Càng trưa, Hiếu càng không yên trong lòng, và nàng quyết định tìm Hoàng, không thể chậm trễ hơn nữa được. Nàng xin phép đi, sau khi dọn rửa, nói rằng sợ không gặp bạn vì Hoàng đã đi làm rồi từ mấy tháng nay.
Sự thật cũng là thế, Hiếu đạp xe vong mạng, sợ Hoàng đi sớm vì nhà xa. Dọc đường, thấy dáng phụ nữ đi xe đạp đằng xa là nàng nhìn cho đến khi rõ là không phải Hoàng, mới thôi. Hiếu đến nơi hồi một giờ mười lăm phút. Thấy vắng hoe, nàng hơi lo, và khi bước đến thềm, Hiếu giựt mình đứng sững nơi đó rất lâu.
Giữa nhà là một bàn thờ mới được thiết lập, khói hương nghi ngút và sau bàn thờ là một tấm phúng bằng vải trắng còn trắng tinh. Hiếu nhìn vào trong thì thấy bạn nằm trên chõng tre mà ngủ ngon lành. Dựng xe máy vào phên tre, Hiếu bước vội vào trong, lại gần chõng mà gọi:
-Chị Hoàng! Chị Hoàng!
Hoàng mở mắt ra, còn say ngủ nên chưa nhận ra bạn. Bỗng thấy được Hiếu, nàng hơi ngạc nhiên, vội lồm cồm ngồi dậy.
-Em mới lên à?
-Ừ, nhưng bàn thờ…
-Bà ngoại đã qua đời rồi em à!
Hiếu cũng hơi nghi người chết là bà ngoại của Hoàng, nhưng nàng hy vọng đoán sai. Giờ nghe bạn xác nhận lời đoán thầm của nàng, nàng kêu lên:
-Trời ơi!
Ngồi xuống chõng, Hiếu ôm lấy Hoàng rồi đôi bạn khóc với nhau thật lâu. Khi cả hai cạn hết nước mắt, Hoàng vuốt lên trán bạn mà than:
-Giờ chị chỉ có một mình trên đời thôi em ơi!
-Còn em. Chị cứ xem em như là một đứa em ruột của chị.
-Em thương chị như vậy thật an ủi không biết bao nhiêu. Nhưng ta đã lớn hết rồi, mạnh ai nấy lo sống, chỉ e ta không dư tình cảm để rót qua cho nhau.
Bà ngoại mất đã bao lâu rồi chị?
-Mở cửa mả hôm qua, và chị còn nghỉ phép vài ngày nữa cho đến cúng xong thất đầu, chị mới đi làm trở lại.
-Chị chôn ngoại trên nghĩa địa Biên-Hòa chắc?
-Đâu có được. Cho đến người gác-dan đương thời còn chưa chắc chôn được trong ấy, huống hồ gì ngoại chỉ mới xin việc và được hứa cho làm thôi. Phải là hội viên của Biên-hòa đồng-hương-hội mới được hưởng quyền lợi ấy. Ngoại nằm ở đất chùa ông Tạ.
-Làm sao chị có đủ tiền…
-Thì chạy chớ làm sao. Chị đã bán cái sở cải nầy cho chủ đất và cái nhà cho người bên kia, tất cả cũng được năm ngàn, đủ trả nợ. Cúng hăm mốt ngày rồi chị mang bình hương thờ bà ngoại đi ở nơi khác.
-Chị sẽ ở đâu?
-Rồi em sẽ biết. Buồn lắm em ơi! Chị sanh đẻ nơi đây, lớn lên ở đây, đã thuộc lòng từng gốc cây cọng cỏ vùng nầy. Buồn nhứt là hôm đám ma ngoại, đi sau chiếc hòm, vỏn vẹn chỉ có một mình chị thôi. Tới đây Hoàng lại tủi thân, ôm mặt mà khóc, Hiếu cũng thổn thức nói:
-Trời ơi, em đâu có hay. Nếu hay đã có em rồi.
-Chị không cho em hay, vì cách ba hôm chị đọc báo thấy tin em sắp vào chung kết. Ngày mà ngoại mất, chị tính ra thì đúng vào ngày đó, nên chị để cho em trọn vui. À, thế nào em, vui lắm không?
-Chị đừng có nói cái vui ở đây, bây giờ.
-Không nên để cái buồn người nầy nhuộm đen nỗi vui người kia, Trọng thế nào?
Hiếu kinh sợ đến rụng rời. Hoàng thông minh quá và kinh nghiệm quá, đã biết rõ bước đường tình cảm giữa Trọng và nàng, mặc dầu nàng không có tâm sự với Hoàng về việc ấy, thì phải chăng nay Hoàng đã đoán biết tâm trạng của nàng và hỏi đến như vậy.
Thật ra Hoàng chưa biết gì cả. Nhưng chính nỗi sợ hãi của Hiếu và sự do dự rất lâu của nàng đã nói cho Hoàng biết sơ những gì đã xảy ra.
Không để cho bạn phải thú nhận gì cả, nàng cầm tay Hiếu mà rằng:
-Vậy là em đã sống. Rồi em còn sẽ sống nữa, rất được nhiều dịp sống nữa. Như chị vậy. Hay thì có hay đó, nhưng kinh nghiệm sống lại giết chết những tình cảm tốt đẹp nhứt của con người, thỉnh thoảng ngồi buồn nhớ lại bao nhiêu thứ tốt đẹp đã mất, ta sẽ ngậm ngùi không biết bao nhiêu.
Hiếu ngồi đó mà chết sững sau những lời của bạn. Nàng sẽ mất hay không, những gì tốt đẹp nhứt của tuổi con gái mới lớn lên, nghĩa là những mơ mộng viển vông, một tình yêu không bợn, lòng tin nơi mình, nơi người và nơi đời.
Nàng nhớ rõ những chuyển biến nhỏ trong lòng nàng kể từ phút giây được tuyển làm hoa hậu, nhớ cái ấn tượng kỳ dị khi nhìn lại đôi mắt của Trọng, nhìn lại dáng điệu của chàng mà nàng bỗng thấy là tầm thường, sự tầm thường không sao nhận được trước lúc biết vẻ hiên ngang của người họa sĩ tặng hoa.
Hoàng lại tiếp, như thấu rõ tim đen của nàng:
-Trọng sẽ là một người chồng tốt. Chỉ có thế thôi. Nhưng không thể buộc người con gái bằng lòng với anh chồng tốt ấy. Âu cũng là kiếp của con người, biết sao. Những mối tình học trò, nên kết thúc ngay bằng cuộc hôn nhơn, chậm vài tháng là hỏng cả, vì học trò là những người đang lớn, tức là đang thay đổi.
Càng nghe, Hiếu càng sợ. Nhưng nàng tức vì bạn đã đoán đúng, tức cho mình sao lại biến chuyển không hay như vậy, nên nàng xẵng giọng phản đối:
-Sao chị lại xem thường em như vậy. Chưa chắc gì chị đã kinh nghiệm nhiều như chị đã hãnh diện đâu. Mỗi một con người là mỗi một tâm hồn, một trí não khác nhau, chớ không phải ai cũng đồng loạt giống nhau như chị tưởng.
Nói xong, nàng tự nguyện thầm rằng sẽ cố để cảm nghĩ mãi mãi như bây giờ cho Hoàng đoán sai cho bõ ghét.
Cô gái Ấn Việt chỉ cười hiền lành và nói:
-Em giận chị, nhưng chị không mích lòng. Chị cũng có thể nghĩ sai; và chị thành thật mong em được như trước mãi.
Hiếu tức mình nhưng vẫn sợ. Nàng sợ cô Chà lai nhìn thấu gan, thấu ruột nàng, nàng sợ cái tôi của nàng bị hướng đi nẻo khác, và nhứt là lo sợ vì hoàn toàn chưa biết khi bị hướng đi như vậy, nàng sẽ ra sao? Nên chi, nàng làm lành lại ngay và siết chặt lấy tay bạn:
-Không, em không giận chị. Em thương chị còn hơn lúc chị còn bà ngoại nữa là khác. Chị nè, cứ theo lời chị thì hình như chị không cảm nghĩ như lúc chị bằng tuổi em, có phải không?
-Phải, chị không còn được cái nhơn sinh quan đơn giản như trước nữa em à. Nhưng nguy nhứt cho chị là… là…
Cái cô Chà lai đã cứa cổ gà mà chơi và hăm sẽ cứa cổ đàn ông con trai ấy, lại ngại ngùng mà không nói ra được những gì mà cô ta muốn gởi gắm cho một người bạn thân.
Hiếu sốt ruột lắm, hỏi dồn:
-Là làm sao chị?
-Trời ơi, khổ ơi, em ơi! Chị không còn yêu được nữa em à!
Hiếu nghe điều ấy, thật là kỳ lạ hết sức. Nàng biết trên đời nầy có những người nhiều tình, những người yêu vừa vừa, những người yêu thật ít, nhưng chưa hề nghe nói ai không yêu.
-Không còn yêu được nữa? Nghĩa là trước đây chị vẫn yêu?
-Chớ sao, thì y như em ngày nay vậy.
-Nhưng rồi sao chị không yêu được nữa ?
-Là vì chị đã chạy theo ái tình, cứ thấy là còn người đáng cho ta yêu hơn người mà ta đang yêu, mãi rồi chị nghe ái tình là một thứ gì không có thật, hay không vĩnh viễn, nên không còn tin nơi ái tình cho lắm. Nhưng nó chưa chết hẳn, mà chỉ bắt đầu hấp hối thôi. Ngày mà nó tan biến trong lòng chị là ngày… Nhưng thôi em à. Chỉ có sống mới biết. Và em sẽ sống, sẽ sống được nhiều lắm, chị trực giác được điều đó.
-Nhưng em còn thơ dại, muốn chị chỉ bảo cho.
-Không thể bảo được. Phải sống mới biết. Và cái biết tùy theo lối sống, vì mỗi lối sẽ cho ta biết đời dưới một góc khác. Nếu em sống theo lối nầy thì cũng chẳng cần biết sự thật về lối kia làm gì, và nếu em sống theo lối nọ, thì sự thật về lối khác nữa, hoàn toàn vô ích cho em.
-Chị rắc rối quá.
-Chị có muốn như vậy đâu. Trái lại là khác nữa. Năm ấy chị cũng mong lấy được một người chồng thầy ký. Cái mộng nhỏ nhoi ấy, thế mà cũng không thỏa mãn, nên chị phải cố mà sống và khi sống nhiều rồi thì như vậy đó em à!
Hiếu buồn quá. Nàng không dè đi tìm vui lại gặp và chỉ nghe những chuyện buồn và chuyện làm nhức đầu, nên chi để thay đổi không khí, nàng đề nghị:
-Ta đi thăm mộ ngoại đi chị.
-Đi thì đi. Vả lại không có em đến, tới chiều chị cũng phải đi.
-Chị đi thăm mỗi ngày à?
-Không, đi nhúm lửa cho ngoại. Hiếu ngạc nhiên lắm hỏi:
-Nhúm lửa gì?
-Thường thì trước những ngôi mả mới, người nhà chiều đến, nhúm lên một bếp lửa, cho người chết đang sống cô quạnh ngoài đó, được ấm lòng.
-Nhưng cho đến bao lâu chị?
-Họ thì chỉ nhúm tới ngày mở cửa mả thôi. Chị, chị định nhúm mãi cho tới ngày chị rời vùng nầy. Và về sau, nếu được, thỉnh thoảng chị lại về đây nhúm lửa cho bà ngoại.
-Em à, lửa cháy trông vui mắt lắm. Khi củi cháy to, chị nhìn những ngọn lửa nhảy múa, cứ tưởng là hồn ngoại lên đó để vui với chị. Nhưng lửa tắt thì trái lại, trông buồn thảm ghê hồn. Mỗi khi ra về, nhìn đống lửa tàn, chị tưởng tượng tro sẽ lạnh và bà ngoại sẽ cô đơn ngoài ấy, rồi chị khóc thầm một mình. Em ơi, đời chị giờ đây chỉ còn có mình em, nếu em vui lòng chịu làm em của chị mãi. Ngoài ra, chị không còn chỗ dựa tinh thần nào hết !
Đi thăm mộ, đôi bạn thơ thẩn sau chùa ông Tạ mãi cho đến chiều Hiếu mới ra về. Người con gái tin yêu vào cuộc sống, thấy đời hoàn toàn vui đẹp bỗng khám phá được mặt thật của cuộc đời mà cô đã nhìn phiến diện từ thuở giờ.
Thì ra, rắc rối đến thế à? Thì ra cuộc đời muôn màu muôn sắc, vừa hồng lại vừa xám xịt, và lòng người cứ thay đổi tùy lúc, tùy thời, tùy cảnh, hôm nay không nghĩ như hôm qua, và ngày mai có thể nghĩ khác ngày hôm nay.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP