Người nhạc sĩ một khi đã viết lời cho nhạc phẩm của mình, hiển nhiên, luôn muốn người hát – dù là ca sĩ chuyên nghiệp hay không – phải hát đúng từng dấu chấm dấu phẩy.
Nhưng trước nay, chúng ta đã từng thấy, trên sân khấu nhiều lần, người ta vẫn hát sai, cả lời và cả nhạc, chứ chưa nói là ra đến ngoài đời, với hàng triệu người cùng biết một bài nào đó!
Lúc nhạc sĩ Phạm Đình Chương còn sống, tôi nhớ, khi mình đọc đến chuyện ông viết bài Mộng Dưới Hoa, thì thế nào cũng phải biết chi tiết là mỗi lần, chính ông hát bài ấy trên sân khấu, ông đều nhấn mạnh đi lại, chữ “lả” trong câu “Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại”, phải là “lả” chứ không phải là “là” như trước nay, vô khối người vẫn hát.
Bóng dừa thì lả lơi trong gió, chứ “mắt xanh” (Là mắt của người còn tuổi thanh xuân, chứ không phải là mắt xanh của kẻ Tây phương mũi lõ) đã không thể nào là bóng dừa hoang dại được. Nhưng mắt của người trẻ lãng mạn ấy khi lả lơi nhìn bóng dừa lung lay trong gió mà cảm động thành tình ý, là có thể được. Nên mới là “lả”.
Cũng thế với nhạc sĩ Nguyễn Vũ, ông cứ phàn nàn mãi về một chỗ mà người ta luôn rủ nhau cả triệu người hát sai trong bài Bài Thánh Ca Buồn của ông. Trước hết là “rồi một chiều áo trắng thay mầu”, cứ hồn nhiên trở thành “rồi một chiều áo trắng phai mầu”. Hai chữ ấy làm thay đổi cả dụng ý của câu.
Người con gái trong truyện là nữ sinh, phải mặc áo trắng, khi nàng lớn lên, rời mái trường thì không còn mặc áo ấy nữa, thế nên nó phải “thay mầu”. Nó thay mầu cũng là bởi “em qua cầu xác pháo bay sau”. Em mặc áo vàng hoàng yến, áo đỏ thêu phượng hay áo mầu gì khác cũng được. Nhưng thế là em đã vào đời, đi lấy chồng, cho lòng anh chỉ còn biết nhớ những ngày chúng mình cùng đi lễ với nhau khi mình còn đi học.
Chứ không phải vì em nhà nghèo, chỉ có mỗi một cái áo nữ sinh mầu trắng duy nhất, giặt đi giặt lại mãi cho đến khi nó không còn là mầu trắng nữa, để phai đi thành áo mầu cháo lòng. Em mặc áo mầu cháo lòng mà xác pháo hồng lại vương gót chân em trong ngày vu quy, hay nhỉ?
Đến nhạc sĩ Lê Thương, lại càng thương ông khi rất, rất nhiều ca sĩ đã hát sai chữ “xang” của ông thành chữ “xong” trong bài Hòn Vọng Phu 1 của ông. Câu hát đúng phải là “Vui ca xang rồi đi tiễn binh ngoài ngàn” đã trở thành “vui ca xong rồi đi tiễn binh ngoài ngàn” ngay trên cả sân khấu Thúy Nga Paris.
Thế chữ “xang” nghĩa là gì?
Chúng ta nên biết, chữ “xang” đã có trong tiếng Việt từ rất lâu, và được ghi trong tất cả những tự điển tiếng Việt có danh tiếng từ thế kỷ 17 tới nay.
Tự Điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1651) ghi: Xang – agitate corpus ambulando (vừa đi vừa lắc thân thể). Tự Điển Việt-La-tinh của GM. Taberd (1838): Xang – manum altè extollere (nâng tay lên cao). Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (1895-96): Xang – giang tay, đưa tay lên, múa men. Tự Điển Việt-Pháp của Jean Bonet (1900): Xang – lever les bras, gesticuler, jouer, danser (nâng tay lên, múa may, chơi đùa, nhẩy múa). Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931): Xang – giang tay, giơ tay lên. Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (1970-71): Xang – giang tay, múa may.
Tuy có một số tiểu tiết khác biệt qua các thời, từ “xang” cho ta một ý niệm về động tác: Nâng tay lên, giang tay, múa may. Thế thì câu “vui ca xang” của Lê Thương hẳn đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, trong ấy có:
Trịch ly bôi hề, vũ Long tuyền
(Quăng chén rượu tiễn, múa kiếm Long tuyền)
Cuối buổi tiệc tiễn hành, người tráng sĩ ra đi, ném chén rượu, cầm gươm lên múa. Hình ảnh “quăng chén rượu tiễn, múa gươm” đã thành một ước lệ để diễn tả sự hăng hái của người ra đi. Thế nên, “vui ca xang” chính là múa may, múa kiếm hay múa tay trần, cũng đều cho thấy người tráng sĩ khi tòng quân, đều ra đi với tâm trạng phấn chấn. Nếu so nó vào kiến thức Âm nhạc Ngũ cung theo ý hướng khác: “Hò Xừ Xang Xê Líu” (Hay “Xê Cống”) thì cũng không thể là mang nghĩa “xong” được.
Giải thích bằng một câu hát khác trong cùng bài này “Xang xang xang xê hò xừ xang, xứ líu hò xừ líu ừ liu ứ hò” mang hoàn toàn tính học thuật, thì từ “xang” (Trong một ý nghĩa khác) có thể xem như nốt Fa trong hệ thống 7 nốt của Tây phương, càng không phải là “xong”.
Bài hát này còn một chỗ vẫn hay bị hát sai nữa, là “người đi ngoài vạn lý quan sơn”, đã thành ra “quang sơn” hay “quang san”. Trong khi nghĩa “quan” là “cửa” (Cửa ải) và “san” (Hay “sơn”) hiển nhiên là núi. “Quan san” hay “quan sơn” là cửa ải và núi non trùng điệp, đã thành “quang san” (Hay “quang sơn” cũng thế!) nghĩa là núi non rộng rãi, không phải ý mong nhớ xa xôi khi người chồng phải ra chống giặc tận vùng biên ải. Cứ ngẫm lại mà xem: “Người lên ngựa, kẻ chia bào. Rừng Phong, Thu đã nhuốm mầu quan san”.
Ông Văn Cao chẳng vui gì khi học sinh cả nước có mỗi bài Tiến Quân Ca của ông mà cứ hát sai hai chỗ thành hệ thống cả triệu người, ở hai chữ “quân thù” và “sa trường”. Sai đến mức các tuyển thủ bóng đá quốc gia trên ti vi cũng hát sai. Ông Nguyễn Vũ phiền lòng biết mấy khi ông viết: “Rồi lúc nhân thế mừng đón Noel” đã đi lạc cả cây số thành “Rồi những đêm Thánh đường đón Noel”. Ông Lam Phương “người lưa thưa về dốc sương mù” đã chết đuối trong “người lưa thưa chìm dốc sương mù”. Ông Phạm Duy xem ra là mừng nhất, vì bài của ông, người ta ít tự ý thay chữ này bằng chữ khác nhất.
Đúng là chữ “tác” đánh chữ “tộ”, chữ “ngộ” đánh chữ “quá”! (1)
(1) Nhạc sĩ Tuấn Khanh (1933), trong Chiếc Lá Cuối Cùng, luôn tỏ ý hồi hộp khi người ta phỏng vấn ông. Bởi vì chỉ ở đúng một chỗ: “Đêm qua chưa” mà trời sao vội sáng; cả triệu người đã cứ nhất loạt: “Đêm chưa qua” mà trời sao vội sáng.