Chuyện Giỗ Tổ nghề sân khấu, ngày 11- 12- 13 Tháng Tám Âm lịch

Tư liệu quý của một bậc tiền bối nghề sân khấu Việt Nam hiện nay đang sống tại Sydney, Úc.
Lễ Giỗ Tổ ở miền Nam Việt Nam, trước 1975.

Từ thuở nhỏ, đại gia đình nghệ sĩ chúng tôi đã từng được ông bà, cha mẹ, cô cậu, chú dì… theo nghiệp dĩ nghề hát từ cuối thế kỷ thứ 19 mãi cho đến ngày hôm nay kể về những tập tục truyền thống cổ xưa trong nghề, trong đó quan trọng nhất nhì là Ngày Giỗ Tổ .

Ngày Giỗ Tổ Nghề Hát thường được tổ chức trọng thể trong ba ngày: 11, 12 và 13 Tháng Tám Âm lịch hằng năm và đây cũng được xem là những ngày Tết của giới nghệ sĩ và giới làm nghệ thuật sân khấu.

Tục truyền từ những đoàn Hát Bội cổ xưa: Đời nhà Trần (thế kỷ thứ 13) đã bắt đầu có bộ môn Hát Bội. Vì vua Trần Nhân Tông đã bắt được một tù binh của Nguyên Mông là một nghệ sĩ người Hán tên gọi Lý Nguyên Cát, giỏi múa hát, tuồng tích. Nhà vua mang về tha tội, rồi cho lập ban hát trong triều đình giao cho Lý Nguyên Cát hướng dẫn và nghề hát được xuất thân từ trong triều đình đời Trần.

Một truyền thuyết khác trong cuốn Văn hóa Dân gian Cổ truyền: Vào đời Trần (không nói rõ đời vua nào), nhà vua và hoàng hậu sau khi làm lễ tạ ơn Trời Phật ban cho cả nước được quốc thái dân an, sau đó hoàng hậu hạ sinh hai con trai. Hai hoàng tử lúc ấy vẫn còn nhỏ mà rất ham mê Ban Hát trong triều, ngày đêm cứ theo Ban Hát xem tập tành biểu diễn, quên ăn bỏ ngủ, lâu ngày nên sinh nhuốm bệnh. Một đêm, vẫn còn bệnh nhưng hai ấu hoàng lén vua cha trốn ở xó buồng hát xem diễn tuồng. Vãn hát, mọi người đổ xô đi tìm thì thấy hai hoàng tử ôm nhau mà chết tự lúc nào.

Sau này, các nghệ sĩ trong Ban Hát vẫn thấy hai hòang tử hiển linh hiện về xem hát, khi thì thấy ngồi xem hát, lúc thấy trong hậu trường, mọi người cho là linh hiển nên lập bàn thờ tôn kính là Tổ Sư. Vì kiêng húy nên gọi trệch ra là “ông Làng” thay vì là “ông Hoàng”.

Vì hai hoàng tử chết trẻ nên đầu tiên trong Ban Hát thường cúng bánh kẹo, dần dần theo thời gian thay đổi, bắt đầu cúng thêm hoa quả trái cây, nhưng cấm kỵ trái thị. Ông Nhưng (ngày nay người đời gọi là ông Bầu) giải thích: “Vì sợ hai ấu hoàng thấy trái thị đẹp và thơm nên ham thích chơi đùa mà không phù hộ cho các diễn viên trong lúc hát”. Cho nên dân gian cũng thường nghe tập tục cấm mang trái thị vào đoàn hát là vậy.

Ngày nay, hằng năm các đoàn hát Cải Lương thường chọn ngày 11 hay 12 Tháng Tám Âm Lịch để cúng Giỗ Tổ. Duy chỉ có các đoàn Tuồng Cổ hay Hát Bội thì thường chọn cách cúng ba ngày: 11 (cúng chay), 12 (cúng mặn) và 13 (cúng tất đưa bài vị).

Những ngày này bọn trẻ chúng tôi hồi bé rất vui, vì được cha mẹ cho mặc quần áo mới như những ngày Tết Nguyên Đán. Một chi tiết khá đặc biệt và hậu hỉ mà tôi rất thích là những ngày này anh chị em nghệ sĩ đồng nghiệp với nhau có dịp tề tựu gần gũi nhau nhiều hơn, có những thâm tình cần chia sẻ, mọi người hầu như trút hết cho nhau tình yêu thương. Trong năm, có những lấn cấn gì chưa hiểu nhau cũng lần lượt được giải tỏa, tháo gỡ, bộc bạch…

Trong ngành Tuồng Cổ, Hát Bội còn có một tập tục rất dễ thương là “Quỳ hương” trước bàn thờ trong ngày Giỗ Tổ là sau khi vái lạy, các nghệ sĩ cầm cây nhang và quỳ cho đến khi cây nhang tàn mới đứng lên. Mục đích như một lời thú tội là trong năm có làm điều gì sai quấy, nói câu gì không phải xin ơn trên Tổ nghiệp tha lỗi.

Theo hồi ký của cố soạn giả nghệ sĩ lão thành Thành Tôn: Đạo Tổ nghề hát không giáo điều, nhưng có phong tục tập quán, có nhiều kiêng cữ. Ví dụ như trong ba ngày Giỗ Tổ theo thời xưa thì nghỉ xả hơi ăn Tết và cúng Tổ. Khi nào diễn lại phải coi ngày, coi nước rồi mới nhổ sào, ban trống rồi mới ra ghe (ngày xưa đoàn hát di chuyển bằng ghe). Ban trống là quy luật bất di bất dịch và rất quan trọng (một hồi là gì, hai hồi là gì, ba hồi là gì…) chỉ cần nghe tiếng ban trống là biết ngay mọi việc trong đoàn hát tiến triển đến đâu.

Anh chị em nghệ sĩ Tuồng Cổ, Hát Bội ngày xưa đến nay rất tin tưởng Tổ nghiệp nghề hát, làm việc gì liên quan đến nghề đều khấn vái Tổ nghiệp một cách trân trọng, khiêm cung, kính cẩn.

Theo lịch sử, đời nhà Nguyễn có ông Đào Duy Từ là người có công lớn trong văn hóa nghệ thuật Hát Bội, ông là nhà quân sự, nhà thơ và nhà nghiên cứu về văn hóa, là danh thần thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chỉ vỏn vẹn tám năm phò Chúa Sãi từ 1627 đến 1634 nhưng ông Đào Duy Từ đã khắc hoạ hình ảnh đặc biệt một người thầy của Chúa Sãi, một kiệt tướng, một chính trị gia, một chiến lược gia, một kiến trúc gia, một kỹ thuật gia, một nghệ sư tài hoa, một học giả, cũng như là người góp phần quan trọng định hình được nhà nước, địa lý và bản sắc Đàng Trong.

Các vua đời nhà Nguyễn công nhận ông là Đệ nhất Khai quốc công thần và thờ ông ở Thái miếu. Trên bàn thờ Tổ nghiệp, ngoài hai ông Hoàng: Tiên Sư, Tổ Sư còn có Thánh Sư, đó chính là ông Đào Duy Từ. Người có công viết lại những kịch bản Hát Bội theo chiều hướng Việt Nam . Ngoài ra, bàn thờ còn thờ Thập Nhị Công nghệ (Công, Hầu, Khanh, Tướng, Sĩ, Nông, Công, Thương, Ngư, Tiều, Canh, Mục).

Bài vị Thờ Tam vị Thánh Tổ: Tiên Sư, Tổ Sư, Thánh Sư

Theo Hát Bội ngày xưa, có một trong những điều mà các cô bác, các anh chị nghệ sĩ đi trước thường nhắc nhở đàn em cháu về sau, rằng làm bất cứ điều gì quan trọng nhất vẫn là giữ gìn đạo đức diễn viên. Cho nên hay, dở, thành, bại gì gì thì vẫn đều hướng đến Tổ nghiệp mà giữ lòng. Cho tới ngày nay thỉnh thoảng mọi người vẫn thường nghe làm việc gì, anh chị em nghệ sĩ luôn nhắc đến Tổ Nghiệp, là vậy.

Ví dụ như :
– Hôm nào hát hay được khán giả khen gọi là TỔ ĐÃI
– Nếu lỡ làm điều gì không phải ra sân khấu quên tuồng cho dù vở tuồng hát đã nhiều lần nhưng vẫn lẫn lộn… gọi là TỔ TRÁC
– Lớn tuổi rồi mà ca diễn vẫn còn hay, vẫn còn được khán giả yêu thương, mến mộ thì gọi là TỔ THƯƠNG.
– Nói câu gì xúc phạm đến nghề nghiệp, xem thường đêm diễn, xem thường khán giả để có một kết quả không hay thì gọi là TỔ PHẠT.

Người ngày xưa đi hát là chỉ biết đi hát, đem nghệ thuật phục vụ niềm vui tinh thần cho mọi người, không hề có ý lợi dụng nghề hát mà làm điều bất chánh, bất nghĩa, bất nhân… Vốn dĩ tuồng tích xưa hầu hết là khuyên nhủ con người ta sống sao cho trọn ân vẹn nghĩa, thì người nghệ sĩ xưa cũng phải làm sao xứng đáng với vị trí của mình.

Đó là ngày xưa, ngày nay thì hơi khác một chút. Thời buổi hiện đại, thiên hạ sống thoáng hơn, chứ không theo rập khuôn phong tục như xưa nữa, nhưng dù sao những người làm nghề vẫn còn nhớ đến ngày Giỗ Tổ nghiệp hằng năm là điều đáng mừng.

Những ngày Giỗ Tổ, người đi trước luôn nhắc nhở cho thế hệ sau hiểu ngọn ngành hơn, chi tiết hơn về nghề cũng như về Tổ nghiệp và đạo đức làm nghề.

Nhân đây, tôi cũng xin mạn phép nhắn nhủ với ai đó cho rằng Tổ nghiệp nghề hát xuất thân là ăn xin là một sai lầm đáng trách, nhất là với người đã đi hát, người làm nghệ thuật. Trong nghề hát ngày xưa, kiêng cữ việc cho tiền người ăn xin là vì hồi xưa nghề hát rong ruổi rày đây mai đó, cũng tựa như người hành khất tha phương cầu thực, chứ không phải ông Tổ nghề hát xuất thân là người ăn xin.

Kính Giỗ Tổ năm Tân Sửu 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: