Trong một lần trò chuyện mới đây, sau nhiều năm không gặp, Hồ Hữu Thủ nói đại ý: “Tôi đã đọc được nơi một ông thày chùa rằng, từ ý tưởng này đến ý tưởng kia luôn có một khoảng hở. Tôi muốn kéo giãn cái khoảng hở ấy rộng ra, càng rộng càng tốt, vì đấy sẽ là nơi tôi an trú. Đấy cũng là nơi mà sự sáng tạo của tôi được định hình sự sống.”
Tôi không hề bất ngờ. Có vẻ như Hồ Hữu Thủ vẫn đắm chìm vào những suy tưởng sáng tạo như thế, vào thiền học như thế. Hồ Hữu Thủ là một trong số ít những họa sĩ tôi biết không ngừng có những suy tư triết học cho cuộc sống cũng như con đường sáng tạo của mình và hơn thế, biết diễn đạt nó một cách mạch lạc.
Hồ Hữu Thủ gốc người Quỳnh Lưu, Nghệ An nhưng được sinh ra tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) năm 1940. Tốt nghiệp trường Mỹ nghệ Thực hành Thủ Dầu Một năm 1959. Bình Dương cũng là nơi sản sinh ra các làng nghề làm tranh sơn mài rất nổi tiếng. Có lẽ vì thế, ngoài sơn dầu, Hồ Hữu Thủ cũng rất sở trường về tranh sơn mài, một nghệ thuật mà ông muốn lưu truyền như truyền thống. Chính Hồ Hữu Thủ cũng đã mạnh dạn gọi tranh sơn mài của ông là nghệ thuật sơn ta hay sơn Phú Thọ.
Sự khác biệt này không chỉ ở chất liệu, mà còn là phương pháp. Thay vì mài toàn bộ bức tranh, Hồ Hữu Thủ chọn giải pháp giữ lại các mảng thô không mài, để tạo hiệu ứng nghệ thuật. Có phải đây là không gian “an trú” của ông trong các khoảng hở giữa các ý tưởng?
Hồ Hữu Thủ cũng nói, bản chất sự vật là bất khả tri kiến. Vì thế cái sự vật mà ta vẽ không phải là sự vật mà nó vốn là. Hơn nữa, thế giới của chúng ta là một thế giới luôn biến động. Cái mà chúng ta vừa lưu giữ đã không còn tồn tại. Vậy thì, vẽ có phải là nắm bắt thực tại không? Mà làm sao nắm bắt? Có thể đây chính là lý do tồn tại của nghệ thuật trừu tượng mà Hồ Hữu Thủ vẫn theo đuổi bên cạnh những tác phẩm biểu hình.
Tuy nhiên, giữa những suy tư sáng tạo và thực hành nghệ thuật lại là một khoảng cách dường như bất khả tiệm cận. Từ ý muốn kéo giãn khe hở giữa các ý tưởng đến thực hành nghệ thuật như cách triệt tiêu khoảng cách của suy tưởng với tác phẩm là tài năng nghệ sĩ. Sự bất toàn xuất hiện và trở nên tất yếu nhưng cũng chính nó, sự bất toàn thôi thúc ý thức sáng tạo. Cũng vì thế, hành trình của sáng tạo nghệ thuật là miên viễn.
Ở đây, chúng ta đã có thể chứng kiến một cụ năm nay 84 tuổi vẫn miệt mài vẽ. Vẫn tươi mới và ảo diệu sắc màu. Không phải vì Hồ Hữu Thủ thường xuyên tập luyện công phu “suối nguồn tươi trẻ” mà cái đẹp của sự sống lôi cuốn, chiếm ngự ông.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Với riêng Hồ Hữu Thủ, tôi còn thấy một phong cách trầm mặc cả trong và ngoài tác phẩm của ông giữa một thế giới xô bồ. Cho dù tranh của ông không thiếu những cô gái đẹp, chất thị hiếu thị trường hiển nhiên nhưng vẫn luôn mơ màng về một cõi nguyên sơ của căn tính hiện thể. Sự thuần khiết nhất nguyên trong vô thức.
Hôm tôi gặp Hồ Hữu Thủ cũng là dịp ra tập sách tranh mới của ông, tổng kết sự nghiệp nghệ thuật. Ông cũng cho biết đang chuẩn bị khánh thành một bảo tàng Hồ Hữu Thủ bên quận 2. Nói thế, không có nghĩa là con đường sáng tạo của Hồ Hữu Thủ đã dừng lại hay đóng khung. Đó chỉ là một chặng đường. Số phận của nghệ sĩ không phải là kẻ ngồi đếm những thành tựu, mà tạo ra thành tựu, mãi mãi đi tới. Mãi mãi truy tìm cái chân tướng sự vật. Cho dù thân xác có gục xuống thì nghệ thuật của anh ta vẫn mãi mãi lên đường. Mãi mãi khai mở. Tôi nghĩ thế.