Bạn muốn con mình là thiên tài hay kẻ đần độn?

Nhiều trẻ em gánh nặng trên vai trách nhiệm học tập. (Minh họa: Unsplash)

Cách đây không lâu, một người mẹ ở Thượng Hải chia sẻ câu chuyện của con gái chín tuổi của mình lên trang cá nhân. Cô bé bị rụng tóc rất nặng nên đầu bị hói. Lúc đầu, người mẹ nghĩ do con thiếu chất, nên ép con ăn nhiều món ngon vật lạ. Nhưng dù ăn bao nhiêu, đầu cô bé vẫn thế, ngược lại ngày càng hói. Bà quyết định cho con đi gặp bác sĩ. Tại đây, người mẹ bất ngờ khi bé được chẩn đoán rằng bé bị stress, tóc của bé không tự nhiên rụng, mà do cháu tự nhổ. “Bé tí thế kia mà stress gì!”, bà mẹ thắc mắc. Bác sĩ tâm lý giải thích: “Áp lực học tập căng thẳng, cùng với thái độ nghiêm khắc từ bố mẹ, chương trình học kín mít cả tuần, khiến cô bé bị stress. Tự nhổ tóc mình là phương pháp duy nhất để con bà giải tỏa căng thẳng.”

Cũng mới đây, một video gây tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Video chiếu hình ảnh một nam sinh tiểu học, đang làm bài tập về nhà thì đột nhiên tự tát mạnh vào má mình. Rất mạnh. Người xem cảm thấy xót xa, đặt câu hỏi: “Tại sao một đứa trẻ lại tự làm đau bản thân như thế?” Sau đó, câu trả lời được giải đáp, rằng cậu bé học sinh lớp Năm ấy đang chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp. Vì không làm được bài tập, tự thấy mình ngu ngốc nên tát vào mặt. Video chiếu hàng chữ trước bàn học của cậu bé, có những câu: “Cha mẹ đã làm việc chăm chỉ, tôi không thể lười biếng. Nếu không, tôi có lỗi với cha mẹ”; “Học không tốt sẽ không vào được trường đại học danh tiếng. Điều đó coi như cuộc đời đã kết thúc.”

Học sinh gặp nhiều áp lực trong học tập. (Minh họa: Unsplash)

Nhiều phụ huynh xem xong video mới thấy gánh nặng học tập mà những đứa trẻ đang mang trên mình.

Giáo sư tâm lý học Đại học Bắc Kinh Từ Khải Văn từng nói, trẻ em ngày nay được sinh ra trong mật ngọt, được nuôi trong nhà kính, được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Khi kỳ vọng của phụ huynh ngày càng cao, khả năng chống đỡ với thế giới bên ngoài của trẻ ngày càng thấp. Nhưng lại có câu hỏi đặt ra: Vậy những đứa trẻ có thành tích học tập kém, tương lai chúng sẽ đi về đâu? Bộ phim tài liệu “Học sinh kém” của đài EBS Hàn Quốc, sản xuất năm 2019, có chủ đề đề điều này. Một trong những nhân vật chính của bộ phim là Hong Sung-ho. Từ nhỏ cậu bé luôn mải chơi, luôn được nhận xét là học sinh kém. Năm lớp 11, Sung-ho nói với mẹ là em muốn trở thành một game thủ chuyên nghiệp. Người mẹ nghĩ, nếu ép con học văn hóa cũng vô ích, tốt hơn hết là ủng hộ những gì con thích. Bà luôn động viên con: “Ừ, cố lên, con sẽ giành được chức vô địch”.

Năm lớp 12, Sung-ho tham gia nhiều giải đấu chuyên nghiệp nhưng đều thảm bại. Lúc này, cậu cảm thấy có lỗi với sự tin tưởng của mẹ nên thay đổi thái độ học văn hóa. Sung-ho lao vào học mỗi ngày. Đến kỳ thi đại học, cậu nhận được học bổng toàn phần bốn năm của một trường đại học danh tiếng.

Một nghiên cứu chỉ ra, một số trẻ trước 15 tuổi não bộ phát triển chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa, vì thế “khả năng thức tỉnh” trong học tập yếu hơn. Ở tuổi 15, khi dopamine (một loại chất dẫn truyền thần kinh làm tăng khả năng tập trung, sáng tạo ở con người) tăng lên, khả năng học tập của những đứa trẻ này cũng sáng sủa hơn rất nhiều.

“Trước đây dù con học kém, chúng tôi chưa bao giờ quát mắng hay ép buộc con. Giáo dục trẻ cần sự kiên nhẫn. Từ tốn, ắt sẽ nhận được món quà bất ngờ,” mẹ Sung-ho chia sẻ.

17 năm trước, một bộ phim tài liệu của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc có tên “Lớp 12” cũng nhắc tới học sinh tên Chung Sinh Minh. Năm cuối cấp, cậu bé là điển hình của học sinh yếu kém, chỉ thích chơi game. Nhưng lên lớp 11, Minh kiếm được hàng trăm nghìn tệ khi tự mình sản xuất game và trở thành học sinh đầu tiên trong lớp sử dụng điện thoại di động. Chuyện này truyền đến tai hiệu trưởng, cậu suýt bị đuổi học, với lý do: “Không học hành gì, suốt ngày cắm đầu vào game, tương lai là… vứt đi!” Vài năm sau, một công ty sản xuất game mời Minh làm Phó tổng giám đốc. Với kinh nghiệm có được, sau đó Minh tự mình kinh doanh và trở thành một triệu phú tự thân trẻ tuổi. Nói chuyện với sinh viên một trường đại học ở Thượng Hải, Minh chia sẻ: “Nếu không thể trở thành một học sinh xuất sắc, bạn nên tìm ra thế mạnh của mình để theo đuổi. Tìm thấy con đường phù hợp nhất với bản thân là sự lĩnh hội cao nhất của giáo dục.” Doanh nhân khuyên các bậc cha mẹ, rằng không nên áp một chuẩn mực nào đó để đo lường con em mình, mà nên biết được khả năng đặc biệt của con mình ở các lĩnh vực khác ngoài việc học, để tìm ra con đường phù hợp và hỗ trợ trẻ đúng cách.

Albert Einstein từng nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”. Hãy chấp nhận những thiếu sót của con để giúp mọi đứa trẻ đều có thể trở thành người hữu ích sau này.

Đọc thêm:

-Sách và giới siêu giàu

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: