Khán giả yêu phim tại Hàn Quốc ngày càng chứng kiến nhiều cảnh máu me, phanh thây hơn trong các bộ phim có đông người xem. Tờ Korea Herald lên tiếng cảnh báo.
Thu hút khán giả bằng bạo lực trần trụ
Những đoạn phim video phát trực tuyến, những bộ phim truyền hình nhiều tập và phim điện ảnh cả trong nước lẫn ngoại quốc đều đang có xu hướng vượt quá tiêu chuẩn về bạo lực trần trụi và phản cảm tại Hàn Quốc (HQ). Nó nhiều đến nỗi các bậc phụ huynh đang phải kêu gọi hãy phân loại khắt khe hơn nội dung, để con em họ không bị tác động xấu.
Hồi Tháng Năm, bộ phim hành động tội phạm “The Roundup” thành công phòng vé lớn nhất năm 2022 tại HQ, bán được hơn 10 triệu vé chỉ sau 25 ngày phát hành. Với sự tham gia của diễn viên Ma Dong-seok, phần tiếp theo của bộ phim “The Outlaws” (2017) này được xếp hạng 15, có nghĩa là phù hợp với khán giả từ 15 tuổi trở lên (trẻ em dưới 15 tuổi được phép xem tại rạp miễn là có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng).
Tuy nhiên, chỉ sau vài phút phim, nhân vật phản diện chính, do Son Suk-ku thủ vai đã cắt tai con tin một cách dã man và đâm chết anh ta. Bộ phim dài 106 phút còn nhiều cảnh bạo lực và máu me khác nữa. Trong hầu hết các cảnh có mình đóng, Song đều cầm một lưỡi kiếm hình chữ nhật khổng lồ giống như con dao của đầu bếp Trung Quốc để tấn công dã man mọi người.
Dù “The Roundup” nặng tính giải trí khác được xây dựng quanh một câu chuyện đơn giản nhưng gây hồi hộp với cảnh viên cảnh sát HQ truy bắt những kẻ giết người ở Việt Nam, và cảnh tàn sát người như ngóe trên màn ảnh, hoàn toàn không phù hợp với cả người lớn chứ đừng nói đến thanh thiếu niên và trẻ em.
Các bộ phim gần đây “Christmas Carol” và “Project Wolf Hunting” được xếp hạng 18 (cấm người dưới 18 tuổi) cũng bị khán giả trưởng thành chỉ trích nặng nề vì có quá nhiều cảnh bạo lực. Một số khán giả bỏ về giữa chừng ngay ở lần chiếu ra mắt. Theo tiêu chí của Hội đồng xếp hạng Truyền thông HQ (Korea Media Rating Board-KMRB), những bộ phim có cảnh “bạo lực thể xác, tra tấn và giết chóc không chi tiết”, “xâm hại cơ thể, đổ máu không được làm một cách liên tục hoặc trực tiếp” và “bạo lực tình dục chỉ gián tiếp trong bối cảnh” sẽ chỉ được xếp hạng 15. “Bạo lực trong các tình huống thuộc về lịch sử, hài hước hoặc phi thực tế” cũng được xếp hạng này.
Đối với “The Roundup”, tiểu ban duyệt phim điện ảnh gồm chín người của KMRB giải thích: “Dù cảnh gián tiếp cắt một cánh tay của xác chết và cảnh giết chóc, gây thương tích bằng vũ khí trong phim là khá bạo lực nhưng lại không đi vào chi tiết; mức độ bạo lực và gây sợ hãi cũng chỉ hơi cao. Sở dĩ ‘The Roundup’ được xếp hạng 15 vì nó đề cập đến các tội ác như bắt cóc, giết người, phi tang xác chết và giết người theo hợp đồng với nguy cơ bị bắt chước không cao.”
Theo nhà phê bình văn hóa Kim Hern-sik, xếp hạng 15 cho ‘The Roundup’ hoàn toàn không đúng, đặc biệt là vào thời điểm các gia đình đang phải đối phó với COVID-19.
Vì sao chú trọng bạo lực?
Ha Jong-won, giáo sư truyền thông tại Đại học Sun Moon cho biết, việc sử dụng bạo lực là cách dễ dàng và đơn giản nhất để mô tả sự bùng nổ xung đột. Các diễn viên cũng không khó để thể hiện sự tức giận hoặc sợ hãi hơn là thể hiện các cảm xúc tinh tế nội tại khác. Nói chung, đóng phim bạo lực dễ hơn đóng những bộ phim phải biểu lộ những phản ứng nội tâm sâu lắng. Từ lâu, bạo lực trong phim đã tuân theo một công thức kể chuyện điển hình: Lúc đầu, bạo lực được dùng để thu hút sự chú ý của người xem; rồi khi câu chuyện tiến triển, bạo lực sẽ nghiêm trọng hơn và liên quan đến nhiều người hơn.
Theo nhà phê bình điện ảnh Kim, trước đây không có nhiều nội dung bạo lực quá chi tiết và máu me trong điện ảnh HQ. Trong khi phim về kẻ giết người là một thể loại phụ lâu đời ở phương Tây, thì điện ảnh HQ chưa bao giờ đi theo hướng đó. Nhưng khi internet mở rộng khả năng tiếp cận của người xem với nhiều nội dung khác nhau trên khắp thế giới và khi các bộ phim kinh dị Hàn như “Parasite” và “Squid Game” chứa những cảnh bạo lực trần trụi được đón nhận nồng nhiệt ở nước ngoài, nhiều nhà sản xuất địa phương bắt đầu chuyển sang theo đuổi mô hình và sự thô ráp tương tự phương Tây để đánh vào những cảm xúc sợ hãi hoặc tức giận của người xem.
Kim cho biết sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa ngành công nghiệp điện ảnh và phát video trực tuyến đã khiến một số nhà sản xuất phải nương vào bạo lực trần trụi để bảo đảm doanh thu, riết rồi thành…thói quen.
Sự gia tăng của hình ảnh phản cảm và bạo lực man rợ trong phim nội địa còn có lý do là nhiều khán giả HQ thích xem các bộ phim ngoại quốc có cường độ bạo lực cao. Nói như nhà phê bình văn hóa Chung Deok-hyun: “Những cảnh bạo lực và khỏa thân như trên kênh HBO đã nâng ‘đô’ bạo lực của phim Hàn và khán giả Hàn. Khi người HQ chứng kiến mức độ (bạo lực) cao trên các chương trình nước ngoài, việc thu hút sự chú ý của họ đối với phim HQ bằng tiêu chuẩn bạo lực thấp trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, ngay cả những bộ phim điện ảnh và truyền hình có nội dung hay, những cảnh bạo lực hoặc gợi cảm cũng thường phải vượt qua mức cần thiết để thu hút và giữ chân khán giả”.
Nỗi lo của các bậc cha mẹ
Hiện nay các bậc cha mẹ đang lo lắng hơn bao giờ hết về xu hướng bạo lực vô cớ và thô tục trên màn ảnh. “Dù người ta kiểm tra thẻ sinh viên trong rạp nghiêm ngặt hơn trước đây, nhưng khi bạn xem một bộ phim được xếp hạng 15 với con mình, bạn sẽ bắt đầu tự hỏi đây có đúng là hạng 15 không?” Choi Seung Won, người có hai con tuổi teen, nói. “Có đầy dẫy cảnh bạo lực tàn bạo, tình dục, ngôn ngữ tục tĩu, nội dung dâm ô, tâm thần được thể hiện trắng trợn trong các bộ phim xếp hạng 15. Thật kinh khủng! Nhưng điều đáng lo hơn là bọn trẻ dường như không sợ hãi hay bất ngờ lắm, vì chúng đã quen với việc xem những thứ không được kiểm soát trên mạng internet. Chính vì vậy mà việc phân hạng khắt khe hơn là cần thiết, vì trẻ em ngày nay xem mọi thứ trên điện thoại, lapop và máy tính hơn là tại rạp.”
Jason Di, một người Mỹ dạy tiếng Anh tại Đại học Nữ sinh Sookmyung, cũng cảm thấy mức độ bạo lực trần trụi trên phim ảnh tăng lên ở HQ nói riêng và thế giới nói chung. “Tôi thật sự bị sốc khi thấy rất nhiều trẻ nhỏ cùng cha mẹ đến rạp để xem bộ phim “Black Panther: Wakanda Forever”. Bộ phim của Marvel Studios này được xếp hạng PG-13 tại Mỹ, có nghĩa là cha mẹ nên thận trọng vì một số cảnh không phù hợp với trẻ em dưới 13 tuổi. Tôi có cảm giác một số nhà làm phim HQ dường như đang cạnh tranh để thể hiện bạo lực sao cho thực tế hơn. Họ thấy áp lực phải vượt qua giới hạn để tự khẳng định mình.”
Giáo sư Ha nhấn mạnh: “Một vấn đề đáng quan tâm nữa là một nhân viên thực thi pháp luật cũng bạo lực giống như kẻ ác, sẵn sàng sử dụng các phương tiện bất hợp pháp để nhân danh ‘công lý’, đạt được mục tiêu của mình! Nghiên cứu đã chứng minh phim ảnh và phim truyền hình có ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về thực tế. Nhìn thấy thế giới thực thông qua những video bạo lực tràn lan này khiến chúng ta mất lòng tin vào xã hội và sợ hãi người khác. Chúng ta đang gặp ‘hội chứng làm sao cho phim ảnh giống thế giới thực bình thường’. Đó là điều đáng lo!”