Cúc Đại Đoá hay Thần Hoa Cúc

(Hình minh họa: C.N/SGN)

Phường Nhật Chiêu gần kinh thành Thăng Long có Vương sinh, dạo ấy vừa độ tuổi đôi mươi. Sinh dáng người thanh nhã, mặt tươi mắt sáng; là con trai mà răng trắng như ngọc, môi đỏ như son. Đàn bà con gái nhìn thấy sinh là mê mẩn tâm thần, đến độ có cô phát cuồng, nói năng lảm nhảm, suốt ngày gọi tên sinh.

Vương sinh là con nhà gia thế, thân phụ làm quan văn bát phẩm; chức tước tuy không cao nhưng cũng thuộc dòng dõi thư hương. Vì vậy sinh thích đọc sách, tập viết văn làm thơ. Dù không theo con đường khoa cử, sinh cũng được xem là người có ăn học. Thỉnh thoảng sinh hứng chí vì làm được bài thơ, tự cho là hay, ngâm nga vang nhà. Mấy cô gái hàng xóm nghe sinh ngâm thơ, chả hiểu ý nghĩa ra sao mà cứ tấm tắc khen lấy khen để.

Không may song thân theo nhau sớm quy tiên. Sinh không có chức phận, việc buôn bán lại không biết một tí gì nên gia cảnh ngày càng sa sút. Sinh phải bán dần đồ đạc trong nhà mà vẫn lâm cảnh giật gấu vá vai.

Nhà còn một mảnh vườn trồng cúc. Sinh mưu chuyện chăm sóc cúc lấy hoa đem bán mà sống, nhưng vì vụng việc trồng trọt nên cây còi cọc, hoa bé tí ti, đem bán chẳng ai thèm mua. Sinh buồn và thất vọng.

Một sáng sớm trời còn mù sương, Vương sinh ra vườn định tưới nước cho hoa thì bất chợt thấy một thiếu nữ xiêm y sang trọng nằm ngủ bên luống cúc. Sinh lại gần, thấy thiếu nữ thiêm thiếp giấc nồng, lại có hương thơm ngát. Sinh nghĩ thầm: một là ả a hoàn nhà nào đó trốn chủ đi chơi, la đà quá chén không nhớ lối về, bước lầm vào vườn cúc nhà mình rồi say rượu nằm vật ra. Hai, đó là một cô gái buôn phấn bán hương gặp đêm ế khách, tìm chỗ ngủ vật vờ.

Thấy trời lạnh mà thiếu nữ ăn vận phong phanh, sinh có lòng thương, lại không muốn phá giấc ngủ say nồng của nàng, bèn cởi cái áo khoác đã sờn vai mình đang mặc đắp cho nàng rồi nhẹ gót bước vào trong nhà.

Lát sau trời hửng nắng, Vương sinh lại ra vườn cúc thì không thấy thiếu nữ đâu; nhìn quanh, thấy có chiếc áo lông trắng rất đẹp treo ở một cành thấp của cây lộc vừng. Sinh lại gần, thấy chiếc áo dầy dặn, may rất khéo, thầm nghĩ áo này mà mặc vào thì ấm phải biết. Lại thấy áo có hương thơm như hương thơm của thiếu nữ. Sinh định thần, nhận ra đây không phải là hương thơm của son phấn mà là hương thơm tinh khiết của cỏ hoa.

Đứng ngơ ngẩn một lúc, Vương sinh lại quay vào nhà. Bất chợt thấy thiếu nữ ban sáng tự nhiên mở cổng vườn bước vào. Nàng đi đến đâu, hương thơm ngát đến đấy. Thiếu nữ đến gần sinh, cất tiếng nói giọng trong như ngọc: “Tạ ơn chàng cho mượn áo đắp trong lúc lạnh lùng.” Sinh lấy hết can đảm, hỏi thiếu nữ: “Thế áo đâu rồi?” Thiếu nữ cười, chỉ cái áo lông treo ở cành cây lộc vừng, nói: “Đấy!” Vương sinh cãi: “Không phải! Áo của ta cũ và sờn vai. Áo này đẹp quá, sang trọng quá! Nào phải của ta!” Thiếu nữ trả lời: “Ta hô biến, áo cũ sờn vai hoá thành áo lông cáo trắng.” Sinh đâm sợ, hỏi: “Áo lông cáo, vậy ra nàng là chồn ư?” Thiếu nữ cười khanh khách, hỏi ngược lại: “Nếu là chồn thì đuôi đâu?” Vừa nói thiếu nữ vừa quay nhẹ một vòng, đủ cho Vương sinh thấy cả trước lẫn sau thân mình nàng. Sinh lẩm bẩm: “Ừ nhỉ, chả có đuôi điếc gì cả. Vậy không phải là chồn. Nàng là gì?” Đáp: “Là thần!” Sinh nhạo: “Thần quái gì mà lại ngủ vật vờ cạnh luống cúc!” Thiếu nữ cười, đáp: “Ấy! Thần phải ấp cho cây đỡ lạnh lúc trời mù sương rồi thần ngủ quên mất!” Sinh bảo: “Sao điêu thế? Chưa thấy thần nào như vậy cả!” Thiếu nữ trả lời: “Nói thật, không tin thì thôi. Đi đây.” Nói rồi, thiếu nữ dợm bước đi thật, tuy nhiên vẫn ngoái cổ, dặn: “Lấy áo lông cáo trắng mà mặc vào cho ấm. Người mảnh dẻ như thân cỏ may, dễ cảm hàn đấy!”

Vương sinh khoác áo lông cáo trắng vào người, quả nhiên rất ấm mà hương thơm lại rất dễ chịu. Cả ngày hôm ấy sinh mặc áo, đêm đến đi ngủ cũng không cởi ra. Nằm mộng, sinh thấy thiếu nữ đến thăm mình.

Vài hôm sau, thiếu nữ lại đến, lại tự nhiên mở cổng vườn bước vào. Thấy Vương sinh, nàng nói: “Hôm nay ta muốn cùng chàng đánh chén.” Được đánh chén với người đẹp, Vương sinh mừng lắm, nhưng nghĩ lại cảnh cơ hàn của mình nên đỏ bừng mặt, luống cuống. Thiếu nữ hiểu ý, nói: “Đừng lo, có rượu ngon, nhắm tốt đây. Mau vào bếp đốt một lò than để hâm rượu.”

Vương sinh mừng quá, chạy ù vào trong bếp gây lò than hồng. Thiếu nữ ở buồng ngoài, lấy trong tay áo rộng ra, nào rượu, nào thịt, nào chén, bát bằng ngọc, nào thìa, đũa bằng ngà… toàn là những món rất sang trọng. Vương sinh bưng lò than từ trong bếp ra, nhìn thấy mọi vật, hoa cả mắt.

Nhập tiệc, thiếu nữ ăn uống khoan thai. Vương sinh cũng bắt chước ăn uống khoan thai. Thấy rượu ngon quá, hỏi rượu gì. Đáp: “Rượu cúc.” Thấy thịt ngon quá, hỏi thịt gì. Đáp: “Thịt dê.” Ngà ngà say, Vương sinh hứng chí đọc hai câu thơ:

“Thế gian tam sự nan trừ liễu:

Hảo tửu, phì dương, nộn nữ nhi.” (*)

Thiếu nữ nghiêm nét mặt, hỏi: “Chàng đọc mấy cái câu vớ vẩn này, lấy trong sách nào?” Vương sinh đáp bừa: “Trong sách của Đức Khổng Tử.” Thiếu nữ phì cười: “Đức Khổng Tử, ngài là bậc chính nhân quân tử, đấng vạn thế sư biểu, đời nào nói những câu như thế. Câu này trích trong sách của Đức Khổng Lồ, hoạ may…” Thế rồi cả hai cùng cười rất sảng khoái.

Thiếu nữ lại hỏi: “Ngoài chuyện biết mấy chữ trong sách, chàng còn thứ gì khác?” Vương sinh đáp: “Còn. Ta đẹp trai.” Thiếu nữ cười, nói: “Tự hào, tự tin quá nhỉ! Thế có đem cái đẹp trai mài ra mà sinh sống được không?” Nghĩ đến cảnh ngộ của mình, sinh thoáng buồn. Thiếu nữ tinh ý, nói sang chuyện khác. Hỏi: “Đọc sách, chàng có hiểu hoa cúc trồng trong vườn tại sao lại có tên là cúc không?” Vương sinh ớ người ra, đành trả lời là không biết vì không có sách nào cắt nghĩa cái tên này. Thiếu nữ trêu: “Chuyện bé bằng cái cúc như thế mà cũng không biết thì đọc sách phỏng có ích gì!” Nghe thế, Vương sinh chợt hiểu ra, trả lời: “À há, ta biết rồi! Hoa cúc nó bé bằng cái cúc nên người ta đặt tên nó như thế!” Vừa nói, sinh vừa mường tượng ra cái cúc tết bằng vải, nó nhỏ và có dáng giống như nụ hoa chớm nở.

Thiếu nữ thấy Vương sinh ngẩn người ra, bèn nói: “Sống thì phải khôn ngoan một tí chứ.” Sinh hỏi: “Thế nào là khôn ngoan?” Thiếu nữ không trả lời, đặt bàn tay lên trên bàn. Sinh bạo dạn nắm lấy bàn tay nàng, hỏi: “Thế này là khôn ngoan, phải không?” Thiếu nữ để yên, không trả lời. Sinh bèn nắm lấy cổ tay nàng, hỏi: “Thế này là khôn ngoan, phải không?” Thiếu nữ đáp: “Thế này là liều,” nhưng vẫn để yên. Sinh luồn bàn tay mình vào tay áo rộng của nàng, miệng hỏi: “Thế này là khôn ngoan, phải không?” Thiếu nữ nghiêm mặt, mắng: “Chết giờ! Muốn sống thì rút tay ra ngay!” Sinh sợ quá, rút tay ra liền một khi.

Tàn cuộc rượu, thiếu nữ đứng lên ra về, mặt nàng hồng như hoa đào, môi đỏ thắm như lựu chín. Sinh những chỉ muốn ôm nàng vào lòng nhưng cũng may, cầm lòng được.

(Hình: C.N/SGN)

Mươi hôm sau, thiếu nữ lại đến, Vương sinh nghĩ hôm nay lại được cùng nàng đánh chén nhưng không thấy gì cả. Thiếu nữ chỉ lấy trong tay áo ra một bình rượu, bảo Vương sinh: “Rượu hôm nọ uống ngon lắm phải không? Hôm nay ta chỉ cho chàng cách chưng rượu cúc. Mau ra vườn hái một rổ con hoa cúc vào đây.” Vương sinh nghe lời răm rắp, ra vườn hái cúc.

Thiếu nữ chỉ dẫn rất tỉ mỉ: “Rửa hoa cúc cho thật sạch, vẩy ráo nước, đổ tất cả cúc vào bình này.” Vương sinh làm theo. Xong xuôi, thiếu nữ bảo Vương sinh đem bình rượu ngâm hoa cúc ra vườn hạ thổ, dặn 49 ngày thì đào lên. Vương sinh lại răm rắp làm theo.

Đúng 49 ngày, Vương sinh đào bình rượu lên, vừa lúc thiếu nữ đến. Nàng bảo Vương sinh chiết rượu ra làm hai bình nhỏ, một bình để nguyên, một bình cho vào ít cam thảo. Nàng dặn: “Đây, rượu cúc đã xong. Bình rượu nguyên chất để chàng đãi các văn thi hữu. Bình rượu có pha cam thảo để chàng đãi các nữ nhân. Nhưng đó là lứa sau. Còn bây giờ chàng mang cả hai bình, theo ta ra vườn cúc.” Vương sinh bưng hai bình rượu, lẽo đẽo theo thiếu nữ ra vườn. Thiếu nữ áp hai bình rượu vào hai bên má rồi đặt môi hôn lên cả hai bình. Thế rồi nàng bảo Vương sinh tưới bình rượu nguyên chất vào một luống cúc và bình rượu pha cam thảo vào một luống cúc khác. Xong xuôi, thiếu nữ từ giã mà đi.

Hai luống cúc được tưới rượu mau chóng nảy ra nụ. Nụ lớn nhanh kết thành hoa. Luống cúc được tưới rượu nguyên chất nở hoa trắng muốt. Luống cúc được tưới rượu pha cam thảo nở hoa vàng óng, cả hai đều lớn lạ thường và toả hương thơm ngát.

Tiếng đồn vườn Vương sinh có giống cúc lạ lan ra khắp nơi. Từ đó ngựa xe nườm nượp đến vườn Vương sinh mua cúc. Thấp thoáng trong vườn, người ta thấy một chàng trai mặt đẹp như ngọc, môi đỏ như son, răng đều như hạt lựu, mình khoác áo lông cáo trắng sai bảo gia nhân khuân từng chậu cúc trắng, vàng cho khách. Đó là Vương sinh.

Vương sinh trở thành một tay cự phú nhưng trong lòng vẫn nghĩ rằng thà đánh đổi tất cả để được gặp thiếu nữ kia một lần nữa cũng lấy làm thoả. Một ngày kia đột nhiên thiếu nữ lại đến. Vương sinh mừng quá, khoa tay múa chân không còn ra thể thống gì cả. Thiếu nữ bảo: “Cuồng sinh giở trò gì trông buồn cười quá!” Rồi nàng nghiêm trang nói: “Hôm đầu tiên gặp nhau, ta bảo ta là thần mà chàng có vẻ không tin. Sự thật ta là thần hoa cúc. Hôm ấy trời lạnh quá, thương hoa cúc, ta lấy tấm thân mà sưởi cho hoa. Vì mất nội lực nên ta thiếp đi cạnh luống hoa. Chàng có lòng tốt lấy áo đắp cho nên ta đền ơn, ban cho thứ cúc đại đoá để chàng nhờ đó mà vừa thưởng hoa vừa có kế sinh nhai. Hôm nay ta đến để chúc lành và chào vĩnh biệt. Đừng mong có ngày gặp lại.”

Vương sinh chưa kịp nói câu nào thì thần hoa cúc đã trở gót, thoắt chốc không còn thấy đâu nữa.

—————

(*) Thế gian ba sự khó chừa:

Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.

(Thơ của người xưa)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: