Có thể nói nếu không có mạng xã hội, người ta chẳng thể biết được có những chuyện tồi tệ không ai tưởng tượng được vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là với trẻ em như những vụ bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non bằng cách bóp cổ, tát, dúi đầu trẻ vào thùng nước (tại mầm non tư thục Phương Anh), hành hạ con gái riêng của người tình đến chết (tại chung cư cao cấp Sài Gòn Pearl), nay lại đến các giáo viên mẫu giáo lấy việc trừng phạt các học sinh làm trò tiêu khiển bằng cách quay lại clip và đưa lên mạng cảnh các em đeo cùm tay được “thiết kế” như những chiếc còng số tám, trên có ghi rõ “tội danh” của từng em một bằng giọng điệu mỉa mai, chỉ trích như “ăn chậm nhất lớp,” “ẻ nhiều nhất lớp,” “7g vào học 10g đến,” “thánh dỗi của lớp,” “sơ hở là khóc,” “bà tám của lớp,”…
Tôi cố gắng nghĩ rằng những giáo viên ở ngôi trường ấy đang còn trẻ, họ thực hiện “trò chơi” này và đăng lên mạng chỉ với mục đích duy nhất là câu view, câu like cho vui chứ không có ý gì khác. Mặc dù vậy, không biết có ai giống tôi không khi nhận ra cái ý giễu nhại, châm biếm, hằn học qua những bức ảnh này. Và cái trò chơi mà các cô quay clip lại và đưa lên mạng kia khiến người xem có cảm giác đây là một đòn trừng phạt dành cho các bé không ngoan (có thể kèm lời nhắn nhủ đến cha mẹ các bé) hơn là một trò vui giải trí đơn thuần.
Lôi thói hư tật xấu của một đứa trẻ ra bêu riếu trước bàn dân thiên hạ khi chúng không có khả năng nhận thức được nội dung cũng như mức độ ảnh hưởng của sự việc có thể xem là một hành vi độc ác, một trò đùa vô ý thức? Vì biết đâu hay khóc, dỗi, ăn chậm, “ẻ” nhiều… không phải là thói xấu mà có khi là những biểu hiện của một bệnh lý về thể chất hay tâm lý nào đó thì sao?
Trong khi một số ý kiến dễ dãi cho rằng đây chỉ là một trò vui, chẳng có gì để “chuyện bé xé ra to” thì đa số ý kiến còn lại (kể cả của những người công tác trong ngành giáo dục) đều cực lực lên án kiểu đùa vô ý thức, phản giáo dục này. Thậm chí có người còn tỏ thái độ gay gắt: “Nếu con, cháu mình bị như thế thì có thấy khó chịu không?” Chưa kể những người thực hiện clip còn lồng bài nhạc Những Bàn Chân Lặng Lẽ (nhạc nền trong phim Cảnh Sát Hình Sự) thì không thể nói đây chỉ là một trò đùa vô ý thức trong một phút vui vẻ, bồng bột.
Người ta bảo nghề giáo chỉ dành cho những ai yêu trẻ con, và nghề này được cho là vất vả so với một số ngành nghề khác. Nhưng thực tế là không phải giáo viên nào cũng chọn nghề này vì yêu trẻ. Không ít người chọn làm giáo viên chỉ đơn giản vì họ không thể hoặc không có khả năng làm hay chọn một nghề nào khác. Nếu gặp phải giáo viên là những người không thích trẻ con nhưng bắt buộc phải làm công việc này để kiếm sống thì những đứa trẻ không may ấy sẽ lãnh đủ sự hằn học, cay nghiệt của các giáo viên trút xuống đầu mình khi họ bị áp lực gì đó, không vui hay gặp lúc khó ở trong người. Vì đồng tiền mà phải làm công việc họ không thích, không có đam mê nên lúc khó khăn họ dễ xả lên những đứa trẻ với tất cả sự khó chịu, nhất là những đứa trẻ không ngoan, hay quấy khóc, khó nết ăn. Ngay cả với con ruột của mình, tôi cũng từng thấy nhiều người (cả đàn ông lẫn phụ nữ) ngán khoản chăm con nít, nhất là lúc cho chúng ăn, dỗ ngủ, đi vệ sinh… nên họ khoán trắng những khoản này cho ông bà nội, ngoại, người giúp việc và chỉ chơi với con mình khi chúng đã được cho ăn no, tắm rửa sạch sẽ, thơm tho.
Tôi không dám nghĩ những người đang mang trên mình trọng trách “trồng người,” đào tạo những người chủ tương lai của đất nước mà lại có những hành vi phi giáo dục dã man đến thế. Hơn cả sự phẫn nộ, hơn cả sự phản đối, tôi cho rằng trò chơi này (nếu đây thực sự là trò chơi của những người được gọi là “giáo viên” kia) nên được gọi tên là “nhục hình” mới đúng bởi nó thể hiện sự độc ác và tàn nhẫn khi đối tượng chính của họ là những đứa trẻ ngây ngô và đáng thương chưa đủ khả năng để nhận thức. Và chính vì còn quá nhỏ, những đứa trẻ trong những bức ảnh phản cảm ấy đã không thể phản kháng trước những kẻ đang biến mình thành trò đùa, nhạo báng.
Sự việc này nhắc tôi về vô số sự việc tương tự đau lòng khác trong đó trẻ em (học sinh, trẻ mầm non, trẻ sơ sinh) là nạn nhân của những hành vi tàn độc, dã man khác nhau từ những người lớn được cả xã hội trân trọng gọi là “thầy, cô.” Những sự việc như thế thiết nghĩ không thể xảy ra trong một xã hội văn minh, nơi mà người ta luôn ra rả đề cao quyền trẻ em, tổ chức rình rang để kỷ niệm một ngày dành riêng cho trẻ em trong tháng sáu và có hẳn những năm lấy trẻ em làm chủ đề để chăm sóc, bảo vệ và tôn vinh.
Trẻ em như búp trên cành. Các búp măng non lại được chăm sóc, dạy dỗ bởi những con người độc ác, cay nghiệt như thế này thì khi trưởng thành sẽ ra sao? Kể cả khi cho rằng đây chỉ là một trò vui đi nữa thì việc đem hình ảnh trẻ em ra để câu view, câu like khi chưa được sự cho phép của những người giám hộ chúng đã là một sự xâm phạm quyền riêng tư. Chưa kể việc bêu riếu khuyết điểm của các cá nhân là những điều không nên xảy ra, nhất là với những người đang khoác áo của ngành giáo dục và những đứa trẻ!
Về phía “khán, thính giả,” những cư dân mạng thông thái và văn minh, bắt gặp những video clip như thế này, mọi người cần có động thái phản kháng tích cực với những “nhà sáng tạo nội dung” – tác giả của clip, báo cáo cho đội ngũ quản lý để họ ngưng phát tán hay ít ra cũng để nhắc nhở họ những nội dung độc hại như thế không nên được “viral” rộng rãi trong cộng đồng. Nếu cần thì cũng nên tước quyền sử dụng mạng của họ trong một khoản thời gian nào đó để răn đe!