Khi món súp cũng trở thành di sản phi vật thể UNESCO

Share:
Món súp borscht của người Ukraine (ảnh: Natalia Gusakova/Unsplash)

Nhiệm vụ UNESCO nhằm bảo vệ di sản phi vật thể của thế giới. Trong nhiều thập niên, tổ chức này đã duy trì một hệ thống bảo vệ nhiều hạng mục di sản phi vật thể. Nhưng “bảo vệ” nền văn hóa sống có nghĩa là gì?

Từ chuyện một món súp trở thành di sản phi vật thể

Ngày 7 Tháng Mười Hai 2023, tại khu nghỉ dưỡng safari ở Kasane, Botswana, Ukraine thông báo cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) về một “kho báu quốc gia” đang bị chiến tranh đe dọa. Đó không phải là một tu viện có nguy cơ bị tàn phá bởi các cuộc không kích của Nga; cũng không phải bất kỳ bức tranh, cuốn sách quý hiếm hay cổ vật nào bị quân Nga tịch thu.

Đó là borscht, món súp củ cải phổ biến trong nhiều thế kỷ khắp Đông Âu. Ngay sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào Tháng Hai 2022, Kyiv đã kiến nghị UNESCO đưa món borscht của họ vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể (Intangible Cultural Heritage – ICH) cần được bảo vệ khẩn cấp, trong một danh sách vốn có ca trù của Việt Nam, opera của Ý, tranh xe kéo của Bangladesh, nghệ thuật trên cát của Angola, món gỏi trộn ceviche của Peru…

Như được thuật trong bài “UNESCO’s Quest to Save the World’s Intangible Heritage” của Julian Lucas trên The New Yorker ngày 2 Tháng Ba 2024, có hơn bảy trăm “yếu tố” trong danh sách ICH và có vô vàn chi tiết thú vị liên quan văn hóa và văn minh nhân loại cần được gìn giữ. Chắc chắn ít người biết rằng, để “dụ” lạc đà giúp nuôi những con bê “mồ côi”, những người chăn nuôi Mông Cổ phải hát cho chúng nghe vào lúc chạng vạng? Hay có những gia đình người Bỉ kiếm sống bằng nghề đánh bắt tôm trên lưng ngựa?

Một cách tổng quát, ICH đề cập đến “di sản phi vật thể” trong một phạm trù rất rộng, từ các lễ hội tưng bừng, bảng chữ cái, trò chơi cưỡi ngựa, truyền thống đóng thuyền, hát đa âm (polyphonic song), hệ thống thủy lợi, dẫn đường, bói toán, đến thậm chí hiến pháp (Hiến chương Manden, được công bố cách đây tám thế kỷ, ở Mali ngày nay).

Công ước năm 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể định nghĩa rằng, ICH là một hiện tượng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và kiến tạo nên một giá trị quan trọng trong bản sắc của một cộng đồng.

Người Pháp tự hào với bánh mì baguette (ảnh: Unsplash)

Có năm loại:

Thủ công, truyền thống truyền miệng (oral traditions), nghệ thuật biểu diễn, nghi lễ hoặc phong tục xã hội, và “kiến thức và thực hành liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ” (các hình thức tôn giáo và ngôn ngữ bị loại trừ, mặc dù lễ hội tôn giáothực hành ngôn ngữ – religious festivals and linguistic practices – thì đủ điều kiện được tham gia). Và trong khi các di sản thế giới của UNESCO phải thể hiện “giá trị nổi bật toàn cầu”, giá trị của di sản phi vật thể được xác định bởi các cộng đồng giúp tồn tại và gìn giữ nó bền bỉ qua thời gian.

Giá trị của di sản phi vật thể

Hiện hơn 180 quốc gia tham gia công ước năm 2003. Gần đây, Vương quốc Anh cho biết họ sẽ sớm có mặt. Indonesia đã tuyên bố Ngày Batik Quốc gia để đánh dấu sự công nhận hàng dệt may mang tính biểu tượng của nước này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dùng tài hùng biện để tôn vinh bánh mì baguette…

Vải Batik truyền thống của Indonesia (ảnh: Wafieq Akmal/Unsplash)

Năm 2023, nhân 20 năm ra đời ICH, UNESCO đã tổ chức loạt hội thảo cũng như chương trình biểu diễn với sự tham gia của các đoàn từ Namibia đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, UNESCO vẫn đang tìm hiểu ý nghĩa của việc “bảo vệ” một số hiện tượng phức tạp và khó nắm bắt trong đời sống con người, đặc biệt khi một số quốc gia đụng độ nhau trong việc giành quyền định nghĩa và xác định nguồn gốc một phong tục nào đó mà theo thời gian nó đã trở thành phong tục chung. Ngoài ra, người ta cũng tìm cách làm sao có thể bảo tồn truyền thống mà không thương mại hóa.

Một trong những thách thức lớn nhất là ngân sách của UNESCO, với vỏn vẹn $10 triệu mỗi năm được phân bổ cho những hoạt động liên quan bảo vệ di sản phi vật thể. Được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến, UNESCO có sứ mạng thực hiện những chiến dịch bảo tồn các công trình lịch sử, từ các lâu đài ở Venice bị lũ lụt tàn phá đến những ngôi đền Ai Cập cổ đại bị đe dọa bởi việc xây đập trên sông Nile.

Năm 1978, UNESCO bắt đầu liệt kê di sản thế giới; tuy nhiên, hầu hết đều nằm ở châu Âu và Bắc Mỹ, khiến nảy sinh phàn nàn rằng UNESCO không công bằng và đầy định kiến khi danh sách “nền văn minh thế giới” chỉ có các lâu đài và thánh đường. Nhà thơ Derek Walcott than thở, thế thì những bí quyết truyền khẩu của các thủy thủ và ngư dân, những màn trình diễn ở Caribe bắt nguồn từ lễ hội hóa trang của người châu Phi và sử thi Ấn Độ giáo… chẳng lẽ không phải là di sản văn hóa sao? Nói cách khác, đó là “di sản văn hóa phi vật thể”.

Cụm từ này xuất hiện vào đầu những năm 1980, dần thay thế từ “văn hóa dân gian” (“folklore”) khi UNESCO có cái nhìn toàn diện hơn về di sản. UNESCO bắt đầu nhấn mạnh, văn hóa vừa “hữu hình vừa vô hình”, bao gồm ngôn ngữ, phương thức sống và tín ngưỡng tâm linh. Vào thập niên 1990 và đầu những năm 2000, UNESCO bắt đầu công nhận những khái niệm như “kho báu sống của nhân loại” và “không gian văn hóa”. Đó là những hoạt động tập trung vào không gian thực hoặc mang tính biểu tượng, chẳng hạn phong tục tụ tập ngồi “chém gió” của người Ả Rập được gọi là majlis.

Dưới sự lãnh đạo của Koichiro Matsuura, UNESCO soạn một hiệp ước trao cho các cộng đồng quyền ban hành và xác định ICH riêng của họ. Những quốc gia nào thông qua hiệp ước có thể gửi đề cử hai năm một lần, và phải chứng minh rằng các yếu tố được đề xuất đáp ứng được những điều kiện tiên quyết căn bản; đặc biệt phải có sự đồng ý và tham gia của “những người mang theo” truyền thống. Một vấn đề khác là tuân thủ nhân quyền (hai lễ hội hóa trang của Bỉ có nguồn gốc từ thời Trung cổ đã bị chỉ trích vì có những bức tranh biếm phân biệt chủng tộc và bài Do Thái).

Đề cử cần được đệ trình kèm video (trong buổi giới thiệu chương trình chăn nuôi ngựa Akhal-Teke của Turkmenistan, có cảnh âm nhạc khuấy động cùng đàn ngựa chạy ầm ầm trên cánh đồng rộng và những đứa trẻ mặc trang phục cưỡi ngựa nhảy theo đội hình). Tiêu chí bao quát của di sản phi vật thể là phải có ý nghĩa xã hội. Khi công nhận món súp borscht của người Ukraine, UNESCO không đề cập đến bản thân món súp mà là ghi nhận ý nghĩa của việc chia sẻ món ăn này trong sinh hoạt văn hóa của người dân Ukraine.

Có đến 60 hồ sơ được xem xét hàng năm bởi một ủy ban luân phiên các quốc gia. Những hồ sơ được duyệt được ghi vào một trong ba danh sách: Danh sách đại diện (Representative List), Danh sách bảo vệ khẩn cấp (Urgent Safeguarding List) hoặc Danh mục đăng ký thực hành việc bảo vệ tốt (Register of Good Safeguarding Practices – công nhận các sáng kiến hiệu quả trong việc bảo vệ di sản).

UNESCO đặc biệt ưu ái những di sản phi vật thể hàm chứa ý nghĩa đấu tranh sinh tồn, chẳng hạn truyền thống lặn biển kiếm sống (hoàn toàn không thiết bị hỗ trợ) của những phụ nữ ở đảo Jeju (Hàn Quốc). Trước kia những người làm nghề này đều là phụ nữ lớn tuổi, giờ đây, kể từ khi hoạt động này trở thành di sản phi vật thể vào năm 2016, đã có nhiều cô gái trẻ tham gia, tái tạo hoạt động sinh kế tự cung tự cấp như một hình thức giải trí. Bảo vệ di sản phi vật thể, do đó, còn có nghĩa là giúp nó phát triển.

Di sản phi vật thể và chính trị

Một câu chuyện thành công khác là bandoneón, một nhạc cụ giống đàn accordion được miêu tả là “linh hồn của el tango”. Trước khi được UNESCO can thiệp, với chi phí chỉ $100,000, những người sản xuất bandoneón ở Nam Mỹ chỉ còn lèo tèo đếm trên đầu ngón tay. Thực tế là chẳng còn ai chơi bandoneón. Hiện nay, có ba học viện bandoneón, nơi 70% nhạc sĩ là phụ nữ và hàng chục thợ làm đàn trong khu vực.

Đàn bandoneón đang được hồi sinh ở Nam Mỹ (ảnh: David Hogsholt/Getty Images)

Tất nhiên danh sách ICH không phải luôn trơn tru và không gây tranh cãi. Dù gần như không ai phản đối việc tôn vinh thư pháp, thổi thủy tinh, thuyền rồng, bàn tính (abacus calculation) hoặc ban nhạc mariachi vui nhộn với guitar thùng của người Mexico nhưng có không ít di sản phi vật thể trở thành đề tài cãi lộn ỏm tỏi.

Nhiều nước cũng không dòm mặt nhau khi giành di sản phi vật thể, chẳng hạn Iran và Azerbaijan, hai quốc gia trở thành thù địch khi giành môn polo. Nga cũng lên án việc Ukraine khăng khăng nói món súp borscht là của họ. Năm 2023, Morocco “bức xúc” phàn nàn rằng Algeria cố “ăn trộm” chiếc váy cô dâu truyền thống của họ, khi trong một hồ sơ đệ trình của Algeria, có chiếc váy caftan vốn “xuất thân” từ thành phố Fez của Morocco.

Một vấn đề nhức nhối nữa là di sản phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Trung Quốc đã tự quyền đăng ký nhiều di sản phi vật thể liên quan các nhóm dân tộc thiểu số Mông Cổ, Triều Tiên, Kyrgyzstan, Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ; và vu lên rằng đó là “di sản Trung Hoa”. Một trong số đó là muqam, một truyền thống âm nhạc của người Duy Ngô Nhĩ gắn liền với Hồi giáo Sufi. Đó là một trong những di sản phi vật thể đầu tiên được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, trong thập niên qua, Trung Quốc đã trấn áp và xóa sổ muqam trong khi cùng lúc đưa ra nhiều hình thức thay thế! Dĩ nhiên Bắc Kinh chối bai bải họ không hành xử “vô văn hóa” như vậy.

Muqam, một truyền thống âm nhạc của người Duy Ngô Nhĩ gắn liền với Hồi giáo Sufi (ảnh: Kevin Zen/Getty Images)

Ở một thái cực khác, có một số quốc gia muốn tránh xa danh sách di sản phi vật thể của UNESCO. Người ta không thấy bánh bagel New York, tranh cát Navajo, hay jazz trong danh sách ICH (bất chấp sự vận động hành lang của nhạc sĩ jazz huyền thoại Herbie Hancock). Cần nói thêm, Mỹ chưa bao giờ phê chuẩn công ước di sản phi vật thể 2003.

Richard Kurin, cựu giám đốc Trung tâm Smithsonian về Di sản văn hóa và đời sống dân gian, cho rằng sở dĩ Mỹ không ham ICH một phần là do Hoa Kỳ không thích sự can thiệp nhà nước vào văn hóa. Mỹ đã rời bỏ và tái gia nhập UNESCO hai lần kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 1945; và bắt đầu rút lại các khoản đóng góp khi UNESCO công nhận Palestine là quốc gia thành viên vào năm 2011).

Một số viên chức UNESCO tin rằng ICH có thể giảm xung đột trong và giữa các quốc gia. Một cơ chế để biến điều này thành hiện thực là khuyến khích cùng đề cử di sản. Gần như toàn bộ vùng Maghreb, trong đó có cả những kẻ thù không đội trời chung là Morocco và Algeria, đã cùng chung tay để giành quyền “giám hộ” món trộn couscous.

Triều Tiên và Hàn Quốc cũng không tranh cãi nhau về ssirum/ssireum, khi môn vật cổ truyền này được đưa vào danh sách ICH năm 2018. UNESCO đã mất nhiều tháng để đàm phán việc quốc gia nào đứng tên. Tuy nhiên, cuối cùng UNESCO ghép cả hai (Triều Tiên và Hàn Quốc) lại với nhau, với nhận thức rằng truyền thống dân tộc thì không thể tách rời.

Một ban nhạc mariachi của người Mexico (ảnh: Robert Alexander/Getty Images)

Gần đây, trong danh sách đề cử ICH vào Tháng Mười Hai 2023, người ta thấy có dabkeh, một điệu nhảy Levantine có nhịp độ nhanh xuất xứ từ Trung Đông. Dabkeh được biểu diễn với một nhóm vũ công nắm tay nhau tạo thành vòng cung, cùng người dẫn đầu xoay cây gậy hoặc mảnh khăn để tạo nhịp độ. Màn nhảy lâu đời này phổ biến ở Lebanon, Syria và Jordan; và nó đã được một nhóm hoạt động văn hóa Palestine đề cử.

Người đại diện của nhóm Palestine thông báo với hội đồng UNESCO rằng các thành viên của họ bị mắc kẹt ở Gaza. Giữa các cuộc oanh kích khủng khiếp của Israel vào Gaza khiến hơn 30,000 người thiệt mạng và phá hủy hoặc làm hư hại hơn một nửa tòa nhà, trong đó có hàng trăm địa điểm cổ kính, nhân vật trên khẳng định rằng di sản sống của đất nước ông “không thể bị xóa bỏ bởi các cuộc không kích hoặc đánh bom.” Trong video gửi đến UNESCO, người ta thấy các vũ công mặc kaffiyeh và đồ thêu sặc sỡ (một yếu tố ICH khác của người Palestine), cùng nhau thực hiện những động tác nhảy đá chân quen thuộc…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: