Hoa hậu Bồ Đào (40)

Không biết ngày thường, nhà ông hương sư Sen ăn điểm tâm món gì. Nay Hiếu thấy dọn ra mâm cháo đậu xanh, với một thố đường cát trắng. Đó bà lối điểm tâm sang trong thôn xóm, và nàng cảm giác rằng chủ nhân biệt đãi nàng.

Cả nhà đang ăn cháo bỗng bà hương sư reo lên, lưỡi bà muốn dính với đốc họng của bà, bà nói líu một câu không rõ nghĩa:

-Úy mồ tổ, ông vải, ông tiên nhơn nó, trời ơi, nó về…

Hiếu ngước lên thì thấy một quân nhân hiên ngang từ ngoài đầu ngõ xâm xâm đi vào. Ông hương sư bình thản như không có việc gì xảy ra, và mãi cho đến lúc người quân nhân nói: “Thưa ba, thưa má con mới về”. Hiếu mới hay rằng hắn là con trai của ông bà.

Hiếu dốt về phù hiệu nên không biết được binh chủng và cấp bực của quân nhân ấy. Vả nàng đang ngạc nhiên về sự xuất hiện nầy. Mấy hôm nay, nàng ngỡ ông bà hương sư chỉ có một người con, cô hai Tâm, góa chồng từ ba năm nay, về ở với cha mẹ với hai đứa con trai của cô, chúng đang ngồi ăn sáng chung mâm với nàng.

Bà hương sư hỏi rối rít:

-Con xin phép được mấy ngày? Con chưa ăn gì chắc, ngồi lại đây. Hai ơi, có cậu nó về, múc thêm cháo đi con.

Ông hương sư trầm tĩnh nói:

-Thì để nó thay y phục rồi nghỉ cho khỏe đã chớ. Mà chắc nó cũng đã uống cà-phê đâu đó rồi.

Quân nhân câm lặng chào Hiếu, bước tới xoa đầu hai đứa nhỏ, chúng nó hỏi chàng:

-Cậu ba có mang súng về hôn cậu ba?

-Không, cậu chỉ dùng ống chích thôi, chớ không có súng.

Thì ra đó là một quân-y-tá. Hắn xách túi quân nhân đi tuốt ra sau và Hiếu nghe hai chị em rối rít mừng nhau ngoài ấy:

-Cậu, trời, lâu dữ!

-Khó xin phép lắm chị ơi.

-Cậu nghỉ được bao lâu?

-Có hăm bốn tiếng hè.

-Cậu thay đồ đi, rồi ăn cháo với ba má.

-Em đã uống cà-phê hồi khuya bên Bình-Dương.

Hiếu lại biết được thêm một chi tiết nữa là hắn đang phục vụ ở tỉnh Bình-Dương. Rồi nàng nghe hai chị em rù rì với nhau và đoán rằng hắn hỏi thăm về người khách lạ trong nhà.

Bà hương sư trợn trạo nuốt vội chỗ cháo còn trong chén rồi tuột xuống khỏi ván, chạy u xuống nhà bếp. Hiếu biết bà vội vàng lo ăn cho người con trai ở xa mới về. Các bà mẹ thương con như vậy, và Hiếu bỗng dưng quặn thắt lòng mà nhớ đến mẹ nàng, nhớ đến bà ngoại của Hoàng.

Ăn sáng xong, nàng toan xuống bếp phụ giúp hai người đàn bà kia, thì lũ học trò con gái mà hôm qua nàng dặn đến, đã có mặt trước ngõ. Chúng sợ cô giáo, sợ người lớn, và nhứt là sợ mấy con chó dữ có danh của ông hương sư nên chỉ lấp ló ngoài cổng thôi.

Hiếu đã có xin phép chủ nhà trọ rồi nên chạy ra đón những cô khách tí hon của nàng. Sợ chúng làm ồn và quấy rầy không khí vui vẻ hôm nay trong nhà, Hiếu tiếp chúng ngay ngoài sân, dưới bóng một cây vú sữa già cỗi, tàng lá sum sê.

Vì nàng quên dặn, nên không em nào có mang kim chỉ đến cả. Thành thử Hiếu hỏi thăm gia đạo chúng và dạy chúng hát.

Nàng dùng ngay điệu hát mà nàng hát đúng nhứt nhờ nhạc sĩ Hùng đã dạy nàng rành mạch, trong những buổi tập hát vỡ lòng tại nhà Suzie.

Đó là một điệu hát ngoại quốc. Điệu Frère Jacques, dành riêng cho trẻ con:

Kìa con bướm… vàng, Kìa con bướm… vàng

Xòe đôi cánh, Xòe đôi cánh

Bay nhởn nhơ trên hoa hồng (bis). Tôi ngồi xem (bis)

Rừng cây gió đùa (bis). Nàng tiên bước (bis)

Cây gió reo bên tai nàng (bis). Cho nàng vui (bis)

Trời xanh sáng lần (bis). Gà đang gáy (bis)

Kêu cút cu, cút cu vang trời (bis). Vang trời xanh (bis)

Lũ trẻ thích chí vô cùng, nhứt là khi học hát đoạn giữa, có vũ, chúng được dạy ra bộ như những nàng tiên bước đi. Cả xóm vang dậy tiếng hát của sáu cái miệng trẻ thơ hợp ca bài hát lạ, và trẻ con trong vùng lũ lượt kéo đến đứng đen nghẹt ngoài rào. Không khí nhà nầy trầm lặng quá, hôm nay bỗng vui nhộn lên, vui trong nhà vì đứa con xa mới về, và vui ngoài sân, vì người khách trọ quyến trẻ.

Dạy học trò thuộc hết cả bài hát và điệu hát mà đồng hồ tay của Hiếu mới chỉ mười giờ rưỡi thôi. Nàng đang bươi trí tính thêm trò gì để kéo cho hết buổi mai hầu tránh cuộc hội kiến trong nhà thì chợt nhớ ra rằng nàng phải vào tiếp tay dưới bếp mới xem được. Nghĩ vậy, nàng giải tán đám học trò con gái, rồi đi vòng sân bên hông nhà để ra sau. Hiếu muốn tránh hành lang giữa mấy buồng trong, nhưng lại phải chạm trán với người quân nhân bấy giờ đã thay đồ mát đang đứng nói chuyện với hai đứa cháu bên miệng giếng ở sân hông mà nàng đi qua.

Theo thói quen trong quân ngũ, quân nhân đứng thẳng người lại và nói lớn, rõ ràng và mạnh mẽ:

-Chào cô giáo.

-Chào… anh.

-Hân hạnh được quen biết cô.

-Tôi cũng hân hạnh. Anh làm y tá trong quân đội?

-Vâng, tôi là hạ sĩ nhứt quân y tá.

-Anh có hay về thường lắm không?

-Chỉ thỉnh thoảng thôi cô Nghĩa à.

Thì ra hắn đã biết nhiều về nàng từ lúc về nhà đến giờ. Nàng toan bước đi thì thanh niên tìm chuyện khác để giữ nàng lại.

-Cô Nghĩa ơi, tôi nghe cô là người Sài-gòn. Chợ nầy nhỏ quá, chắc cô buồn lắm.

-Dạ, hôm mới đến, tôi ngỡ không làm sao mà sống được ở đây cả. Nhưng giờ tôi nghe thương mến học trò của tôi quá, và bắt đầu vui được với cảnh quê rồi anh à!

-May mắn quá, nếu không, nhà tôi sẽ mất một người khách quí. Thưa cô, hai cụ dưới nhà vẫn mạnh?

-Cám ơn anh, ba má tôi vẫn mạnh.

-Cô thứ mấy, cô?

-Thứ hai.

-Còn tôi thì thứ ba. Cô còn em đông hay không cô?

-Dạ tôi còn bảy bứa em nữa.

-Hai cụ có phước quá.

-Chạy ăn mệt lắm. Chắc anh nói để an ủi theo lối các cụ ta xưa chớ gì. Thanh niên cười mà rằng:

-Tôi quên xưng danh tánh. Tôi là Tài, Nguyễn-ngọc-Tài.

-Rất mừng gặp người cùng họ. Tài lại cười mà rằng:

-Họ Nguyễn của ta nhiều cho đến đỗi khỏi phải mừng nữa. Dầu sao, cô với tôi vẫn không họ hàng bà con gì với nhau hết.

Hiếu thấy rằng Tài rất dạn dĩ, chớ không nhút nhát như Châu, hay như Trọng. Nhưng hắn đã bắt đầu muốn nói bậy, vì cái câu cuối cùng của hắn, chớ không phải vừa dạn vừa lịch sự như Nghi.

Vì thế lần nầy, nàng quả quyết đi luôn.

-Thôi, chào anh nhé !

-Cô hai!

Tài gọi giựt ngược cô giáo Nghĩa lại, nhưng cô ta đã mau bước và giả điếc không nghe.

***

Hiếu và chị hai Tâm đang châu đầu nhau để cùng cuốn chả giò. Chị Tâm khoe:

-Cậu nó năm nay hăm bốn tuổi, lên hạ sĩ nhứt rồi, lương cũng khá cao, gần bằng lương thư ký hành chánh, nhưng không chịu cưới vợ. Cậu nó bảo để giải ngũ rồi xin vào làm y tá dân y, lương cao hơn rồi mới chịu lập gia đình. Nó tiện tặn lắm, đã có dư khá bộn, nhờ nó không rượu chè, cờ bạc, cho đến hút thuốc điếu nó cũng không biết.

Hiếu ngạc nhiên hết sức. Người thứ nam nhà nầy hổm nay không được nói đến, khiến nàng đã ngỡ chủ nhà không còn người con nào khác hơn chị Tâm. Sao hôm nay bỗng dưng hắn được quảng cáo rùm beng không thua gì năm ngoái người ta đã quảng cáo hoa hậu Bồ Đào?

Chị Tám lại tiếp tục kể:

-Ba má tôi thèm ẵm một đứa cháu nội muốn chết, vậy mà nó cứ sống độc thân. Cái thằng cứng đầu lắm. Nó nói nó chưa bị tiếng sét là cái quái gì tôi cũng không hiểu nữa. Nó nói cái gì mà lạ vậy a cô giáo?

Hiếu mỉm cười giải thích:

-Đó là anh ấy dịch tiếng Tây ra mà nói. Tiếng sét ái tình nghĩa là sự xúc động mạnh của tâm tư khi ta gặp một người vừa ý trên đường đời của ta.

-Vậy hả? Tôi nào có biết tiếng Tây tiếng u gì đâu. Cô giáo nè! Theo cô thì cỡ cái chức hạ sĩ nhứt của nó, nó có thể cưới được vợ kha khá được hay không, cô?

-Cái đó cũng tùy chị à. Em thấy nhiều thanh niên không chức phận, không hạnh kiểm tốt mà vẫn cưới được vợ giàu như thường.

-Không, tôi nói khá là khá về chữ nghĩa kìa. Cậu nó biết viết nhựt trình gì đó nữa, nên cậu nó không thích con gái dốt. Ở đây, con nhà giàu họ kêu họ gả thiếu gì mà cậu nó có bằng lòng đâu.

-Cái đó cũng tùy nữa.

Chàng y tá quân y ở nhà đến chiều là phải đi rồi. Chàng ta rất vui vẻ từ sáng đến giờ và hơi buồn khi chào tạm biệt cô giáo ở trọ.

Rồi thì không khí trầm lặng ở đây, trở lại trầm lặng đều đều như bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm qua.

Sáng thứ hai, giữa đường đi đến trường, Hiếu gặp thầy giáo Châu. Nói gặp thì không đúng lắm, vì hai người cùng theo một chiều, nhưng vì, không hiểu sao thầy Châu lại đi chậm quá như đi đưa đám ma lúc mới động quan, khiêng cỗ hòm ra nhà giàn. Nàng bước theo một tốc độ bình thường của một người con gái thành phố, nhưng vẫn qua mặt thầy ta cái vù.

Hiếu đi dạy có đoàn hộ tống rầm rộ như quan to ngày xưa, thế mà thầy ấy điếc không nghe gì cả. Hiếu bước khỏi thầy ba bước, day lại để chào thì thấy thầy ta ngó ngay tới trước mà đi, làm như quanh thầy không có ai hết. Hiếu phải chào to bằng lời nói, chớ không mong cúi đầu một cái như đã định.

-Chào thầy Châu!

Người thanh niên kỳ dị nầy giựt nẩy mình, không phải vì bị gọi thình lình mà vì bị một cô gái gọi, quýnh lên rồi ấp úng nói gì không rõ, khiến Hiếu bật cười.

Cô gái rắn mắt ngày nào bỗng dưng đâm ác, bước lại gần Châu, đi song đôi với người đồng nghiệp nam và hỏi:

-Hôm qua, nghỉ dạy, làm gì thầy Châu?

-Ơ… hơ… tôi… đi học…

Nói xong là thầy giáo biết mình nói bậy ngay và quá bối rối. Thầy khổ không biết bao nhiêu và chỉ muốn độn thổ mà trốn đi thôi.

Đoàn hộ tống tí hon của Hiếu rúc rích cười thầy giáo lớp ba vừa nói một điều kỳ dị. Riêng Hiếu nàng tức muốn bể ngực vì phải nén cơn cười ấy. Thầy giáo Châu bị lố bịch, câm tức người nữ đồng nghiệp mới vô cùng, nhưng không biết phải có phản ứng thế nào, mà cũng chẳng dám có phản ứng.

-Thầy giáo ơi, thầy có vợ chưa?

-Có.

Vậy à? Được mấy cháu rồi?

-Bảy.

Đáp xong những câu ngắn trên đây, thầy Châu lại càng tức cho thầy hơn và oán giận cô giáo mới hơn. Nào thầy đã có vợ con gì đâu, thế nhưng không biết ma dắt lối quỷ đưa đường làm sao mà thầy lại trả lời rất thiệt hại cho thầy. Hiếu biết ngay rằng thầy ta hoảng quá rồi loạn trí chớ thầy chỉ trạc tuổi của Tài, làm gì đã bảy con. Đám trẻ nối đuôi sau thầy cô, bấy giờ công khai cười chớ không giữ gìn nữa. Thầy Châu nổi giận day lại nạt:

-Rùm hè!

Chúng khiếp sợ, nín khe.

Hiếu có ý đi thật gần người đồng nghiệp nhút nhát nhưng chàng ta cứ dang ra. Tinh nghịch, hễ chàng ta càng dang xa, Hiếu càng sáp tới gần chàng, khiến lần lần thầy giáo Châu phải bước lên lề cỏ mà đi.

-Thầy đã cao hơn tôi nhiều quá rồi, còn leo lề làm chi cho cao hơn nữa thầy giáo?

-À, vài bữa tôi lại thăm cô Châu, thầy giới thiệu nhé.

-Ơ… hơ… cô… Châu… ơ… hơ… vợ tôi không có.

-Cô Châu không có cái gì ?

Ý thầy giáo muốn nói: “Không có cô Châu” nhưng bối rối quá, đảo ngược lại thành “Cô Châu không có”. Hiếu vẫn hiểu được thế, nhưng cứ giả đò không hiểu và hỏi tới mãi. Bấy giờ họ đã tới trường và trường sắp sửa chuẩn bị chào cờ. Hiếu bỏ ngay trò đùa quái ác của nàng và cả hai mau bước đi vào sân trường.

Hiếu mới vào lớp, đã nghe mùi hôi và mùi tóc khét nắng. Nàng chú ý ngay đến những chiếc áo đen mà mấy trò nam mặc. Nàng định bụng rằng có ngày sẽ tảo thanh màu đen vì mặc áo trắng, chúng nó bắt buộc phải giặt thường, không làm sao mà cầm mồ hôi lâu ngày trong đó được.

Bữa nay, thừa dịp học trò chăm chú làm bài tập về toán trừ, toán nhơn, Hiếu xuống phía dưới đứng trông lên. Mồ hôi muối đã khô, vẽ những đường trắng ngòng ngoèo lên lưng áo đen của nhiều nam sinh trông giống như những bức dư đồ, có bức tình cờ giống như sơn thủy và vì thế rất có vẻ là một bức tranh thủy mạc chấm phá, chỉ khác là ở đây, mực lại trắng mà giấy thì đen.

Đợi góp tập xong, nàng nói:

-Kể từ thứ hai tuần tới không có trò nào được mặc áo đen vô lớp nữa nghe không! Dưới kia, hoàn toàn im lặng. Hiếu hét to để hỏi:

-Có nghe cô nói hay không mà làm thinh như vậy?

Một trò nam, ốm nhom, mặt mét xanh, đứng lên, giọng run run nói:

-Thưa cô, nhà con nghèo lắm.

-Nói lạ, vải trắng đâu có mắc tiền hơn vải đen.

-Mà thưa cô, lại tốn xà-bông.

-Xà-bông chỉ có mấy cắc một cục, mà giặt được cả tháng.

-Dạ thưa cô, mấy cắc má con cũng không có.

-Không có mấy cắc? Nói thật hay nói dối

Bé Thu-Vân, đứa nữ sinh học ca giỏi nhứt ngày hôm qua, đã thân với cô nên không sợ, đứng lên binh vực cho bạn.

-Thưa cô, má nó đi mót củi mỗi ngày kiếm chỉ được lối mười đồng bạc thôi, mà nó tới bốn anh chị em lận.

Hiếu làm thinh nhìn thằng bé mét mặt đang cố thu hình nhỏ xíu dưới kia.

-Mười đồng bạc thôi?

Nàng lặp lại đoạn câu của con bé, cho chính mình nghe “Mười đồng bạc thôi!” Thế nghĩa là một cô thơ ký đánh máy tư sở cộng lương lại với lương của một thầy thơ ký tư sở, hai người sẽ sống một đời vương đế đối với sự đói rách của nhà thằng bé nầy. Thế nghĩa là nàng không khổ lắm như nàng đã tưởng, và vì lầm tưởng nên đã ngước nhìn lên cao quá.

Mười đồng bạc thôi! Những đêm đi ra ngoài với Long hắn hay nàng đã cho những thằng bé giữ xe mười đồng, hai chục đồng và thấy khoản tiêu phí ấy như là một hột cát trong sa-mạc đối với tiền mà ông bố của Long có trong ngân hàng, mà nàng có trong túi.

Mười đồng thôi! Hiếu lại trở xuống phía dưới đứng nhìn lên. Lần nầy những bức dư đồ vẽ bằng mực trắng trông sao mà ít ghê tởm hơn khi nãy nhiều.

Chiếc áo ni-lông màu vàng nghệ mà nàng đang mặc nàng cho là áo bình dân, mới may để chà lết, xài xể nơi chốn quê nầy, không mặc những chiếc áo đẹp sợ nó xa hoa quá trong làng trong xóm. Thế mà còn bao nhiêu người, còn bà mẹ chuyên mót củi, bà mẹ đã biến thành hình ảnh điển hình cho sự thiếu thốn để ám ảnh nàng, còn bao nhiêu người mặc thô hơn, gấp năm, gấp bảy lần.

Hiếu đã lớn lên trong một xóm nghèo. Nàng không dè còn có xóm nghèo hơn xóm nàng. Vì thế mà, mỗi bận nhìn lên, nàng không hưởng được hạnh phúc thật của nàng, đi mơ mộng viển vông, cũng không hề làm gì để giúp kẻ khổ hơn. Mùi mồ hôi, mùi tóc khét nắng không bắt nàng buồn nôn nữa như từ mấy hôm nay, Hiếu lẩm bẩm: Phải làm một cái gì cho các em nầy mới được. Thế rồi lên bục kê bàn, nàng dõng dạc nói lớn:

-Nghe đây. Kể từ nay, các em được phép tiếp tục mặc áo đen như cũ. Nhưng mỗi ngày phải thay áo, giặt cho sạch, nghe chưa?

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: