Giọt Nước Mắt Thánh 

Di ảnh cha Nguyễn Văn Vinh, chụp ở nhà thầy Quyên Di

* Cổng Trời… 

Từ ngày ông bà cha mẹ rời miền Bắc 1954, mãi gần 70 năm sau, ngày 18 Tháng Hai, năm 2023, khi  tôi cũng gần nửa đời người, mới lần đầu tiên được về thăm quê cha đất tổ. 

Đáp xuống sân bay Nội Bài vào xế trưa. Hà thành bận rộn đông đúc hơn là tôi đã mường tượng.  Sau buổi chiều dạo quanh Hồ Tây, thăm các phố phường, thưởng thức vài đặc sản của Hà Nội,  chúng tôi lên xe có giường nằm để ngủ qua đêm, bắt đầu cuộc hành trình trở về cội nguồn của… yêu thương. 

Xe chạy suốt đêm. Nhìn ra ngoài chỉ toàn một màu đen xen kẽ những chấm đèn vàng. Mọi người  trên xe ai cũng có vẻ ngủ say,… Riêng tôi thì lòng lại cứ nôn nao bồi hồi khó tả! Từng vòng bánh  xe đang từng chút đưa chúng tôi đến những vùng tương lai mới lạ, nhưng cùng lúc, nhiều hình ảnh  của quá khứ như của chính mình… cứ nhoi nhóm lẫn lộn hiện về.  

Chúng tôi dừng lại ở Hà Giang và chuyển sang xe của tour riêng. Sẽ đi thêm 60 cây số nữa dọc  theo con sông Lô trong xanh và những đường zíc-zắc bên sườn núi để đến điểm thăm viếng đầu  tiên cách biên giới Trung Quốc khoảng 20 cây: Cổng Trời – Quản Bạ. 

Tôi cùng vài người bạn đã sắp xếp chuyến đi này từ nhiều tháng trước. Chúng tôi cố gắng chuẩn  bị mọi thứ chu đáo nhất có thể. Ngoài bản đồ và chi tiết của lịch trình luôn có sẵn trên điện thoại,  chúng tôi cũng tìm hiểu thêm về lịch sử và địa lý của từng nơi để đỡ phần bỡ ngỡ khi đến. Thế vậy  mà đã có những điều vô cùng diệu lạ, linh hiển diễn ra ngoài sự chuẩn bị của tất cả… 

* Duyên khởi… 

Trước chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam, tôi cần ghé ngang qua California dự một buổi lễ ra mắt  sách. Vì không có nhiều ngày nghỉ nên tôi chỉ ở California một ngày. Sau buổi lễ ra mắt sách, tôi  thu xếp đi thăm một vài người thân. 

Mùa Hè năm trước tôi đã may mắn được học khóa sư phạm Việt Ngữ online của trường Đại học California State Long Beach do thầy Quyên Di, cô Kim Oanh cùng một số cô thầy giàu kinh  nghiệm trong lãnh vực đảm trách. Sau khóa học, tôi nhận thấy mình đã vô cùng may mắn. Các  thầy cô thật giỏi và hết lòng. Nội dung khóa học quá đỗi phong phú và giá trị. Chúng tôi đã không  chỉ được học cách truyền đạt hướng dẫn tiếng Việt cho các em nhỏ mà còn được trau dồi kiến thức  về văn hóa, phong tục và ngôn ngữ Việt Nam. Vì học “online”, sau khóa học tôi được nhận bằng  tốt nghiệp qua bưu điện. Dù trên bằng có chữ ký của thầy cô và dấu mộc của trường đại học, tôi  vẫn cảm thấy chưa đủ và cứ nuôi nấng mong ước được diện kiến thầy cô và có vài hình kỷ niệm. 

Sáng sớm hôm ở California trước khi tiếp tục chuyến đi về Việt Nam, cùng lúc sắp xếp với những  người thân muốn đi thăm, tôi đã làm gan nhắn tin cho thầy Quyên Di để thử vận may nếu có thể  đến thăm thầy, vì thầy cũng ở không xa khu tôi đang có mặt. Và mong ước mà tôi đã ấp ủ bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. 

Hình chụp ở nhà thầy Quyên Di

Vừa bước chân vào nhà thầy, chưa kịp chuyện trò nhiều, bức tranh Đức Mẹ La Vang trên khoảng  tường lớn ở phòng khách nhà thầy đã chiếm trọn sự chú ý của tôi. Một bức tranh Mẹ La Vang đẹp  nhất từ nào giờ tôi được chiêm ngắm. Vị trí của tranh và khoảng trống xung quanh tạo nên một  không gian đầy trang nghiêm và vô cùng hoàn hảo. Tôi chuyện trò với thầy mà không ngớt trầm trồ về bức tranh và mọi chi tiết về Mẹ và cách thầy trưng bày. Thầy kể cho tôi nghe nguồn gốc và  những kỷ niệm về bức tranh. 

Sau khi thầy trò chuyện trò được một chốc, tôi xin chụp hình với thầy bên tranh Mẹ La Vang. Khi  bước gần đến bức tường treo tranh Mẹ, tôi nhìn thấy thêm hình những người thân của thầy để trên  tủ ngay phía dưới chân tranh, sắp xếp như tủ thờ. Từ phía tôi ngồi khi chuyện trò với thầy ở bàn  khách, phần tủ thờ này bị che khuất. 

Hình một người đàn ông trẻ trên tủ thờ lập tức đập vào mắt tôi. Khuôn mặt thật khôi ngô và ánh  mắt đầy cương nghị. Kiểu áo đen với cổ áo cao lên như gợi ý người trong hình là một linh mục.  Trong giây phút đó, tôi bỗng nhớ đến cha Trương Bửu Diệp mà hầu hết gia đình Công giáo nào  cũng có hình. Tôi bèn hỏi thầy Quyên Di người trên hình là ai.  

“Đó là cha Nguyễn Văn Vinh…”  

Vừa nghe thầy Quyên Di nói đến đó, anh bạn chở giùm tôi đi loanh quanh từ sáng sớm và chở đến  nhà thăm thầy, đã “ah” lên một tiếng và liền hỏi, “… Có phải cha Nguyễn Văn Vinh được nói đến  trong câu chuyện “Thằng Khùng” không vậy thầy?” 

“Đúng rồi, là Cha Vinh đó!” thầy Quyên Di đáp. 

“Ồ, vậy đây là hình Cha Vinh. Bữa trước con chỉ đọc được chuyện kể về cha và thấy một bức  hình chụp từ xa chứ không thấy hình cha rõ như vầy.” Anh bạn tỏ ra hớn hở, nói tiếp, “…Cha Vinh  nói tiếng Tây rào rào, thuộc lòng những tác phẩm của văn hào Voltaire…” 

Anh bạn này là người lương và tôi là người Công giáo. Vậy mà anh ta có vẻ biết khá rõ về Cha  Vinh trong khi tôi còn đang mù mờ lục lọi trong mớ trí nhớ. Chưa, tôi chưa từng nghe qua tên Cha Nguyễn Văn Vinh! Tôi không hề biết về Ngài. Trong đầu tôi bắt đầu tuôn ra một loạt các câu hỏi.  Tại sao lại “thằng khùng”? Rõ ràng thấy Ngài khôi ngô quá kia mà? Mà sao thầy lại có hình Cha  Vinh và có vẻ như đang thờ nữa chứ! Tôi tới tấp hỏi thầy bao thắc mắc. 

Chụp hình xong, thầy trò trở lại bàn ngồi và thầy kể lại vài chi tiết nổi bật về Cha Vinh cho hai  anh em chúng tôi nghe. 

“Cha Vinh là bác của thầy. Mẹ của Cha Vinh và bà ngoại của thầy là hai chị em. Mẹ Cha Vinh chỉ  có một mình cha. Bà ngoại của thầy chỉ có một mình mẹ của thầy…”

Di ảnh cha Nguyễn Văn Vinh, chụp ở nhà thầy Quyên Di

* Một người Việt tài ba, yêu nước, thương dân… 

Dù Cha Vinh tu học ở Pháp những 17 năm và thấm nhuần văn hóa Pháp, nhưng cha luôn có  tinh thần yêu nước. Cha rất độc lập, không nệ Pháp, không lệ thuộc chính sách thực dân. Cha Vinh  rất thương người bị ức hiếp nên hay có chuyện với người Pháp nào có thái độ hay hành động thực  dân với dân Việt. (3)

Điều này dân Hà Nội trước 1954 đều biết và nghe nói. Hơn một lần Cha đã cự lại những lính lê  dương Pháp đi xe người Việt kéo mà định ăn quỵt. Gặp trường hợp như thế, Cha xuống xe đạp và  chặn người lính Pháp và bắt phải trả tiền sòng phẳng.  

Đặc biệt phải kể tới chuyện đụng độ với Thống tướng De Lattre de Tassigny, viên Toàn quyền Pháp  tại Đông Dương vào Hè 1952. 

Nhà thờ Lớn Hà Nội tổ chức lễ an táng cho Trung úy Bernard de Lattre de Tassigny, con trai của  Tướng De Lattre de Tassigny, tử trận tại Hồi Hạc, Ninh Bình (gần núi Non Nước bây giờ). 

Vấn đề chỗ ngồi danh dự và treo cờ Pháp trong thánh lễ đã trở thành vấn đề lớn. Phía Chính quyền  Pháp đòi ghế số 1 là dành cho viên Toàn quyền, số 2 dành cho Thủ tướng Chính phủ Quốc gia  Việt Nam. Trong thánh lễ, tướng De Lattre kiêu căng đòi đặt ghế của ông trên cung thánh và bắt  chuyển ghế của Trần Văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam xuống dưới lòng nhà thờ. Lập trường của  Cha Vinh, chính xứ Nhà thờ Lớn: Tướng De Lattre de Tassigny chỉ toàn quyền với quân đội Pháp,  chứ không có quyền đối với người Việt Nam, đất nước Việt Nam. 

Linh mục chính xứ được mời tới dinh Toàn quyền. Có linh mục Trần Văn Mai cùng đi. Cuộc gặp  gỡ rất căng thẳng. Đôi bên không ai thay đổi lập trường. Tướng De Lattre rất tức giận, gọi Cha  Vinh đến, đập bàn quát tháo, đe dọa. Khi viên Toàn quyền Pháp, vị anh hùng nước Pháp từ Thế  chiến thứ II vừa nói xong, Cha Vinh quyết không nhượng bộ đã đập bàn đứng dậy lớn tiếng đáp  lại: “Thưa ngài Đại tướng, ngài thốt ra những lời như thế không xứng danh một vị tướng, lại càng  không xứng danh hiệu anh hùng Pháp Quốc!” (3) 

Những điều này không làm tôi ngạc nhiên, ngược lại chúng đã giải thích sự cương nghị và can  trường mà tôi đã nhìn thấy rõ trong ánh mắt của Cha Vinh ngay giây phút đầu nhìn thấy ảnh của  Ngài. 

Vị Thủ tướng tự nguyện thoái lui trong vụ tranh cãi. Sau đụng chạm đó, để tránh căng thẳng, Đức cha Trịnh Như Khuê đã chuyển Cha Vinh về làm Giáo sư của Tiểu chủng viện Piô XII, phụ trách  Anh văn, Pháp văn, âm nhạc, triết học. Ngài cũng giảng dạy Văn Triết ở trường Chu Văn An. (2) 

Dù Cha Vinh đã khiêm tốn và vâng phục lời đề nghị của Đức Giám mục “để phục vụ thiện ích hòa  bình” (3) chúng ta đã có dịp thấy rõ hành động kiên quyết của một người hùng. Dám can cường  giữ vững lập trường, bảo vệ giá trị và tự trọng dân tộc, danh dự quốc gia.  

Tôi muốn được nghe thêm nhiều chuyện về cha Nguyễn Văn Vinh nữa. Chỉ qua vài chuyện mà đã  cảm thấy cảm phục và kính trọng Ngài hết sức.  

Anh bạn cùng ngồi nghe thầy kể chuyện, thỉnh thoảng chen vào vài chi tiết, “Cha bị đày mười hai  năm tù ở Cổng Trời và chết trên đó.” Tôi chưa nguôi thắc mắc lại thêm thắc mắc.  

Tôi muốn biết thêm về “Thằng Khùng”. Từ đâu ra cái tên đó? … nhưng thời gian thăm thầy Quyên  Di có hạn. Anh em chúng tôi gói ghém buổi chuyện trò đã hai ba tiếng và xin chào thầy ra về.

* Chuyến bay dài, khám phá về “Thằng Khùng” 

5 giờ sáng hôm sau tôi lấy máy bay về Việt Nam. Tôi đã tìm được một số bài viết từ các nguồn TGP Saigon, TGP Hà Nội, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), VietCatholic, và một số  trang khác… kể về cuộc đời Cha Vinh: Những chi tiết về thời gian cha du học bên Pháp, những  đóng góp quan trọng phục vụ Giáo hội và dân tộc Việt Nam, kể cả phần cuối cuộc đời của ngài…  Tôi lưu lại sẵn trên điện thoại các bài viết đó để dành đọc trên chuyến bay dài.  

Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, DOCAT (3) đã kể lại, “Tôi nghe nhiều người, đặc biệt  Cha Matthêu Trần Trinh Khiết kể như thế này. Sau khi chịu chức linh mục, trong thời gian học  Hàn lâm Viện Quốc gia Âm nhạc Pháp, Cha Vinh có tham dự kỳ thi violon toàn nước Pháp. Kết quả, Cha chính Vinh đoạt giải nhất. Thế nhưng sáng hôm sau thấy thông báo cha đứng thứ  nhì. Sau mới biết nội bộ Ban tổ chức có phản ứng rằng: “Một kẻ dân thuộc địa không thể đứng  nhất được, phải là công dân Pháp chính thức!”. Cha Vinh đã không đi dự và không nhận bằng cấp. 

Năm 1954, Đức cha Trịnh Như Khuê cho phép Cha Vinh và Cha Nhân đưa chủng sinh vào Nam, nhưng cả hai đều xin ở lại sống chết với giáo phận Hà Nội, dù biết hoàn cảnh thời điểm đó đầy  khó khăn, nguy hiểm. Đức cha Khuê bổ nhiệm Cha Vinh làm Cha Chính, kiêm Hiệu trưởng  trường Dũng Lạc. 

Trong thời gian Cha Vinh đang làm Hiệu trưởng trường Dũng Lạc, nhà nước ra chỉ thị phải treo  ảnh lãnh tụ thay vào ảnh Thánh giá ở các lớp học và ra lệnh phải đọc công khai chỉ thị mới trong  nhà trường và nhà thờ. Trung thành với tinh thần sắc lệnh tôn giáo về qui chế tư thục, Linh mục  Nguyễn Văn Vinh, với tư cách là cha Chính (tổng đại diện) địa phận Hà Nội, Chính xứ nhà thờ lớn  Hà Nội, đã không cho công bố sắc lệnh này ở nhà thờ, không tháo gỡ thánh giá, không treo ảnh  lãnh tụ, và không chào cờ đỏ sao vàng, thay thế. Thế nên năm 1957, trường bị đóng cửa. 

Thời bấy giờ, Đại học Y khoa Hà Nội thiếu giáo sư, nên đã đề nghị Đức cha Khuê cử Cha Vinh  đến trường dạy La-tinh. Nhiều sinh viên cảm phục Ngài. Một hôm, Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung  Quốc đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông nói với đoàn tháp tùng:  “Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại học quốc gia ư?” Ít lâu sau trường Đại học Y khoa  không mời cha dạy nữa. (1) 

* **

Chuyến bay từ California về Việt Nam dài hơn hai mươi giờ. Tôi lần lượt đọc hết các bài và đọc  đến “Thằng Khùng – Thanh Ngang Trên Thập Tự Giá” do nhà văn Phùng Quán ghi theo lời kể của  bạn ông, nhà thơ  Tuân Nguyễn, người bạn tù ở Cổng Trời của Cha Vinh.  

Mỗi chúng ta ai cũng có những trải nghiệm đức tin riêng và có tự do chọn lựa muốn tin những gì: Dựa  vào những gì được cung cấp, hay dựa vào những gì tìm hiểu, hay tự chứng nghiệm… v. v. Những chi tiết về tù nhân thằng khùng trong bài viết “Thằng Khùng” với số kiến thức sâu rộng về  tiếng Pháp và văn hóa Pháp, với những phẩm cách của một người linh mục, vẫn tính can trường  khi bị đe dọa hay mua chuộc… và cũng cùng khoảng thời gian Cha Vinh bị tù đày ở Cổng Trời,  tôi chọn tin người tù “thằng khùng” do nhà văn Phùng Quán ghi theo lời kể của nhà thơ Nguyễn  Tuân chính là cha Gioan Baotixita LaSan Nguyễn Văn Vinh. 

Bản thân cũng đã từng “bày đặt” là tù nhân với tội vượt biên khi lên mười tuổi. Thời gian ba tháng cho tôi đủ khái niệm thế nào là ở tù. Nhiều người thân trong gia đình quyến thuộc cũng là những  tù nhân dài hạn, dưới mười năm có, trên mười năm có, ở những vùng rừng sâu nước độc. Những  địa danh quen thuộc mà gia đình tôi thường nhắc đến là Lào Cai, Yên Bái, Gia Trung, Nghệ Tĩnh,  Hàm Tân Z 30D,… 

Đọc những dòng chữ trong bài “thằng khùng”, hình ảnh mỗi  lần cùng bà và mẹ đi thăm nuôi người thân như sống lại và hiện về. Tôi có thể dễ dàng hình dung cảnh sống của Cha Vinh và những tù nhân ở Cổng Trời. Nhiều đoạn văn làm tôi ray rứt, xót xa, xúc động. Tại sao một người thông thái, yêu nước, thương dân, thương người… lại bị tù đày đến chết như vậy?!  

Để bài viết này không quá dài, tôi xin không trích chi tiết vụ  đụng chạm với chính quyền ở Hà Nội hồi Noel 1958 khiến  Cha Vinh bị chịu án 18 tháng tù, với tội danh: “Vô cớ tập hợp  quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân” (!), theo chia sẻ của HĐGMVN. Xin quý vị vui lòng theo đường dẫn trong phần phụ lục phía dưới để xem thêm chi tiết. 

Tuy nhiên vụ đụng chạm Noel 1958 này khiến chúng ta nhớ  đến vụ đụng độ với Thống tướng De Lattre de Tassigny năm 1952. Với hai kết quả khác nhau, dù trước hay sau, Cha Vinh vẫn luôn can trường, kiên quyết bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải, không chịu khuất phục trước cường quyền. 

Sau phiên tòa, Cha Vinh bị đưa đi giam ở Hỏa Lò, sau bị chuyển đi nhiều trại giam khác như Chợ Ngọc, Yên Bái, cuối cùng là trại Quyết Tiến ở “Cổng Trời”, nơi dành riêng cho các tù nhân tử tội. 18 tháng biến thành 12 năm. 

Khi Cha Vinh mới đến trại Yên Bái, Ngài còn được ở chung với các tù nhân khác. Nhiều giáo dân,  chủng sinh, tu sĩ đến xin cha giải tội, vì thế Ngài bị kỷ luật, phải biệt giam, bị cùm chân trong xà  lim tối. Mấy tháng sau được ra, Ngài lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi: “Tại sao bị cùm, bị kỷ luật,  được ra, anh tiếp tục phạm quy?”

Ngài đáp: “Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn  phận mình!” (1) 

* Thằng Khùng 

Xin trân trọng trích vài đoạn trong những gì nhà văn Phùng Quán đã viết lại theo lời kể của Nguyễn  Tuân, bạn tù của Cha Vinh: 

 “… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người  thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều  thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong  độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác  anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại,  bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể  ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một  cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn  đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương. 

Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị  câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta  chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi  chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người  anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định  bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào  cung kính. Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương  anh ta. 

Những trại viên được gia đình tiếp tế, người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh,  người cho điếu thuốc. Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không  ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi “thằng  khùng” (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào,  kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau.  Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng  queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ. 

Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút  trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn  bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan  được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông  vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một  khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn  lên trán người tù chết, và bật khóc. Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người  đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất  cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy.  

Một lần giám thị trại gọi anh ta lên: 

– Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy? 

Anh ta chắp tay khúm núm thưa: 

– Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong  hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích  được. 

Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng  mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta  chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ  giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta  chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lì  lợm, chai sạn, “đầu chày, đít thớt, mặt bù loong” cũng phải rơm rớm nước. Chỉ có nỗi đau  đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất  nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn  lao của bậc đại hiền?…” (4) 

* 

Tôi chưa hề ra Bắc nên tên các địa danh ngoài này hoàn toàn mới lạ. Khi đọc các bài viết về Cha  Vinh và thấy tên “Cổng Trời”, tôi đã ngờ ngợ hình như đây là một trong những nơi mình sẽ viếng  thăm. Trên máy bay, tôi lục soạn lại lịch trình và tra tên trên bản đồ để xem Cổng Trời – Quản Bạ  trong tour có phải là Cổng Trời nơi Cha Vinh đã sống những ngày cuối đời không.  

Một cái gì đó đã nói với tôi rằng không phải tình cờ mà tôi đã quyết định ghé ngang California trước khi về Việt Nam, để từ đó muốn đi thăm thầy Quyên Di, và sau đó được biết về Cha Vinh.  Miền Bắc có khá nhiều danh lam thắng cảnh và có rất nhiều các gói du lịch được tổ chức sẵn. Vì  thời gian ở Bắc không nhiều để đi những gói cố định này, chúng tôi đã tự tạo tour riêng và “tự  nhiên” lại chọn Hà Giang, Quản Bạ, Đồng Văn, Lũng Cú, Nho Quế… những địa danh nằm ở cuối  danh sách 20 địa điểm du lịch đẹp và nổi tiếng ở miền Bắc phải đi một lần trong đời. 

* Những điều diệu lạ, linh hiển…  

Về đến Sài Gòn, tôi thăm người thân và làm vài việc cần rồi lên đường ra Bắc. Tôi giựt mình khi  bất ngờ khám phá: Ngày bắt đầu chuyến đi Bắc của chúng tôi, 18 Tháng Hai, cũng đúng ngày giỗ của Cha Vinh. Cha mất ở trại tù Quyết Tiến, Cổng Trời – Quản Bạ, ngày 18 Tháng Hai 1971.  

Tôi bắt đầu để ý hơn những chi tiết liên quan đến Cha Vinh đến trong suy nghĩ của mình. 

Không muốn xáo trộn chuyến đi cùng với các bạn nên tôi vẫn theo lịch trình như đã đặt từ những  tháng trước. Song, trong lòng vẫn âm thầm cầu nguyện với Cha Vinh và mong ước sẽ tìm lại được  dấu vết sống của Ngài. 

Xe đến Cổng Trời – Quản Bạ và dừng lại cho chúng tôi xuống ngắm cảnh và chụp hình. Trong  cái không gian bao la hùng vĩ, bên dưới những màu nâu đỏ của đất đá và màu xanh của cỏ cây  sông nước, nhiều điều như hiện lên. Song, cùng lúc, tôi lại cảm nhận một cái gì đó lớn hơn như  đang bao phủ. Tôi nhận ra một tình yêu thương rộng lớn hơn những tội lỗi, kiêu ngạo, và sự tự  mãn của con người.  

Người ta nói rằng ngay khi lãnh nhận bản án 18 tháng tù ngồi, Cha Vinh vẫn giữ thái độ an nhiên,  không tỏ ra buồn bực, tức giận hay oán hận. 

Tôi như nghe bên tai lời Cha Vinh nói với người bạn tù, “Tuân ở lại, mình đi đây…” Các con ở  lại, cha đi đây! Cha như thương cảm chúng ta! Thưa vâng, cha đi! 

Từ những vách núi của Cổng Trời nhìn xuống, tôi đã ước phải mà mình có thể rời đoàn và đi được  vào nơi ấy. Chắc chắn phải cần người dẫn đường để vượt ruộng nương đồi núi. Tôi mường tượng mình len lỏi vào trong những con đường mòn nơi Cha Vinh và những bạn tù đã từng đi qua. Tôi  muốn tìm lại nơi thân xác Cha Vinh đã hòa vào đất mẹ. Mộ của cha ở đâu, cha ơi? Tôi bỗng nhớ  lại hình ảnh mộ phần của ông bà cố của mình ở ven một thửa ruộng trong Hà Tây, nước đã ngập  tràn lên trên, chẳng còn hình hài hay dấu vết một nắm mồ. 

Bất chợt, tôi ngưng theo đuổi suy nghĩ tìm mộ cha trong khu rừng. Tôi lại tự nhủ lòng, hãy đi thăm  nơi cha đã được sinh ra. Chắc chắn nơi đó sẽ có nhiều hình ảnh an bình, hạnh phúc.  

Tôi đứng nhìn trời đất thênh thang và lại thầm  cầu nguyện Cha Vinh hãy  giúp cho tôi thực hiện được ý nguyện này.  

Chuyến đi Bắc này của tôi đã hi hữu, ngay cả việc tôi  đang đứng ở Cổng Trời và chỉ biết đến cha khoảng một tuần qua. Lịch trình lại san sát. Thành ra tôi  vẫn chưa thể hình dung  chuyện đi thăm quê nhà của cha có thể diễn ra như  thế nào. 

Cảnh Khánh Vân chụp xuống từ điểm dừng Quản Bạ – Cổng Trời

* Khi trở lại xe để tiếp tục cuộc hành trình, tôi tìm đọc lại những gì đã đọc trước đó và ráng tìm  thêm những bài viết khác nói về quê của cha. Và dường như Cha Vinh lại dẫn dắt. Tôi tìm thấy  thông tin:  

… Tù nhân trong trại được lệnh đem xác cha đào hố chôn ở một khoảnh rừng gần đó. Năm 1971,  khi Ngài từ trần không ai được biết. Một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức Cha Khuê và cha  Cương quản lý Nhà Chung: “Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh!” Về sau, người làng Ngọc Lũ đã tìm cách đào nấm mồ chôn xác Ngài. Người ta thu lượm được một  phần mùn di cốt và mảnh y phục mà Ngài mang khi qua đời, rồi đem về, bảo quản, tôn sùng tại  nhà thờ Ngọc Lũ. (1,5) 

Tôi chỉ có ý xác định cho rõ quê nhà của cha nhưng bài viết đã có luôn cả thông tin di cốt của Ngài hiện ở nhà thờ Ngọc Lũ, Nam Định. Tôi mừng quá lại lính quýnh dò lịch trình và tra bản đồ xem  nhà thờ Ngọc Lũ ở đâu, có bao nhiêu nhà thờ Ngọc Lũ. Tôi tìm ra được trang Facebook của Giáo  xứ Ngọc Lũ và tìm được vài bài nói về di cốt của Cha Vinh. Tôi xem được một số hình ảnh của  giáo xứ và có thể hình dung vị trí bàn thờ của cha bên trong nhà thờ. Vậy là tôi đã biết nhà thờ  Ngọc Lũ nằm ở khoảng vùng nào. 

Theo lịch trình của tour thì chúng tôi sẽ về lại Hà Nội độ ba bốn giờ sáng và sáng sớm ra sẽ có xe  đón đi thăm danh lam thắng cảnh vùng Ninh Bình. Dù mong muốn hết sức, tôi không thấy có khả  năng đến được nhà thờ Ngọc Lũ vì Giáo xứ Ngọc Lũ, Bình Lục thuộc Nam Định, không nằm trên  đường đi. Nếu có muốn đi riêng khi về lại Hà Nội cũng không thể vì nhà thờ Ngọc Lũ cách Hà  Nội tới 90 cây số. Sẽ không đủ thời gian để đi và về trước khi xe tour đến đón lúc 7 giờ rưỡi sáng.  Xe tour lớn này sẽ phải đi vòng quanh Hà Nội đón nhiều nhóm khách và sau đó đưa mọi người  cùng ra Ninh Bình, để có mặt ở điểm thăm viếng đầu tiên lúc 9 giờ sáng.  

Tôi không thôi hy vọng. Vẫn kiên trì cầu nguyện… dù mọi diễn tiến bận rộn vẫn tiếp tục diễn ra  xung quanh.  

Xe vẫn trên những con đường zíc-zắc ven núi để đi qua vùng sông Nho Quế và ngày mai chúng  tôi mới về lại Hà Nội, nhưng hình ảnh các chấm đánh dấu trên bản đồ của vùng Ninh Bình và Giáo  xứ Ngọc Lũ cứ trải ra và lui tới trong tâm trí tôi. Không ngưng! 

Khi đến thăm thầy Quyên Di thứ bảy tuần trước, 11 Tháng Hai, thầy hoàn toàn không biết chi tiết chuyến đi Bắc của tôi. Tôi thường không có thói quen phổ biến chuyện đi lại của mình trước khi  nó kết thúc. Khi đọc về Cha Vinh trên máy bay và trong tôi bắt đầu nhoi nhóm ý định tìm lại dấu  vết sống của Cha Vinh, tôi đã có ý chia sẻ với thầy Quyên Di về ý định này nhưng lại ngại… nói  trước bước không tới nên lại quyết định thôi. Cho đến hôm nay, khi đang có mặt ngay ở dãy núi  Cổng Trời, đang tận mắt nhìn thấy cánh rừng, đang rất gần nơi Cha Vinh đã từng hiện diện những  ngày cuối đời của Ngài, tôi vẫn chưa nói cho thầy Quyên Di biết. Tôi muốn đợi khi xong hết sẽ kể  và gửi hình cho thầy xem luôn, như thế sẽ hay hơn. 

* Hài cốt Cha Vinh…  

Về nhà nghỉ homestay vùng Đồng Văn, khi đang còn cố gắng tìm cách để đến Giáo xứ Ngọc Lũ thì tôi lại đọc được một bài khác nói, (5) “Năm 1992, hài cốt của Ngài được chuyển về Hà Nội và  được lưu giữ tại Đại chủng viện Hà Nội cho đến nay. Ngày 02/6/2019, hài cốt của Ngài được  chuyển vào Nhà thờ Chánh tòa, đặt dưới gầm bàn thờ thánh Antôn.” (5) 

Ồ, như vậy hài cốt của Cha Vinh không còn ở nhà thờ Ngọc Lũ nữa sao? Tôi thắc mắc. Nhưng  biết hỏi ai?! Tôi thấy phân vân quá và đã quyết định nói chuyện với thầy Quyên Di. Có thể thầy  sẽ biết rõ hài cốt Cha Vinh hiện ở đâu. Lúc này thầy mới biết tôi đang ở vùng Hà Giang. 

“Thầy ơi, dù về Việt Nam rất nhiều lần, con chưa bao giờ có dịp đi Bắc. Và vì lý do gì đó mà phút chót con đã quyết định đi Bắc với mấy người bạn. Song, qua nhiều địa điểm nổi tiếng để chọn tham  quan, tụi con đã chọn hai vùng chính là Hà Giang-Ninh Bình… Khi được biết về Cha Vinh khi  đến thăm thầy, con chỉ nhắm đến Giáo xứ Ngọc Lũ ở Bình Lục nếu có thể đến thăm và hoàn toàn  không có thông tin gì về việc hài cốt Cha Vinh. Vậy mà chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ trên  xe, trên những con đường ven núi khi đi quanh vùng Cổng Trời, Quản Bạ, Đồng Văn… khi con  xem lại các địa điểm sắp đến ở Ninh Bình cho hai ngày tới thì con mới tìm ra thông tin hài cốt của  cha đã được đưa về Chánh Tòa. Cha như nối kết với con và cho con biết nếu không đến được Giáo  xứ Ngọc Lũ thì hãy đến nhà thờ Chánh Tòa.  

Cha Vinh thật linh hiển, thầy ơi! 

Vậy trước mắt con sẽ đến thăm Cha Vinh ở nhà thờ Chính Tòa. Và nếu mọi chuyện thuận lợi khi  con đi Ninh Bình thì con cũng sẽ đến giáo xứ Ngọc Lũ.” 

“Sự thật hài cốt Cha Vinh đang ở trên lầu đại chủng viện Hà Nội, bên cạnh nhà thờ Chính Tòa. Thầy cũng chưa được lên viếng. Nếu KV được viếng thì là đại hồng phúc. Thầy ra xe đi dạy học.  Tối về đọc tiếp. Xin Cha Vinh phù hộ KV.” 

“Mấy hôm nay vì vẫn còn quen giờ bên Mỹ, con toàn dậy lúc 3-4g sáng. Con xem emails sở làm, trả lời những gì quan trọng… và ngồi bình yên nhận năng lượng tinh khiết buổi sáng… Sáng nay  chuyện trò được với thầy con rất vui. Con chúc thầy có ngày mới an lành.” 

Sau khi nói chuyện với thầy Quyên Di, đã mười giờ tối giờ Việt Nam, tôi nhắn tin qua Messenger  của FaceBook cho Giáo xứ Ngọc Lũ hỏi thăm cầu may.  

Mầu nhiệm thay, có người trả lời và xác nhận, “Ở giáo xứ Ngọc Lũ có một phần hài cốt của Ngài,  và còn lại là ở nhà thờ Chính tòa”. Ôi, như vậy thì hay quá. Vậy thì tôi có thể đến thăm cha ở nhà thờ nào cũng được rồi!

Tôi mừng vui khôn tả. Càng tin tưởng như đã “kết nối” được với Cha Vinh và Ngài như biết được  mọi mong muốn và lịch trình của tôi và đã trả lời mọi thắc mắc. Tôi yên tâm hơn và nghĩ mình sẽ  chắc chắn thăm được cha ở nhà thờ Chính Tòa vì khi xong phần hai của Tour, chúng tôi sẽ trở lại  Hà Nội. Chúng tôi sẽ có buổi sáng trước khi bay về lại Sài Gòn.  

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đi thăm sông Nho Quế tuyệt đẹp và thăm làng dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám. Cơm tối xong, khi đợi xe đến đón thì người chủ tour lại báo tin xe sẽ đưa chúng  tôi về thẳng nhà nghỉ ở Ninh Bình chứ không phải Hà Nội và khách sạn đặt sẵn ở Ninh Bình sẽ  chờ cửa chúng tôi. Chủ tour đưa cho tôi địa chỉ khách sạn để tôi có thông tin khớp với đường xe chạy. Tôi cũng thấy lạ sao tuyến xe lại thay đổi phút chót. Khoảng 9 giờ tối chúng tôi lên xe có  giường nằm, và tiếp tục cuộc hành trình qua đêm. 

Khi lên xe, tôi lại dò trên bản đồ xem khách sạn sẽ đến ở Ninh Bình chính xác nằm ở đâu. Tôi lại  bất ngờ khám phá chỗ nghỉ này chỉ còn cách giáo xứ Ngọc Lũ 45 cây số thay vì nếu chúng tôi  được đưa về Hà Nội như ban đầu thì từ đó đi Giáo xứ Ngọc Lũ những 90 cây! Và vị trí của nhà  nghỉ mới này cũng chỉ cách điểm tham quan đầu ngày rất gần. Tôi tính toán thật nhanh trong đầu: Có nghĩa xe tour sẽ đón chúng tôi cuối cùng, như vậy khoảng thời gian trống từ bây giờ đến giờ  hẹn của tour sẽ rộng đủ để tôi làm được những gì mình đã mong muốn. 

Ôi, Cha Vinh như đã sắp xếp lại vài chi tiết của chuyến đi để thuận tiện hơn cho tôi trong ước nguyện thăm cha ở Giáo xứ Ngọc Lũ. Tôi cảm thấy vô cùng phấn chấn với những gì mình đang  trải nghiệm. Tôi không muốn phô trương những điều nhiệm mầu đang diễn ra để gìn giữ nó không  bị bất cứ năng lượng tiêu cực hay tư tưởng cản trở nào vướng vào. Tôi chỉ không ngừng cầu nguyện  với hết cả lòng thành của mình.  

* Mong ước… thành hiện thực…  

Xe về đến khách sạn ở Ninh Bình khoảng 4 giờ sáng. Tôi cùng các bạn lên phòng. Mọi người thay  phiên tắm rửa và tranh thủ ngủ nghỉ thêm vài tiếng trước khi xe tour đến đón lúc 9 giờ. Các bạn  thấy tôi lại sẵn sàng như chuẩn bị đi đâu. 

“Nãy giờ em đã tìm được xe Grab có thể chở em đi Giáo xứ Ngọc Lũ. Chỉ cách chỗ này của mình  khoảng một tiếng lái xe thôi!” 

Mấy người bạn nhìn nhau ngạc nhiên. Họ không ngờ tôi lại dứt khoát như vậy. Một người bạn còn  thử thuyết phục, “Nếu em đã tìm được thông tin và biết có thể thăm Cha Vinh ở nhà thờ Chánh tòa rồi thì khỏi phải đi Giáo xứ Ngọc Lũ nữa. Khách sạn của mình ở Hà Nội chỉ cách nhà thờ  Chánh tòa chừng 5 phút đi bộ. Mình sẽ có dư thời gian cho em tha hồ thăm cha trước khi ra sân  bay Nội Bài.” 

“Em biết vậy và sẽ làm như vậy. Nhưng em cũng muốn thăm cả Giáo xứ Ngọc Lũ, là quê của cha, nơi cha đã sinh ra và cũng có hài cốt của cha ở đó. Không phải tự nhiên mà mình lại được về Ninh  Bình một cách lạ lùng như vầy. Chẳng ai biết em có ước nguyện đi Giáo xứ Ngọc Lũ. Chỉ Cha  Vinh biết. Nếu cha đã xui khiến mọi thứ được diễn tiến thuận tiện đến như vầy rồi; em đã băng được nửa vòng trái đất về đến đây, chỉ còn 45 cây số nữa, em không thể nằm xuống ngủ mà phải  mau mau đi thôi.” 

Nhìn ra trời vẫn còn tối; các bạn thấy không thể thay đổi được sự dứt khoát của tôi, một người  phải thay đồ đi cùng, vì ngại tôi con gái con lứa, đi một mình không an toàn. 

Trước chuyến đi, chúng tôi đã dặn nhau phải luôn đi chung với nhau, không riêng rẽ, nhất là khi  đến những chỗ lạ. Theo như người tài xế, kiêm hướng dẫn tour và nhiều người địa phương đã xác  nhận thì hiện tại vẫn còn rất nhiều tình trạng có người bị lâm vào những việc bất trắc không ngờ!  

Khi xuống phòng lễ tân thì người chủ khách sạn đề nghị kêu giùm xe quen thay vì đi xe Grab. Tôi  đã nghĩ nếu được vậy thì sẽ yên tâm hơn nên đồng ý và đợi xe. Gần 20 phút không thấy xe đến,  tôi nóng ruột nhờ người chủ khách sạn gọi lại. Thì ra là vì còn sớm quá, người tài xế nói chuyện  xong, ngủ quên, không dậy. Lúc điện thoại reng lần thứ nhì mới giựt mình luống cuống đi. Tôi nói  họ không cần qua nữa vì không thể đợi thêm. Tôi mở Grab lại thì hình như vẫn chiếc xe lúc nãy  và anh ta chỉ lái qua từ bên kia sông và có mặt sau hai phút. 

Hai anh em chúng tôi lên xe, hướng về Bình Lục. Đường càng dần đi về phía làng quê, càng vắng vẻ yên ắng. Thấy các em nhỏ mặc đồng phục và mang khăn quàng đỏ đi học. Đồng lúa có người lúi húi cấy mạ. Tôi cố gắng ghi lại từng hình ảnh trong trí nhớ vì chắc chắn sẽ không có nhiều chuyến đi như vầy.  

Tối hôm trước, khi xem giờ giấc và sinh hoạt của giáo xứ Ngọc Lũ, tôi có thấy nói nhà thờ chỉ mở cửa lúc 6 giờ chiều. Tôi không biết điều đó chính xác thế nào. Lần đầu tiên đến, không rõ mọi thứ sẽ ra sao. Tôi muốn chắc ăn sẽ có người mở cửa nên trên đường đi cứ tiếp tục nhắn tin và gọi điện thoại hỏi thăm về chuyện giờ giấc, nhưng không ai trả lời. Trong lòng có hơi phập phồng lo âu, nhưng  tôi vẫn vững tin sẽ vào được nhà thờ. 

Anh tài xế là người địa phương Ninh Bình, chưa bao giờ đến Giáo xứ Ngọc Lũ ở Bình Lục, Nam Định, nên cứ chạy theo hướng dẫn trên bản đồ. Trên đường đi khi gần đến, vì không rõ kích cỡ các con đường địa phương, có một đoạn vì đường làng nhỏ quá, xe hơi không qua lọt, chúng tôi phải quay ngược ra ngoài và hỏi người làng có thể đi đường lớn nào thế. Khoảng bảy giờ rưỡi sáng, chúng  tôi đến nơi. Tôi quay video được cảnh đường vào nhà thờ từ bên  trái, tháp nhà thờ hơi bị khuất từ phía ngồi của tôi.  

Khánh Vân chụp lại bản đồ đường đi khi trên xe

Khi thấy cửa sắt của nhà thờ rộng mở như chào đón, tôi mừng hết sức. Xe ngừng ở phía tòa nhà mục vụ. Cửa vào tòa nhà mục vụ cũng mở toang. Tôi nhanh chân chạy vào trong. Hình của Cha  Vinh hiện ra trước mắt khi tôi vừa bước vào. Cứ như Ngài đã ngồi sẵn ở đó đợi tôi vậy. Tôi xúc  động khôn tả. Cha Vinh như vẫn sống và thật linh cảm. 

“Ôi, đúng là Giáo xứ Ngọc Lũ của Cha Vinh,” tôi tự nhủ. Tôi thưa chào và không nghe ai trả lời. Tôi đi qua các phòng sinh hoạt, vừa đi vừa kêu, cũng không thấy có người. Tôi chạy sang nhà thờ.  Các cửa vào nhà thờ đều khóa. Có lẽ nhà thờ chỉ mở cửa lúc 6 giờ chiều như tôi đã thấy thông báo  trên mạng cho giáo dân đi lễ chiều chăng?  

Tôi suy nghĩ một chút. Chắc cha xứ phải sống nơi đây và có thể có người giúp chăm sóc khuôn  viên nhà thờ. Mọi thứ tươm tất quá. Tôi lại trở qua tòa nhà mục vụ. Tôi đi ra phía nhà ăn, nhà bếp. Vẫn không bóng người. 

Tôi thầm nghĩ, mình chỉ có 15-20 phút và phải trở về lại Ninh Bình. Thế này thì làm sao? Tôi ngừng lại một chút, không đi loanh quanh nữa và định thần xem cần phải làm gì. Anh bạn đi  theo như người làm chứng; anh ta chụp hình quay phim, giữ lại các cảnh xúc động và hạnh phúc  đang trào dâng và bộc lộ ra nơi tôi. Chắc chắn có cả cái cảnh tôi bối rối không biết làm sao để tìm  được người mở cửa cho vào nhà thờ. 

Tôi nói thành lời, “Cha Vinh ơi, con đã đến được nơi rồi, con đang ở ngoài,… Làm sao con vô  trong thăm cha được đây?”

Hình Khánh Vân ghi lại khi vừa bước vào phòng mục vụ

 Lúc bấy giờ, tôi đang đứng bên ngoài và phía sau tòa nhà mục vụ. Tôi nhìn thấy bầy gà và ngỗng. Tôi ngừng lại, khẽ cầu nguyện vài giây lát và nghe trong đầu mình vang lên lời nhắn nhủ, “Hãy  xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở cho.” Song, tôi đến gần bầy ngỗng và nói với chúng  hãy kêu lên thật to phụ với tôi, để nếu cha xứ hay ai đang có mặt ở nhà thờ, đang làm vườn xa  ngoài kia hay đang ở những nhà gần quanh nhà thờ sẽ nghe và đến. Bầy ngỗng kêu lên inh ỏi. Hy vọng cha xứ không đi đâu vắng và sẽ nghe tiếng ngỗng kêu. Ở làng quê, người ta vẫn nuôi ngỗng  để giữ nhà.  

Tôi ngước lên trời cầu nguyện thì nhìn thấy ở tầng trên của tòa nhà mục vụ có một cánh cửa sổ kiếng hơi hé mở. Có nghĩa âm thanh sẽ có thể vào trong. Tôi bất giác liên tục kêu to. “Cha ơi, cha, cha ơi…” Có tiếng trả lời trước khi tôi thấy được bóng người xuất hiện ở cửa sổ, “Đợi cha ở phòng  khách, cha xuống bây giờ!” Tôi mừng không sao tả. Tôi đi ngược ra phía trước và đứng đợi ngay  chân cầu thang. Tôi nhận ra cha Chính xứ Giuse Vương Văn Đệ khi cha đi xuống vì đã thấy trên  trang Facebook của Giáo xứ Ngọc Lũ. 

Cha xứ Giuse mời tôi ra bàn khách uống nước. Tôi cảm ơn cha và thưa chuyện thật nhanh.  

“Dạ, con đang đi Tour và sắp xếp đến thăm giáo xứ mình và hài cốt của Cha Vinh. Con không có nhiều giờ lắm vì phải trở về lại điểm hẹn của tour khoảng  

9 giờ sáng. Dường như Cha Vinh đã dẫn dắt con về giáo xứ mình đó cha. Cha có thể mở cửa cho con vào trong nhà thờ để con thăm Cha Vinh chút xíu được không?” 

Cha xứ không kịp thắc mắc chuyện gì đang xảy ra,  chỉ mau mau lấy chìa khóa và vừa đi qua nhà thờ  vừa chuyện trò với tôi.  

Bên trong nhà thờ Ngọc Lũ có kiến trúc như nhà thờ Phát Diệm. Bên cánh trái nơi có tượng Lòng Chúa Thương Xót, hài cốt Cha Vinh ở phía dưới  bàn thờ, thật giản dị. 

Cảnh Khánh Vân chuyện trò với cha xứ và vào bên  trong nhà thờ Ngọc Lũ

Tôi cùng cha xứ chuyện trò đôi chút về Cha Vinh và đọc cho Cha Vinh một hồi kinh. Cha xứ đưa  tôi đi thăm bên trong nhà thờ và kể đôi chút về những trùng tu trong và ngoài nhà thờ.  Lòng tôi vô cùng mãn nguyện! 

Cảnh vật xung quanh nhà thờ rất xanh tươi, nhiều cây cối. Xoài đầy hoa và hồng xiêm xum xuê trái. Tôi nghĩ  bụng phải mà có thư thả thời gian, chắc chắn tôi sẽ xin cha xứ cho hái vài trái hồng xiêm. Tôi thấy cha chạy đi khi tôi chưa kịp chào cha để ra về. Tôi đang mải mê nhìn trái trên những cây hồng xiêm cao lớn như cổ thụ… thì cha xứ trở ra với một bao đầy hồng xiêm cho tôi quà mang về.  

Tôi cầm bao hồng xiêm vừa bất ngờ, vừa xúc động. Cứ cảm giác như Cha Vinh đã đọc được tư tưởng của tôi như mấy ngày qua và đã cho tôi quà qua tay cha xứ.  

Tôi vui không tưởng. Tôi cảm ơn cha xứ và chào cha ra về. Tôi đi ra xe và chia cho anh tài xế một nửa số hồng xiêm. Anh ta cũng bất ngờ và rất vui. 

Cảnh bàn thờ Cha Vinh bên cánh trái bên trong  Nhà Thờ Ngọc Lũ do Khánh Vân ghi lại

Khi chuẩn bị rời nhà thờ, tôi có hơi luyến tiếc đã không có cảnh quay phim của nhà thờ từ phía phải đi đến vì  phía đó nhìn thấy rõ tháp nhà thờ hơn. Lúc nãy xe Grab của tôi chạy đến là từ phía trái và tôi lại ngồi bên trái nên chỉ thấy phần vườn bên trái của nhà thờ; và bây giờ khi ra về cũng sẽ đi như đã đến. 

Xe đi được khoảng mười phút thì tôi phát hiện anh bạn đi chung đã để quên nón và bình nước của anh ta. Còn gần vừa đủ để có thể trở lại. Thế là chúng tôi đã quyết định quay trở lại. Hai anh em  chúng tôi mở bản đồ đọc phụ anh tài xế các ngã quẹo để trở lại nhà thờ cho nhanh. Và lạ lùng thay,  sao bản đồ lại thông báo điểm đến sẽ nằm bên phải, và vì lý do gì đó tôi cũng ngồi bên phải chứ  không ngồi bên trái như lúc nãy. Tôi nhanh chóng lấy phone ra quay phim cảnh đến nhà thờ từ  phía phải, thấy rõ tháp nhà thờ… chính xác như đã mong muốn.  

Tôi chỉ mỗi lúc thêm kinh ngạc về sự nhiệm mầu trong những điều mình mong ước.  

Gần về đến khách sạn, tôi hỏi anh tài xế tiền xe để chuẩn bị sẵn và đưa khi xuống xe. “Cho anh  xin 8 trăm ngàn. Nếu không quay lại lấy đồ quên thì anh lấy bảy trăm rưỡi, em nhe.” 

Nghe xong giá tiền thì tôi lại lần nữa “hết hồn”! Cho đến giờ phút đó, mọi chi tiết liên quan đến  Cha Vinh cứ y như đã được sắp xếp một cách hoàn hảo để một là thật thuận tiện, hai là sẽ thật vừa  ý để tôi thực hiện mọi điều ước muốn một cách vui vẻ và tốt đẹp nhất! 

Cảnh Khánh Vân phía trước và bên hông Nhà Thờ Ngọc Lũ

Chuyện tám trăm ngàn là vầy: Khi cài điểm đến và tìm xe trên Grab để đi nhà thờ Ngọc Lũ, tôi có  thấy giá xe xê dịch từ 525 đến 650 ngàn đồng, một chiều. Tôi đã nói trong bụng, tôi sẽ không trả  giá vì tôi chỉ muốn bằng mọi cách đến được Giáo xứ Ngọc Lũ; bao nhiêu tiền, miễn có người chở,  tôi sẽ vui lòng trả. Song, tôi chợt nhớ lại chiều hôm trước, khi nhóm chúng tôi thăm làng dệt lanh  thổ cẩm Lùng Tám, hai người bạn có mua áo khoác lanh giá 8 trăm ngàn. Tôi cũng có xem hàng  nhưng không thấy có gì thích hợp. Thật ra thì tôi cũng không có tính tiêu xài xa xỉ nên nếu không  cần thì tôi sẽ không mua dù món hàng có rẻ bao nhiêu. Và sáng sớm nay khi kêu xe, trong một  thoáng chốc, tôi có nói với lòng, “Ồ, hôm qua mình không mua quà cho mình như các bạn. Mình  vẫn còn 8 trăm ngàn để tiêu. Mà dù tiền xe có hơn, cũng không sao. Thăm được Cha Vinh, món  quà vô giá cho cuộc đời, vì mình như đang chứng nghiệm được nhiều phép lạ!” 

Và rồi tiền xe không phải một triệu, hai triệu, cũng không phải 750 ngàn, mà chính xác 800 ngàn. 800 ngàn vì phải quay lại lấy đồ quên nhưng cũng là để mình quay được phim từ xa, phía bên phải  của nhà thờ để thấy tháp như mình đã thầm mong ước chỉ trong giây phút trước.  

Chính giây phút đó, qua những gì đã diễn ra trong từng sự việc, từng chi tiết, từ hôm tôi có ước  mong đi tìm dấu vết sống của Cha Vinh, tôi đã quyết định sẽ viết lại tất cả. Trước hết là cho bản  thân vì tôi không thể quên những chuyện này trong đời mình. Quan trọng hơn, tôi mong muốn  được chia sẻ với thật nhiều quý bạn, những ai đã từng biết về Cha Vinh, hay chưa biết về Cha  Vinh, và những ai cần nghe thêm những minh chứng nhiệm mầu về hiệu lực của sự cầu nguyện. 

* Chỉ là bắt đầu của hành trình tìm dấu vết sống của cha Vinh…  

Khi về đến nhà nghỉ đã hơn 9 giờ sáng, tôi được xe tour báo tin họ sẽ đến trễ một chút, khoảng  10 giờ vì phải đón hơi nhiều nhóm khách từ Hà Nội. Nếu chuyến xe đêm của chúng tôi hôm qua  không có thay đổi thì chúng tôi cũng đang trong xe trên đường từ Hà Nội ra Ninh Bình, chứ không  đã có mặt ở Ninh Bình bốn tiếng vừa qua. Bây giờ xe đến trễ, tôi sẽ có chút thời gian để ăn sáng.  Một lần nữa, Cha Vinh lại giúp sắp xếp giờ giấc thật chu đáo. Và hồng xiêm quà của cha xứ nhà thờ Ngọc Lũ vừa cho đã không thể thiếu sáng hôm đó. Chúng thơm và ngọt lịm. Tất cả các chi tiết  không thể hoàn hảo hơn! 

Tôi tranh thủ gửi ngay cho thầy Quyên Di xem một số hình vừa chụp. Thầy xem hình xúc động  nhắn lại với tôi: “Quê thầy đấy. Đã nhiều lần quỳ xem lễ ở cung thánh nhà thờ này khi còn bé.” 

“Dạ, con biết, và có thể hình dung cảnh đó ạ. Thật xúc động lắm, thưa thầy ơi! Con sẽ có rất  nhiều chuyện kể cho thầy nghe khi về lại!” 

“Cám ơn KV nhiều đã cho thầy biết những tin tức cập nhật mà chính thầy không biết.”  

“Thầy ơi, Cha Vinh có biết thầy không? Cha đi học bên Pháp khi còn rất trẻ. Vậy lúc còn bé, thầy  có được gần gũi gặp Cha Vinh trực tiếp không?”  

“Hồi nhỏ thầy được gặp Cha nhiều lần khi gia đình hồi cư Hà Nội. Khi ấy Cha Vinh vừa là cha Chính xứ vừa là hiệu trưởng trường Dũng Lạc. Kể lại chuyện trước: Khi Mẹ sinh ra thầy, Cha Vinh đặt cho thầy cùng tên thánh với cha là Gioan Baotixita, có ý sau này nối chí cha đi tu. Trong các  anh chị em của thầy, cha sắm riêng cho thầy quần áo, giày dép…” 

“Vậy thời gian cha bị bắt và bị đày ở Cổng Trời Hà Giang, gia đình thầy có biết không?” 

“Có chứ. Khi đó gia đình đã di cư vào Nam. Được tin, chỉ biết cầu nguyện cho cha. Chẳng làm  sao thăm được!” 

“Thầy đã thật may mắn có được những kỷ niệm này với cha. Bức hình thầy có và đang thờ cha là  trong gia đình có hay là thầy sưu tầm sau này ạ? Các hình con thấy ở những nhà thờ khi con thăm  viếng có vẻ cũng khoảng thời gian đó của Cha Vinh nhưng cha nhìn nghiêng chứ không thấy ở  đâu có hình chụp chính diện như hình thầy đang thờ ở nhà.” 

“Hình cha ở nhà thầy là hình khi gia đình thầy vào Nam năm 1954, cha cho để mang theo hầu nhớ đến cha. Hình này treo trong nhà thầy ở Sài Gòn từ 1954. Năm 1991, Mẹ thầy được sang Mỹ đoàn  tụ với các con liền đem theo.” 

* Thăm Cha Chính Vinh ở Nhà thờ Lớn 

Sau hai ngày thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Ninh Bình, chúng tôi trở về lại Hà Nội. Đến nơi khi trời đã tối. Chúng tôi thả bộ ra thăm Hồ Gươm và nhà thờ Chính tòa. Từ đường Lý  Quốc Sư vừa quẹo sang đường Nhà Chung, Nhà thờ lớn Chính tòa hiện lên thật uy nghi. Nét cổ  kính được tăng thêm dưới những luồng đèn sáng vừa phải. Nhà thờ đã đóng cửa. Du khách tụ tập  phía ngoài chụp hình. 

Tôi nôn nao mau qua sáng hôm sau để trở lại nhà thờ và được vào trong, thực hiện phần thứ nhì  của ước mong. 

Cứ ngỡ chuyện thăm Cha Vinh ở Nhà thờ Chính tòa sẽ phải dễ dàng hơn là chuyện ở Giáo xứ Ngọc Lũ,  ấy vậy mà cũng lại có những điều vô cùng lạ lùng, ngoài sự chuẩn bị. 

Tối đến Nhà thờ Chính tòa khoảng 15 phút trước tám giờ sáng. Cổng rào đã mở và tôi đi vào bên trong.  Nhưng khi đến cửa vào nhà thờ thì cửa vẫn khóa. Tôi đi vòng quanh thì thấy nhà sách có người  đang xếp tượng và các quà lưu niệm lên kệ.  

Tôi gợi chuyện với chị nhân viên và hỏi thăm khi nào có thể vô bên trong nhà thờ. Sau đó tôi hỏi  thăm luôn về Cha Vinh. Chị ấy nhìn tôi như thể tôi từ thế giới nào đến. “Ở đây không có Cha  Vinh. Chắc chị đi nhầm nhà thờ rồi.” 

Ô, lạ vậy kìa? Tôi nghĩa bụng, cứ tưởng tên Cha Vinh tại nhà thờ Chính tòa hẳn phải quen thuộc lắm nếu hài cốt của Cha Vinh đang được thờ phượng ở đó, và lễ rước hài cốt của Ngài từ Đại chủng viện sang Nhà thờ Chính tòa chỉ mới diễn ra cách đây vài năm. Sao chị này lại có vẻ  không biết? Chắc chị ta nghĩ ý tôi đang muốn nói đến một linh mục đương nhiệm chăng? Hay là  chị ta chỉ mới đến đây làm việc, sau ngày lễ rước hài cốt của Cha Vinh, nên không biết? Tôi bảo  mình hãy kiên nhẫn cho thêm vài chi tiết vào mẩu đối thoại. 

“Dạ… Cha Nguyễn Văn Vinh là Chính xứ của Nhà thờ Lớn hồi xưa và đã mất từ lâu rồi chị ạ. Em  chỉ muốn viếng bàn thờ của cha.”  Chị nhân viên nhà sách lại xác nhận, “Em đi lễ hàng tuần, ra vào nhà thờ hơn trăm lần, đâu bao  giờ thấy có bàn thờ cha Vinh nào đâu chị.” 

Tôi có hơi một chút không hài lòng về những câu trả lời này vì tôi đã không hề chuẩn bị cho những  câu trả lời đó… vì tôi biết chắc tôi không đi lộn nhà thờ, và rõ ràng tôi đã được xem rất nhiều hình ảnh ghi lại ngày lễ hôm ấy. Cùng với các quý cha, tôi thấy mấy trăm vị, từ các thầy, đến người  giúp lễ, thiếu nhi và giáo dân. Một buổi lễ rất long trọng đã diễn ra. Tôi đã đọc trên nhiều tài liệu  và đều cùng một nội dung kể rằng, “chiều Chúa Nhật ngày 2/6/2019, hài cốt của cha Gioan  Baotixita LaSan Nguyễn Văn Vinh đã được chuyển từ Đại Chủng Viện vào nhà thờ Chính Tòa  dưới sự chứng kiến của Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Cha Anton Nguyễn Văn Thắng,  Tổng Đại diện và cũng là cha xứ Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Cha Bruno Phạm Bá Quế, Giám đốc  Đại Chủng Viện, cùng đông đảo cộng đoàn tín hữu.” (5) 

Tôi… dạ dạ… coi như mình đã đi lộn nhà thờ, cảm ơn chị nhân viên nhà sách và rời khỏi nơi đó! Tôi nghĩ bụng, không chừng tôi đang đi ngược thời gian giống mấy chuyện phim và đến nơi sớm  hơn một thế kỷ, khi Cha Vinh chưa hề có mặt nơi đây!  

Tôi đi vòng quanh nhà thờ chụp vài hình lưu niệm và đợi đúng 8 giờ sáng để có thể vào bên trong  nhà thờ. Có lẽ tôi là người đầu tiên bước vào trong. Vì khi vừa đẩy cánh cửa gỗ lớn bước vô, tôi cảm giác mọi chú ý như dồn về phía mình. Người thanh niên trẻ – có lẽ là người mở cửa và phụ  giúp nhà thờ, đứng gần cánh cửa chỉ năm bảy bước. Cậu ta như đứng đó chờ quan khách hay là vì nhìn tôi có vẻ lơ ngơ nên hỏi, “Chị có cần gì không ạ?” Tôi thật sự có hơi lưỡng lự trả lời và rồi  đã quyết định cứ thử hỏi xem sao. Bỗng dưng tôi thoáng có suy nghĩ, cái gì có được dễ dàng quá ta sẽ bớt quý! Và tôi lại hỏi lại câu hỏi chỉ vừa hỏi ngoài nhà sách năm bảy phút trước.  

Người thanh niên thản nhiên cười và nói “Ở đây không có cha nào tên Vinh hết chị ạ. Chị có đi  đúng giáo xứ không?” 

Chuyện này quả thật quá lạ lùng. Tôi lại lập lại, “Cha Nguyễn Văn Vinh mất lâu rồi. Chị chỉ muốn  tìm bàn thờ cha thôi!” 

“Không có bàn thờ Cha Vinh ở đây đâu chị ơi.” Và cậu thanh niên như có vẻ buồn cười khi nghe  tôi có vẻ bướng bỉnh nói, “không sao, để chị cứ viếng nhà thờ và đi tìm!” 

Tôi nghĩ bụng, “Cha thử thách đức tin con chăng, hay là những điều này có ý nghĩa gì khác?”  Không sao. Con sẽ cứ vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình như con đã ước nguyện.  

Ảnh rước hài cốt Cha Vinh từ Đại Chủng Viện vào nhà thờ Chính Tòa

Không như hai hôm trước tôi chỉ có 15-20 phút để tìm cách vào được nhà thờ Ngọc Lũ để đến  được bàn thờ Cha Vinh. Sáng nay, tôi sẽ có rất đủ thời gian để đi tìm những gì tôi cần trước khi ra  sân bay Nội Bài về Sài Gòn.  

Tôi đi từ dưới lên trên cung thánh. Tôi cứ chậm rãi viếng từng bàn thờ và xem từng tranh ảnh, từng bức tường, từng miếng đá cẩn. Khi đến gần phía cung thánh, bên cánh trái, người tôi rần rần  nổi da gà. Tôi nhận ra có vài đài hài cốt. Và bàn thờ như thờ phụng các đấng tử vì đạo. Tôi mừng  vội và đã tưởng tìm được bàn thờ và hài cốt Cha Vinh trong số các đài hài cốt, nhưng khi đọc  những miếng đá khắc tên và tiểu sử thì không thấy có tên Cha Vinh. Tôi cung kính lạy và tiếp tục  đi qua phía cung Thánh.  

Một cái gì đó nói với tôi hãy vững tin… và tôi tiếp tục đi sang cánh phải. Từ xa, tôi nhận ra bàn  thờ thánh Antôn nhưng mọi chi tiết khác với trên hình. Không còn là bàn thờ và phong gỗ đen.  Cũng không thấy tủ kiếng bên trong để những dấu vết hài cốt của Cha Vinh như những hình chụp  lại buổi lễ rước hài cốt.  

Lúc đó tôi đã nghĩ có thể vì vậy mà những người làm việc trong nhà thờ không biết về bàn thờ  Cha Vinh. Cũng có thể đã có thay đổi. Hài cốt Cha Vinh không còn ở đó nữa (?).

Tôi đến gần để thấy mọi thứ rõ hơn. Phía trước bàn thờ thánh Antôn, phía dưới đất có một miếng đá hoa cương đen như có vẻ một phiến mộ. Bên trên khắc “Đức Hồng Y Phaolo Giuse  Phạm Đình Tụng”. Xung quanh có dây khoanh vùng để phân biệt không phải là vùng đi lại. Tôi  luồn mình vào phía bên trong, đi sát đường giăng dây, tránh giẫm lên vùng phiến đá hoa cương  và đến sát bàn thờ. Tôi thầm thầm nói nhỏ, “Cha ở đây hở cha? Hộp kiếng hài cốt của cha như  trong hình đâu sao con không thấy?” Và ngay lúc đó khi tôi nhìn xuống đất, tên “Nguyễn Văn  Vinh” hiện lên. Một miếng bia đen nhỏ, đặt sát chân bàn thờ, khắc những chi tiết về Cha Vinh. 

Ảnh rước hài cốt Cha Vinh từ Đại Chủng Viện vào nhà thờ Chính Tòa và hình bàn thờ nơi có hài cốt Cha Vinh

Tôi xúc động và nước mắt trào dâng. “Cha ơi, con tìm được cha rồi… và có lẽ con đã hiểu ra vì  sao phải chính con lần mò tìm ra, để con có thể có được những giây phút riêng tư này cho chính  mình. Nếu có người cầm tay, dẫn con đến, chỉ ngay cho con… thì con sẽ không thể mừng vui,  hạnh phúc và xúc động hơn được. Cảm ơn mấy chị em lúc nãy đã trợ duyên, thử thách đức tin của  con, thử thách sự kiên trì của con, thử thách mức độ bao dung, chấp nhận của con…” 

Ngay giây phút này, khi viết đến đây, tôi vẫn còn xúc động và pha chút bâng khuâng không biết  có phải hài cốt của Cha Vinh thật sự nằm bên phải của cung Thánh (?!). Tôi chiều theo sự thắc mắc  của mình và lên mạng, nhấn tìm với các từ khóa “hài cốt ở nhà thờ Chánh Tòa”. Những bài viết  mà tôi đã từng thấy mấy hôm trước lại hiện lên với màu khác vì nhớ là tôi đã đọc qua. Tuy nhiên,  ngay phía trên, hôm nay tôi thấy có một video từ gốc nhà thờ Ngọc Lũ. Tôi nhấn vào để xem thử thì chính xác là đoạn phim hôm rước hài cốt của Cha Vinh từ Đại chủng viện sang nhà thờ Chính tòa. Video quay rõ khi kiệu được rước vô cung Thánh và đi sang phía bên phải. Người quay phim  quay từ phía trái quay sang, sau đó đi vòng ra phía sau cung Thánh và đi qua cánh phải để quay  cận cảnh. Tôi thấy rõ từng chi tiết hài cốt của Cha Vinh đã được đặt vào trong, phía dưới bàn thờ  Thánh Antôn ra sao. 

Một lần nữa, tôi vừa thắc mắc thì Cha Vinh đã lại ngay tức khắc trả lời. Cha đã đồng hành cùng  tôi mỗi giây phút suốt cuộc hành trình dõi theo bước chân Ngài. Cha Gioan Baotixita LaSan Nguyễn Văn Vinh ơi, chúng con vô cùng thương kính và cảm ơn Cha!

Bàn thờ nơi có hài cốt Cha Vinh

Mấy ngày qua, vừa trở về và chi tiết của chuyến đi còn rõ rệt, tôi cố gắng viết lại mọi thứ một cách  kỹ lưỡng. Vẫn tràn đầy hạnh phúc khi được trải nghiệm bao điều thật nhiệm mầu, nhất là những  lời cầu nguyện, những tâm tình mình dâng cho Mẹ, cho Cha Vinh đã được đáp lại vô cùng linh  ứng. 

Hằng ngày chúng ta vẫn thường quá bận rộn và bỏ sót bao nhiêu cơ hội nhận ra rất nhiều ý nhiệm  mầu diễn ra xung quanh. 

Cha Vinh chưa hề rời xa chúng ta. Anh linh của Cha Vinh vẫn luôn sống trong chúng ta dưới nhiều  hình thức. Tôi có thể nghe được tiếng hát của Cha Vinh trong những giờ lễ. Tôi có thể nghe được tiếng ngài giảng trong những giờ dạy học. Tôi có thể nghe được tiếng Cha Vinh dõng dạc nhấn  mạnh hay lớn tiếng khi cần thiết. Tôi có thể cảm nhận được Cha đã kết nối, đưa cho tôi những  thông tin cần thiết khi tôi xin Ngài hướng dẫn. Cha luôn đáp lời khi tôi cầu nguyện. 

Khi lương tri chúng ta trong sạch và hướng chúng ta đến việc làm đúng và khi chúng ta vững tin  có các Đấng Bề Trên bên trên tất cả, chúng ta sẽ không hề sợ sệt.  

Sự trong sáng của lương tri của chúng ta sẽ có sức mạnh thuyết phục trước hết là chính chúng ta, kế đó là những người đồng hành; và khi chúng ta thành tâm cầu nguyện và cố gắng hết sức bổn  phận của chúng ta, Bề trên sẽ thực hiện phần của Bề trên. 

Quý bạn thân mến, Cha Vinh như một đóa sen vững vàng tinh khiết vươn cao lên khỏi bùn. Ngài  là một trí thức tài hoa, có mọi điều kiện để sống an nhàn sung sướng, đã có thể chọn lựa tiếp tục  đời sống tu học thoải mái tự do ở Pháp, nhưng ngài đã chọn trở về Việt Nam để cống hiến… Trong  những ngày tháng tận cùng nhất của khó khăn, lao tù, đói khổ, đau bệnh… Ngài vẫn một dạ phục  vụ, cống hiến và trung kiên với đức tin và đức mến đã chọn lựa. Nhân đức và gương sáng về lòng  yêu nước thương dân của Cha Vinh, sự cương nghị, can trường và dũng mãnh của Cha để sống  với đức tin và bảo vệ đức tin, thật đáng cho chúng ta phải noi gương và cảm phục. 

Tôi không thấy có lời nhận xét nào đầy đủ hơn những gì Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh  đã viết thay cho chúng ta, “Cha Gioan Baotixita LaSan Nguyễn Văn Vinh đã bước vào cõi vĩnh  hằng nhưng vẫn sống gần gũi với mỗi người chúng ta qua gương sống chứng nhân cho lẽ phải, cho công bình, cho tình thương của Ngài, đặc biệt qua những bài thánh ca chuyên chở Lời Chúa thấm  đẫm sắc thái dân tộc Việt Nam” (3). 

Cầu mong cho chúng ta học được nơi Ngài gương kiên nhẫn, yêu thương, tha thứ… 

Nguyện xin Ngài cầu bầu cùng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ  Maria, cùng các Thánh, các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam… ban muôn ơn lành và bình an đến quê  hương đất nước và dân tộc Việt Nam. 

Bàn thờ Thánh Antôn, bên dưới là hài cốt cha Vinh

28 tháng Ba, 2023


Phụ lục: 

Xin tri ân Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, nghĩa tử của cha chính Vinh, đã ghi lại rất  nhiều chi tiết và kỷ niệm sống với Cha Vinh. 

Xin tri ân thi sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ, dịch giả Việt Nam Tuân Nguyễn (1933-1983)… và đặc biệt  cũng là bạn tù của Cha Vinh đã chia sẻ lại những suy nghĩ và kỷ niệm về cha trong thời gian chính  người cũng là một trong những tù nhân ở Quản Bạ – Cổng Trời. 

Xin tri ân nhà văn Phùng Quán (1/1932 – 22/1/1995) đã ghi lại những lời kể của người bạn Tuân  Nguyễn đầy đủ và chính xác nhất có thể. 

Xin tri ân thầy Quyên Di đã chia sẻ nhiều kỷ niệm và hình ảnh đáng quý về Cha Vinh. Xin tri ân các bạn đồng hành thân thương của tôi suốt hành trình. 

Xin tri ân giáo xứ Ngọc Lũ, cha xứ Giuse, Nhà thờ Chính Tòa, và tất cả các cá nhân hay tập thể  đã có những bài viết và phim ảnh về cuộc đời đáng trân trọng của Cha Vinh. 

(1) “Linh Mục Nhạc Sĩ Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh (1912-1971), Cha Chính, Tổng Đại Diện,  Giáo Phận Hà Nội,” Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm http://www.vietcatholic.net/News/Html/55454.htm 

(2) “Cuộc đời Cha chính Vinh – Bài 1: Cậu bé hát hay, giỏi Pháp văn” Đức Giám mục Micae  Hoàng Đức Oanh 

https://donghanh.vn/cuoc-doi-cha-chinh-vinh/ 

(3) “Cuộc đời Cha chính Vinh – Bài 2: Đau đáu nỗi đau người thuộc địa,” Đức Giám mục Micae  Hoàng Đức Oanh  

https://donghanh.vn/cuoc-doi-cha-chinh-vinh-bai-2-dau-dau-noi-dau-nguoi-thuoc-dia/ 

(4) “THẰNG KHÙNG (Thanh Ngang Trên Thập Tự Giá) – Phùng Quán ghi theo lời kể của nhà  thơ Tuân Nguyễn ”  

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid02Zs3oQH37gtTF2iH3FwQhCm9TNef71ace dxW8h33zjknv9FyYkSx7UWtUNKowMYdtl&id=166567697213758&mibextid=l066kq 

(5) “Chuyển Hài Cốt Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh Vào Nhà Thờ,” Tin Giáo Phận https://www.tonggiaophanhanoi.org/chuyen-hai-cot-cha-gioan-lasan-nguyen-van-vinh-vao-nha tho/ 

(6) Rước hài cốt cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh – cố cha xứ nhà thờ lớn https://fb.watch/jq0dKX3G7u/

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: