Khoảng cách vô hình

Truyện ngắn
Minh họa: Edward Howell/Unsplash

“Cơ cấu tổ chức” trong bếp gia đình anh chị có vài thay đổi từ khi chính phủ ban hành những biện pháp phòng ngừa bệnh dịch. Trước đây, chị thường đi làm về trễ. Bởi thế, anh đảm trách khâu nấu nướng. Chị lo bày bàn và dọn dẹp. Bây giờ, cả hai vợ chồng cùng đóng đô ở nhà. Cho nên, chị chuyển sang bầu bạn với ông Táo.

Chiều nay, trong khi chị bận rộn bên bếp, anh bày chén đũa ra bàn. Chị đặt dĩa rau xào xuống. Liếc qua hai cái chén anh dọn sẵn, một trắng, một xanh. Chị nghĩ, con cái đã ra riêng, nhà giờ chỉ còn chóc ngóc hai vợ chồng. Làm gì, cũng cố gắng giống nhau, cho ra vẻ… sắt cầm hảo hợp. Chị đổi chén, để cặp chén… đẹp đôi. Anh hỏi trổng:

-Sao vậy?

Chị cười nhẹ:

-À, thì đào nào, kép nấy đó mà anh.

Anh dường như không để ý đến nụ cười cầu hòa của chị, giọng gay gắt:

-Chớ không phải anh làm gì, em cũng muốn sửa lưng.

Chị cố cứu vãn tình thế:

-Đâu có anh. Chén đũa giống nhau cho có partner look.

Anh khô khốc:

-Bày đặt màu mè.

Chị tưởng như mặt mình ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước. Sao lạ vậy! Những khi đứa con về thăm, ngắm mâm cơm chung, nó xuýt xoa khen: “Mẹ bày biện khéo léo, trông ngon lành ghê.” Anh vui vẻ tán thưởng: “Chứ sao, mẹ con là nhất, mẹ con chứ đâu phải ai!”

Anh không nói, không rằng, gắp gắp, lùa lùa. Anh buông đũa, trong khi chị chưa hết nửa chén cơm. Anh đứng dậy, mở tủ lạnh lấy chai Cola, đưa lên miệng. Chị lật đật:

-Anh, anh! Nhớ rót vào ly. Uống như vậy…

Anh cắt ngang, cáu kỉnh:

-Biết rồi, theo như internet, uống thẳng từ chai có nhiều vi trùng bla bla bla

Anh dứt khoát đưa chai Cola lên tu một hơi dài, xong lẩm bẩm:

-Riết rồi chẳng được tự do làm cái gì cả.

Anh đã rời nhà bếp cùng chai Cola to tướng trong tay. Chị no ngang, nhưng không dám bỏ mứa, sợ tội trời, đành nhơi nhơi cho hết miếng cơm lạt nhách.

Chị tuân thủ triệt để lệnh cấm cung. Với chị, trong tình hình hiện tại, ở nhà vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi. Mình ở nhà, để tránh gây những phiền toái đáng tiếc. Hơn nữa, ở nhà, có thêm thì giờ cho bản thân mình, đúng là điều chị luôn mong muốn. Nhà anh chị ở làng, vườn tược rộng rãi, không được cò bay thẳng cánh, nhưng vẫn đủ chim chóc vui vầy, ca hát líu lo. Lăng quăng trong vườn, đầy đủ thiên nhiên cho mắt thấy tai nghe, châ cẳng thoải mái. Vậy mà, anh cứ nhấp nhỏm, đòi đi ra đường. Thấy anh khoác áo, mang giày. Chị vờ vĩnh:

-Chạy bộ hả anh?

Anh thản nhiên:

-Không! Anh ra chợ.

-Ủa, anh mới đi chợ hôm qua mà. Rau trái tươi mình còn đầy đủ.

Chị xuống giọng như năn nỉ:

-Mình nên hạn chế ra ngoài đường anh ơi.

Anh lạnh lùng:

-Đề phòng là tốt. Nhưng đừng übertreiben quá đáng. Ở nhà hoài, tù túng lắm.

Anh bước ra, đóng sập cửa. Chị đứng cạnh cửa thật lâu, buồn buồn, lo lo. Không biết xử sự như thế nào. Nếu anh cứ tiếp tục như vậy, có lẽ chị phải lập chương trình cách ly giữa hai vợ chồng. Hay là, khi anh về đến nhà, chị cầm sẵn bình nước sát trùng xịt từ đầu đến chân anh, rồi nhắc anh đi rửa tay, trong lúc chị hát hai lần bài Happy Birthday.

Nghĩ vẩn vơ vậy thôi, chứ chị biết, bất cứ đề nghị, góp ý gì của chị, anh cũng cho rằng chị muốn ra lịnh, herumkommandieren. Chị đành phó mặc mọi sự cho mệnh trời. Bao lần trước bàn thờ cha mẹ của anh chị, chị lâm râm khấn nguyện, xin bốn đấng sinh thành phù hộ cho toàn thể gia đình được vạn sự an lành. Chị cầu nguyện thêm mẹ của anh, xin bà khuyên nhủ anh bớt tật gàn, chướng. Ngày bà còn sống, bà vẫn tự hào, anh luôn luôn nghe lời mẹ.

Chị để lọ muối nhỏ trong phòng tắm. Lâu lâu chị vào phòng tắm, bật nước ào ào rửa tay, rồi pha một ly nước muối mặn chát súc miệng. Mà phải đúng nguyên tắc ngửa cổ súc cho nước muối chạy sâu xuống cổ họng. Nơi cầu thang, cây chanh mơn mởn hoa, tỏa hương thơm ngát. Mỗi lần đi ngang cây chanh, chị dừng lại, cúi xuống thưởng thức hương chanh. Từ lúc đọc thông tin, người nhiễm bệnh dịch có thể mất khứu giác một thời gian, chị lại càng thường xuyên dừng chân bên cây chanh. Có lúc chị ngồi thụp xuống, hít lấy, hít để, tưởng như niềm vui ùa vỡ trong buồng phổi. Ô, mừng quá, mình vẫn ngửi được hương thơm của chanh. Tức là mình vẫn còn khỏe mạnh.

Ca sĩ Thái Thanh là một trong những ca sĩ chị yêu thích nhất. Rất nhiều bài hát chị chỉ nghe bản thu âm trước 1975, cho dù sau này hòa âm, phối khí có thể chuyên nghiệp hơn. Từ khi nghe tin ca sĩ qua đời, chị hầu như chỉ nghe ca sĩ Thái Thanh hát. Qua giọng hát của ca sĩ Thái Thanh, kỷ niệm của những năm tháng êm đềm hoa mộng trước cuộc đổi đời trở nên sống động trong tâm, trong trí chị. Chị đang mơ màng…

Ôi tình ta đẹp như lời thơ, vấn vương đắm mê mơ màng

Ôi tình ta đẹp như Ngọc Lan ngát hương đượm sương trong trắng

Anh đi ngang qua, nói với vẻ bực dọc:

-Đổi nhạc khác được không? Nghe bắt mệt.

Chị ngước nhìn anh, ánh mắt giận dữ. Không trả lời, chị ôm máy vào phòng, đóng sầm cửa. Vừa nghe nhạc, nước mắt chị lưng tròng, cổ họng nghèn nghẹn. Khi anh nghe nhạc “của” anh, có những tiếng hát gây cho chị cảm giác nhộn nhạo, khó chịu, chị chỉ lẳng lặng sang phòng khác. Chị chưa hề yêu cầu anh đổi nhạc, chưa hề chê bai, dè bỉu. Anh phải nhận thấy điều này chứ.

Được ngày nắng, anh bận rộn sơn sửa nhà đậu xe, chị chăm bẳm tỉa lá, cắt cành trong vườn. Xế trưa, chị rủ anh nghỉ tay, nhâm nhi cà phê bánh ngọt. Trong lúc chuẩn bị thức uống, chị nghe The Jimmy Show. Chương trình phỏng vấn các ca, nghệ sĩ của cậu thanh niên nhỏ tuổi hơn con của chị, nhưng những kiến thức của cậu ta về nhạc Việt Nam luôn làm chị ngạc nhiên, thích thú. Vừa bước vào bếp, anh đưa tay tắt phụp cái tablet. Chị giật mình, sững sờ nhìn anh:

-Tại sao?

Anh nhún vai:

-Làm gì mà em nghe nhạc từ sáng tới chiều!

Mấy chục năm ở với nhau, anh đã quá rõ thói quen nghe nhạc tối ngày sáng đêm của chị. Anh đã chấp nhận tật của chị, mở mắt là mở máy hát, radio. Cả hai như có thỏa thuận ngầm, lúc nào cảm thấy quá sức chịu đựng thì tự bấm nút hai không: không nghe, không thấy. Mà sao bây giờ anh lại phá lệ. Cơn bướng trong chị trỗi dậy. Chị vào phòng lấy cái điện thoại, mở vội một chương trình nhạc và gắn headset vào tai. Chị dọn cà phê, bánh ra bàn, nói lạt lẽo:

-Anh uống cà phê ăn bánh.

Chị biết, ngồi hai người bên bàn ăn mà mang headset rất khó coi, rất bất lịch sự. Nhưng chị muốn cho anh biết, chị thực sự cảm thấy bị xúc phạm. Chị cố giữ vẻ bình tĩnh, uống cà phê, ăn bánh ngọt. Cả cà phê lẫn bánh ngọt đắng nghét.

Theo lời kêu gọi của “bà mẹ” Merkel, bà Thủ tướng Đức, khoảng cách quy định nơi công cộng là hai mét. Khoảng cách trong nhà chị tuy vô hình, không đo được, nhưng dường như rộng lắm. Trước đây, mỗi khi có nguy cơ “chiến tranh lạnh”, chị thường ướm ý, nhắn con về thăm nhà, làm sứ giả hòa bình, hoặc rủ rê bạn bè nhóm họp để hâm nóng không gian buốt giá quanh anh chị. Nhưng trong tình hình hiện tại, chị không thể tìm ra giải pháp khả thi.

Mấy hôm nay, anh không còn đòi đi chợ hàng ngày để mua bánh mì nóng nữa. Có hôm, anh xách xe chạy một hồi, rồi về nhà tay không. Anh kể: “Anh đến chợ, thấy đông người, mất hứng. Thôi về, không vô chợ nữa.” Buổi sáng, anh lịch kịch soạn khẩu trang, chai nước sát trùng. Chị đoán, anh đi chợ, nhưng không hỏi. Anh lên tiếng:

-Anh chạy ra Baumarkt mua gỗ, sửa lại hàng rào.

Chị ậm ừ, trong lòng băn khoăn. Đôi lần đi Baumarkt với anh, chị thấy anh thường tán chuyện rôm rả với nhân viên bán hàng hoặc với người mua hàng, trao đổi kinh nghiệm khi do-it-yourself. Chị biết, bây giờ nhắc nhở anh thế này, thế nọ, chẳng giúp được gì, mà còn phản ứng ngược. Rồi chị cười tự diễu mình, ôi, sao mình lẩn thẩn quá. Bây giờ, ai cũng phải mang khẩu trang thì hơi sức đâu mà chuyện với trò. Anh về, ngoài mấy thanh gỗ, anh hì hục khuân mấy bịch đất to tướng. Anh khoát tay:

-Anh mua sẵn, khi nào em cần là có ngay.

Chị tươi giọng:

-Cám ơn anh. Chợ đông không anh?

Anh lắc đầu:

-Chợ vắng như chùa bà Đanh. Mỗi người cách nhau không phải hai thước mà cả hai chục thước. Cần gì lắm mới ra chợ. Anh cũng keine Lust.

Chị yên bụng. Nay anh “tự nguyện” không muốn đi chợ. Như vậy, chị có điều kiện xích lại gần anh tí nữa đi em. Chị vui vui nhớ đến bài hát “mùi rệu” ngày xưa. Anh theo dõi tình hình bệnh dịch trong các tường thuật trực tuyến của nhiều đài truyền hình nhiều lần trong ngày. Chị chỉ xem mỗi chương trình của đài ARD lúc 8 giờ tối. Buổi chiều, chị đang ngồi đọc sách trong vườn. Anh hí hửng báo tin:

-Em ơi, tình hình ngày càng khá. Hôm nay, chỉ số lây lan, Reproduktionszahl đã xuống dưới 1. Hàng quán, Einkaufszentrum sắp sửa cho mở cửa lại rồi.

Chị reo lên:

-Mừng quá ha anh. Vậy ít bữa mình có đi một vòng thử không anh?

Anh lắc đầu:

-Thôi, ở nhà cho khỏe. Lại làm được khối việc.

Chị nhỏ giọng dò hỏi:

-Mình dựng cổng vòm để trồng hoa hồng nhe anh.

Anh hăng hái:

-Ừ, dựng cổng xong, anh chở em ra nhà vườn mua hoa. Mà vẫn phải đeo khẩu trang, phải cách nhau hai mét đó nghen.

Chị vui quá chừng. Chị chẳng nề hà chi khoảng cách bắt buộc trong chợ, trên phố. Chị nhớ câu nói của xướng ngôn viên trên ti-vi khi bàn luận về tình hình bệnh dịch: “Die Hoffnung stirbt zuletzt”. Niềm hy vọng chết cuối cùng. Ai nấy đều hy vọng cuộc sống sẽ trở lại nhịp độ bình thường trong một ngày gần đây. Trong chị, niềm hy vọng cũng đang vươn lên. Biết đâu, khoảng cách vô hình giữa anh chị sẽ được rút ngắn và biến mất trước khi có lệnh chấm dứt giãn cách xã hội.

Lời bài hát trích trong:

Hương Ngọc Lan, Nhạc: Hoàng Trọng; Lời: Lan Đình, Song Hương

Xích lại gần anh tí nữa đi em, Nhạc: Mặc Thế Nhân

Nghĩa tiếng Việt của những chữ tiếng Đức trong bài:

übertreiben: phóng đại

herumkommandieren: ra lệnh, chỉ huy

Baumarkt: cửa hàng/chợ bán vật liệu xây cất

keine Lust: không thích, không hứng thú làm việc gì

Einkaufszentrum: trung tâm thương mại

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: