Trường ‘bỏ quên’ môn nghệ thuật và âm nhạc, học sinh thiệt thòi!

Bài viết của Pedro Noguera & Louis Freedberg
(minh họa: Unsplash)

Vài thập niên qua, chương trình giảng dạy ở nhiều trường học chỉ tập trung vào các môn học chính mà “bỏ quên’ các môn nghệ thuật.

Trong khi đó, những môn học nghệ thuật lại khiến trẻ hào hứng nhất. Chẳng trách khi được hỏi: “Hôm nay đi học thế nào con?” Rất nhiều học sinh trả lời “chán phèo ạ”.

Học sinh sẽ không “chán phèo” nếu giáo dục nghệ thuật và âm nhạc được phổ biến rộng rãi hơn trong nhà trường. Tuy nhiên, trong vài thập niên qua, chương trình giảng dạy ở nhiều trường học đã bị thu hẹp, chỉ tập trung vào các môn học chính – chủ yếu là Toán và ngữ văn tiếng Anh, những môn được đánh giá trong các kỳ thi cấp tiểu bang.

Trước đây, các lớp mẫu giáo đều có một cây đàn piano, để “kéo” trẻ đến lớp, vì ở đó các bé được ca hát, vui chơi theo tiếng đàn của cô giáo. Bây giờ không còn được như trước nữa.

“Hôm nay đi học thế nào con?”- “Dạ, chán phèo ạ”. (minh họa: Unsplash)

Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ (American Academy of Arts and Sciences -AAAS), việc thu hẹp chương trình giảng dạy đã tạo ra “tình trạng khủng hoảng” trong giáo dục nghệ thuật.

AAAS thành lập Ủy ban Nghệ thuật do diễn viên nổi tiếng John Lithgow đồng chủ trì, có đưa ra một báo cáo có tựa đề Arts for Life’s Sake (Nghệ thuật vì lợi ích cuộc sống) để cảnh báo công chúng về sự thiếu vắng ngày càng tăng của nghệ thuật giáo dục. Đáng buồn thay, ủy ban nhận thấy rằng đại dịch đã “làm cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn theo cấp số nhân”.

Giờ đây, khi các trường học phục hồi trở lại sau đại dịch, nghiên cứu cho thấy rằng nên tiếp cận lại giáo dục nghệ thuật. Như John Lithgow nói trong podcast Sparking Equity vừa ra mắt, giáo dục nghệ thuật “khiến học sinh háo hức đến trường hơn, khiến các em có khả năng học hỏi cao hơn”.

Điều đáng buồn là học sinh da màu – đặc biệt là học sinh Da đen và La tinh – bị ảnh hưởng nhiều nhất khi không còn được học các môn nghệ thuật và âm nhạc – một phần lẽ ra không thể thiếu trong chương trình giảng dạy ở trường.

Các trường có đông học sinh thường có ít nguồn lực hơn và có nhiều khả năng phải chịu áp lực cải thiện điểm kiểm tra môn toán và môn đọc viết. Kết quả là các trường “bỏ quên” luôn các môn phụ, và coi đó là môn không cần thiết, chẳng hạn như nghệ thuật. Thậm chí trong nhiều trường còn không có giáo viên nghệ thuật.

Sự suy giảm đã xảy ra trong nhiều năm, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng phần lớn nguyên nhân là do luật No Child Left Behind law (Không để trẻ em nào bị bỏ rơi) năm 2001 – yêu cầu các trường đánh giá học sinh từ lớp Ba đến lớp Tám về Toán và đọc viết, và ít nhất một lần ở cấp trung học. Và vì thế, những môn không được kiểm tra, thì thường là không được dạy.

Những lo ngại về việc cải thiện thành tích môn Toán và đọc viết là điều dễ hiểu. Nhưng việc cắt giảm môn nghệ thuật có thể gây tác dụng ngược lại. Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Rice University phát hiện thông qua một nghiên cứu ngẫu nhiên có kiểm soát trên quy mô lớn, rằng việc tăng cường tiếp xúc với nghệ thuật trong trường học có “tác động đáng kể đến kết quả học tập và cảm xúc của học sinh”.

Nhà trường chú trọng hai môn Toán và Đọc-Viết. (minh họa: Unsplash)

Chứng minh điều đó là một nghiên cứu gần đây của Viện Trí tuệ và Sáng tạo (USC Brain and Creativity Institute – USC) cho thấy “trẻ em học một nhạc cụ nâng cao chức năng nhận thức… cải thiện khả năng sáng tạo và tự tin hơn, có sức khỏe tinh thần tốt hơn và ổn định về mặt cảm xúc hơn.”

Đạo luật Mọi học sinh đều thành công (Every Student Succeeds Act – ESSA) thay thế luật No Child Left Behind law năm 2015, lần đầu tiên liệt kê âm nhạc là một môn học độc lập riêng biệt mà các trường học dự kiến ​​sẽ đưa vào như một phần của “nền giáo dục toàn diện”. Điều đó có nghĩa là các trường học hiện có thể sử dụng Title 1 và các quỹ liên bang khác, cho cả giáo dục âm nhạc và nghệ thuật, bên cạnh các hỗ trợ cụ thể của tiểu bang.

California dẫn đầu về vấn đề này, với sự chấp thuận của cử tri vào Tháng Mười Một năm ngoái đối với Dự luật 28, sẽ rót thêm $1 tỷ vào giáo dục nghệ thuật trong tiểu bang – trong đó các trường phục vụ học sinh có thu nhập thấp sẽ nhận được nhiều hơn.

Tuy nhiên, ngoài nguồn tài trợ, điều cần thiết là một cái nhìn rộng hơn về nội dung chương trình giảng dạy ở trường.

Giáo dục nghệ thuật không chỉ là niềm vui, mà còn mang lại lợi ích giáo dục to lớn và cũng có thể giúp nâng cao kết quả học tập một cách công bằng.

Pedro Noguera là Hiệu trưởng Trường Giáo dục USC Rossier và là người dẫn chương trình podcast “Sparking Equity”. Louis Freedberg là Giám đốc Advancing Education Success Initiative (Sáng kiến Thúc đẩy Thành công trong Giáo dục) và là cựu Giám đốc điều hành EdSource.

(theo Ethnic Media Services)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: