Góp ý với Trung tâm Thúy Nga và MC Nguyễn Ngọc Ngạn

Poster chương trình Paris by Night 132 của Trung tâm Thúy Nga (thuynga.com)

Bài viết nầy không nhằm đề cao, cũng không đả phá một Trung tâm băng nhạc lớn cũng như người dẫn chương trình (MC) nổi tiếng. Người viết chỉ muốn góp ý với Trung tâm Thúy Nga (PBN) và ông Nguyễn Ngọc Ngạn với tinh thần xây dựng khách quan về lãnh vực văn hóa.

Chúng tôi muốn nói tới sự giải thích chưa được thuyết phục của MC Nguyễn Ngọc Ngạn về niêm, luật trong Paris By Night 132 chủ đề “Xuân Với Đời Sống Mới”, tổ chức tại Pechanga Resort & Casino, Temecula, California vào hai ngày 11 và 12 Tháng Mười Hai năm 2021. Đây là chương trình thu hình có khán giả đầu tiên của Trung tâm Thúy Nga (cháy vé) kể từ sau đại dịch COVID-19.

Đây cũng là chương trình được phát sóng trên YouTube với gần 60 triệu lượt người theo dõi. Như vậy PBN ngày càng có sức ảnh hưởng lớn lao, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đại đa số khán thính giả khắp mọi nơi trên thế giới, nhứt là từ khi các Trung tâm Asia và Vân Sơn không còn hoạt động nữa.

MC Nguyễn Ngọc Ngạn và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên

Sau khi dẫn câu “Tôi viết vội câu thơ thất niêm” trong bài hát Mùa Xuân Trong Thư Em của nhạc sĩ Viễn Chinh, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã hỏi MC Nguyễn Ngọc Ngạn: “Vậy thất niêm có nghĩa là gì?”.

MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã trả lời (đại ý): “Lúc chúng ta học Trung học thì trong môn Việt văn chúng ta học về thơ Đường. Thơ Đường tức là thơ của thời nhà Đường, là thời cực thịnh về thơ – tức là thời của Đường Huyền Tôn (g), tức Đường Minh Hoàng. Về sau thơ Đường nó trở thành tiêu chuẩn để chúng ta làm thơ; nhưng dĩ nhiên là thơ đó gò bó cho nên nó gọi là niêm với luật”.

Sau đó, ông giải thích và dẫn chứng có phần chưa được sáng tỏ về niêm luật: “Niêm luật tức là chữ nào phải Bằng, chữ nào Trắc, và đối nhau. Thí dụ như: Lom khom dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông chợ* mấy nhà. Hai câu đó của Bà Huyện Thanh Quan nó rất là đối từng chữ, từng câu, từng vần. Thì cái đó chúng ta gọi là niêm luật của thơ Đường (…). Về sau chúng ta có Thơ mới, Thơ tự do; chúng ta không còn xài thơ Đường nữa”. Lúc ấy khán giả chăm chú lắng nghe nhưng tỏ vẻ không được thỏa mãn.

Dựa vào sự giải thích và dẫn chứng của ông Nguyễn Ngọc Ngạn – người được đề cao “cố gắng vận dụng kiến thức văn học để làm giàu nội dung dẫn chương trình”, tôi thành thật nêu lên một số góp ý với tinh thần xây dựng.

1.- Cần phân biệt Thơ Đường và Thơ Đường luật.

Thơ Đường hay Đường Thi là thể thơ được sáng tác vào thời nhà Đường (618-907) bên Trung Hoa. Số lượng các bài Thơ Đường được ghi chép và lưu truyền đến nay lên đến hàng chục ngàn bài (khoảng 48,000 bài) của hàng ngàn tác giả.

Đến đời Trần Nhân Tông (1258-1308), Nguyễn Thuyên (1229-?) là người đầu tiên biết theo Đường luật mà làm thơ Nôm, đặt ra thể thơ Hàn luật. Như vậy thơ Hàn Luật là thơ nôm (tiếng Việt) theo luật thơ Đường. Đó là thể thơ vay mượn “thi pháp của Tàu, âm luật của ta” (Dương Quảng Hàm) tạo thành thơ ta như các thể thơ Việt Nam khác.

Hiện nay có sự lạm dụng, nhập nhằng về tên gọi thể thơ Đường luật. Nhiều thi sĩ trong nước làm thơ Đường luật gọi đó là Thơ Đường hay Đường Thi. Thật là sự ngộ nhận đáng tiếc! Lại có “nhà thơ” ở Việt Nam đòi phát động phong trào “Thắp Sáng Đường Thi”. Trời đất! Đường Thi đã thật sự tỏa sáng ngàn năm rồi, thắp sáng hay không là việc của con cháu các ông Lý Bạch, Đỗ Phủ mắc mớ gì đến chúng ta mà sáng với tối!

Thi hào Lý Bạch thời nhà Đường

Chúng tôi không đồng ý với tên gọi như Thơ Đường, Đường Thi hay Thơ Đường Việt Nam (thiếu chữ luật) và xin được đề nghị các tên gọi như Thơ Đường luật Việt Nam hay Thơ Đường luật.

2.- Cần hiểu rõ niêm, luật, vần, đối. Từ lúc theo học môn Quốc văn cho đến khi giảng dạy ở Trung học và Đại học, tôi đều thuộc nằm lòng niêm, luật, vần, đối trong thơ Đường luật như sau:

Niêm: (dính liền, giữ cứng) là giữ giống nhau về luật. Niêm trong thơ Đường luật thất ngôn bát cú căn cứ vào chữ thứ hai mỗi câu phải cùng một thanh (Bằng hay Trắc). Các câu niêm với nhau là: 1 và 8; 2 và 3; 4 và 5; 6 và 7).

Lưu ý: Thất niêm (mất sự dính liền), không được.

Luật: Luật thơ là cách xếp đặt tiếng Bằng (B) tiếng Trắc (T) trong một bài thơ.

Thơ Đường luật có thể làm theo hai luật: Bằng và Trắc; căn cứ vào chữ thứ hai của câu đầu để biết bài thơ làm theo luật gì. Thất luật: khi một câu thơ đặt sai mất luật, không được. Khổ đọc (khó đọc): những chữ đáng Bằng mà đổi ra Trắc; và ngược lại.

Vần có mấy đặc điểm: Thường dùng vần Bằng, ít khi dùng vần Trắc; độc vận (suốt bài thơ chỉ hiệp theo một vần); chỉ có cước vận (vần chân, vần ở cuối câu); có 5 vần gieo ở cuối câu đầu và cuối các câu chẵn (2,4,6,8).

Lưu ý: Gieo vần sai hẳn gọi là lạc vận (lạc: rụng); Gieo vần không hiệp nhau lắm gọi là cưỡng áp (đặt gượng).

Đối: gồm có đối ý (có thể tương đồng hay tương phản) và đối chữ, tức vừa phải đối thanh (Bằng đối với Trắc, và ngược lại), vừa phải đối loại, tức hai chữ cùng một tự loại đối với nhau (như cùng hai chữ danh từ riêng/chung, hoặc tính từ, hoặc động từ…).

Những câu thơ bắt buộc phải đối với nhau là: Hai câu thực (3 và 4), hai câu luận (5 và 6). Không theo đúng phép đối gọi là thất đối.

Để bạn đọc tiện theo dõi, người viết chọn bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan mà MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã dẫn hai câu thực (3-4) làm thí dụ:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông rợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại, trời non nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Đây là bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú (bảy chữ, tám câu) luật Trắc (căn cứ vào chữ thứ hai của câu đầu có thanh Trắc: tới), vần Bằng (5 vần gieo ở cuối câu đầu:và cuối các câu chẵn: 2 (hoa), 4 (nhà), 6 (gia) và 8 (ta), đúng niêm (căn cứ vào chữ thứ hai mỗi câu phải cùng một thanh Bằng hay Trắc: câu 1 (tới) niêm với câu 8 (mảnh); câu 2 (cây) với câu 3 (khom); câu 4 (đác) với câu 5 (nước); câu 6 (nhà) với câu 7 (chân), đúng luật (căn cứ vào chữ thứ hai của câu đầu có thanh Trắc: tới) và đối rất chỉnh ở hai câu thực (3 và 4), hai câu luận (5 và 6), xứng đáng làm khuôn mẫu.

Hình minh họa

3.- Có phải chúng ta không còn xài thơ Đường (luật) nữa? 

Tôi nghĩ không hoàn toàn đúng hẳn. Như chúng ta đã biết, thơ Đường luật vào nước ta khá sớm và chiếm địa vị độc tôn. Các thi sĩ cổ điển nước ta chủ yếu làm thơ Đường luật bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm để ngâm vịnh xướng họa. Do đó mà có lối thơ gọi là Thơ Hán Đường luật (chẳng hạn Thơ chữ Hán của Nguyễn Du) hoặc Thơ Nôm Đường luật (Thơ Nôm Hồ Xuân Hương). Thơ Đường luật ngày xưa được dùng trong thi cử, tuyển chọn nhân tài nên nó trở thành lối văn cử nghiệp rất phổ biến trong giới nho sĩ.  

Làm thơ Đường luật vốn khó bởi những nguyên tắc, quy định có phần khắt khe, gò bó. Nhưng chính điều đó làm nên cái hay, cái lý thú cho thể thơ nầy. Bài thơ chỉ có 8 câu 5 vần, gói ghém trong 56 chữ nhưng chứa đựng nội dung vô cùng hàm súc, cô đúc, “ý tại ngôn ngoại” thâm thúy, sâu sắc. Họa thơ Đường luật lại càng khó hơn.

Còn gì vui thú cho bằng bài thơ tâm huyết ưng ý của mình được khách đồng điệu cảm ứng họa đáp lại. Một bài xướng hay dễ tạo cảm hứng cho người họa. Do vậy mà có nhiều bài họa hay, v.v… Thật thà mà nói, làm thơ Đường luật quá khó, thiển nghĩ thể thơ nầy sẽ dần dần bị lấn lướt bởi các dòng thơ mới, thơ trẻ, thơ tự do, và gần đây có thơ tân hình thức. 

Đến khi sưu tầm, tìm hiểu, chúng tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, có thể nói bị “tẩu hỏa nhập ma” bởi phong trào sáng tác và xướng-họa thơ Đường luật lên quá nhanh như diều gặp gió từ trong nước ra tới hải ngoại, chẳng hạn như ở Đức, Pháp, Mỹ, Canada…

Riêng ở trong nước, có rất nhiều người làm và họa thơ Đường luật, thường bằng chữ Quốc ngữ, đôi khi bằng chữ Hán hoặc Hán-Việt. Đã có Tuyển tập Thơ Đường luật Việt Nam in năm 2012 gồm hơn 3,000 bài với 700 tác giả. Đã có Hội UNESCO Đường Luật Việt Nam phát triển mạnh ở 47 tỉnh, thành phố, với 77 Chi hội cùng hơn 3,000 hội viên. Nhiều sinh viên còn chọn Thơ Đường luật làm Luận văn** / Luận án tốt nghiệp***. “Nghề chơi cũng lắm công phu” huống chi Chơi xướng-họa thơ Đường luật. 

Điều đó chứng tỏ sức sống dồi dào kỳ diệu của thơ Đường luật, khả năng tiềm ẩn thi phú còn rất nhiều trong cộng đồng người Việt chúng ta ở khắp nơi trên thế giới.

Tóm, thiển nghĩ nên gọi thơ Đường luật để phân biệt với thơ Đường – bởi lẽ thơ Đường là loại thơ được sáng tác từ thời nhà Đường bên Trung Hoa. Chúng ta cần hiểu rõ niêm, luật, vần, đối trong thơ Đường luật để chứng minh cách giải thích và dẫn chứng về niêm luật của ông Nguyễn Ngọc Ngạn không đủ sức thuyết phục.

Ngày nay, chúng ta vẫn còn “xài” thơ Đường luật, và dòng thơ nầy sẽ không bao giờ tắt cạn. Chúng tôi muốn nói: Nếu ngày xưa sáng tác và xướng-họa thơ Đường luật là “món đặc sản” dành cho bậc thượng lưu trí thức thì ngày nay nó trở thành “sân chơi” văn hóa-trí tuệ tao nhã của những người yêu thơ gồm đủ mọi thành phần, giới tính, đủ mọi lứa tuổi. Thơ xướng-họa còn là phương tiện giao lưu, tạo ra bao liên hệ bằng hữu tao nhã, tri âm tri kỷ.

Poster chương trình Paris by Night 132 của Trung tâm Thúy Nga (thuynga.com)

Cách đây chừng 2500 năm, Lão Tử- một triết gia nổi tiếng của Trung Hoa đã nói: “Làm thầy thuốc mà sai lầm thì chỉ giết một mạng người; làm chánh trị mà sai lầm thì tàn hại cả đất nước; làm văn hóa mà sai lầm thì gây tai họa cho muôn đời”. Trung tâm Thúy Nga là một đại ban, Nguyễn Ngọc Ngạn là một MC nổi tiếng cùng “làm văn hóa” có sức ảnh hưởng tới 60 triệu lượt người theo dõi, mà sai lầm thì gây tai họa cho muôn đời”.

Cách đây mấy năm, trong Paris By Night số 70, khi giới thiệu về nhạc sĩ Lê Dinh, MC Nguyễn Ngọc Ngạn cũng đã phát biểu mà chưa tra cứu kỹ: “Gò Công có thể nói là cái nôi của Vọng cổ. Bài Vọng cổ đầu tiên tức Dạ cổ hoài lang là từ Gò Công của ông Sáu Lầu mà ra”.

Từ đó, đa số khán giả trẻ chưa am hiểu về xuất xứ của bản Dạ cổ hoài lang/Vọng cổ thường tranh luận quyết liệt, ai cũng cho mình đúng. Nhóm nầy chắc như đinh đóng cột là Dạ cổ hoài lang có xuất xứ từ Gò Công, bởi “chú Ngạn nói thế”, “Lời chú Ngạn là khuôn vàng thước ngọc” (?); nhóm khác cãi lại cho rằng Vọng cổ xuất phát từ Bạc Liêu mới đúng. Cũng may một thời gian sau, ông Nguyễn Ngọc Ngạn có cải chánh rằng “Bạc Liêu là cái nôi của Vọng cổ…”.

Chưa hết, PBN 40 (Chủ đề MẸ) đã gây nhiều tranh cãi khiến Ban Giám đốc Trung tâm Thúy Nga và MC Nguyễn Ngọc Ngạn phải lên tiếng xin lỗi. Nếu không, biết đâu “tai họa” sẽ khó lường! Để khỏi lặp lại sai lầm của PBN 70 cũng như của PBN 40, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Trung tâm Thúy Nga và MC Nguyễn Ngọc Ngạn sớm lên tiếng về vấn đề nầy- cụ thể là trong PBN 134 sắp tới tại Thái Lan. 

Montréal, Canada, 2022

___________ 

*Chợ: đáng lẽ phải viết “rợ” mới đối chỉnh với “tiều” ở câu trên. 

**Luận văn Thạc sĩ: Đặc Điểm Thơ Đường Luật Quách Tấn của Cao Hoa Phượng- Đại học Thái Nguyên, 2018; 

***Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Thơ Đường Luật Việt Nam Nửa Đầu Thế Kỷ XX của Trần Thị Lệ Thanh, Đại học Sư Phạm Hà Nội, 2002.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: