Năm 1968, tại Sài Gòn, Nhà sách Khai Trí phát hành một cuốn sách dày hơn 150 trang với tựa đề Tiếu lâm Việt Nam của Cử Tạ. Ngay phần Mở đầu, nhà văn cho rằng, đối với loài người, cười chẳng những là biểu hiện sự thích thú, mà còn là thang thuốc đại bổ:
“Hỏi ai sướng nhất trên đời
Bằng người ít khóc nhiều cười hơn ai?
Sướng trên đời nhất hỏi ai
Bằng người ít khóc hơn ai nhiều cười”
Cử Tạ còn phân tích một cách sâu xa: không phải chỉ đơn thuần là “nhe răng” vì còn rất nhiều cách biểu hiện ngoài việc “hở mười cái răng”. Chẳng hạn như “cười híp mắt” (rire à gonfler les yeux) của những ông “35” mỗi khi trông thấy gái đẹp; “cười khì” (rire niais) như kiểu “Thằng Bờm khi nhận được gói xôi của phú ông”… Cũng có thứ “cười khỉ” (rire bâtement d’une chose) khi ông chồng quay mặt cười lúc thấy vợ khoe đầu tóc mới làm ngoài tiệm trông… không giống ai! Lại có thứ “cười khúc khích” (rire sous cope) theo kiểu các nhà văn, nhà báo khoái trá khi viết xong một bài mà mình ưng ý! Rồi có những kiểu cười “thuốc độc” tựa như “bên trong nham hiểm giết người không dao” hoặc nụ cười của quý phi “nghiêng nước nghiêng thành”, “nhất tiếu thiên kim” khiến cho cả cơ đồ của nhà vua phải sụp đổ! Riêng người Việt còn có những kiểu cười được mệnh danh là “tiếu lâm” với lối diễn tả rất bình dân nhưng lại không kém phần hóm hỉnh. Đối tượng của tiếu lâm nhắm vào đủ loại người trong xã hội, từ quan lại hắc ám, chính khách xôi thịt, cường hào ác bá cho đến hạng người mê tín dị đoan, ba que xỏ lá, đầu trộm đuôi cướp.
Thế cho nên, “tiếu lâm” nói nôm na là cả một rừng những chuyện cười dân gian mà qua đó người ta rút ra những bài học “để đời”. Nghe xong chuyện tiếu lâm, thấy chuyện thì vui thật nhưng nó còn để lại cho người nghe một “thông điệp” nào đó để tự sửa mình.
Trong Tiếu lâm Việt Nam có gần 100 truyện cười, gồm đủ mọi đề tài trong xã hội. Từ chuyện vợ chồng, chuyện làng xã, chuyện quan lại, thầy chùa… cho đến cả trong lãnh vực văn chương chữ nghĩa. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi không thể ghi lại 94 mẫu chuyện tiếu lâm trong sách nên chỉ chọn một số chuyện điển hình.
Bạn có biết sự tích của thành ngữ “chết cười” hay nói khác đi “cười chết đi được” xuất xứ từ đâu không? Theo Cử Tạ, ngày xưa có một ông nhà giàu đi chơi bị mắc mưa mà lại không mang theo ô, dù. Vốn tính bủn xỉn nên ông cởi hết quần áo để che mưa và… bảo vệ quần áo. Khi về đến nhà lại gặp bà vợ vừa tắm xong nên cũng chẳng có mảnh vải che thân. Hứng chí ông ôm bà xà nẹo. Chẳng may có một anh chàng đang đụt mưa trước nhà nên thấy cảnh đó. Chúng kiến cảnh cụp lạc, anh chàng phá lên cười và bị trúng gió rồi… chết luôn tại chỗ.
Hoảng hồn, hai vợ chồng vội lên trình lý trưởng, bị đưa lên quan huyện xét xử và bị kết án… tử hình. Mệt mực kêu oan, ông nhà giàu cho rằng kẻ đụt mưa chết vì thấy cảnh hai vợ chồng âu yếm nhau. Quan bèn bắt hai vợ chồng diễn lại cảnh “gây chết người” ngay trước mắt quan và đám nha lại. Xem xong, quan cũng ôm bụng cười đến đứt ruột và… cuối cùng cũng chết ngắc!
Còn chuyện “Cả làng sợ vợ” kể về một ngôi làng trong đó đàn ông, từ người giàu sang đến kẻ “khố rách áo ôm”, đều mang một chứng bệnh chung là… sợ vợ. Một hôm các ông “râu quặp” họp nhau lại để bàn một chuyện tối quan trọng và cần giải quyết ngay. Bàn tới bàn lui mà chẳng tìm ra cách, cuối cùng một ông danh giá nhất làng phán: nên tổ chức một lễ tế trời để báo cáo sự việc. Hội nghị sợ vợ thống nhất buổi lễ đó sẽ được cử hành ngày 30 Tết vì khi đó các bà bận đi chợ Tết.
Buổi lễ được diển ra ngoài đồng với một ông cao tuổi đứng ra làm… chủ tế với đủ mọi nghi thức trang trọng. Đang lễ thì có hai bà làng bên đi qua thấy lạ nên đứng xem. Các ông vốn đã sợ các bà nên vội vàng giải tán như ong vỡ tổ. Chỉ có ông chủ tế và các phó tế vẫn ở lại để “thi hành nhiệm vụ”. Lúc sau, các ông bảo nhau quay trở lại địa điểm hành lễ để quan sát tình hình. Tới nơi thì thấy ban tế lễ đều đã chết cóng vì sợ nên không kịp… tan hàng!
Và đây là chuyện cuối cùng tôi xin trích dẫn có tựa đề Tướng công kỵ bà lão. Theo tôi, bài này vẫn liên quan đến thời sự ngày nay, khi các trường thường cho học sinh học “tủ” bài văn mẫu để đi thi!
Một anh học trò nghèo nên phải tìm thêm việc bằng cách làm “thợ vịn” cho một toán thợ mộc đang cất nhà cho một ông quan lớn. Thấy anh học trò mặt mũi khôi ngô nên quan mới thử xem sức học của anh đến đâu. Có một con ngựa trắng đang cột ở giữa sân, quan mới bảo anh làm một bài thơ. Lát sau, anh đã có ngay:
“Bạch mã mao như tuyết
Tứ túc cương như thiết
Tướng công kỵ bạch mã
Bạch mã tẩu như phi!”
Quan khen hay nên thưởng cho anh một thúng gạo và vài quan tiền. Anh chàng kể lại chuyện này cho đám thợ nghe, trong đám có một anh vốn đã dốt nhưng lại tham nên muốn bắt chước bằng cách học thuộc lòng bài thơ làm vốn, rồi sửa đổi tùy theo tình hình. Sau đó anh lên gặp quan để trổ tài “kinh sử”. Thấy một bà cụ già đang quét sân, quan bảo anh thử làm một bài thơ miêu tả. Không chút suy nghĩ, anh đọc cho quan nghe:
“Bà lão mao như tuyết
Tứ túc cứng như thiết
Tướng công ky bà lão
Bà lão tẩu như phi!”
Thế là thay vì thưởng gạo và tiền, quan “nội khí xung thiên” đánh cho anh kia một trận để đời.
Đấy là cái hại của bài văn mẫu mà cho đến ngày nay học trò vẫn bị thầy cô giáo… nhồi sọ!