(Hình minh họa: Eric Ward/Unsplash)

(Tặng riêng cho Hạnh, Hưng, Chiến, Phượng, Đan, Thanh… và tất cả )               

Có lẽ không có mấy người ở lứa tuổi 20, 30, vào khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1975, sống trong nước mà không bị lôi kéo vào gió bão của cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc. Hãy bỏ sang một bên, hướng đi của viên đạn từ khẩu súng M16 hay AK 47 nơi chiến tuyến, cũng chẳng nên chú ý đến xạ trường tan hoang của những viên đạn pháo hay hơn 800 viên bi đính trên khối mìn định hướng claymor, và cũng đừng đặt vấn đề đúng hay sai cho lý tưởng của cuộc chiến mà mỗi bên đều mang sắc thái đầy rẫy chủ quan …

Hãy dành một khoảnh khắc trầm lặng để suy tưởng về những giọt nước mắt của mẹ già khóc con, của vợ trẻ khóc chồng, con thơ khóc cha…. và lắng tai nghe tiếng gào thét thương tâm giữa đêm khuya từ gia đình người hàng xóm, gần nhà khi nhận được bức điện tín báo tin người thân vĩnh viễn ra đi nơi chiến địa…

Chính lúc đó, chúng ta sẽ cảm nhận và hiểu được ít nhiều nỗi đau đớn mà trận chiến tranh đã mang đến cho quê hương, dân tộc vừa qua! Đúng như vậy, chẳng có một chiến thắng nào dựa trên bom đạn mà không có màu đỏ của máu chảy, thân người ngã gục. Chẳng có một chiến bại nào trong chiến tranh mà người ta không phải dùng những giọt nước mắt mong rửa được những tủi hờn, mất mát! Xin đừng biện hộ cho chiến tranh bởi vì chiến tranh có nghĩa là chết chóc, là tàn phá, đau thương… dù dưới bất cứ dạng thức nào, chiến tranh cần phải lên án và cản ngăn !

Trong câu truyện ngắn Giận Hờn, bóng dáng thoáng nhẹ, buồn vu vơ của tình yêu trai gái, chỉ là âm thanh của tiếng sáo êm nhẹ nhưng rất buồn xen vào một bản trường ca bi đát nói đến thân phận của một thế hệ đã sinh ra trong tiếng bom rơi, đạn phá. Những đứa bé được sinh ra, lớn lên cắp sách đến trường trong mù mịt của khói lửa, điêu tàn rồi khi lớn lên, đủ tuổi của một người thanh niên, chúng bị xô đẩy vào cuộc chiến tranh toàn là hận thù chém giết mà chính nó không đáng phải nhận chịu.

Ngoại trừ tác giả bài viết, tất cả những người trong bữa ăn nhậu trong câu truyện, đã vĩnh viễn ra đi, rời xa trần thế dưới một dạng thức đau buồn nào đó. Có người bỏ thây vì mìn bẫy ở vùng 4 , có người gục ngã dưới làn đạn khi tiến chiếm mục tiêu, người khác lại bị chết tức tưởi vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến… Ngay cả Hạnh, cô giáo trong truyện cũng không thoát khỏi kết quả đắng cay của định mệnh. Hạnh cũng đã ra đi dù muộn màng, hơn 10 năm sau ngày chiến tranh chấm dứt. Cái chết của Hạnh dù không bị ồn ào với tiếng bom rơi, súng nổ nhưng vẫn có điều gì kín đáo liên quan đến thân phận của một thành viên trong thế hệ mà cuộc đời của họ đầy rẫy đau thương, tàn bạo!

Hình ảnh của Điềm, người chiến binh với vài cá tính bê bối có lẽ là hệ quả của cuộc chiến tranh mà ra. Ẩn tàng trong bóng dáng bê bối đó, Điềm có lúc lại hiện ra dưới hình ảnh cao ngạo của một con người nhân từ, thánh thiện làm cho người ta ngẩn ngơ, kính phục. Bóng dáng của Hạnh, một tiểu thơ sinh ra và lớn lên trong một gia đình quyền quý, nhưng chỉ vì tình yêu mà Hạnh   đã vô tình biết rất nhiều mùi vị đắng cay, bê bối của những con người mà cuộc đời của họ luôn luôn đứng giữa hai chữ sống và chết rất mong manh. Với sự hoà nhập ngẫu nhiên đó, Hạnh đã tìm thấy chính bản chất của mình nhờ tình yêu nồng nàn của Vũ dẫn dắt. Cũng chính nhờ những lần ăn nhậu nghèo túng ở lề đường, quán cóc ồn ào với những tiếng chửi thề tục tĩu của người yêu và lũ bạn bè của anh ta trong những lần gặp gỡ, để rồi một tiểu thư của một gia đình gia giáo, khuôn thước trong vai trò cô giáo, Hạnh dư đủ kiến thức nhìn thấy rất rõ những cái xấu xa của người mình yêu và nhóm bạn chiến binh. Nhưng qua những lần tiếp xúc, gần gũi với họ, Hạnh đã tìm thấy trong cái sáng, tối, mù mờ vẩn đục đó vẫn có những cái đẹp đẽ của tình bạn, lòng quảng đại, nhân từ ở những người mà Hạnh đã có lần khinh rẻ, chê bai.

Cuối cùng Hạnh cũng đã nhận chân được một điều rất chính xác, chỉ vì sự tàn bạo, bấp bênh cuộc sống trong chiến tranh đã che khuất đi những cái đẹp thánh thiện, nhân bản của con người! Chính vì nhận được điều đó mà Hạnh đã không bao giờ chê bai, than trách những người bạn thân thiết của Vũ nữa.

***                                                                                                                                        

Tôi không thể ngờ được, từ ngày Vũ bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Ðức, đời sống và việc làm của tôi lại bị ảnh hưởng nhiều đến thế. Thời gian và bận rộn hình như đan vào nhau, bao phủ lấy tôi, làm thay đổi những sinh hoạt quen thuộc mà tôi đã kéo dài hơn một năm, kể từ ngày tôi xa gia đình xuống Vĩnh Long dạy học.

Trong bốn tuần lễ huấn nhục đầu tiên, Vũ không được về phép cuối tuần, mỗi chiều thứ bảy tôi phải vội vã rời Vĩnh Long lấy xe đò lên Sài Gòn, rồi vội vàng nấu vài món ăn mặn để kịp sáng chủ nhật mang lên quân trường cho Vũ .

Chúng tôi gặp nhau ở vườn Tao Ngộ của quân trường chỉ được vài giờ ngắn ngủi, rồi tôi lại hấp tấp trở về Sài Gòn cho kịp chuyến xe đò cuối cùng trong ngày để trở lại Vĩnh Long vào buổi tối. Sau đó còn phải chong đèn đến khuya, sửa soạn bài vở dạy học vào sáng thứ hai tuần lễ tiếp theo!

Nhưng rồi thời gian huấn nhục qua đi, Vũ được về phép cuối tuần, việc gặp gỡ của chúng tôi đã có phần nào dễ dàng, tiện lợi và dài lâu hơn. Tôi không còn phải vội vàng mua sắm, nấu nướng thức ăn mang lên Thủ Ðức như trước nữa. Trừ phi vì tình hình an ninh,Vũ bị cắm trại 100%, tôi mới phải lên quân trường thăm anh mà thôi. Trong tình trạng bình thường, mỗi tuần vào khoảng 9 giờ sáng Chủ Nhật, khi những chiếc xe nhà binh GMC từ Thủ Ðức về, họ thả anh ở những địa điểm quy định trong thành phố, chúng tôi gặp lại nhau ngay sau đó.

Những Chủ Nhật ngắn ngủi nhưng tuyệt vời đó, trở nên quý báu và mong đợi của hai đứa chúng tôi. Dù trời mưa ướt lạnh, dù nắng rát cháy da, chẳng có gì để thay đổi trong những lần gặp nhau hạnh phúc đó. Vẫn là những lần đi bên nhau, la cà trong những quán cà phê. Vẫn là những buổi gặp gỡ lũ bạn bè nối khố, thân thiết của Vũ trong những cuộc ăn nhậu ồn ào đầy tiếng cười vui pha lẫn với những tiếng chửi thề tục tĩu, đôi khi làm tôi phải cau mày, khó chịu!…

Tình yêu của chúng tôi cũng lớn dần và bền chặt hơn theo những tháng ngày eo hẹp, theo những kỷ niệm của những lần hẹn hò, mộng mơ, đợi chờ đó. Việc dạy học của tôi đã có phần nào bị sao lãng. Bài vở được sửa soạn kém kỹ lưỡng hơn, sự kiểm soát và chăm sóc cho học trò cũng giảm đến mức tối thiểu… Tất cả cũng chỉ vì những lo lắng, xếp đặt cho những lần lên Sài Gòn gặp nhau của chúng tôi.

Tôi còn nhớ, trước đây khoảng hơn một năm, khi còn là một cô sinh viên đại học sư phạm Sài Gòn, cuộc sống của tôi được thu nhỏ trong cái tháp ngà vật chất cùng với sự săn sóc kỹ lưỡng của ba mẹ. Bên cạnh việc ăn uống và học hành, gần như tôi không biết gì nhiều về xã hội bên ngoài. Tôi chưa bao giờ dám một mình hay ngay cả với vài người bạn gái vào một quán cà phê đèn màu, chật ních những khách nam giới để uống nước hay nghe nhạc. Tôi cũng chưa bao giờ biết đến cái cảm giác ngồi trên chiếc ghế gỗ thấp lè tè ở những quán ăn lụp xụp, nghèo nàn trên lề đường, hay trong những ngõ hẻm lao động tối tăm, ăn nghêu luộc, cháo cá với những chiếc bát sứt mẻ, chiếc muỗng nhôm méo mó. Tôi cũng chưa bao giờ phải khốn khổ ngửi mùi khói thuốc cay nồng, cảm giác ngất ngây với những cốc rượu, ly bia, trong những lần ăn nhậu ồn ào, đầy tiếng chửi thề của nhóm bè bạn Vũ. Những điều đó hoàn toàn xa lạ, cho đến khi tôi xa gia đình xuống Vĩnh Long dạy học khi tôi quen và yêu Vũ. Đúng như vậy, với anh tôi đã biết tất cả!

Cuối Tháng Bảy, cùng với dịp nghỉ hè ba tháng của tôi, tiểu đoàn Vũ được gắn ”Alfa,” dấu hiệu trưởng thành của người sinh viên sĩ quan bộ binh đã gần đến. Cũng đúng lúc đó, thời điểm nóng bỏng sau biến cố Mậu Thân, cuộc chiến tranh đang leo thang khốc liệt. Những đơn vị tác chiến lưu động như nhảy dù, thủy quân lục chiến và các đơn vị khác bao quanh thủ đô Sài Gòn được điều động, cung ứng cho chiến trường. Còn lại lực lượng cảnh sát, công an trong thành phố, không đủ khả năng và quân số bảo vệ sự an ninh tối thiểu cho Sài Gòn. Vì vậy những tiểu đoàn khóa sinh của trường sĩ quan Thủ Ðức đã gắn Alfa được liên tục thay nhau điều động về Sài Gòn ứng chiến, giữ an ninh và kiểm soát ở những ngả đường từ các vùng ngoại biên đổ vào thành phố.

Về Sài Gòn ứng chiến là một giấc mơ của tất cả các khóa sinh sĩ quan, vì không phải cực nhọc với những lần đi bãi qua đêm, những đêm nằm tuyến gác dưới trời mưa lũ… Đã thế về Sài Gòn lại còn được ăn uống phủ phê ở các nhà hàng, tiệm ăn. Ngoài những lúc thay nhau canh gác, kiểm soát an ninh… thời gian còn lại là những lúc rảnh rỗi lang thang, ngắm nghía phố phường, thăm viếng thân nhân.

Đúng vào dịp nghỉ hè rảnh rỗi không phải dạy học, Vũ lại liên tục được về Sài Gòn ứng chiến, gần như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau. Tôi được anh dẫn đi mọi nơi trong thành phố, nơi tôi cũng như Vũ đã sống từ ngày còn ấu thơ cho đến trưởng thành. Nhưng với tôi, Sài Gòn như quá nhỏ bé, hình như nó chỉ được thu gọn với vài con đường quen thuộc từ nhà cho đến trường học cùng với vài ba tửu lầu ăn uống trong những dịp cưới hỏi mà thôi…

Còn Vũ, những nơi bình dân nghèo khổ cho đến những chốn xa hoa, sang trọng anh đều đã đi qua và biết rất nhiều. Chính nhờ những chuyến lang thang với Vũ và nhóm bạn của anh, tôi đã biết về Sài Gòn rộng lớn, đa dạng hơn. Rồi cũng nhờ những cuộc họp mặt, rong chơi đó tôi đã gặp gần như hầu hết bè bạn của Vũ. Đa phần, họ là những sĩ quan độc thân hay chỉ có những cuộc tình tạm bợ, qua đường  không mang nhiều lưu luyến.

Trong khoảng thời gian hoan lạc, tràn trề hạnh phúc đó, tôi cũng như Vũ hình như quên đi tất cả những lo lắng trước đây. Khi anh nhận được tờ giấy chấm dứt hoãn dịch vì lý do công vụ, từ Nha Ðộng Viên gửi đến.

Tôi còn nhớ lần đó Vũ đến căn gác trọ của tôi ở trung tâm thị xã Vĩnh Long, trong dáng điệu buồn lo hiện rõ trên mặt, anh nói với tôi:

-Anh không biết cuộc tình yêu của chúng mình sẽ ra sao Hạnh ạ. Từ nay anh sẽ rời bỏ đời sống dân sự, tham dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh của đất nước. Đời sống của anh sẽ được đưa vào một hướng khác. Anh cũng không biết nó sẽ dẫn anh về đâu. Em đã gặp, nói chuyện nhiều với nhóm bè bạn thân thiết của anh đang trong quân ngũ rồi, cuộc sống của anh rồi cũng sẽ như thế!  Sự bất định, nghèo túng và nhất là chết chóc của người lính chiến không cho phép họ nghĩ đến những gì có tính cách miên viễn, dài lâu, ngay cả đến đời sống tình cảm cũng thế, toàn là tạm bợ, chóng quên. Dĩ nhiên trường hợp của anh vẫn có một hy vọng, anh sẽ được trở về với nghề giảng dạy dưới hình thức một sĩ quan biệt phái, nếu sự can thiệp của viện đại học Cần Thơ được chấp thuận. Nhưng có lẽ em cũng biết, ở thời điểm mà chiến tranh càng lúc càng khốc liệt như hiện nay, vấn đề biệt phái cũng chẳng có gì gọi là chắc chắn cả!

Nhưng gần bảy tháng qua, sự lo lắng của chúng tôi gần như bị đẩy vào quên lãng. Chúng tôi ngụp lặn với những ngọt ngào của ân ái, hò hẹn. Vài lần chợt nhớ đến ngày mãn khóa gần kề, tôi hỏi Vũ về vấn đề biệt phái. Anh chỉ hôn nhẹ lên trán tôi và nói:

-Có lẽ em nên quên nó đi, nhớ và lo lắng để làm gì khi sự việc hoàn toàn ở ngoài vòng tay và tính toán của chúng mình! Ngoài sự chờ đợi và hy vọng vào cuối khoá, anh chẳng còn làm được gì hơn !

***

Một lần vào cuối mùa nghỉ hè, khi Vũ về ứng chiến Sài Gòn vào ngày thứ năm trong tuần, lúc đó tôi phải xuống Vĩnh Long để tham dự buổi họp chia giờ dạy cho niên khóa tới. Mãi đến chiều thứ bảy chúng tôi mới gặp được nhau. Vũ dẫn tôi đi dự lễ mừng đầy năm của đứa con trai đầu lòng của Kháng, người bạn thân của anh ở Bàn Cờ. Khi chúng tôi đến nhà Kháng, đã có khá đông bè bạn của anh ở đó rồi. Họ phần lớn là những người mà tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ ở những lần ăn nhậu trước đây. Trong đó có Ðiềm, trung úy pháo binh nhảy dù, người bạn rất thân của Vũ từ thời còn là học sinh trung học.

Cuộc ăn uống trong không khí hết sức vui vẻ với những câu chuyện vui nhộn của mọi người. Từ những kỷ niệm thời ấu thơ đến những mối tình lăng nhăng, vội vã, thoáng qua với một vài nhan sắc, trên bước đường phiêu bạt của người chiến binh… Trong cái không khí cởi mở, vui tươi đó, tôi đã bàng hoàng, giận dữ với Vũ và Ðiềm cũng như vài người bạn khác của anh. Khi nghe họ kể một câu chuyện vừa xảy ra vào buổi tối hôm trước.

*** 

Vào khoảng 4 giờ chiều, Vũ đang ở nơi đóng quân tại trường tiểu học Ða Kao, Tân Ðịnh. Ðiềm, Hưng và Phượng cũng là sĩ quan trong sư đoàn Dù cùng với vài người khác, cả nhóm đến mời Vũ đi ăn cơm tối. Vũ rất ngạc nhiên vì gần như chưa bao giờ Ðiềm và nhóm bạn nhảy dù của anh có tiền để mời anh, dù chỉ một ly cà phê! Với họ chữ nghèo rỗng túi được coi là triền miên! Bất cứ một cuộc đi chơi, ăn uống nào với nhóm bè bạn này, việc trả tiền được coi như đương nhiên là công việc của Vũ. Tuy nhiên Vũ rất thương mến, gần gũi Ðiềm và bè bạn vì họ đối với anh rất tận tình, thân thiết từ khi còn đi học với nhau ở trường trung học. Vũ cười, thật thà nói với cả nhóm:

-Thành thật hôm nay tao gần sạch túi rồi, nếu dẫn chúng mày đi ăn uống sơ sài thì được, chứ ăn uống phủ phê ở nhà hàng thì không được rồi Ðiềm ạ.

Cả bọn nhìn Vũ cười vui, Ðiềm nói :

-Chúng tao có bảo mày trả tiền đâu mà mày lo! Hôm nay tao vừa bán được vài thùng vỏ đạn đại bác, đồ phế thải quân đội nên kiếm được vài ngàn đồng. Tao đã phải nhịn lắm mới giữ được để dành mời mày đi ăn nhậu một lần, trả nợ những món tiền mày đã cho tao lúc túng thiếu và cả cho những bữa nhậu, mày đã chi trong suốt nhiều năm qua cho tao.

Vũ giương mắt tỏ vẻ không tin. Như đoán được ý nghĩ của Vũ, Ðiềm thò tay vào túi móc ra một xấp bạc rồi cười nói với anh:

-Tao biết mày không tin, bởi vì con người của tao, mày biết quá rõ rồi có bao giờ biết ý nghĩa của hai chữ ”có tiền” đâu! Còn làm thương mại, affair… với cái bản tánh không biết cười xả giao, nịnh bợ. Không miệng loa mép giải thì làm sao có tài năng để chạy affair, kiếm tiền để đãi mày Vũ nhỉ? Có lẽ cái affair tốt nhất của tao là đi ăn cướp nhưng tao chưa bao giờ sử dụng đến nó! Nhưng hôm nay hoàn toàn khác Vũ à, tao mới có một thằng ”tà lọt,” nó hướng dẫn cho tao cách buôn bán. Không cần nói, không cần cười và cũng chẳng cần đưa giá cả! Chỉ gật đầu là nó sẽ mang tiền về cho tao! Ðơn giản quá với những đồng tiền bán đồ phế thải!

Vũ chưa kịp trả lời, Ðiềm cười nói tiếp :

-Hôm nay mày phải say khướt với chúng tao, không có chuyện uống sơ sơ ”phá mồi” như những lần trước nữa. Mày cũng như chúng tao đang trực diện với chiến tranh, với hai chữ sống và chết của đời lính chiến. Theo tao mày chẳng nên quá gò bó, giới hạn như nhiều năm qua trong đời sống dân sự nữa.

Trong ngạc nhiên, cảm động với sự nhiệt tình của người bạn tâm giao, người bạn cùng học với nhau từ trường trung học Chu Văn An ngày xưa, mười năm về trước. Con người của Ðiềm hình như chưa bao giờ biết đến hai chữ mánh lới, làm ăn. Ðiềm chơi với bạn cả tấm lòng thành thật, thẳng thắn và tận tình giúp đỡ dù có phải thiệt thòi. Mặc dù cảm động với những lời nói của Ðiềm, nhưng Vũ vẫn không quên được thời gian tập họp điểm danh, phân chia công tác và nhận mật khẩu vào lúc 7 giờ 30 tối. Anh nói với Ðiềm và bè bạn:

-Dĩ nhiên tao sẽ đi với chúng mày, nhưng còn việc nhậu say quá lố, quên giờ điểm danh thì không thể được rồi! Hãy cho tao khất đến một lần khác, khi mà tao hoàn tất khóa học tại Thủ Ðức đã. Hiện nay tao không thể xả láng, ba gai như chúng mày được. Tao vẫn còn ngán những đêm phạt dã chiến, xỉu lên, xỉu xuống lắm! …

Ðiềm ngắt lời Vũ:

-Mày còn nhớ thằng Dũng, thằng Hà và vài thằng khác cùng học Chu Văn An chứ? Chúng nó đã vĩnh viễn ra đi, trả nợ cho đời của những thằng con trai buổi tao loạn. Bây giờ mày có muốn ngả nghiêng với chúng nó cũng không được nữa Vũ ạ. Với tao ngày hôm nay có được một món tiền đầu tiên trong đời, kiếm được ngoài cái lương quân đội èo ọt của mình, tao đã phải cố gắng không tiêu để trả nợ tình thân của mày đã dành cho tao quá nhiều trong quá khứ. Ai nói trước được những gì sẽ xảy ra cho tao, cho thằng Hưng, thằng Phượng và cả mày nữa?! Chúng mình đang đùa giỡn với mạng sống trong một cuộc chiến tranh chưa có dấu hiệu chung cuộc!

Nghe Ðiềm nhắc đến Dũng, đến Hà, ký ức của Vũ chợt trở lại với hai người bạn rất thân với anh ngày xưa, vài năm trước đây đã hy sinh trong cuộc chiến. Rồi với sự nhiệt lòng của Ðiềm và bè bạn, kèm với cảm giác xót xa của ký ức về những kỷ niệm, những mất mát, lỡ làng của những người bạn xa xưa đã ra đi. Vũ nhìn đồng hồ, vẫn còn quá sớm trước giờ tập họp, anh thu xếp sơ sài, rồi cùng với nhóm bạn đến một quán nhậu ở đường Hiền Vương, không xa lắm nơi đóng quân.

Cuộc nhậu được kéo dài trong không khí vui vẻ, Ðiềm cũng như mọi người đều săn sóc, mời rượu Vũ một cách đặc biệt. Ðến một lúc, khi bầu trời đã nhá nhem tối, mặc dầu uống khá nhiều rượu hơn mọi lần, nhưng Vũ cũng không quên được giờ tập họp vào lúc 7 giờ 30! Anh nhìn đồng hồ tay của mình, mới hơn 5 giờ, nghi ngờ sự chính xác của chiếc đồng hồ. Vũ hỏi Ðiềm, Hưng và vài người khác cũng như không quên nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường của tiệm ăn… Tất cả đều đúng như đồng hồ của mình! Thấy Vũ bồn chồn nhìn đồng hồ, Ðiềm cười nói với anh:

-Còn sớm chán Vũ ạ, mày cứ nhìn đồng hồ, lo lắng làm cuộc ăn nhậu mất vui đi, chờ đến 7 giờ mày đi đến chỗ tập họp vẫn còn đủ thời gian mà!

Yên tâm Vũ tiếp tục ăn nhậu với bè bạn! Nhưng anh không thể ngờ được, Ðiềm và nhóm bạn đã kín đáo vặn đồng hồ của anh, của mọi người khác, cả chiếc đồng hồ treo tường của tiệm ăn chậm lại hơn 2 giờ đồng hồ !

Ðúng 7 giờ, Vũ cảm thấy khá say nhưng anh vẫn còn đủ ý thức nói với bè bạn vài câu từ giã để kịp trở về nơi tập họp. Ðiềm và cả bọn nhìn Vũ ra khỏi tiệm ăn với những bước chân lâng lâng, xiêu vẹo. Cả đám cười khoái trá, thoả mãn vì đã lừa dối được một người bạn từng tự hào có nếp sống rất khuôn thước, điều độ. Ðiềm còn nói với theo một câu:

-Cứ thủng thẳng mà đi mới có 7 giờ mà! Nhớ cho chúng tao gửi lời hỏi thăm đến trung úy đại đội trưởng của mày nhé!

Tiếp theo lời nói của Ðiềm là một tràng cười vui vẻ, nhiều ẩn ý của bè bạn, nhưng cũng chẳng gây cho Vũ sự nghi ngờ nào về cái trò chơi quái ác, tìm cảm giác mạnh của lũ bạn. Vũ ra khỏi tiệm ăn, vẫn đủ tri giác đi dọc trên lề con đường Hiền Vương, hướng về nơi đóng quân của mình. Khi đến một khúc quanh đã khá xa nơi ăn nhậu, anh chợt nghe thấy tiếng gọi tên mình rồi một khóa sinh sĩ quan Thủ Ðức cưỡi chiếc Honda rà rà đậu lại trước mặt Vũ:

-Vũ, mày điên hả? Tại sao mày không về tập họp điểm danh, nhận công tác?! Ðã 9 giờ rưỡi rồi, hôm nay lại vừa có ban thanh tra do chính đại tá chỉ huy phó quân trường đến chỗ đóng quân kiểm soát ! Chỉ có một mình mày vắng mặt mà thôi, theo tao biết thì rất phiền phức cho mày rồi đó!

Vũ nhìn lên, anh nhận ra Giang, người cùng trung đội với anh đang đóng vai trò liên lạc viên trên đường công tác, chuyển đạt công văn đi các đại đội khác trong thành phố. Nghe Giang nói, Vũ đã đoán ra cái trò chơi quái ác của Ðiềm và lũ bạn.

Cảm giác lâng lâng của rượu, ngon ngọt của các món nhậu… biến mất tức thì, thay thế bằng lo sợ, hối hận vì sự dễ tin bè bạn của mình. Thật vậy, với vài đêm phạt dã chiến mặc dầu làm anh khổ sở thân xác cũng chẳng phải là điều anh phải sợ hãi lắm! Nhưng anh biết chắc chắn, vấn đề biệt phái của mình chỉ được cứu xét nếu anh tốt nghiệp vào cuối khóa mà thôi (dù chỉ tốt nghiệp với điểm số hạng bét). Không tốt nghiệp thì sự biệt phái được coi là vô vọng! Anh cũng biết lỗi lầm này không còn ở trong phạm vi đại đội nữa, rất có thể nó sẽ được đưa vào phạm vi của cả quân  trường. Ngay cả trung úy đại đội trưởng cũng không yên vì lơ là trong kiểm soát khoá sinh. Rất có thể, Vũ sẽ loại trừ trong danh sách tốt nghiệp vào cuối khoá, một hình phạt làm gương cho toàn thể khoá sinh!

Nhìn sự lo sợ trên nét mặt của Vũ, với lòng ái ngại, Giang nói:

-Theo tao mày không nên về đại đội lúc này, với hơi men nồng nặc trong hơi thở, nó chẳng giải quyết được gì, chỉ gây ra rắc rối nhiều hơn mà thôi. Tao đề nghị mày nên tìm một nơi để giải rượu rồi tìm một giải pháp tốt đẹp nào hợp lý cho sự vắng mặt của mày vừa qua có lẽ tốt hơn.

Nói xong Giang từ giã rồi rồ xe chạy đi, nhưng chạy được một quãng khá xa, trong lúc Vũ còn đang ngẩn ngơ tự trách sự dại khờ của mình và sự đùa nghịch vô ý thức của bè bạn, Giang vòng xe trở lại, nói với Vũ:

-Tao vừa tìm ra được một lý do tốt cho mày. Ông bác ruột tao đang là bác sĩ phó giám đốc bệnh viện Thanh Quan, mày đi với tao đến một quán cà phê. Tao sẽ điện thoại cho bác tao nhờ ông cấp cho mày một tờ giấy chứng nhận mày thình lình bị một bịnh gì đó, có lẽ nó cũng giúp cho mày giải quyết được khá nhiều rắc rối .

Nghe Giang nói, như người sắp chết đuối vớ được phao, Vũ cám ơn Giảng rối rít! Rồi nhờ sự giúp đỡ của Giang và nhất là sự thông cảm hoàn cảnh của Vũ, người bác của Giang đã lấy xe chở anh thẳng đến bệnh viện, rồi ông điện thoại trực tiếp đến vị tiểu đoàn trưởng của Vũ, báo tin anh bị áp suất máu xuống thình lình, ngất xỉu trên đường đi và đã được chở vào bệnh viện của ông điều trị lúc 6 giờ chiều… Tất cả những lý do, thời gian hợp lý của người phó giám đốc một bệnh viện quốc gia đã hoá giải mọi khó khăn của Vũ một cách hết sức trôi chảy.

***

Tôi ngồi nghe Vũ và bè bạn anh kể chuyện với sự bàng hoàng, tức giận. Tôi đưa mắt nhìn Vũ, nhìn Ðiềm, nhìn Hưng và những người bạn của anh với  ánh mắt đầy tức giận. Tôi không thể ngờ được anh có thể liên lạc với những người mà anh thường nói với tôi, họ là những người bạn rất thân, nối khố của anh. Nhưng với việc vừa qua, dưới mắt tôi, họ chỉ là lũ người đốn mạt, lừa dối, hãm hại bè bạn mà thôi.

Tôi càu nhàu nói với Vũ nhiều câu khá nặng. Tôi trách anh dại khờ, thiếu suy nghĩ, tin tưởng và đặt tương lai của đời mình vào những con người vô giáo dục, mất tư cách mà anh đã lầm tưởng họ là những con người bạn tốt. Tôi vẽ ra cho anh thấy bóng tối, bi đát của đời anh nếu không may mắn gặp được sự giúp đỡ quá tốt của Giang và sự thông cảm của vị bác sĩ phó bệnh viện Thanh Quan. Nếu anh bị đuổi khỏi khóa học vì kỷ luật thi hy vọng biệt phái cũng như tương lai của anh được coi là ảo vọng!

Vũ cũng như vài người bạn khác, mọi người nói nhỏ nhẹ, phân trần với tôi về sự vô ý, thiếu suy xét trong sự đùa nghịch của Ðiềm và bè bạn. Họ cố tìm cách làm giảm được sự giận giữ của tôi. Nhưng dù họ cố gắng thế nào cũng không kìm chế được những lời phiền trách, càu nhàu của tôi.

Quay sang Ðiềm, Hưng và Phượng tôi nói với họ toàn những câu rất nặng nề. Tôi kết án họ cố ý hủy hoại tương lai của Vũ, hành động của họ không xứng đáng với chức vị trung úy, thiếu úy mà họ đang đeo trên cổ áo. Hành động của họ là vô ý thức hay là thái độ của con người vô giáo dục, không ai có thể xét đoán được! Tình bạn thân thiết giữa họ và Vũ đã bị làm nhem nhuốc bằng sự lừa đảo, phản bội.

Với những lời lẽ quá nặng nề đó, Ðiềm, Hưng và Phượng và mọi người chỉ im lặng. Họ mỉm cười rất nhẹ trong cay đắng nhìn Vũ với ánh mắt rất buồn đau như muốn nói với anh vì tình bạn, họ đã phải im lặng nhận chịu những lời sỉ nhục của tôi! Vũ nhìn tôi như năn nỉ, vuốt ve tôi, cố chịu đựng sự đau khổ thay cho bè bạn. Vũ dùng những lời nói hết sức nhẹ nhàng, mong sự thông cảm nơi tôi để không làm sứt mẻ tình bạn của anh.

Một lúc sau hình như Vũ cảm thấy những lời năn nỉ của mình vẫn không ngăn cản được sự bực bội đang trào dâng nơi tôi, anh nhìn tôi, cái nhìn rất sắc, buốt lạnh mà tôi chưa bao giờ thấy trong mắt anh từ ngày quen và yêu anh. Với giọng nhát gừng, từng tiếng một, anh nói với tôi:

-Hạnh! Có lẽ em đã đi quá xa vị trí của em rồi đó! Hãy thu xếp, anh chở em về. Sự liên hệ  của chúng ta từ nay được chấm dứt em ạ! Anh cũng phải về nơi đóng quân, chẳng còn ai vui vẻ ngồi đây ăn uống, nghe những lời nhục mạ, đay nghiến quá đáng của em nữa!

Ðúng như thế, không khí bữa tiệc đã bị đổi khác. Mọi người chẳng nói gì ngoài sự im lặng nhìn sự giận dữ của tôi! Tôi đứng dậy không một lời chào từ biệt và cũng chẳng nhìn ai rồi tôi theo Vũ ra khỏi căn nhà của Kháng. Cùng lúc đó vài người khác cũng im lặng, uể oải đứng dậy nói vài câu cảm ơn từ giã vợ chồng Kháng ra về. Tôi biết rằng bữa tiệc đã được chấm dứt bằng sự buồn bã của mọi người và bằng cả giận hờn, bực bội của tôi.

Ði theo Vũ ra chỗ đậu xe, hai chúng tôi không nói với nhau một lời, viễn tượng xa nhau, vỡ đổ hình như đang ẩn hiện, bao quanh tôi và có lẽ cả Vũ nữa. Thỉnh thoảng tôi kín đáo đưa mắt nhìn Vũ, người đàn ông mà tôi yêu qúy. Người đã đến với tôi bằng tất cả những nhẹ nhàng, thân ái, ngọt bùi của mối tình đầu trong đời tôi, đã cùng tôi xây đắp biết bao nhiêu những kỷ niệm, giấc mơ đẹp đẽ của hơn một năm quen nhau, yêu nhau vừa qua. Trong sự đe dọa của cái bóng mờ đổ vỡ đó, tôi chợt nghe thấy một âm vang xót đau đang cắt xé tâm hồn tôi bằng những ân hận vì sự nóng giận quá lố của mình!

Vũ ơi, anh có biết em đang sợ hãi sự im lặng nặng nề của anh không? Tại sao lúc này chỉ có hai chúng ta, anh không phá vỡ im lặng bằng những lời nói vuốt ve, nhẹ nhàng? Tại sao anh không nắm lấy tay em, chỉ nhìn em với ánh mắt ấm cúng, nặng tình và nụ cười an ủi ? Em sẽ quên tất cả những sự bực bội, em cũng sẽ chẳng ngại ngần nói với anh những câu xin lỗi, vì em biết là em đã đi xa hơn vị trí một người yêu của anh!

Tại sao anh mãi im lặng, lầm lì như thế Vũ ?! Anh vẫn không nhìn em, anh có nghe thấy âm thanh khổ đau của em khi mất anh không Vũ? Em biết rằng thái độ quá đáng của em đã đụng chạm mạnh vào tự ái của anh, nhưng biết làm sao khi em quá yêu anh? Vũ ơi, đừng im lặng như thế nữa. Chỉ vì em yêu anh, em lo sợ cho tương lai của anh và tình yêu của chúng mình, để rồi em đã nặng lời với anh, với những người bạn thân thương của anh!

Ngồi đằng sau Vũ trên chiếc xe Suzuki cũ kỹ trong cái im lặng ray rứt đó, tôi không biết Vũ đang nghĩ gì khi chỉ còn vài phút cuối cùng nữa chúng tôi xa nhau. Tình yêu của chúng tôi sẽ được xếp vào dĩ vãng của lần dở dang vì giận hờn này hay sao? Ðơn giản đến thế sao!?

Nhìn những con đường mà chiếc xe chúng tôi chạy qua, với những hàng cây cằn cỗi, thân cây đen sạm vì bụi đường, khói xe. Nhìn những quán ăn xộc xệ, nơi đó vài ba lần tôi đã là cà với Vũ với những bữa cơm đạm bạc rẻ tiền… Tất cả mang cho tôi cảm giác buồn man mác và thấm thía nỗi xót đau của lần xa nhau đang gần đến. Những ngọn đèn giao thông hôm nay hình như màu xanh quá nhiều! Có lẽ chúng nó muốn chia rẽ chúng tôi nhanh hơn thì phải!?

Tôi ao ước trời đổ mưa, một cơn mưa tầm tã để Sài Gòn ngập lụt, để anh phải ngừng lại không đi được nữa! Tôi mong chiếc xe Suzuki cũ kỹ của anh chết máy, hư dọc đường, không chạy được nữa! Tôi muốn được cùng anh thấm ướt trong cái lạnh lẽo dưới trời mưa. Trận mưa lạnh cuối cùng trước khi tôi phải xa anh… Dù tôi biết chắc chắn rằng, cái lạnh của gió mưa không thể hơn sự buốt giá trong tâm hồn tôi lúc này được!

Cho mãi đến lúc chiếc xe Suzuki của Vũ ngừng lại trước cổng cư xá, nơi gia đình ba mẹ tôi cư ngụ, lúc đó Vũ mới đưa mắt nhìn tôi một lần duy nhất. Cái nhìn không có vẻ tức giận, nhưng nó lạnh lùng quá. Từ ánh mắt đó tôi nghe thấy âm vang rất nhẹ của sự quyết liệt chia ly! Anh nói:

-Em về nhé! Tình yêu nếu bỏ đi sự tự ái thì chẳng còn gì để nói nữa, Hạnh ạ.

Chỉ có thế! Ngắn ngủi, đơn giản và buồn bã như thế! Rồi Vũ quay đi, rồ máy chạy khuất sau khúc quẹo của con đường. Tôi đứng lại bên đường, ngẩn ngơ nhìn theo vết bánh xe của anh còn vương lại dấu tích trên mặt đường nhựa. Lúc này tôi mới thật sự thấm thía cảm giác ăn năn, tiếc nuối to lớn đang phủ lấp hoàn toàn tâm hồn tôi. Nước mắt tôi trào ra chảy xuống đôi môi tôi, mùi vị mằn mặn của những giọt nước mắt, nhắc nhở tôi tưởng tượng đến một tương lai rất buồn, khi đời tôi không bao giờ được gặp lại Vũ nữa!

Buổi chiều ngày Chủ Nhật hôm sau, tôi rời Sài Gòn xuống Vĩnh Long để khởi đầu dậy niên khóa mới. Ngồi trên chiếc xe đò chật chội, với nỗi buồn khó tả, với cảm giác trống không. Tôi nhớ lại những kỷ niệm của những lần cùng ngồi với Vũ trên những chuyến xe đò miền Tây. Những lần chúng tôi dừng lại ngã ba Trung Lương, tạt vào Mỹ Tho ăn hủ tíu… Bây giờ tất cả chỉ còn là kỷ niệm của một lần lỡ dở hay sao? Ðơn giản đến thế sao? Tôi tự hỏi đời sống của tôi sẽ ra sao nếu không có một đưa đẩy để chúng tôi gần lại nhau, yêu nhau trở lại !

Trở lại Vĩnh Long, căn gác trọ xinh xắn, khang trang ngày nào bây giờ trở nên rộng lớn, lạnh lẽo với tôi. Tất cả những vật dụng trong căn phòng đều mang ít nhiều những dấu vết của Vũ, kỷ niệm của những lần anh đến thăm tôi, trước ngày anh chưa nhập ngũ. Chiếc ghế dài của bộ salon nơi phòng khách, anh thường ngồi nơi đó soạn bài giảng dạy. Chiếc bàn nhỏ làm việc của tôi, gần cửa sổ, quanh năm với chiếc bình hoa xinh xắn, lúc nào cũng có những bông hoa sao nhái (cosmos) màu trắng đục mà anh mang từ thửa vườn của đại học Cần Thơ dành riêng cho tôi.

Rồi tiếp theo, những buổi dạy học của tôi cũng mất đi khá nhiều thích thú và nặng nề, buồn chán hơn. Vài đứa học trò lớn tuổi khôn ngoan, chúng nhìn sự uể oải của tôi với ít nhiều ái ngại, chúng hỏi thăm sức khoẻ của tôi vì chúng nghĩ rằng tôi bị bệnh…

Hơn ba tuần lễ kể từ ngày chúng tôi giận hờn nhau, xa nhau, tôi không về Sài Gòn một lần nào nữa, và tôi cũng không biết tin tức gì của Vũ. Không biết anh còn về ứng chiến Sài Gòn hay còn gặp bạn bè anh sau lần giận dữ của tôi nữa hay không! Tôi không biết tin tức gì về anh cả, nhưng hình bóng và kỷ niệm của anh gần như không bao giờ biến mất trong trí nhớ của tôi. Nó luôn luôn quanh quẩn ám ảnh dày vò tôi trong lúc làm việc, khi rảnh rỗi và cả trong những giấc ngủ của tôi nữa.

Một buổi chiều Thứ Sáu, khi vừa bước ra khỏi cổng trường học, tôi lủi thủi đi bộ trên con đường quen thuộc hướng về căn gác trọ. Một chiếc xe ”jeep” chạy chầm chậm rồi dừng lại trước mặt tôi, Ðiềm nhìn tôi tươi cười rồi vội vã bước xuống xe, nói với tôi vài câu xã giao thông thường. Trong khi tôi im lặng, chau mắt nhìn Ðiềm với nhãn quang vẫn còn chứa nhiều bực bội. Tôi không quên được, chính con người đó đã làm tôi và Vũ xa nhau! Chính con người đó đã một lần tôi khinh rẻ nhục mạ vì thiếu tư cách. Tôi đưa mắt nhìn ra hướng khác với ý định im lặng bỏ đi ! Ðiềm hình như nhìn rõ thái độ không vui của tôi, anh ta nhìn tôi với nét mặt ăn năn có đôi chút ngượng ngập rồi nói rất nhỏ nhẹ gần như cầu khẩn :

-Có lẽ em còn giận Vũ và anh lắm phải không? Anh đến gặp em, muốn nói với em một câu chuyện liên quan đến em và Vũ. Nó đã làm anh ân hận khổ tâm suốt nhiều tuần qua.

Với yêu cầu của Điềm, chúng tôi vào một quán cà phê ở góc đường. Ðiềm xin lỗi tôi về hành động vô ý thức, muốn tìm cảm giác của anh ta và lũ bạn vừa rồi, đã vô tình quên đi hoàn cảnh bấp bênh cũng như hậu quả khó lường đến với Vũ, người bạn thân nhất của anh ta. Ðiềm muốn tôi chấp nhận một đề nghị, chắp nối lại với Vũ, để Ðiềm và nhóm bạn khỏi bị mặc cảm là người đã gây ra sự đổ vỡ cuộc tình của Vũ và tôi. Ðiềm cũng cho biết, sau bữa tiệc không vui đó, tiểu đoàn của Vũ trở lại quân trường, nhưng hôm qua Vũ lại vừa được hoán đổi trở lại Sài Gòn ứng chiến. Ðiềm cho biết, đã gặp lại Vũ, nhìn sự buồn bã, nét mặt hốc hác của Vũ, anh cũng đoán được Vũ rất buồn và không quên được sự đổ vỡ với tôi vừa qua. Điềm mong tôi quên đi những giận hờn, lên Sài Gòn gặp lại Vũ.

Tôi im lặng suy nghĩ lời nói của Ðiềm rồi cho anh biết chiều ngày mai, tôi sẽ lên Sài Gòn gặp lại Vũ vì buổi sáng tôi còn vướng vài giờ dạy học. Ðiềm tỏ ra rất vui mừng vì sự đồng ý của tôi, anh nói:

-Cám ơn em rất nhiều Hạnh ạ, trưa mai anh sẽ đến đây chở em về Sài Gòn vì anh cũng có công tác ở trại Hoàng Hoa Thám vào chiều mai.

Gần trưa hôm sau, Ðiềm đến chở tôi cùng về Sài Gòn. Khoảng gần 2 giờ chiều, chúng tôi đã đến ngã ba Trung Lương, Ðiềm dừng xe vào một quán ăn bên đường, mời tôi ăn cơm trưa. Mỉm cười Ðiềm nói với tôi:

-Anh mời em ăn cơm trưa nhưng trong bữa ăn anh chỉ uống trà đá hay cà phê mà thôi, đi với em có lẽ anh muốn uống một chai bia cũng phải ngần ngại Hạnh à.

Tôi mỉm cười vì câu nói nửa đùa, nửa thật của Ðiềm. Nhưng tôi cũng vừa cảm thấy một niềm vui nho nhỏ. Ít ra sự giận dữ của tôi vừa qua cũng có một tí kết quả (dù rất bé), để một người từng uống rượu không biết say như Ðiềm đã phải ép mình với ly trà đá nhạt nhẽo trong bữa ăn!

Chúng tôi ăn cơm vừa xong khi đang uống trà. Từ bên ngoài quán, một người đàn ông trung niên cụt một chân, màu da tái mét, vài vết thương loang lổ trên thân thể chưa mất màu đỏ ửng, chứng tỏ các vết thương của ông ta còn rất mới, xảy ra không lâu. Ông ta dắt theo hai đứa bé, thằng con trai khoảng 7 tuổi, đứa bé gái 4, 5 tuổi, cả hai đứa bé đều xanh xao, ốm yếu như có vẻ đói ăn! Người đàn ông cụt chân chống nạng khập khiễng đến trước bàn của chúng tôi, đưa bàn tay xanh xao, run run, yếu sức ra và nói với chúng tôi:

-Xin ông bà trung úy, bố thí cho cha con chúng tôi ít tiền để mua đồ ăn !

Tôi nhìn người ăn xin tàn tật và hai đứa bé đói khổ với ánh mắt ái ngại, chưa kịp lấy tiền ra cho họ, Ðiềm đã móc trong túi ra tờ giấy 100 đồng, anh nhét vào tay người đàn ông, rồi quay trở lại nói chuyện với tôi, không chú ý đến lời cám ơn của người ăn xin. Tôi tưởng rằng mọi diễn tiến đã xong, nhưng khi người ăn xin vừa đi được vài bước, Ðiềm thình lình lên tiếng:

-Ê! Ông bị mìn hả?

Người ăn xin giật mình đứng lại, run rẩy trả lời Ðiềm:

-Vâng ạ, tôi bị mìn ở Ðức Hòa!

Rồi ông ta cho biết trước đây là binh sĩ thuộc sư đoàn 25 bộ binh, khoảng bốn tháng trước trong cuộc hành quân ở Ðức Hoà ông ta bị mìn mất một chân. Rồi vài tuần trước, vợ của ông ta, ban đêm đi soi ếch bị rắn độc cắn chết để lại hai đứa con! Với số tiền cấp dưỡng ít ỏi cho thương binh, không người thân thích, không ruộng vườn canh tác đã đưa bố con ông ta vào con đường xin ăn kiếm sống qua ngày.

Tôi và Ðiềm nghe người ăn xin kể chuyện, nhìn hai đứa bé còm cõi, xanh xao, ngơ ngác bên người cha tàn phế, tật nguyền. Tôi buông tiếng thở dài, ngán ngẩm cho tương lai và sự sống của ba bố con người phế binh bất hạnh! Ðang lúc tôi còn ngẩn ngơ với sự cảm thương đang dâng trào trong lòng mình, Ðiềm vỗ nhẹ vào tay tôi, anh hỏi:

-Hạnh, em có đủ tiền trả cho anh bữa cơm này không?

Tôi gật đầu nhìn Ðiềm ngạc nhiên, không biết anh ta hỏi thế để làm gì! Ðiềm im lặng móc trong túi ra một xấp giấy bạc, anh nhét vào tay người phế binh ăn xin, rồi anh nói:

-Mười hai ngàn đồng, toàn vẹn số lương vừa lãnh chiều hôm qua đó! Cho ông để mua đồ ăn cho hai đứa bé, cấm không được lấy tiền đánh bạc, uống rượu nhe cha nội!

Người phế binh giương đôi mắt ngạc nhiên, ngỡ ngàng nhìn Ðiềm và tôi. Ông ta không dám nắm lấy xấp giấy bạc trong tay Ðiềm, hình như ông ta không tin đó là sự thật mà nghĩ rằng Ðiềm đang đùa giỡn với sự nghèo khổ, bất hạnh của mình.

Như hiểu ý của người ăn mày, Ðiềm nhấn xấp bạc vào hẳn tay ông ta một lần nữa và nói:

-Cầm đi cha nội ! Không đùa với ông đâu, nhưng nhớ mua đồ ăn cho hai đứa bé, không cờ bạc và không nhậu nhẹt nhé!

Tôi sững sờ giương mắt nhìn Ðiềm, người bạn thân của Vũ! Người mà hơn ba tuần lễ trước đây tôi đã dùng tất cả những ngôn từ xấu xa, khinh rẻ, thấp hèn nhất để mạt sát vì thái độ vô ý thức của anh ta. Tôi đã nói thẳng vào mặt anh ta, những hành động của anh ta, biểu lộ một con người vô giáo dục, lừa dối, cố ý hãm hại bè bạn! Tác phong của anh ta không xứng đáng với cái lon trung úy trên cổ áo của mà anh ta đang mặc … Nhưng bây giờ với hành động tốt đẹp của anh đã làm cho tôi ngẩn ngơ, không ngờ!

Nhãn quang của tôi đảo khắp thân hình của Ðiềm, trong khi trí não cùng với cảm xúc của tôi hoạt động để cố tìm ra trong con người, mà một lần tôi đã khinh rẻ, mạt xát đó có mang dấu tích gì của thánh thiện, nhân từ không?

Ðến lúc này tôi mới thấy được cái lý do tại sao mà Vũ đã khuyên răn, ngăn cản những lời xỉ mắng quá đáng của tôi, với người bạn thân của anh trong bữa tiệc vừa qua là một điều hợp lý! Tôi cảm thấy, tình bạn của Vũ có những điều mặn nồng, kín đáo kết tạo từ mười năm thân cận với nhau không thể là một sự dối trá, nhầm lẫn được!

Tôi cũng như Vũ, mang trong người cái thiên lương cao quý của nghề giáo dục. Đời sống vật chất của chúng tôi không đến nỗi túng thiếu, nếu không muốn nói là có chút dư dả. Liệu chúng tôi có đủ can đảm hay lòng nhân từ để tặng một cách dễ dàng trọn vẹn tháng lương của mình cho một người nghèo khổ, đáng thương, không hề quen biết hay không?! Tôi tự trách, tôi đã không có được cái nhìn sáng sủa như Vũ để thấy được nét thánh thiện, thương người, ẩn sâu nơi con người của Ðiềm!

Trên khúc đường còn lại dẫn tôi và Ðiềm về Sài Gòn, tôi ít nói chuyện với Điềm hơn. Tôi muốn để cho sự suy tư và cảm xúc của tôi được im lặng vì lòng kính phục người bạn của Vũ. Nhờ cuộc đồng hành này tôi đã khám phá ra giá trị cuả một con người có tâm hồn cao thượng, thương người, nhưng đôi khi họ lại có những hành động dễ làm cho người ta hiểu lầm! Tôi chợt nhớ đến một lời nói của Pautovski:” Trước khi xét đoán về tư cách của một người nào, bạn hãy nhắm mắt lại để tránh được những định kiến sai lầm về hình dáng, bè ngoài của họ, rồi hãy dùng trí khôn và kinh nghiệm của bạn để xét đoán những gì ẩn kín ở bên trong con người họ.”

Một góc Sài Gòn xưa. (Hình: Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images)

Khi gần đến Sài Gòn, tôi hỏi Ðiềm:

-Anh cho người ta hết tiền lương rồi làm sao anh sống?

Ðiềm nhìn tôi trả lời một cách hết sức bình thản:

-Có lẽ em chưa nghe Vũ nói về anh. Cả đời anh chưa bao giờ biết đến đúng nghĩa chữ ”có tiền” chứ đừng nói đến chữ ”giàu có” Hạnh à. Còn việc ăn uống để sống, thì quân đội sẽ nuôi anh bằng cơm sấy, cá hộp, đối với anh chẳng có gì quan trọng cả. Em thấy không anh vẫn sống, dù sống với cái túi rỗng không của đời người chiến binh sao?!

Tôi nhìn thái độ bình thản của Ðiềm, ngại ngần tôi hỏi nhẹ anh:

-Nếu anh cảm thấy em không quá tò mò, anh có thể cho em biết về một vài người yêu của anh được không?

Ðiềm cười to, láy mắt nhìn tôi với vẻ thích thú vì câu hỏi của tôi, anh nói:

-Em nhìn kỹ xem, anh có cái gì để bảo đảm cho một mối tình bền chặt không? Nghèo túng triền miên! Nay đây, mai đó! Ai? Người con gái nào có thể chịu được dạng người như anh? Ðời lính đưa anh vào lối sống vô định. Nhưng chính bản thân anh cũng mang đầy dáng dấp, cá tính của một kẻ lang thang! Ðã thế cái nghèo túng và tánh tình ẩu tả như bạn cố tri, miên viễn của anh thì làm sao có một người phụ nữ nào đủ can đảm sống gần anh được.

Im lặng một chút như để suy tư về mình, rồi Ðiềm nói tiếp:

-Nhưng không có nghĩa anh lạnh lùng như gỗ đá đâu Hạnh ạ. Anh cũng có những lúc rung động, hẹn hò, nhưng chỉ quen nhau, gần nhau trong chốc lát rồi vội vã xa nhau! Ðời người chiến binh lưu động như anh có được gần nhau dài lâu đâu mà nặng nghĩa ân tình.

Rồi Ðiềm nói thêm:

-Với Vũ, anh nghĩ rằng em đang may mắn đó. Vũ có tương lai tốt, có nhiều đức tính của một người tình, một người chồng và cả người cha nữa. Anh không muốn nói tốt quá nhiều cho người bạn mà anh thân ái nhất, nhưng khi em yêu thương, gần Vũ có lẽ em biết và hiểu nhiều Vũ hơn anh!

Khi chúng tôi vào đến Sài Gòn, Ðiềm chở tôi đến chỗ đóng quân của Vũ, anh bảo tôi ngồi đợi ngoài xe, rồi một mình vào tìm Vũ. Một lúc sau Ðiềm cùng ra với Vũ, nhìn thấy Vũ mắt tôi nhoà lệ, không biết vì mừng vui khi được nhìn lại anh sau ba tuần lễ không gặp nhau hay vì tôi thấy thương Vũ khi thấy nét mặt của anh có phần hốc hác như Ðiềm đã nói với tôi.

Vũ rủ Ðiềm đi uống cà phê, Ðiềm cho biết anh chỉ đủ thời gian ngồi với chúng tôi một lúc mà thôi, vì phải đến trại Hoàng Hoa Thám ngay buổi chiều trước giờ tan sở.

Trước khi chia tay ở quán cà phê, tôi kín đáo nói sơ sài cho Vũ biết Ðiềm không còn một đồng nào trong túi, rồi tôi đưa cho Vũ một ít tiền để nhờ anh tặng cho Ðiềm. Vũ im lặng nhận tiền của tôi, anh cũng bỏ thêm vào vài ngàn nữa rồi đưa cả cho Ðiềm, Vũ nói:

-Hạnh vừa cho tao biết mày thương người cúng hết cả số lương vừa lãnh. Hạnh sợ mày không có tiền ăn cơm, uống rượu nên đưa cho tao một ít nhờ tặng mày. Tao cũng bỏ thêm vào vài ngàn, chẳng biết là bao nhiêu, nhưng nhờ mày chia đôi ra, một phần tặng mày còn phần khác đưa cho thằng Hưng hộ tao và Hạnh.

Ðiềm chẳng khách sáo, anh ta cầm lấy xấp tiền bỏ vào túi quần vười vui rồi nói với Vũ:

-Mày và Hạnh tặng thì tao nhận! Nói cám ơn với mày mãi, tao thấy ngượng quá, vì đã được nói quá nhiều rồi. Còn chuyện đưa cho thằng Hưng, thành thật tao không bảo đảm Vũ ạ. Nếu gặp được nó và nếu còn, chưa tiêu hết thì đưa! Nhưng nếu không gặp hay đã tiêu hết thì đành chịu!

Thành thật, nếu trước đây vài giờ khi tôi chưa hiểu rõ Ðiềm, với câu trả lời đó chắc chắn sẽ mang đến cho tôi sự khinh rẻ nặng nề về tư cách của một sĩ quan như Ðiềm. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu trong dáng điệu, ngôn ngữ khó cảm thông đó, nó ẩn chứa một tấm lòng rộng rãi, bao dung của một người chân thật. Vũ cũng như tôi mỉm cười với cái lối quá tự nhiên của Ðiềm.

Trước khi rồ máy cho chiếc xe vọt đi Ðiềm quay lại nhìn tôi mỉm cười, anh nói:

-Có lẽ em vừa tìm thấy câu trả lời tại sao anh không có một người con gái nào dám yêu anh, phải không Hạnh?

Tôi yên lặng nhìn chiếc xe của Ðiềm rời xa cho đến khi khuất bóng ở góc đường. Trong lòng tôi chợt nổi lên cảm giác thân cận, thương cảm người sĩ quan cô đơn, tốt bụng đó. Có lẽ con người đó chẳng bao giờ biết đến chữ che dấu, giả dối bề ngoài. Tôi tự hỏi sự cô độc, tánh tình bừa bãi của Điềm có phải là bản chất bẩm sinh, hay chỉ là những thói quen, tật xấu, mà nó là hậu quả từ sự mong manh, bất ổn của đời một người lính chiến trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước mà ra hay không ?!

 ***

Tôi và Vũ lại gắn bó nhau trở lại. Tôi bận rộn với những cuối tuần lên Sài Gòn, Thủ Ðức thăm Vũ. Lại hò hẹn, lang thang ngắm phố phường, thăm bè bạn, ngồi quán cóc bình dân ăn uống như xưa… Rồi khoảng hơn một tháng sau, Vũ mãn khóa học. Vì chưa có sự trả lời của Bộ Quốc Phòng, Vũ được chuyển đến phục vụ cho đơn vị tiếp liệu của sư đoàn 25 Bộ binh, ở Long An. Nhưng chỉ được khoảng gần vài tuần lễ, Vũ sung sướng nhận được công điện biệt phái trở lại giảng dạy cho đại học Cần Thơ.

Cuộc tình của chúng tôi lại trở về với những diễn tiến của thời gian Vũ chưa nhập ngũ. Những ngày cuối tuần, những lúc rảnh rỗi Vũ lại đến với tôi. Chiếc ghế dài của bộ salon ở phòng khách lại được quen thuộc với những lần anh đến thăm. Những xấp bài thi của sinh viên, tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy lại được Vũ mang đến căn gác trọ của tôi. Anh làm việc, tôi nấu nướng, vá khâu … Tôi lại được ngồi bên anh, dựa đầu vào vai anh để cho cảm xúc của chúng tôi hoà điệu với những bản nhạc êm ái, mà tất cả những hợp âm đều diễn tả những âm vang hạnh phúc của mối tình đang thời hoan lạc nhất.

Một buổi chiều, khi tôi vừa từ trường học trở về căn gác trọ Vũ thình lình đến thăm tôi. Nhìn dáng điệu thảo não, đôi mắt đỏ hoe buồn rầu của Vũ, tôi linh cảm thấy một điều gì đang gây xúc động nặng nề cho anh. Vũ bước vào căn gác, buồn bã nhìn tôi, nước mắt anh trào ra chảy xuống gò má, Vũ cho tôi biết vừa nhận được điện thoại của Hưng từ chiến trường gọi về báo tin chiều hôm qua Ðiềm đã chết vì mìn bẫy ở Chương Thiện!

Nghe Vũ nói tôi bàng hoàng đau xót. Tôi hình dung đến dáng người cao lớn, thái độ bất cần, cẩu thả của Ðiềm. Tôi nhớ lại hành động tốt lòng, mã thượng của Ðiềm trong lần đi với tôi về Sài Gòn mấy tháng trước… Tất cả bây giờ chỉ còn là kỷ niệm đầy thương xót. Con người đó đã vĩnh viễn xa rời bè bạn rồi.  Kể từ đây những bữa ăn nhậu, những lần la cà quán cóc lề đường, những lúc quây quần ở quán cà phê, bữa nhậu … sẽ thiếu vắng âm thanh ồn ào, giọng nói, tiếng cười của một người có muôn ngàn khuyết điểm, nhưng lại ẩn chứa trong đáy sâu tâm hồn cái ngạo nghễ của tấm lòng thánh thiện!

Trong lúc tôi đang lịm người tưởng nhớ đến Ðiềm, Vũ gục đầu xuống chiếc ghế salon, anh mở chiếc cặp, lấy ra một tấm ảnh chụp anh và Ðiềm trong lần Vũ về ứng chiến Sài Gòn. Ðiềm với chiếc lon trung úy trên cổ áo, miệng cười tươi vui, một cánh tay bá lên vai Vũ, còn tay khác cầm một điếu thuốc lá đang cháy dở dang. Vài lọn khói thuốc trắng uốn éo như những giải tơ đang toả lên cao vì làn gió nhẹ. Vũ nhìn chăm chú vào chiếc ảnh, nước mắt anh dàn dụa, đôi vai anh hơi rung động!

Tôi ngồi xuống bên Vũ, im lặng nhìn sự khổ đau của Vũ, tôi thương, tôi yêu Vũ, tôi cảm động với tình bạn thâm sâu của Vũ. Chính lúc này tôi mới biết được ngoài tình cốt nhục, tình yêu trai gái vợ chồng, người ta còn một mối tình nữa, đó là tình bạn tâm giao! Theo tôi nó chỉ có và thể hiện được ở những con người sống trong túng thiếu và hiểm nguy mà thôi.

Ngoài khung cửa sổ, bầu trời đã sẩm tối, những bóng đèn đường đã thắp sáng, thỉnh thoảng vài cơn gió nhẹ làm rung động những lá cây cao su bên đường. Những tia sáng xuyên qua kẽ lá rung rinh làm người ta có cảm tưởng như những vì sao lấp lánh trên bầu trời tối đen trong một đêm thiếu ánh trăng ! Trời lúc đó lấm tấm mưa rơi ! Những giọt mưa bị gió thổi bám vào tấm kính cửa sổ, lăn tăn chạy dài xuống phía dưới. Tôi chợt hình dung đến những giọt nước mắt buồn tẻ của dang dở, tang thương, của vĩnh biệt xa nhau… được đến từ một cuộc chiến tranh đã kéo dài quá lâu !

Trong sự im lặng buồn bã đó, ngẫu nhiên từ dưới căn gác trọ, giọng hát của cô bé, con gái con người chủ nhà vang lên:

”Anh không chết đâu anh, anh chỉ về với mẹ mong con… Trong tim cô sinh viên hay buồn, thường nhắc đến những chiến công, chuyện nước mắt, ướt sân trường đại học, chuyện riêng anh riêng anh. … Anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua! Ðâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh! Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh? Anh không chết đâu anh, anh chỉ về với mẹ mong con ..!”

Bên ngoài, trời mưa lất phất…

(Switzerland, Zuerich April 2024)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: