Khi lướt qua TikTok hoặc xem tin tức địa phương, bạn sẽ thấy nhiều clip quay cảnh người ta đang dần mất đi phép lịch sự, khi đi mua hàng, lên máy bay hoặc xếp hàng tại các tiệm bán thức ăn.
Một cách để cha mẹ dạy trẻ cư xử là làm gương. Với lịch trình bận rộn của nhiều bậc phụ huynh, đôi khi nói dễ hơn làm, nhưng tính lịch sự rất dễ lây lan. Các nhà giáo dục gợi ý một số cách cư xử không thể thiếu để dạy trẻ trước khi bé lên chín.
Nói ‘làm ơn’ và ‘cảm ơn’
“Làm ơn” là từ quan trọng và việc nói ra khi yêu cầu điều gì đó giúp bạn đạt được điều mình mong muốn trong hầu hết mọi trường hợp. Nói “cảm ơn” là cách bày tỏ lòng biết ơn với ai đó. Hầu hết các bậc cha mẹ đều dạy điều này cho con mình rồi, nhưng có vẻ như trẻ dễ quên, nên cách tốt nhất để nhắc nhở con cái, là làm gương, bằng cách nói “làm ơn,” “cám ơn” với con mình.
Ví dụ: “Làm ơn dọn dẹp đồ chơi giúp mẹ nhé,” hoặc “cám ơn bé đã giúp mẹ dọn dẹp đồ chơi.”
Khi nhận được một món quà từ bạn bè hoặc người thân, nói “cảm ơn” cũng đủ tốt, nhưng thể hiện lòng biết ơn bằng một tấm thiệp hoặc lời nhắn thì còn tuyệt vời hơn. Viết lời cảm ơn cũng là một hoạt động thú vị cho con bạn.
Tránh ngắt lời
Chờ đợi để bắt đầu cuộc trò chuyện đòi hỏi sự kiên nhẫn đáng kể, một nghệ thuật mà ngay cả người lớn cũng cảm thấy khó khăn. Bằng cách giải thích rằng việc đợi đến lượt bản thân phát biểu sẽ ít gây thất vọng hơn và bảo đảm trẻ sẽ có thời gian như nhau, hãy giảm bớt một chút tình trạng ngắt lời thô lỗ.
Nói ‘xin lỗi’
Ai chẳng có lỗi, nên nói “xin lỗi” là bình thường, ngay cả khi bạn làm gì đó không đúng với con, bạn cũng phải xin lỗi con. Ví dụ “Hôm nay lẽ ra ba đưa con đi viện bảo tàng như đã hẹn, nhưng vì có cuộc họp đột xuất nên đành phải để tuần sau, ba xin lỗi con nhé.”
Đừng bình luận về ngoại hình của người khác
Trẻ con chưa phát triển được các kỹ năng xã hội để biết rằng trêu chọc về ngoại hình của ai đó là điều tuyệt đối không nên. Nên nhắc nhở con bạn là không nên bình phẩm về ngoại hình của người khác, và giải thích với con, rằng như thế là rất bất lịch sự.
Không chửi thề
Kỹ năng này khó thực hiện, đặc biệt kể từ khi con bạn bắt đầu lén xem phim PG-13 hoặc nghe bạn bè nói bậy ở trường. Nếu trẻ thắc mắc liệu một từ có được chấp nhận hay không, thử hỏi con bạn xem nếu ai nói từ đó, con có chấp nhận được không. Nếu không, hãy dạy con bạn đừng nói từ đó với người khác.
Khi bạn hỏi ai đó đang làm gì, họ sẽ trả lời nếu thấy thoải mái, nhưng cũng có khi người ấy không muốn nói. Vì vậy, khi ai đó cần sự giúp đỡ và hỏi, thì bạn hẵng hỏi, nếu không bạn sẽ bị coi là người tò mò.
Hỏi người khác xem họ có cần giúp đỡ không
Việc hỏi xem người khác có cần giúp đỡ hay không sẽ dạy trẻ về nhận thức, cách chủ động và tầm quan trọng của việc quan tâm đến người khác.
Xin phép
Hầu hết các gia đình đều có những vật dụng cần có sự cho phép, chẳng hạn như xem tivi hoặc sử dụng một số đồ chơi nhất định quanh nhà. Để tránh sự thất vọng, hãy dạy con bạn xin phép trước khi sử dụng một số đồ đạc.
Học thói quen gõ cửa
Gõ cửa và chỉ khi được phép mới bước vào phòng người khác, đó là phép lịch sự tối thiểu mà bạn cũng nên dạy con từ nhỏ.
Lịch sự trên bàn ăn
Trẻ cần được dạy khi ngồi trên bàn ăn phải như thế nào, ví dụ cầm muỗng nĩa đúng cách, đặt khăn ăn lên đùi, không đưa tay qua bàn để lấy thứ gì đó,… Khi trở thành thói quen, lớn lên, các bé sẽ làm y như vậy.
Ông bà ta nói đúng, “dạy con từ thuở còn thơ,” vì thói quen sẽ hình thành nhân cách, mà thói quen tốt cần được dạy khi còn nhỏ.