Hoa hậu Bồ Đào (2)

Thầy Trung làm thơ ký đánh máy cho một hãng buôn đã hai mươi năm rồi mà lương tháng chỉ có bốn ngàn, kể cả các khoản phụ cấp gia đình. Con nhà nghèo, thiếu bánh hàng nên ăn cơm tợn lắm. Lũ con thầy ăn gạo cũng đủ cháy túi thầy chớ đừng nói chi quần áo, thuốc men. Nên chi cả nhà ai cũng đồng ý rằng Hiếu phải đi làm ngay, chớ không dám mong để nàng theo lớp Sư phạm cấp tốc như đã dự định hồi mấy năm trước.

Các em của Hiếu lần lượt xếp sách đi ngủ, thầy Trung vào buồng sau rốt, sau khi hút tàn điếu thuốc cuối cùng trong trong ngày. Hiếu vẫn cắm đầu học say vùi, lâu lắm.

Bấy giờ cô Trung bước ra khỏi buồng ngủ, xem giờ nơi mặt chiếc đồng hồ reo đặt trước Hiếu. Bà không nói gì hết, nhưng Hiếu hiểu ngay là mọi công việc phải được bắt đầu; mẹ nàng trông chừng cửa cho nàng gánh nước ngoài đầu ngõ.

Đêm nào nàng cũng gánh nước vào giấc khuya, từ mười một giờ đêm sấp lên, vì vào giờ đó phông-tên vắng bớt người, khỏi phải chờ đợi phí thì giờ, và vì lúc đầu hôm, dân gánh nước toàn những chị sen, con bếp, nàng không thích chen chúc với những người ấy.

Hiếu dẹp sách vở, đi ra sau quảy đôi thùng rồi nói lấy lệ cái câu mà nàng cứ nói mãi mỗi đêm, từ ngày nàng gánh nổi một đôi nước:

-Má coi chừng cửa.

-Ừ, để đó cho má.

Ra tới ngã ba thì sau lưng Hiếu đi theo ba chị quảy thùng không như nàng. Họ dừng bước lại lúc gần chạm mặt với Hiếu nơi ngã ba đó, vì họ không ưa cái phong độ của Hiếu mà họ cho là nàng kiêu căng “thấy mà phát ghét”.

Trên ngõ, cách quãng xa xa có một ngọn đèn lu. Nhưng khi Hiếu đi ngang qua một hãng sơn guốc thì nàng hiện lên, lộng lẫy dưới ánh đèn ống của xưởng.

Gót nàng đạp lên một viên sỏi và ửng hồng khiến mấy chị theo sau khều nhau mà nói thầm:

-Trời ơi, sao mà gót của nó thấy mà mê.

-Con nhỏ ngộ quá xá.

-Thấy ghét, nhưng mà cũng thấy thương. Tao mà là con trai, tao o nó cho được mới nghe.

-Cái bộ đó thì chém chết cũng có mèo rồi.

-Trời, văn minh ghê! Nó bận quần nữ cao-bồi tụi bây ơi! Hồi sáng nó ra ngoài nầy mua bánh mì, ai thấy nó bận cái quần lụa trắng ống túm cũng trề môi hết thảy.

Giờ thì Hiếu mặc quần vải đen ống rộng như thường, áo bà ba cũng may bằng vải đen. Hai bàn tay và hai bàn chơn trắng nõn của nàng sao như là tay chơn giả, bằng bột nắn mà anh thợ hình nộm nào vừa phủ y phục đen lên để xem cho nó nổi bật.

-Cái co của nó ghê quá thấy không bà, eo như lưng con kiến vàng é!

-Coi cái đít kìa! Tướng đó là tướng đứng đường đa!

-Hứ, cái tù mặt ngựa bà, cặp mắt láo liên mà cứ làm bộ nghiêm.

Hiếu chạy được sáu đôi nước thì các đồng hồ trong xóm đều thi nhau mà đổ một giờ khuya. Các lu khạp đã đầy, nàng dẹp thùng, thay y phục rồi đóng cửa đi ngủ.

Kết quả thi viết năm nay không đem lại vui mừng cho gia đình thầy Trung. Hiếu đã đậu bài viết năm kỳ liên tiếp và đã năm kỳ liền, nàng trợt ở những cuộc vấn đáp 1.

So với thi vấn đáp bên chương trình Pháp, thi vấn đáp của ta dễ như chơi chơi, mỗi năm leo heo vài thí sinh rớt, mà năm tới hoặc kỳ nhì năm đó họ cũng đậu được dễ dàng. Thế mà Hiếu đã trợt năm kỳ, trong vòng hai năm rưỡi.

Vì thế, năm nay nhà nàng không kể tới cuộc thắng trận ở hiệp nhứt. Trái lại vợ chồng thầy Trung và cả Hiếu nữa, lo sợ hơn bao giờ hết.

1 Câu chuyện xảy ra năm kia, còn thi vấn đáp trong các kỳ thi Trung học!

Hiếu năm kia, năm ngoái là cô học trò giỏi nhứt lớp. Thế mà cứ hỏng thi mãi thì có phải là tại số hay không? Nếu quả tại số thì thật đáng sợ, vì có thể Hiếu có số lận đận vài năm mà cũng có thể có số không bao giờ thi đỗ. Lận đận vài năm chỉ hơi buồn thôi, chí như cả đời không một mảnh giấy lộn lưng thì đệ nhứt buồn, cái buồn của ông Tú sông vị rồi vậy.

Cô Trung đã đi xem bói đến ba ông thầy, ông nào cũng khuyên cô nên cúng quảy, con cô mới qua được cái hạn lận đận, và vâng lời thầy, cô đã đi cúng rất nhiều am, miễu trong vùng.

Nhưng Hiếu thì có một chương trình hành động khác hẳn. Sáng hôm ấy nàng dậy thật sớm, đi đôi guốc nguyên ta lông mua lén giấu hổm nay rồi đẩy xe máy đi thật lẹ cho mẹ khỏi thấy. Ra tới đường, nàng do dự một hơi để quyết định nên đến nhà bạn nào, và rốt cuộc chạy tuốt ra chợ Thái-Bình.

Chi ở trong ngõ hẻm Lục-Lăng. Nó đậu năm ngoái và năm nay đã sắp sửa lên đệ nhị. Nó không thân với nàng lắm, như vài bạn gái khác, nhưng nó là một cây ăn diện, vóc vạc bằng y Hiếu và nhứt là tánh rất dễ dãi, lại mồ côi mẹ.

Khi Hiếu đến trước nhà nó thì ba nó sắp sửa đi làm, nói đi uống cà-phê thì đúng hơn, vì bấy giờ chưa bảy giờ sáng.

-À, con Hiếu, ông cụ reo mừng. Đi đâu sớm vậy cháu?

-Dạ, cháu tìm Chi có việc.

-Thì cháu cứ vào rồi nó lên, nó đang rửa mặt sau nhà. Thôi bác đi đây.

Chắc Chi đã nghe gì nên vừa lau mặt vừa bước ra ngoài:

-Ý bà, Tiên hay Kiệm?

-Tiên.

-Sao không vào vấn đáp?

-Thì vào chớ. Nhưng nè, bà giúp tôi cái nầy được không?

-Luôn sẵn lòng.

-Bà cho tôi mượn chiếc áo dài đẹp nhứt của bà, và “sắm tuồng” cho tôi nhé.

Chi cười rũ rượi và nói:

-Hiểu rồi. Thua trận mãi bà quyết đánh bùa chớ gì. Hiếu cũng cười và xáp lại đấm Chi đùi đụi:

-Giỏi như thầy bói. Bùa gì, bà biết không?

-Bùa mê.

-Thôi mau lên, khéo trễ.

Cả hai đều chưa rành hóa trang, lại vội vàng, nên khi xong công việc thì trông Hiếu giống hệt Shirley Maclaine trong những vai gái giang hồ bự phấn. Tuy nhiên, không ai thấy là chướng cả, và Chi pha trò:

-Bùa mê thật mê ly. Mà bà nè, tôi lạ lắm. Không phấn son, bà cũng đẹp lắm rồi thì đâu có phải vì thiếu sắc mà bà rớt, bởi không cảm tình của giám khảo?

-Ai biết đâu, cứ thử bậy vậy mà! Nguy quá nên tôi làm đủ trò coi số mạng ra sao?

Tuy hóa trang vụn, Hiếu vẫn đẹp hơn là không son phấn vì cái trò téch-ni-cô-lo lòe loẹt, dù sao cũng có hiệu lực của nó phần nào.

Khi Hiếu vào tới trung tâm vấn đáp đặt tại trường trung học P. Trương-Vĩnh-Ký thì các thí sinh khác đã vào hết cả trong phòng thi. Nơi các hành lang chỉ còn rải rác vài thí sinh nhút nhát, hoặc hoang mang không biết vào phòng nào trước.

Hiếu bước vào phòng thi cử mà ngoài cửa có treo bảng số báo danh của những thí sinh phải vào phòng đó, và mừng rỡ hết sức mà thấy giám khảo là một vị giáo sư rất trẻ tuổi. Ông ấy trẻ quá, trẻ măng lận, nên ông phải để bộ râu Lạt-Gáp trên môi cho thêm vẻ chững chạc trông buồn cười hết sức. Hiếu tin chắc rằng đôi kính trắng mà ông đeo trên sóng mũi là đôi kính “trung lập” không công không phạt, chớ không phải là kính cận thị đâu, vì kính mắt cũng là một võ khí làm tăng uy tín con người, làm cho người đeo nó đạo mạo thêm lên phần nào.

Hiếu là gái tinh nghịch, như bất kỳ cô gái mạnh khỏe nào, mạnh khỏe thể chất lẫn tâm hồn, nhưng không lẳng lơ, mà trái lại còn khinh ghét sự lẳng lơ là khác nữa.

Nên chi buồn cười ông giáo sư trẻ cố làm già, Hiếu bỗng nhớ lại ngón đòn bẹo hình hài của nàng rồi đâm ra ngượng. Thình lình nàng mất cả tự tín về sự học hành cẩn thận của nàng, mất cả tự tín về sắc đẹp và về sắc đẹp vừa được tăng cường của nàng.

Hiếu rón rén ngồi xuống, rất khổ sở vì tự ti mặc cảm vừa nhóm, trước những cặp mắt tò mò của các nữ thí sinh khác.

Nàng ngồi đó, nhỏ nhoi như bị cái gì đè bẹp dí xuống, và nghĩ vẩn vơ rất lâu, rồi khi nhớ ra thực tại, vẫn do dự không dám lên.

Nhưng mà rốt cuộc, nàng vẫn phải lên. Ông giám khảo trẻ tuổi mà bộ râu giống hệt một bộ râu giả dán vào môi trên, không hề liếc nhìn sơ cô thí sinh nầy một lần chớp nhoáng nào cả. Tuy nhiên, không liếc nhìn không có nghĩa là không thấy. Người ta vẫn thấy được, mà nhận ra được đặc điểm của nó nữa, cái gì động đậy bên cạnh người ta trong cái tầm mở rộng của cái nhìn, mở rộng theo hình cái quặng (cái phễu).

Tự nhiên ông giám khảo ngồi ngay ngắn lại và nghiêm nét mặt lên. Hiếu làm sao biết được điểm tâm lý lạ lùng nầy của con người: vị giáo sư ấy sợ thiên hạ cho rằng ông ta háo sắc, nên phản ứng lại rất mạnh bằng cách cứng rắn đến cực kỳ khắc nghiệt.

Ông ta hỏi, giọng xẵng lè:

-Đánh đuổi Mãn-Thanh, có phải là dân Trung-Hoa đã làm hai cuộc cách mạng song hành hay chăng?

Hiếu tái mặt đi, vì câu hỏi ấy như xô nàng từ cung trăng rớt xuống. Nàng nuốt nước bọt đến mấy mươi lần cố moi não tìm xem câu chuyện ấy thuộc đời Lê hay đời Nguyễn.

Lâu lắm nàng mới suy ra được rằng câu hỏi thuộc về thế giới sử, bởi trong ấy có tiếng “Trung Hoa”, và chắc chắn nữa là về cuộc cách mạng Tân Hợi.

Nhưng theo thói của học sinh Việt Nam thời hậu chiến (thói nầy do nhiều giáo sư khuyến khích), Hiếu đã học bài thuộc lòng, chớ không phải học theo lối hiểu bài, nhớ việc, để kể lại theo văn của mình. Nàng chỉ có thể nói đến cuộc cách mạng Tân Hợi từ đầu đến cuối, không sót chữ nào của bài nhà trường, chớ rút ra giữa bài một chi tiết mà hỏi thế thì nàng đành chịu thua.

Tuy nhiên Hiếu vẫn không chịu thua. Nàng tự nhiên trả bài:

-Tình hình nước Trung Hoa vào cuối triều đại Mãn Thanh… ơ… Sự đồi trụy của triều đình do bà Từ Hy gây ra – Ơ… hơ… Trong khi nước Nhựt quyết định đeo đuổi chương trình Duy Tân thì… ơ… ơ… trái lại, quá mê say nền học từ chương, a…ơ…ơ… vua tôi nhà Thanh…

-Không, vị giáo sư đeo kiếng cận thị quát, giọng cố hách dịch, nhưng các thí sinh dưới nầy lại cười ồ. Không, câu hỏi của tôi rất rõ ràng, chị biết thì đáp, không biết thì thôi, đừng có vòng vo Tam quốc?

Hiếu không thấy vẻ hách dịch non rất buồn cười của ông giám khảo, nàng chỉ run sợ, và tâm trí càng bấn loạn hơn…

-A… ơ…, năm Tân Hợi, dân Trung Hoa nổi lên làm cách mạng… ơ… a… Cuộc cách mạng thành công rực rỡ và nền dân quốc a… được… à…

-Thôi, cảm ơn chị, tôi không cần những chi tiết đó.

Ông giáo sư đưa trả giấy tờ mà vẫn cứ thờ ơ không ngó thí sinh, làm như ta đây không hề bị sắc đẹp làm rung động bao giờ.

Hiếu không chịu nhận giấy tờ của nàng, muốn năn nỉ xin giám khảo hỏi lại câu khác, nhưng nghẹn ngào đứng đó không nói được nên lời.

Ông giám khảo dằn mạnh giấy tờ lên bàn rồi ngó xuống dưới hỏi to:

-Nào, ai lên?

Biết không còn hy vọng gì nữa, Hiếu với tay lấy lại giấy tờ mà nàng không thấy rõ qua màng lệ vừa giăng trước mắt nàng. Nàng thất thểu bước ra khỏi phòng thi như một hình nộm mà vị phù thủy cao tay nào đó vừa dán lên một lá bùa cho nó cử động một cách máy móc.

Mãi về sau nầy, khi mà cuộc đời đã xô đẩy nàng như môi trường cục đá lăn nghiêng, lăn ngửa, Hiếu mới nhận ra rằng sở dĩ nàng trượt luôn sáu kỳ vấn đáp chỉ vì nàng Quá Đẹp.

Đờn ông con trai họ nể phụ nữ đẹp, nhưng họ lại sợ và lắm khi không ưa phụ nữ đẹp. Sự quá đẹp làm cho bị mặc cảm nhỏ nhoi. Sự quá đẹp khiến cho họ ghen. Phải, họ ghen những người đẹp ghê hồn mà họ biết không bao giờ thuộc về họ, ban ân huệ vô ích mà trái lại hạ trước cho bõ ghét.

Về sau, nàng mới khám phá ra sự thật, nhưng giờ, nàng chỉ biết đau cho số phận nàng thôi.

Hiếu trôi qua buồng thi vạn vật. Buồng nầy bên trong vắng hoe, nhưng ngoài cửa thí sinh lấp ló rất đông. Nàng tập vào đám ấy như chiếc lục bình lẻ trôi dạt bị bè lục bình bên bờ hút vô.

Vị giám khảo phòng nầy là một ông già mà thí sinh biết danh hay côn học trò nên họ sợ lão lắm. Họ càng sợ lão hơn vì thành kiến của lão đối với sự làm đỏm dáng. Lão xét đoán không vô tư được vì lão ghét đứa nào mặc áo đẹp, sửa tóc công phu, những trò mà lão cho rằng làm hại sự học vì phí thì giờ.

Lão ngồi đó ngáp vặt rồi nhìn các thí sinh đứng ngoài cửa bằng cặp mắt căm tức. Lão lẩm bẩm: “Được, nếu thế thì mình sẽ côn bất kỳ đứa nào để trả thù những giờ phút ngồi chết rục ở đây”.

Hiếu bụng bảo dạ: “Ông ấy đang cần thí sinh mình vào ngay chắc được cảm tình, ông sẽ hỏi dễ để khuyến khích tụi khác vào cho đông”.

Nghĩ thế nên nàng xâm xâm bước vào và đi lại ngay bàn giám khảo.

Buồng vắng hoe nên đôi guốc cao gót mới mua, nện lên nền gạch kêu bôm bốp. Tiếng guốc vang to quá khiến Hiếu sợ hãi, nhưng không sao bịt miệng không cho nó kêu được.

Ông giám khảo già dám nhìn thẳng cô nữ sinh đẹp nầy vì ông đáng ngoại cô, không sợ gì cả. Ông dòm xuống đôi guốc quay màu của cô rồi trề môi một cái. Chắc trong bụng ông nói: “Hỏng, con bé nầy hỏng, ngữ nầy thì có bao nhiêu thì giờ, để ra mà gọt móng tay chớ có học hành gì! Phải cho nó tởn mới được, có thế, năm tới nó mới thôi lo o bế mái tóc, và để tâm đến bài vở.

-Nói về sự cấu tạo của hệ thần kinh não tủy xem nào!

Trời ơi, làm sao có sự rủi ro như thế được! Đó là câu hỏi vạn vật mà các thí sinh sợ nhứt vì chỗ nầy: từ não ở trên, chạy đến tủy sống ở dưới, có lu bù bộ phận trung gian, nào là tiêu não, hành tủy vân vân. Nhưng cái điểm bể óc không phải ở nơi đó. Nguyên trong các bộ phận ấy có một khối lền gồm chất trắng và chất xám. Tạo hóa đã chơi ác đối với học trò là có nơi thì đặt chất trắng ngoài chất xám, có nơi lại đặt chất trắng ở trong chất xám, thật là lộn xộn rối nùi còn làm sao mà nói cho đúng được ở khúc nào chất trắng bao ngoài, ở khúc nào chất xám bọc lấy chất kia.

Hiếu rụng rời giây lâu rồi đứng chết sững ra đó mà nuốt nước bọt.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: