Hãy thôi hỏi “Hôm nay con đi học thế nào?”

(minh họa: Unsplash)

“Con đi học thế nào?” và “hôm nay ở trường ra sao?” là hai trong số những câu hỏi, mà theo các nhà tâm lý học, không phải là những câu hay nhất dành cho trẻ sau một ngày học tập ở trường.

Tiến sĩ Linda Papadopoulos, nhà tâm lý học, nói với CNBC: “Câu ‘hôm nay con thế nào?’ mang rất nhiều ngụ ý, nhưng nếu cha mẹ hỏi như vậy, cha mẹ hay nhận được câu trả lời: ‘Dạ bình thường!’, cho xong chuyện.”

Tiến sĩ tâm lý học trẻ em Martha Deiros Collado cho biết trong một email gửi tới CNBC: “Hầu hết người lớn đều muốn tắt máy sau giờ làm việc và nghỉ ngơi, thì trẻ em cũng vậy. Tâm trí của chúng cần được nghỉ ngơi và thường trọng tâm chính của chúng là ăn uống, giải trí, vui chơi và đánh một giấc, chứ không muốn nghĩ gì đến chuyện học hành nữa.”

“Trẻ em dành nhiều thời gian ở trường hơn là ở với cha mẹ trong suốt tuần và vì vậy việc đặt ra những câu hỏi này thường xuất phát từ sự tò mò,” theo Deiros Collado, tác giả cuốn sách sắp xuất bản, “How to be The Grown-Up: Why Good Parenting Starts with You.”

Collado nói: “Cha mẹ thường quên rằng, nếu có ai đó hỏi ‘dạo này công việc sao rồi?’ thì họ cũng sẽ trả lời ‘thường thôi!’, ‘ổn mà!’ nhưng với giọng càu nhàu và chán nản. Hãy lưu ý rằng, việc hỏi ‘con đi học thế nào?’ mỗi ngày sẽ trở thành một “thói quen lười biếng” và như vậy sẽ không có thêm thông tin nào hoặc kết nối mới giữa bạn và con bạn.”

Vậy phụ huynh nên nói gì khi đón con ở cổng trường? Collado khuyên, hãy kiên nhẫn và đợi cho đến khi con bạn sẵn sàng nói chuyện. Lúc này, hãy tập trung vào cảm giác khi gặp lại con bạn vào cuối ngày, để ý xem cháu vui vẻ hay buồn rầu, phấn khích hay lo lắng,… Sau đó gợi ý để con nói ra cảm xúc của chúng.

Ví dụ, nếu thấy con cười nhiều, bạn có thể nói “Chà, hôm nay trông con vui nhỉ! Có gì vậy con yêu?”, còn nếu nhìn thấy gương mặt chù ụ của con, thử hỏi: “Ô, con mẹ có chuyện gì không vui phải không? Kể cho mẹ nghe xem nào!” và chờ xem con bạn có “mở lòng” với mình không.

“Bằng chứng khoa học thần kinh cho thấy rằng việc nói lên một cảm xúc có khả năng giúp mang lại sự bình tĩnh cho cơ thể. Chỉ khi trẻ bình tĩnh và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình, chúng mới chịu nói chuyện một cách chân thành,” Collado nói.

Papadopoulos cũng khuyên bạn nên bình tĩnh, thay vì hỏi con mình về chuyện trong trường, ngay khi chúng bước vô xe, thì hãy đợi cho đến khi con ổn định, và nếu thoải mái, chúng sẽ tự kể cho bạn nghe, dù chuyện vui hay chuyện buồn của ngày hôm ấy.

(minh họa; Unsplash

Trước giờ đi ngủ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, khi trẻ đang trong tâm trạng thoải mái hơn. Đôi khi nhu cầu thư giãn trước khi đi ngủ là cơ hội tuyệt vời để nói chuyện, đặc biệt nếu bạn đang nằm cạnh chúng thay vì nói chuyện trực diện.

Với trẻ nhỏ, việc tham gia vào một hoạt động là cách để bắt đầu cuộc trò chuyện. “Lấy ra một ít nhựa dẻo, một cuốn sách tô màu hoặc một câu đố, rủ con tham gia và bắt đầu… “khai thác” bằng những câu hỏi bình thường nhưng gợi ý để con kể, chứ đừng hỏi như phỏng vấn, tra khảo.

Deiros Collado nói: “Nếu điều bạn muốn là nghe về một ngày của con bạn và kết nối với chúng, thì bạn phải bắt đầu từ chính mình, là kể chuyện gì xảy ra với bạn hôm đó, rồi mới hỏi ‘còn con thì sao?’, để chúng kể.”

Papadopoulos cũng khuyến khích cách đó, đưa ra mấy câu gợi ý để cha mẹ nói chuyện với con, như: “Hôm nay mấy chú trong văn phòng của ba cứ rần rần hà, mọi người rủ nhau mua vé số powerball, vì giải độc đắc chưa có ai trúng, mà lên tới cả tỷ rồi. Hey dà, con biết rồi đó, ba mua cho vui thôi, chứ đời ba chỉ có… trúng gió, chứ có bao giờ trúng số!” rồi sau đó mới hỏi: “Mấy bạn con có rủ nhau làm chuyện gì chung cho vui không? Kể ba nghe xem nào!”

Collado gợi ý với các bậc phụ huynh, hãy nói về điều gì đó khiến bạn cười, làm bạn ngạc nhiên, bạn gặp ai, hoặc ăn gì bữa trưa cùng mấy cô chú đồng nghiệp. Việc chia sẻ một ngày của bạn khiến con bạn có nhiều khả năng sẽ muốn “thốt” ra điều gì đó, mà chúng chưa tiện nói. Tránh bắt đầu bằng các câu hỏi có/không, vì bạn sẽ thường chỉ nhận được câu trả lời “có” hoặc “không”, mà cũng đừng hỏi “vì sao?”, vì chúng sẽ trả lời “Dạ con không biết.”. Thế là hết chuyện.

“Bạn cũng nên cố gắng giúp con mình tách cảm xúc ra khỏi sự thật,” Papadopoulos nói. “Nếu một đứa trẻ nói ‘Con cảm thấy mình học dở ẹc” thì sự thật không hẳn như vậy, mà có thể con chưa đạt được điểm như mong muốn, ví dụ 95/100 chẳng hạn. Và điều đó không có nghĩa là con ‘học dở ẹc’.”

Papadopoulos cho rằng nếu con bạn đang ở độ tuổi thanh thiếu niên, bạn cần phải nghĩ đến những vấn đề khác, trong đó, nhóm bạn của con bạn hết sức quan trọng đối với chúng. “Hãy chuẩn bị tinh thần rằng khi con bạn lớn lên, nhóm bạn đồng trang lứa của chúng thường sẽ là bến đỗ đầu tiên. Điều đó không có nghĩa là bạn bị ra rìa, mà chỉ là bạn cần tìm cách nói chuyện với con mình theo cách của chúng,” Papadopoulos nói thêm.

(theo cnbc)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: