Còn mồng là còn Xuân

Center Hóc Môn- Montreal Canada. (Hình: Đình Na)

Xuân xuân ơi xuân đã về

Kính chúc muôn người với bao điều mong ước

Trong hương xuân ta vẫy chào

Kính chúc muôn nhà gặp nhiều an vui. (Mùa xuân ơi-Nguyễn Ngọc Thiện)

Đúng 12:00 trưa, hai cánh cửa lớn ở phòng ăn của trung tâm Hóc Môn, (gọi nôm na là nhà già dành cho những vị cao niên từ 65 trở lên), mở rộng ra đón cư dân sống ở những tầng trên xuống dùng cơm trưa.

Mồng một Tết Ất Tỵ, mọi người nơi đây được thông báo từ cả tuần nay, có đoàn văn nghệ của chúng tôi đến chúc mừng năm mới, họ đóng thêm tiền cho những phần ăn để mời thêm con cháu đến tham dự ngày tết; ai nấy cũng mặc đồ đẹp, những phụ nữ Việt diện những chiếc áo dài lóng lánh kim tuyến, dù họ bị khuyết tật ngồi xe lăn, vẫn làm đẹp cho chính mình, đeo nữ trang, làm tóc, nhờ con cháu đẩy xuống phòng ăn để thưởng thức văn nghệ.

Chủ nhân của chung cư Hóc Môn là người Việt, những người ở nội trú đa số là người Tây, Mỹ, tuy nhiên người Á Đông gồm Việt, Tàu, Philippine chiếm một phần ba dân số trong này. Hàng năm vào ngày Tết Việt chúng tôi đều đến đây làm văn nghệ, chúc Tết đến những đồng hương lớn tuổi, không còn tự mình chăm sóc bản thân được.

Vì là ngày Tết cổ truyền Việt Nam nên trên những chiếc bàn cơm dài, ban tổ chức có để thêm những đĩa bánh mứt như mứt dừa, mứt sen, kẹo mãng cầu xiêm gói trong những giấy bóng trong suốt, kẹo thèo lèo… Ban tổ chức còn lì xì cho tất cả mọi người, kể cả chúng tôi những gói đỏ trong đó có kẹo, chocolate bằng những đồng tiền vàng au.

Những người bản xứ quá quen thuộc với những màn văn nghệ hàng năm của chúng tôi, họ cũng mặc những áo dài cổ truyền Á Đông, đội nón lá trông thật vui mắt.

(Hình: tác giả cung cấp)

Phần văn nghệ của nhóm chúng tôi rất phong phú, ngoài những bài hát tiếng ngoại quốc, tiếng Việt, còn có phần trình diễn đàn tranh, trống dân tộc, sáo trúc; phần trình diễn taichi của các cư dân tại Hóc Môn rất cảm động, các bác lớn tuổi đi không vững, có những vị đi bằng xe lăn cũng ráng biểu diễn cùng mọi người cho có tinh thần; tiếp theo là màn múa lân rất ngoạn mục của hai con lân vàng và đỏ tranh nhau ngoạm bao lì xì, hai con lân đi vòng vào những hàng ghế của những cư dân Hóc Môn hy vọng được thưởng thêm bao đỏ nhờ những màn chào hỏi nồng nhiệt và hấp dẫn của chúng.

Tôi giữ vai trò MC của chương trình nên bận đứng trên sân khấu, canh giờ để kịp giới thiệu những màn tiếp theo. Cổ tôi muốn nghẹn lại khi mắt tôi chạm xuống hàng ghế cuối gian phòng, một người đàn ông với dáng quen thuộc, cao lớn ngồi trên chiếc xe lăn, đầu gục xuống, những cọng tóc dài lòa xòa che nửa khuôn mặt, giọng nói tôi bất chợt một chút ngập ngừng vì bị chia trí, hình như tôi có quen anh.

-Kính thưa… thưa… quý đồng hương…

Tôi vội vàng chạy ngay xuống hàng ghế cuối khi vừa xong phần giới thiệu, thảng thốt gọi nhỏ bên tai người đàn ông quen biết đang gục đầu buồn bã trên chiếc xe lăn:

-Anh… Bình!… anh Bình… mạnh khỏe không?

Anh Bình ngước mặt lên nhìn tôi với hai con mắt ngờ ngật, miệng bị méo một bên, một nửa người bị liệt, nhưng cũng thấy trong ánh mắt anh niềm vui rộ lên khi nhận ra tôi.

Tôi lo lắng nhìn anh, thầm hỏi chị vợ anh đâu? Hôm nay là ngày Tết lẽ ra chị ấy phải ở bên anh chứ? Bao nhiêu câu hỏi trong đầu, bàng hoàng và xúc động làm tôi lính quýnh, không thốt ra được lời nào, thấy tình trạng của anh làm tôi thật ngại.

Tôi nhớ cách đây trên 10 năm, anh mở một trường học dậy tiếng Việt cho các em nhỏ, anh có nhờ tôi đến dậy vài giờ giúp anh trong khi anh tìm giáo viên thực thụ toàn giờ cho trường. Tôi và anh quen nhau vì thường gặp trong cộng đồng người Việt, anh viết báo, tôi cũng góp bài; anh làm văn nghệ đóng kịch, cũng phân cho tôi một vai; anh lớn hơn tôi khá nhiều tuổi nên lúc nào tôi cũng xem anh là ông anh cả. Anh rất năng động, việc gì anh cũng đưa vai làm cả. Anh lại là một bác sĩ nữa, tại sao anh lại ra nông nỗi này! Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng ra một người rất phong độ thuở nào, bây giờ chấp nhận số phận ở nơi đây.

-Anh… có nhận ra em không? Em là…

Tiếng nói khàn đục của anh Bình khó khăn thốt ra khỏi cổ họng mà hình như đã lâu lắm anh chưa nói chuyện với ai:

-Có chứ!… Phải…Linh Lan không?

Tôi cố nén xúc cảm:

-Vâng! Em đây, anh khỏe không?… Chị có vào thăm anh hôm nay không? Để em ra chào chị luôn nhé…

-Không… em khỏi chào…

-Sao vậy?

-Anh và chị đã… ly dị khá lâu rồi…

-Em xin lỗi!… Anh vào đây lâu chưa?

-Cũng được hai năm rồi.

-Vậy các con vào thăm anh hôm nay chứ?

-Thỉnh thoảng thôi, em biết đấy con cái bên này, đứa nào cũng bận rộn công việc gia đình lắm. Ở đây anh có người chăm sóc khá chu đáo, nên cũng chẳng cần nhờ ai nữa. Anh Tú sáng đến chiều về, lo cơm nước làm vệ sinh cho anh, họ lo phần trưa rồi, buổi chiều anh ấy đem cơm đến, giúp anh ăn uống là xong thôi, rất đơn giản; chỉ là mình buồn cho phận người mà thôi… Sau khi ly dị với vợ anh, anh chán tất cả, anh bỏ hết, kể cả trường tiếng Việt mà anh đã bao tâm huyết mở ra để bảo tồn văn hóa, gìn giữ tiếng nói Việt Nam, anh cũng không màng tới nữa, tất cả đối với anh chỉ là hư vô, anh chán đời nên đã mượn men rượu giải khuây, uống quá nhiều lượng trong thời gian khá dài; bây giờ anh mới phải trả giá đây! Biết là lỗi mình… nhưng đã quá trễ!

Hãy nhìn xuống chân kiếp nhân sinh một nấm mồ
Tiếc gì chút hư danh người ơi
Hãy nhìn xuống chân nắm đất kia đợi phiên mình
Hãy nhìn để nghe đời buồn tênh (Hãy nhìn xuống chân-Lê Hựu Hà)

Tôi xin phép anh để chạy lên giới thiệu bài hát kế tiếp.

Đang định chạy xuống để nói chuyện tiếp với anh Bình, đi nửa đường tôi bị một bàn tay yếu ớt nhẹ nắm lấy cánh tay tôi. Khi quay lại, bắt gặp ánh mắt chị nhìn tôi, môi mấp máy bằng những chữ mà tôi không thể hiểu được.

Cô gái đi bên cạnh chị nói dùm:

-Con là con của má Phương, má con nói là quen với cô đã 30 năm rồi, cô có nhận ra má con không? Hồi xưa cô mới qua đã làm may cùng hãng với má con đó!

-Vậy sao, má con có trí nhớ tốt quá, nhớ cô được thật hay! Thời gian đã lâu cô không nhận ra má nữa đó.

Hồi mới sang Canada, tôi đã phải đi làm hãng may để có chút tiền sinh sống, tôi nhớ trong hãng may ai cũng rất lớn tuổi, chị Phương là một trong những người Việt đi may, làm khá lâu cho hãng; tôi chỉ làm sáu tháng là bỏ đi học lại, nên không nhớ chị ta lắm. Chị nói nhỏ gì đó với con gái, chỉ có con gái chị mới hiểu và giải thích lại cho tôi nghe:

-Má con nói hồi xưa cô Lan còn trẻ cho đến bây giờ cái nét và giọng nói vẫn không thay đổi nên nhìn là má con nhận ra liền. Lúc nãy cô Lan ở trên sân khấu là má con đã nói với con ngay đó!

-Má con có khỏe không?

-Từ ngày ba mất, má con buồn rầu, ít ăn bị trầm cảm, lúc nhớ lúc quên, mà chỉ nhớ những chuyện xa xôi không à, như cô thấy đó, má nhớ đến cô, còn trong khi tụi con ở đây, nhiều khi má con còn lộn tên đứa này với đứa kia nữa. Má ở trong đây được nói chuyện với nhiều người Việt, má được xem tv, đánh bài, tập taichi làm má quên đi những chuyện buồn, cuối tuần mấy chị em con thay phiên vô thăm má, đút cơm, nói chuyện cho má để đầu óc má nhớ lại. Má nói đó rồi quên đó, nhiều lúc thấy thương quá, mà tụi con không thể chăm sóc má ở nhà được, bên đây cô biết đó, ai cũng bận lo công việc, con cái, không đủ thì giờ lo cho mình nữa… Họ nói mẹ nuôi 10 đứa con không sao, còn 10 đứa không nuôi nổi một mẹ cũng đúng! Tụi con biết vậy mà không sao làm được; thà để mẹ sống ở đây với các bác cùng tuổi, được chăm lo sinh hoạt, hơn là ở nhà mình mà mình đi làm tối ngày, bà ở nhà một mình bật lửa đốt cháy nhà luôn, má con quên quên nhớ nhớ lạ lắm, lúc nào cũng phải có người canh. Bác sĩ nói má bị chứng dementia.

Ở một nét nào đó trong lúc chị cười, tôi đã nhớ lại hình ảnh chị Phương hồi xưa, là một phụ nữ ở tuổi xồn xồn khi tôi vào làm ở Peerless, chị khá xinh xắn và rất mode, mỗi ngày chị đi làm đều thay một bộ đồ đầm, chưa bao giờ thấy chị mặc lại chiếc áo cũ cả. Thế mà thời gian đã biến đổi chị như thế này đây!

Bùi ngùi, con gái chị lên tiếng kể lể:

-Cô ơi, đã có lần con tới trễ thăm má vào cuối tuần, thấy má không mặc đồ gì hết, ngồi lạnh run lập cập, hỏi tại sao thì má nói là ngồi chờ đi tắm! Bác sĩ nói trong đầu má có tiếng nói của ai đó, bảo làm cái này cái kia nên bây giờ phải cần người túc trực bên má 24/24. Hôm nay con mừng lắm thấy má nhận ra cô, đã trên 30 năm rồi mà má nhận ra thì hy vọng má sớm hồi phục trí nhớ.

***

Cách đây một tuần, ngày đưa ông Táo về Trời là 23/12 Âm Lịch 2024, chị Xuân thường làm văn nghệ với tôi, phone hỏi:

-Năm ngoái tụi mình đón xuân với người già ở center Hóc Môn, năm nay ban quản trị lại mời mình đến làm văn nghệ nữa đó, em nghĩ sao? Có nên làm tiếp không? Gần tết rồi bận rộn quá, họ lại nói sát ngày nữa, nếu em nghĩ là bận quá thì thôi mình không làm cũng được…

Tôi vội vàng ngắt lời chị Xuân:

-Làm đi chị! Em rất thích làm việc này, một năm mình chỉ đến ăn Tết với đồng hương người Việt của mình có một lần thôi, họ lại chờ đợi xem những màn văn nghệ của mình, nếu dịp này mình bỏ lỡ thì chả còn dịp nào mình đến với họ nữa!

-Nhưng lại rơi trúng vào ngày mồng một, chị sợ nhiều người kiêng?

-Để em đi hỏi mọi người cho nhé, em coi đây là ngày công quả của chúng mình trong một năm đó ạ, vừa thương người già neo đơn, lại muốn phục vụ cộng đồng mình, cho cả người bản xứ biết ngày Tết cổ truyền của mình như thế nào nữa.

-Ok em, vậy để chị đi hỏi xem có ai rảnh đánh đàn cho mình không, còn em thì đi gọi các cô có rảnh mồng một Tết đi hát không nhé, rồi nói cho chị biết.

Thế là tất cả những người năm ngoái đều hưởng ứng lời kêu gọi của tôi. Họ cũng lớn tuổi, ở nhà không làm gì còn buồn hơn nữa, thay vì đến nhà già, được cất tiếng hát, nhảy nhót, chia sẻ niềm vui với mọi người.

Khi nghe chị Xuân nhờ ban nhạc đánh đàn, khiêng loa đến nhà già, ban nhạc cũng mở lòng, làm không công, không lấy tiền bạc gì cả, họ muốn giúp đỡ, làm công quả lấy vui cho người cao niên vào đầu năm. Nghe được tin này tôi thật cảm động, biết ơn họ, tưởng chỉ có mình mình ham vui làm chuyện “bao đồng”, ai ngờ cũng có nhiều người xí xọn, bao đồng giống tôi!

***

Chỉ có một năm, 12 tháng, trôi qua thôi, center nhận thêm người cao niên vào ở, mỗi người một hoàn cảnh, người bị tai biến mạch máu não, hệ quả bị tê liệt nửa thân người, không thể tự mình đi lại, ăn uống, chăm sóc bản thân; kẻ bị lú lẫn vì lớn tuổi, không có người thân bên cạnh thành trầm cảm, trốn trong một góc phòng sợ tiếng động mạnh, lúc nào cũng ngu ngơ; những người già khác thì bị con cái bỏ bê, cho cha mẹ vào đây tưởng là phương án tốt nhất, có bạn già, có sinh hoạt chung, nên họa hoằn cả tháng mới vào thăm một lần…

Tiếng chiêng, trống vang lừng bên tai, hai con lân quấn quýt bên nhau nhảy thật cao để cố với túi lì xì, tôi vẫn không màng tới, trái tim bóp nghẹt khi nhìn những người Việt đồng hương của mình trên những chiếc xe lăn, tôi muốn khóc vì cuộc đời vô thường quá!

Những người tôi đã từng quen biết, từng sinh hoạt chung, mới đăng ký vào đây ở, chúng tôi ôm nhau khi nhận ra nhau, tôi muốn níu thời gian ngay ở giây phút này, xin thời gian hãy đừng trôi nhanh quá để tôi phải sớm chia lìa họ! Tôi chảy nước mắt khi gặp họ đã già đi, mọi thứ đều chậm chạp, tay chân không còn tuân theo sự điều khiển mong muốn của họ nữa.

Tôi muốn nói những lời yêu thương nhất để gởi đến họ, muốn làm một điều gì đó để đừng nuối tiếc khi phải giã từ…Nhưng những lời nói không thể thoát ra khỏi miệng, tôi phải chấp nhận quy luật của cuộc đời hư vô này mà trong đó tôi cũng bị cuốn theo guồng máy…

Ngày mồng Một Tết năm Ất Tỵ, tôi thấm thía câu hát của tác giả Kim Vũ:

Như khói như sương gió quẩn bềnh bồng, kìa cuộc đời sao hư ảo
Người đến người đi người cười người khóc, âu cũng chẳng qua một kiếp người.

(Đời là hư ảo-Kim Vũ)

(Montreal, Xuân Ất Tỵ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

XÍ MUỘI
Kidspace Museum ở Pasadena chiều thứ ba đầu tháng luôn luôn đông đúc trẻ em vì đó là ngày vào cửa miễn phí. Trong khu giải trí này có nhiều…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: