Không ai biết hắn từ đâu đến!
Một chiều gió lặng cuối năm, cái ngày mà nhà nhà đều chuẩn bị đưa ông táo về trời thì cả làng đều thấy hắn. Hắn đến như một lữ khách bạc phếch bụi thời gian, áo quần xốc xếch với đôi dép dính đầy bụi đường…
Ba ngày sau, trong làng có một người khuân vác lạ lẫm. Khách lạ đã nhập một vai mà những người già trong làng thấy chẳng hợp chút nào. Dù sao đi nữa, bộ dạng hắn không phải là kẻ thất học, hoặc ít ra cũng có chút chữ nghĩa, không cần phải làm những việc nặng nhọc trái ngược với bản thân. Ấy thế mà hắn vẫn dửng dưng với nhiều ánh mắt tò mò, hiếu kỳ của người trong thôn. Ngày hắn làm việc, tối đến lại ngủ trong miếu thổ thần hoang phế ở cuối thôn. Có hôm, sau ngày cuối tuần, người ta lại thấy hắn ngồi uống rượu một mình trong miếu vắng. Ở đây hắn không có bạn, mà ai đi làm bạn với một người không biết gốc gác như hắn. Chỉ có bọn trẻ nhỏ hiếu kỳ bởi sự xuất hiện của kẻ lạ nên lảng vảng đến gần. Bọn chúng đến vì tò mò hơn muốn bắt chuyện với kẻ say. Hắn quá biết chuyện này nên chỉ cười với chúng rồi thản nhiên uống rượu…
Sau những ngày như vậy, người ta bắt đầu ngạc nhiên bởi hiểu biết từ người lạ. Hắn giúp rất nhiều người trong làng nhưng chưa bao giờ lấy thù lao. Hắn làm thợ mộc, sửa được điện, hiểu biết về máy móc không thua bất cứ người thợ nào. Vậy mà đối với hắn những chuyện ấy quá bình thường. Bình thường đến nỗi hắn không cần phải mượn chúng để mưu sinh.
Từ ngày biết hắn làm được nhiều thứ, người làng gọi hắn là anh Bá. Chữ “Bá” này lấy từ trong “Bá nghệ” mà ra. Khi nghe như thế hắn lại cười buồn. Hắn biết ngụ ý của tên gọi, nhưng thâm tâm lại cay đắng khi nghĩ rằng: Ở một nơi nào đó có người lại cho hắn là kẻ “Bá láp”. Trong vòng xoay mênh mông của cuộc đời, lòng tốt và tư hữu cái nào lớn hơn? Theo hắn, lòng tốt chỉ xuất hiện khi người ta đã đạt vị trí nào đó trong cuộc sống. Lúc ấy tình thương hại, giúp đỡ kẻ khó chỉ mang tính ở trên ban xuống. Chứ lúc đói nghèo thân lo còn không xong thì ai hơi đâu cưu mang kẻ khác. Và như vậy hắn có phải là kẻ “Bá láp” hay không?
Có một điều hắn rút ra từ kinh nghiệm của mình: Nếu như anh có nhà, muốn ở nơi đâu hàng xóm vẫn chứa chấp. Nhưng khi anh tứ cố vô thân, vấn đề chỗ ở cực kỳ quan trọng. Bởi chẳng ai muốn chứa chấp một người sơ thì mới, còn thân lại không… Vì lẽ đó hắn ở nơi hoang miếu…
Những ngày cuối năm, công việc nhà nào cũng nhiều, chính vì vậy hắn làm lụng tất tả. Trong điều kiện làm việc vất vả, lại ăn uống kham khổ nên cơ thể hắn suy kiệt thấy rõ. Mới có mấy ngày bộ dạng hắn thay đổi đến không ngờ. Nỗi đau sâu thẳm trong lòng hắn không ai hiểu. Thật ra hắn cũng có một mái ấm, nhưng giờ đây đã vỡ vụn trong thâm tâm trống lạnh. Những gì hắn một đời ấp ủ, nâng niu, bỗng chốc tan thành mây khói. Cuối cùng… Hắn chợt cười với chính mình khi nhớ đến một đoạn lý luận trong Thiền học: “Thân ta cũng là tạm thì mọi cái trên đời đều là tạm…”. Hắn thấy đúng, khi nghĩ rằng mình sống nay chết mai còn không biết thì mọi cái trên đời không phải tạm ư?…
Trong làng có một quả phụ tỏ ra thân thiện với hắn. Nhưng điều này chỉ làm hắn hoảng sợ hơn là hoan hỉ. Không gì có thể thay thế được hình ảnh hắn ấp ủ trong lòng. Chính vì vậy mà hắn ra đi, ra đi để gìn giữ những điều tốt đẹp còn sót lại trong tâm khảm…
Cảm thông với cách sống trơ trụi, bần hàn, nhiều người trong thôn khuyên hắn: “Thôi anh nên đến nhà tôi mà ở. Bên ngoài phong khí bất thường, nhỡ có việc gì lại khổ tấm thân”. Hắn tỏ ra trân trọng tình cảm của họ, một thứ hắn rất ít gặp trên đường lăn lóc lúc thiếu thời. Nhưng… hắn lại tự ái với bản thân: Những người này hoàn cảnh sống kém xa hắn. Đúng ra họ phải được nương tựa những người như hắn. Một giọt nước mắt chạy dài trên gương mặt tái xanh. “Hắn nghĩ vậy nhưng vợ hắn có cùng suy nghĩ ấy không?”
Trong nhiều trường hợp ly hôn hắn biết, người ta luôn giằng xé nhau để chiếm lấy phần phải, cuối cùng những đứa trẻ mới thật sự đáng thương. Có rất nhiều cách giải quyết cho vấn đề này, nhưng hắn lại chọn cách giải quyết riêng mình: Hắn phải đi khi trái tim chưa hoàn toàn tan vỡ. “Chỉ có vậy mới giữ nguyên vẹn bao điều tốt đẹp mình hằng trân trọng bấy lâu”…
Con người bao giờ cũng có quan điểm trong cách hành xử. Đôi khi quan điểm không đồng nhất lại phát sinh mâu thuẫn trong gia đình. Đó chính là trường hợp của hắn… Ở đó không có đúng hay sai. Ở đó chỉ là sự thiếu cảm thông. Và điều này đôi khi lại trở nên quan trọng đối với bản sắc người đàn ông…
Chiều nay trời lất phất mưa bay. Những áng mây xám lơ lửng giữa tầng trời gợi lại bao kỷ niệm. Nó đẹp lắm đối với hắn, còn người khác lại không…
Hắn đưa tay quệt nhanh một giọt nước bám vào mặt và chợt nghe tiếng nói một đứa bé :
– Chú Bá ơi! Nhà cháu bị dột mưa. Chú đến giúp mẹ cháu đi…
Hắn lặng lẽ theo đứa bé về ngôi nhà người quả phụ. Người đàn bà chỉ sống một mình với đứa con trai. Hắn nhớ loáng thoáng người chồng bị một tai nạn gì đó đã qua đời. Trong thôn có lắm kẻ cười trêu người đàn bà nên tìm cho mình một tấm chồng trước khi quá muộn… Nụ cười thoáng nở trên môi hắn. Có thể người đàn bà đang cần một đức ông chồng để cậy nhờ. Như thế có khi là hạnh phúc đối với một quả phụ côi cút. Nhưng… chẳng phải hắn đang bị vứt bỏ đó ư?
Mái nhà được bàn tay khéo léo chèn chắn một lúc không còn nhỏ nước nữa. Người đàn bà mang đến một tách nước trà mới pha còn nóng hổi, đưa cho hắn.
– Anh uống nước đi! Coi chừng bị cảm lạnh đó.
Hắn cảm ơn rồi nhận lấy tách trà…
– Ngoài trời có mưa. Hay… anh nghỉ tạm nơi đây…
Hắn nhìn thấy nét khác lạ nơi người quả phụ.
– Không, cảm ơn chị! Tôi quen rồi, không sao đâu…
Cơn mưa cuối năm chừng như chưa muốn dứt. Nó không lớn lắm, cứ âm ỉ kéo dài. Đứa bé thấy nhà hết dột tỏ ra vui mừng. Chuyện này vốn làm nó khó chịu nhưng tự thân không sửa được.
– Chú ơi! Nhà chú ở đâu? Sao không ở nhà để đón Tết?
Hắn xoa đầu đứa bé rồi cười buồn :
– Chú không có nhà, nên thiếu chỗ ăn Tết…
Mắt đứa trẻ sáng lên khi nghe hắn nói.
– Hay chú ở lại ăn Tết tại nhà cháu đi!
Câu nói của đứa bé làm hắn và người đàn bà cùng giật mình. Nhìn đứa bé vào khoảng tuổi con hắn, khiến hắn chạnh lòng. Người quả phụ thấy lúng túng nên kiếm chuyện bỏ đi xuống bếp.
Một lúc sau người đàn bà trở lại với mâm cơm nghi ngút khói.
– Sẵn bữa, anh dùng cơm với gia đình một thể…
Hắn muốn từ chối nhưng không thể, trước ánh mắt đứa trẻ. Đứa bé tự dưng vui hẳn khi nhà có thêm một người. Bàn tay nhỏ nhắn của nó cố gắp thức ăn bỏ vào chén hắn.
– Chú ăn đi! Mẹ cháu nướng cà ngon lắm…
Hắn và người đàn bà nhìn nhau cùng cười. Khói bếp, tình thân bỗng nhiên làm hắn mủi lòng. Có cái gì đó dâng lên trong ngực. Rồi một vị mằn mặn xông lên mũi, vào miệng hắn trước khi rơi xuống bát cơm.
Người đàn bà nhìn vào bát cơm với ánh mắt thật kinh hoàng. Chén cơm trắng tinh của ngày cuối năm bỗng hóa thành đỏ máu…
Đứa bé hét lên… Người quả phụ lật đật chạy sang nhà hàng xóm nhờ người giúp đỡ…
Hắn nhìn bát cơm lặng lẽ. Cơm nào chẳng có máu? Nếu không người này lại của người khác. Chỉ có điều người ta không nghĩ đến mà thôi. Như vậy cần chi phải hốt hoảng…
Người ta đưa hắn vào trạm xá bằng một chiếc xe bò. Một phương tiện lâu lắm rồi hắn mới nhìn thấy. Gương mặt người quả phụ bỗng chốc nhòe đi trong cơn mưa bụi. Rồi hắn thiếp đi không biết gì nữa…
***
Nửa năm sau, vào dịp hạ về, một người thiếu phụ dắt tay một đứa trẻ đi vào trong thôn. Bà ta tìm đến ngôi nhà người quả phụ. Hai người đàn bà nói với nhau điều gì đó rồi cùng khóc. Cả ba theo con đường đất ngoằn ngoèo tiến lên khu đồi mộ. Trong buổi chiều lộng gió ấy rất nhiều giọt nước mắt tiếc nuối đã rơi xuống. Có thể hai người đàn bà cùng hối tiếc… cho hạnh phúc của riêng mình…
Gió chiều bay nhẹ như một vần thi:
Hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc bay đi…
Theo năm tháng…
Từ giã xuân thì…
Ngoảnh nhìn lại…
Người đời từng phụ rẫy…