Giáo dục Mỹ: Hiện tượng học sinh không đến trường

Minh họa: jeremy-bishop-unsplash

Tình trạng học sinh vắng mặt ngày càng tăng buộc những người có trách nhiệm phải suy nghĩ cách đổi mới trường học và những yếu tố liên quan để học sinh xem việc bước vào cửa nhà trường là điều cần thiết.

Đại dịch coronavirus khiến học sinh phải nghỉ học nhiều tháng liền. Nghỉ riết thành… quen nên sau khi hết dịch, nhiều em vẫn chưa muốn quay trở lại. Vắng mặt kinh niên không phải là vấn đề mới ở Hoa Kỳ. Số học sinh nghỉ học đã phá kỷ lục trong năm 2020 với hơn 10% không đến lớp trong một niên học. Tình hình đang được cải thiện thì Covid-19 xuất hiện, phá vỡ tất cả công sức.

Một ước tính vào năm ngoái cho thấy số học sinh vắng mặt thường xuyên đã tăng gấp đôi, lên 16 triệu (tương đương 33% học sinh trên toàn quốc) so với tám triệu trước đại dịch. Theo một báo cáo gây sốc gần đây – dẫn lại từ The Washington Post, tại Washington DC có đến 48% học sinh không đến lớp, tăng từ 29% cách đó ba năm. Rõ ràng, ảnh hưởng giảm dần của Covid-19 trong cuộc sống hàng ngày đã không đảo ngược được các xu hướng phát triển ở đỉnh điểm của dịch, từ làm việc từ xa đến không đến lớp.

Nguyên nhân của việc học sinh bỏ lớp thường xuyên (cả vắng mặt có lý do và không có lý do) không rõ ràng nhưng rất đáng quan tâm. Theo hầu hết chuyên gia, những học sinh vắng mặt kinh niên trong những năm đầu tiên đi học sẽ gặp khó khăn trong việc đọc (read) vào cuối lớp hai hơn so với các bạn cùng lớp. Những học sinh vắng mặt kéo dài đến cuối lớp ba có nguy cơ bỏ học cao gấp bốn lần học sinh khác.

Minh họa: joshua-hoehne-unsplash

Đến lớp chín, một nghiên cứu cho thấy, mỗi tuần một học sinh nghỉ học sẽ giảm khoảng 20% cơ hội tốt nghiệp. Khi các trường tập trung vào những việc cần làm ngay để kéo học sinh trở lại lớp, họ cũng nhận thức được những việc không nên làm, ví dụ trừng phạt. Nghiên cứu cho thấy trừng phạt gây tổn thương nhiều hơn là hữu ích. Đe dọa học sinh hoặc phụ huynh bằng hành động pháp lý (như phạt tiền và tòa án), chỉ khiến các gia đình rời bỏ học khu. Rất may, giải pháp đó không còn được dùng.

Tuy nhiên, một số địa phương vẫn áp dụng hình phạt đình chỉ dù trừng phạt nghỉ học bằng cách bắt chúng nghỉ học nhiều hơn được xem là phản tác dụng. Thách thức cốt lõi đặt ra là: Phải làm sao cho học sinh hiểu tầm quan trọng của “cần phải đến trường”. Trong nhiều trường hợp, trẻ nghỉ học thường xuyên là do một số khó khăn khách quan. Ví dụ các tuyến xe buýt trường học không dừng gần nhà; phải đi bộ qua các tuyến phố mất an toàn; nghèo đói, vô gia cư; và trong một số trường hợp, bị bệnh! Thêm vào đó, một số học sinh không dám đi học vì sợ bị bắt nạt hoặc tin rằng không thể bắt kịp bạn bè sau thời gian cách ly Covid.

Giải quyết những thách thức này phải bắt đầu bằng việc tìm ra nguyên nhân cho từng học sinh. Hiện nay, theo yêu cầu của Quốc hội liên bang, các tiểu bang đang theo dõi tình trạng học sinh vắng mặt kinh niên. Một số tiểu bang, trong đó có Virginia, áp dụng việc theo dõi này cùng với điểm kiểm tra để đánh giá chất lượng trường học. Dữ liệu theo dõi (được thu thập và phân tích cẩn thận) được những người ủng hộ xem là “công cụ chẩn đoán” hữu hiệu, không chỉ để xác định vấn đề mà còn giải thích các nguyên nhân khác nhau của hiện tượng học sinh không đến trường.

Dữ liệu liệt kê các lý do dẫn đến việc học sinh không đến trường cũng như xu hướng nhân khẩu học tại địa phương. Thông tin được thu thập trong thời gian thực cho thấy số buổi học bị bỏ lỡ vào đầu năm thường là dự báo đúng về số buổi học sẽ bị bỏ lỡ vào cuối năm. Kết quả điều tra có thể giúp các trường tìm ra giải pháp phù hợp. Một số giải pháp khá đơn giản: Nếu học sinh sống trong một khu dân cư “đặc biệt” không đến trường, hãy thêm một trạm xe buýt mới hoặc tổ chức các nhóm đi chung có người lớn đi kèm đến trạm.

Nhưng đôi khi giải pháp là tiếp cận từng em, gọi điện thoại khuyến khích phụ huynh và thầy cô đến thăm gia đình nếu tình trạng nghỉ học kéo dài. Một chương trình đến tận nhà như thế được tiến hành rất tốt ở tiểu bang Connecticut nhờ khoản ngân sách $10.7 triệu trích từ gói cứu trợ Covid của tiểu bang. Nó đã giúp cải thiện tỷ lệ đến lớp khoảng 10% trong số học sinh tham gia chương trình.

Việc giải thích cho cha mẹ biết hậu quả của việc nghỉ học cũng cần thiết. Ví dụ học sinh bỏ lớp thường xuyên thiếu bao nhiêu điểm so với các bạn đến lớp. Nhưng có một “mẹo” khác để giữ trẻ đến trường: Biến trường học thành nơi trẻ muốn đến. Chắc chắn, phương pháp này không hề dễ dàng vì ngay cả một giáo viên dạy toán hấp dẫn nhất cũng không thuyết phục được hầu hết học sinh rằng việc tìm độ dốc của một đường cong thú vị hơn những trò chơi khác!

Tuy nhiên, có những cách thu hút học sinh đã được chứng minh đạt kết quả cao. Ví dụ tổ chức các lớp học phù hợp văn hóa chủng tộc; dành thêm thời gian thư giãn bằng các hình thức giải trí, thể thao hoặc làm đồ thủ công; cung cấp bữa sáng miễn phí ở những khu vực thường thiếu thực phẩm; cung cấp dịch vụ giặt ủi miễn phí tại các trường có nhiều học sinh nghèo đến lớp trong bộ quần áo bẩn. Nâng cấp cơ sở vật chất cũng giúp ích. Nhiều học khu dùng tiền cứu trợ Covid để nâng cấp và sửa sang cơ sở sau khi một nghiên cứu cho thấy học sinh thích đến lớp hơn khi hành lang sáng sủa, gọn gàng với không khí trong lành.

Tuy nhiên, giải pháp lý tưởng nhất để giúp giảm tình trạng vắng mặt thường xuyên của học sinh qua nhiều lớp, nhiều năm vẫn là đổi mới triệt môi trường học tập để học sinh thấy hào hứng mỗi khi bước vào cửa lớp, gặp bạn bè và thấy cô.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: