày của Cha, con viết những dòng này để tưởng nhớ ba, và cũng để cho vơi bớt đi phần nào nỗi ray rứt trong lòng bao lâu. Con chợt nhớ đến hai câu hát cuối trong một bài nhạc rất đúng với tâm trạng con mỗi lần nghĩ về ba, ba kính yêu của con: “Có những niềm riêng trọn đời giấu kín… nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi”!