Hoa hậu Bồ Đào (30)

Phim quay được hai phần ba thì đoạn sau bắt đầu trình bày một minh tinh Bích-Lệ khác với cô đào chánh đã đóng từ lúc đầu. Ai có mắt tinh một chút là nhận thấy ngay sự thay đổi đó.

Sau hai tháng thành đàn bà, cô gái của buổi đầu hồng hào ra, và đường nét của thân thể nàng xuất hiện rõ rệt chớ không mơ hồ như trước nữa. Người xem phim về sau, chắc tưởng rằng phim quay được nửa chừng thì nhà sản xuất ngưng công việc trong một thời gian lâu lắm vì lẽ gì đó.

Tuy nhiên sắc có thắm hơn, mà tình của anh kép chánh đối với cô đào lại lợt lần. Không, Nghi vẫn còn yêu nàng như trước nhưng sự bồng bột của những ngày mới gần nhau không còn nữa. Lắm khi, sau một buổi làm việc, Nghi ra về một mình, xin lỗi sơ sơ Bích-Lệ rằng chàng bận một “tí việc rất quan trọng”.

Hiếu tin rằng bạn nói thật, nhưng giá như lúc đầu mà có việc quan trọng đến đâu, chàng vẫn đợi để đưa bạn về, ít lắm là tới xóm nhà của Hoàng.

Cũng chẳng sao. Lối xử thế đó giống như là tình chồng nghĩa vợ lâu đời, như là lối ăn ở của ba nàng đối với má nàng, ông cụ xem ra không săn sóc bà cụ bao nhiêu. Nhưng mà họ đã cưới nhau, còn Nghi và nàng chỉ là một đôi nhân tình thôi. Nghĩ đến cưới, Hiếu không sao quên được cái hôm mà đôi bạn cùng đi dự tiệc lễ thôi nôi của con anh đạo diễn Trần-Văn-Hai.

Ra về, Hiếu hỏi pha trò:

-Chừng nào chúng mình mới ăn thôi nôi cho đứa con đầu lòng hở anh?

-Chắc còn lâu lắm.

-Em thì em tính ra còn hăm mốt tháng nữa. Nghi ngạc nhiên hỏi:

-Tại sao lại hăm mốt tháng nữa ta có con?

-Không, hăm mốt tháng nữa ta ăn thôi nôi cho thằng bé, có con thì chỉ chín tháng nữa thôi.

Nghi hoảng hốt hỏi:

-Sao, sao, em nói sao? Em nghe trong người làm sao?

-Chưa nghe sao cả, nhưng em bặt đã mười tám hôm rồi.

Nghi tái mặt đi, dừng chân lại, đứng thừ ra một lúc lâu rồi nói:

-Cũng chưa có sao. Anh nghe họ bảo rằng trễ là sự thường, có khi trễ đến hai tháng nữa là khác.

Hiếu cũng tái mặt, cũng dừng chân lại, đứng thừ người ra một lúc lâu sau câu nói của Nghi. Nàng cứ đinh ninh là Nghi sẽ nhảy lên vì vui sướng và đôi bạn sẽ bàn với nhau về cái đám cưới cần phải có để điều chỉnh tình trạng, để hợp lệ hóa một chuyện đã rồi, chớ không hề ngờ rằng đó là một cái tin sét đánh đối với Nghi.

Lâu lắm, nàng mới cười gằn và hỏi:

-Anh bảo “cũng chưa có sao” nghĩa là nếu điều ấy là dấu hiệu chắc chắn của sự thọ thai thì “đã có sao” phải không?

-Em muốn bắt bí anh gì đó?

-Anh khỏi cần phải nói quanh, không chối được nữa đâu. Có phải anh nghĩ rằng việc mang thai là một tai nạn hay không?

Nghi chỉ làm thinh, khiến Hiếu phải níu áo chàng mà hỏi gằn lại. Chàng ú-ớ giây lát rồi nói:

-Em đã biết rằng anh nghèo lắm.

-Biết, nhưng đó không phải là một cớ. Khối gia đình chỉ kiếm được mỗi ngày bốn mươi đồng, vậy mà họ vẫn vui mừng mỗi lần nhà đông thêm một đứa trẻ.

-Họ khác, ta khác. Họ để con họ lem luốc, nheo nhóc được, ta thì không.

-Em cũng nhận lý lẽ ấy đi. Nhưng anh có thật nghèo lắm hay không cái đã?

Hiếu có đến nhà Nghi và về sau nầy, họ chỉ gặp nhau nơi đó thôi. Nghi ở trong một nếp nhà ván có gác lợp tôn, nóng như lò lửa, trong một ngõ hẻm quanh co trên xóm Hòa-Hưng. Phía dưới Nghi dùng làm xưởng vẽ và tối lại chàng chun lên cái gác thấp ấy mà ngủ, nhưng không dám lên đó trước mười giờ đêm, vì mái tôn giữ sức nóng dai lắm.

Tuy thế, thỉnh thoảng Nghi cũng bán được một bức tranh và tháng nào cũng có tiền nhuận bút về những bức minh họa bài của các tạp chí. Kể ra thì trung bình, chàng cũng kiếm được mỗi tháng hơn số lương của Trọng một tí.

-Thì anh nghèo đứt đi rồi, em đã dư biết mà.

-Anh không giàu, nhưng anh vẫn đủ sức nuôi vợ, nuôi con chớ.

-Nuôi như một người thợ hồ nuôi vợ con y. Nhưng anh lại không thích để vợ con anh khổ như vậy.

Nghi nói quá ra đó thôi, chớ một gia đình tiểu tư chức vẫn sống tươm tất được. Nhưng ông chủ gia đình ấy sẽ phải hy sinh nhiều cho vợ con, chớ không mong sống như chàng vậy nghĩa là la cà ở nhiều quán giải khát, nhiều vũ trường, nhiều hiệu ăn rất tốn kém.

Không như vậy, chàng không sao gặp bạn, mà không sao gặp bạn thì không nói chuyện văn nghệ được, những câu chuyện tầm ruồng, không đâu, nhưng lại rất lợi cho công việc sáng tạo của chàng.

Suốt tháng đó, cả hai cùng lo lắng và âu sầu như nhau, nhưng rốt cuộc, đó chỉ là một cuộc báo động giả và Hiếu lại đều đặn trở lại như thường. Một hôm nàng bảo bạn:

-Anh Nghi nè, anh bảo không còn cha mẹ, cũng chẳng có ai thân thích trên đời nầy. Nhưng em nghĩ cũng không sao, ba má em không đến đỗi khó tánh lắm, nhứt là khi có em nói thêm vào. Vậy anh nghĩ sao về việc làm cho tình cảm của ta khỏi phải ở trong cảnh núp lén như vậy hoài?

Nghi lại giựt mình như lúc nghe tin kinh kỳ của bạn bị xáo trộn. Chàng nín lặng rất lâu rồi hỏi:

-Em nghi ngờ tình yêu của anh đối với em sao?

-Không.

-Như vậy, không đủ cho em hay sao?

-Rất đủ, nhưng chỉ đủ về mặt tình cảm thôi. Ta phải lo về mặt khác nữa chớ.

-Em muốn nói về mặt gì?

-Chẳng hạn như em thọ thai.

-Thì anh sẽ cưới em ngay.

-Có gì bảo đảm không?

-Lời hứa danh dự.

-Bằng như em không thọ thai thì ta cứ kéo dài như thế nầy mãi cho đến ngày anh chán em?

-Không, anh có chán em đâu.

-Chính anh đã nói… “tình nào không phai” kia mà!

-Có lẽ phải trở lại vấn đề cũ là anh nghèo lắm.

-Nếu anh chỉ ăn cơm thôi, ăn cơm do em nấu lấy thì gia đình ta không đến đỗi đói.

-Nhưng anh không chỉ ăn cơm không mà thôi.

-Anh thấy cần ngồi hiệu lắm hả?

-Tối cần thiết. Tất cả bạn hữu anh đều gặp mặt nhau ở những nơi đó. Không tụi nó thì tâm hồn anh sẽ bị chận đứng lại, tắt tị, không còn phong phú nữa thì còn mong gì sáng tác.

-Anh lại cần rất nhiều báo ngoại quốc mà ở đây họ bán rất mắc tiền. Thật ra bao nhiêu thứ cần dùng ấy, xem thì nhiều, nhưng chỉ là tối thiểu thôi: một văn nghệ sĩ Âu-châu mà có chút ít tên tuổi như anh, được hưởng những thứ ấy dễ dàng mà khỏi phải thắt chặt hồ bao. Nhưng ở nước ta, tranh bán không được bao nhiêu thành ra…

-Nhưng nếu ngày kia, anh không yêu em nữa thì ta sẽ xa nhau à?

Lần làm thinh này, Nghi giữ lâu hơn bao giờ cả. Chàng thấy không thể úp mở mãi được, nên đã nói ra một điều mà Hiếu nghe như tiếng sét. Đó là một sự thật, sự thật trắng trợn quá sức nên mặc dầu bị lung lay mạnh, nàng vẫn dửng dưng được sau đó, bởi quá đau.

-Em cứ thử tưởng tượng một cặp trai gái không thể yêu nhau nữa, mà phải sống chung với nhau, thì em sẽ thấy cái hỏa ngục ấy ra thế nào.

Hiện giờ anh yêu em, ta yêu nhau, ta cần để tình ta lắng lại xem sao. Thấy bạn tím mặt, Nghi nói thêm:

-Chính em đã kể cho anh nghe bước dọ dẫm trên đường tình của em với Trọng, và em đã đổi ý khi thấy mình chọn lầm.

Có chi tiết nầy mà Hiếu không buồn đưa ra cãi với Nghi nữa. Là quả nàng đã dò dẫm, đã đổi ý. Nhưng nàng chỉ lần dò trước khi dấn thân vào đường tình với Trọng. Với Nghi, nàng đã cho tất cả rồi, từ thể xác lẫn tâm hồn, hai trường hợp khác nhau xa lắm.

Hiếu không buồn cãi cọ lôi thôi nữa vì sau câu chuyện hôm ấy, nàng lấy xắc ra đi mà không một lời từ giã Nghi.

Nhứt định dứt rồi với con người chưa chi đã tính chuyện chán nhau, xa nhau! Nàng đã ra đi, mặt giận hầm hầm, và suốt đêm đó, nàng khóc ướt cả gối chăn.

Hôm sau, nàng làm việc tại phim trường một mình, không có mặt Nghi. Nàng đóng cái đoạn chiều chiều ra bờ sông mong ngóng người tình bị tù đày đi xa, và cái đoạn làm dâu làm vợ của anh thợ trét ghe dễ ghét, anh tình địch đã phao vu bạn của nàng.

Hôm ấy Hiếu đóng khá hay vì nàng đang đau khổ thật. Mới bước vào phim trường, không thấy mặt Nghi, nàng đã buồn rồi, và càng phút nàng càng mong nhớ người con trai ấy mà nàng hy vọng thế nào rồi hắn cũng sẽ đến chơi như mọi hôm mà nàng chỉ đóng một mình.

Nhưng hắn đã không đến.

Hiếu chỉ quyết định phải dứt với chàng có một tiếng đồng hồ thôi, rồi đau khổ đến nửa đêm vì sự dứt tình ấy. Phần nửa sau của đêm đó, nàng hối tiếc và sáng lại thì mong gặp nhau cho chàng xin lỗi mà làm lành trở lại. Vì dầu sao, cũng chưa có gì đổ vỡ. Nghi chỉ mới có tiên liệu một trường hợp về sau, mà trường hợp ấy chưa xảy ra và đôi bạn cứ còn thương yêu nhau như thường.

Mối tình của chàng và nàng, nàng thấy là đẹp quá, cần phải cứu vãn nó và nuôi nấng cho nó sống mãi chớ không nên vì một lời nói không đâu mà gây ra cuộc gãy đổ.

Nhưng mà Nghi đã không đến. Người nữ diễn viên chánh như đã chui vào da thịt của nữ nhân vật chánh trong phim, tiếc thương rất thật người bạn tình đã mất. Nàng tưởng tượng nếu dứt với Nghi, và sau nầy lấy chồng, lấy một người con trai khác, nàng sẽ khổ thế ấy, để diễn tả nhân vật trong truyện. Trong con mắt của Hiếu, hiện giờ không còn người con trai nào trên đời nầy mà đáng cho nàng yêu nữa hết. Nàng ở trong cái tâm trạng ấy ba hôm thì hôm thứ tư hai người phải đóng chung vói nhau trở lại.

Nghi đến trước đợi nàng từ ngoài đầu ngõ, gặp bạn, chàng mừng rỡ, hỏi:

-Em có giận anh lắm hay không?

Hiếu xụ mặt xuống, gầm đầu đi luôn vào trong. Nghi lẽo đẽo theo sau, lải nhải nói:

-Sở dĩ mấy hôm nay anh không đến là để cho em nguôi giận rồi hẵng hay, chỉ vì vậy đó thôi. Không lẽ em lại không tha thứ anh được vì lỗi lầm nào.

Hiếu vẫn làm thinh. Nhưng khi vào phim trường, đóng cái đoạn mà chàng vượt ngục, trở về làng cũ để báo thù, gặp nàng trong đêm tối, đôi bạn quấn quýt nhau thì Nghi biết là Hiếu đã hết giận chàng rồi vậy, và chiều hôm đó thì họ kéo nhau đi giải khát như sóng gió chưa bao giờ nổi lên giữa hai người.

Hiếu không cương quyết lắm, lại nhát gan, sợ chính mình gây đổ vỡ. Thành thử rồi sau đó nàng không đá động đến cái việc lôi thôi ấy nữa, và lại thầm mong nếu tình yêu giữa hai người mà cứ kéo dài như thế nầy được mãi thì cũng tạm gọi là sung sướng. Không phải hễ cứ yêu nhau là có con và “tai họa” thọ thai, cũng như bất kỳ tai họa nào, ít xảy ra lắm. Còn như Nghi hết yêu nàng? Điều ấy nàng không muốn nghĩ tới nhiều.

Mãi cho đến hôm thước phim cuối cùng được quay nàng mới bắt đầu lo trở lại. Hôm ấy phim trường tiếp hai người khách, một trai một gái, đến xem cho biết kỹ thuật quay phim. Đó là hai anh em ruột, có vẻ quen biết với nhiều người trong đoàn. Người con trai không có gì đặc biệt, còn cô gái thì khá xấu xí.

Cứ theo lời họ giới thiệu khách với Nghi (không quen biết hai người) thì thanh niên là nhà văn Thôi-Đạt còn thiếu nữ là em ruột của nhà văn. Nghe tên Nghi, thiếu nữ mừng rỡ hết sức, nói chuyện huyên thuyên, bảo là đã nhiều lần đi xem triển lãm tranh của Nghi, phê bình bức nầy, khen chê bức nọ, và nói rất nhiều về nghệ thuật hội họa.

Không bao giờ Hiếu thấy mắt Nghi sáng bằng hôm đó. Hắn như tìm gặp được người phụ nữ đầu tiên trong đời hắn hiểu biết và chú tâm đến hoạt động của hắn!

Hiếu giựt mình khi nhớ lại rằng đã nhiều lần, Nghi nói với nàng:

-Em Bích-Lệ nè, phải chi em mà hiểu được tranh, hiểu được anh thì quí biết bao nhiêu! Anh sống cô đơn từ lâu rồi, chợt gặp em, anh bớt trơ trọi, nhưng vẫn còn nghe hiu quạnh bao quanh anh khi mà tâm hồn anh không có người cảm thông cho.

Hiếu không hiểu một tí gì về hội họa cả, và nàng thường ngạc nhiên không hiểu vì sao Nghi lại nổi danh nhờ những bức tranh mà Hiếu thấy là vẽ xấu như trẻ con mới học vẽ ra.

Nàng yêu Nghi chỉ vì con người của Nghi thôi, ngoài ra, thật không bận tâm chút nào đến những tấm bố căng mà Nghi đã bôi lem luốt đủ thứ màu kỳ dị lên đó.

Những lần Nghi ao ước như vậy, nàng chỉ cười thấy là bạn mình chỉ nói vậy thôi. Nếu quả điều kiện nàng hiểu biết hội họa là cần để giúp cho hạnh phúc của chàng được trọn vẹn thì phu nhơn của một vị tướng lãnh chuyên đánh giặc, cũng phải sành chiến lược, chiến thuật nữa à.

Luôn luôn nàng đã cười và đáp:

-Anh chỉ nói nhảm. Anh vẽ xấu như mèo quào, em mà có muốn hiểu cũng không làm sao hiểu được.

Hôm mà chàng tỏ ra sung sướng như vừa trúng số to, lúc trò chuyện với cái cô phê bình tranh vanh vách ấy, Hiếu giựt mình và lần đầu tiên, nàng nghĩ đến hội họa.

Tranh, đối với nàng, chỉ như là một chiếc áo cho một bức tường, không hơn, không kém. Chiếc áo che thân nàng, dầu sao cũng quan trọng hơn là chiếc áo che vật vô tri chớ. Nhưng có bao giờ mà Nghi sung sướng đến như thế đâu mỗi bận nàng đem khoe một chiếc áo vừa ý, đẹp ở hàng lụa, ở màu sắc và ở cái lối cắt may của người thợ.

Là hoa hậu, từ thuở giờ Hiếu khỏi ghen với ai cả, vì xem ra không ai địch nổi với nhan sắc của nàng, còn đúng điệu và điểm trang thì nàng đã sành lắm rồi.

Trước mặt nàng, Nghi đã nhiều lần trò chuyện rất vui vẻ và có duyên với nhiều mỹ nữ, nhưng nàng thấy đó là vì lịch sự thôi. Lần nầy lại khác, Hiếu không thể nói ra được những điểm khác ấy nhưng nàng thấy rõ ràng là bạn nàng bị xúc động.

Ghen với một người kém mình, Hiếu thấy là xấu hổ quá nên nàng làm ngơ, giả đò như không tiếp nhận được gì hết, nhưng lo sợ đã bắt đầu lố dạng.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: