Không hiểu sao ngay khi còn trẻ, nhiều người Sài Gòn vẫn thích tìm các vật dụng thuộc thú tiêu khiển của người già. Người có tuổi dân Nam quê tôi xưa luôn sở hữu vài món đồ cá nhân giản dị và gắn bó thường nhật cho đến ngày lìa trần.
Cái nhạo rót rượu và cái bình đựng vôi ăn trầu này là một trong vài món gợi nhớ đến không gian thư giãn của người quê xưa. Những ngày, tháng miền Nam thuần hậu đó, đờn ông ưng nhậu rượu, dù độc ẩm hay đối ẩm, trong bữa cơm nhà hay ngồi đám tiệc, thì hầu hết dòng rượu mời khách hay tự rót cho mình đều phải rót ra từ cái nhạo vô cái ly hoặc cái cốc.
Nhiều người cũng có nghe có để ý về kiểu cách uống rượu của dân Tây, rằng rượu loại nào uống loại ly đó. Nhưng ít thấy người Tây có một sản phẩm thủ công riêng nhằm làm đẹp-rượu như kiểu cái nhạo.
À, mà phải nói phải đong rượu vô nhạo cho người uống rượu mất công lắm nghe, vì cái nhạo cỡ lớn cũng chỉ đựng vài xị rượu, rót nhậu mấy tua là phải đong. Cung cách rót rượu từ cái nhạo không phải là kiểu làm dáng hay khoe đồ mà thật sự là nếp trân trọng mời người uống, ngay cả khi mời người khuất mặt bằng cách rót rượu từ cái nhạo ra cốc rồi rưới xuống đất.
Nhưng cũng có người hỏi: Dân miền Tây tửu lượng uống rượu lít… rượu bình vậy mà phải đong qua cái nhạo mới uống thì có phải khiến người ta ngờ rằng họ quý rượu lắm không? Thưa, bởi người xưa ví hột lúa, hột cơm là hạt ngọc ông Trời ban cho; thì dân uống rượu cũng ví rượu là nước Thánh; nếu không tin thì coi các đám cúng nào mà không có rượu cúng sẽ bị coi như thất lễ với các vị cõi linh thiêng.
Cái nhạo của người miền Nam xưa thường là đồ gốm từ xứ Lái Thiêu, Biên Hòa. Đồ gốm xưa thường có hai hạng, hạng thường như nồi, ơ, bếp lò… nhưng cái nhạo rượu luôn là đồ tốt, phủ men trắng, vẽ hoa văn màu, nếu coi chuyện các lò gốm biết ý mấy ông nhậu khó tánh hoặc họ góp phần quí rượu cũng được. Ngày nay, thấy dân ta rót rượu ra nhậu từ chai nhựa, dân bia thì cầm chai chu môi uống, nên cái nhạo, cái cốc gốm sứ… cũng hết duyên với rượu và dân nhậu.
Trong không gian yên bình, thư thái của đám tiệc nhà người miền Nam xưa, cảnh gợi nhớ, gợi thương nhất là sau khi rời mâm tiệc, các bà, các má có tuổi, ngồi trên chiếu bông của bộ ván ngựa ăn trầu, trò chuyện. Tất nhiên cái bình vôi ăn trầu là vật dụng được các bà, các má mang theo đến đám tiệc hoặc đôi khi quên đem thì đã có bình vôi của gia chủ. Tục ăn trầu ngày nay không còn phổ biến, nhưng nhớ lại trong giỏ xách, tay nải của các người phụ nữ xưa thường có bình vôi ăn trầu cũng đủ biết bình vôi gắn bó hàng trăm năm với người phụ nữ phương Nam.
Bình vôi ăn trầu cũng thường làm bằng chất liệu gốm sứ. Thời trước các bình vôi sản xuất từ các lò gốm nội địa thô ráp, bởi vậy nên thời nay người sưu tầm đổ cổ bắt gặp các bình vôi bằng sứ trắng, hoa văn tinh xảo có xuất xứ từ Nhật Bản hoặc Tàu thì lấy làm bất ngờ thú vị. Vậy mới biết cái bình vôi thường dùng của người phụ nữ xưa được giới sản xuất nước ngoài để tâm làm ra sao cho đẹp, cho quý như bình đựng nước hoa, hộp phấn hay túi xách của người phụ nữ đời nay vậy.
Ở thời đại mà tốc độ sống của con người nhanh đến chóng mặt, hẳn nhiên các giá trị sống thiết yếu từ vật chất đến tinh thần còn bị đảo lộn hoặc quên lãng huống gì vài món đồ vật dụng thường ngày thân thiết của người xưa.
Nhưng bởi vì còn may mắn nhìn thấy các món đồ từng gắn bó suốt các thế hệ người lớp trước, những món đồ tự góp phần bé nhỏ gầy dựng nền văn hóa-văn minh của ông cha; vậy thì thiết nghĩ quý tiếc nó dẫu chỉ trong phút giây, cũng là cơ hội để không phũ phàng mà đứt đoạn với cội nguồn.
Sài Gòn, Tháng Năm 2022