Tháng 5 năm 1782 Nguyễn Huệ đem 100 chiến thuyền tiến đánh vào Gia Định lần thứ hai, giao tranh với quân Nguyễn Ánh, giằng co cả mấy tháng trời, cuối cùng quân Nguyễn Ánh đại bại chạy về Ba Giồng (Định Tường) Quân Tây Sơn quyết tâm truy cùng diệt tận nên Nguyễn Ánh không còn con đường nào thoát, phải liều mình dẫn tàn quân theo đường sông ra biển.
Khi vừa đến địa bàn xã Mỹ Chánh, nhờ quân lính của Nguyễn Ánh là người địa phương quen thuộc đường xá nên thay vì đi thẳng ra bến Tắm Ngựa, có thể quân Tây Sơn thẳng đường đuổi theo kịp nên đoàn tùy tùng của Nguyễn Vương đã đi tắt (chừng 5km) băng qua Gò Cát đến một con đường ngắn (Lộ Vàm ngày nay) giáp ranh xã Song Bình, dẫn vượt qua bên kia xã Xuân Đông rồi xuống Vàm Kỳ Hôn dong thẳng ra biển.
Tương truyền rằng, khi Nguyễn Vương thất trận bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy ráo riết, phía sau quan quân Tây Sơn đuổi theo bén gót. Nguyễn Vương ngửa mặt lên trời than:
-Nếu Hoàng Thiên còn tựa dòng họ Nguyễn nầy thì xin dung rủi làm sao cho quân Tây Sơn lạc lối.
Khấn xong, vua, tôi lại tiếp tục chạy một đỗi xa qua sông rồi ngồi xuống bên bờ sông chờ chết, vì quá mệt mỏi.
Chờ một hồi lâu không thấy địch đến, ai nấy đều lộ vẻ vui mừng vừa thoát khỏi nạn. Nguyễn Vương cho người quay lại đường cũ thám thính xem tình hình vì sao quân Tây Sơn không đuổi theo. Quân lính về báo cho Ngài rằng thấy toàn là dấu chân của một giống vật gì đã dẫm nát cả một vùng làm mất hẳn dấu chân của đoàn tùy tùng. Còn đang tìm hiểu thì một bầy rái cá từ dưới sông nhô lên chạy vào bãi cát, đôi tay ôm cá, tôm. Nguyễn Vương liền phán rằng:
-Có lẽ nhờ bầy rái cá này dẫm lên làm mất dấu chân nên quân Tây Sơn mới bị lạc. Tuy nó là giống vật nhưng có công cứu chúa. Vậy để đáp lại công ơn, Trẫm sắc phong cho chúng là: “Lang Lại đại tướng quân.”
Lạ thay, bầy rái cá hình như nghe hiểu nên tỏ vẻ mừng rỡ, múa nhảy lung tung một hồi mới kéo nhau lặn xuống sông cái. Nguyễn Vương và thuộc hạ tiếp tục lên đường. (Gia Long Bôn Tẩu).
Từ đó mọi người loan truyền câu chuyện lạ lùng nầy, theo âm điệu tán thán của người dân địa phương là “kỳ hôn?” Lâu dần, trở thành tên gọi chính thức Vàm Kỳ Hôn cho khúc sông bát ngát này.
Trước đây ngay tại ngã ba Vàm Kỳ Hôn và kênh Chợ Gạo có một miếu nhỏ để thờ “Lang Lại đại tướng quân” và đình Điều Hòa (Mỹ Tho) còn giữ sắc phong của Vua Gia Long.
Chùa Linh Thứu
Chùa tọa lac tại xã Thạnh Phú, Huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cách thành phố Mỹ Tho chừng 12 km. Khởi thủy khi chọn đất xây chùa, thầy địa lý phán “Chùa này phong thủy rất đẹp, lại ở nhằm mạch suối rồng, ngày sau sẽ có chơn mạng Đế Vương đến ngự”. Nhân đó mới đặt tên là “Long Tuyền Tự”, tức là chùa suối rồng.
Đến hồi phân tranh quyết liệt giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh, biết bao lần quan quân Tây Sơn Nguyễn Huệ vào Nam quyết tâm tiêu trừ Nguyễn Ánh, nhưng cơ trời luôn phò độ chúa thoát chết nhiều lần, chỉ trong gang tấc.
Có một lần Nguyễn Ánh đại bại, quan quân tan tác chỉ còn cách giả dạng thường dân tìm đường lẫn trốn, khi đến chùa Long Tuyền vào buổi chiều mưa, nhá nhem tối xin tá túc, Hòa thượng trụ trì Nguyệt Hiện Thiền Sư (Nguyễn Phước Chánh) là người thông minh, xem dung mạo cử chỉ và xét tình thế hiện tại cũng đã thầm nghi, nhưng chẳng nói ra, chỉ tiếp đãi tử tế mà thôi. Lúc ấy Nguyễn Ánh vì lo nổi nhà thế nước, thân thể lặn lội gió sương, nên cảm phải chứng thương hàn, ăn ngủ không an, tinh thần hoảng hốt, bệnh tình chỉ tăng chứ không giảm. May thay, Hòa thượng trụ trì là người giỏi về dược thảo, thấy vậy động lòng từ bi, nguyện xin điều trị.
Nhân khi điều trị, Thiền Sư thấy rõ nỗi ưu tư của vua, lại sẵn có lòng nghi, nên cạn lời thưa hỏi. Nguyễn Ánh thấy Hòa thượng là người có vẻ từ bi, đạo hạnh, tính cách trung hậu nên Ngài nhận thật. Từ đó, Hòa thượng gia tâm lo bề thuốc thang, cơm cháo.
Vài hôm sau, vua vừa khỏe thì quân Tây Sơn đuổi đến ruồng bắt. Lạ thay cửa chùa lúc ấy thoạt nhiên nhện giăng bít phủ cả lối vào, cảnh trông hoang vắng, như đã lâu ngày không có người đặt chân đến.
Khi quân Tây Sơn rầm rộ đến nơi, thấy đường xá cỏ tranh rậm rạp, mạn nhện phủ che, do dự hồi lâu, rồi có lẽ nghĩ chắc không có ai, nên kéo nhau đi thẳng. Lúc ấy, trong chùa chúa, tôi hoảng hốt, chưa biết nơi nào ẩn thân, thì Hòa thượng trực nhớ cái Đại hồng chung trên đại điện, liền quì xuống tâu với vua, xin vua tạm vào trong đó lánh nạn.
Lúc ấy quân Tây Sơn thẳng vào bao vây xung quanh bên ngoài chùa, song chẳng thấy chi cả, sau cùng đến chỗ Đại hồng chung, một ít tên quân có ý nghi, cùng nhau xô thử, song chẳng thấy chuyển, chúng kêu lại thật đông, góp sức nhau đẩy lên. Nhưng lạ thay, càng đẩy càng không thấy xê xích chút nào, quân sĩ ngơ ngẫn, cùng nhìn nhau lấy làm lạ.
Vừa lúc ấy có viên thủ lãnh quân bàn rằng: “Cái chuông này nằm đây đã lâu, mà trong chùa chỉ có ông sư già với tiểu nhỏ làm thế nào mà đỡ nổi, thôi chúng ta đi tìm kiếm nơi khác kẻo mất thời giờ”. Quân sĩ không biết làm sao, lại vì tuân lệnh thủ lãnh nên kéo nhau đi hết. Vì thế mà đức Vua thoát nạn. Ấy cũng bởi Nguyễn Ánh là vị chơn mạng Đế vương và cũng nhờ Tam Bảo oai linh, nên khiến Thánh thần mặc hộ.
Đức Vua còn ở lại chùa vài ngày, bịnh tình đã thuyên giảm, bèn tính việc rời chân đi, nhưng Hòa thượng thấy vua trong mình hãy còn yếu, nên hết lời mời vua ở lại uống thuốc cho thật khỏe rồi hãy đi. Nhưng đức Vua vẫn một dạ quyết định, biết thế cản ngăn không đặng, Thiền Sư sắm sửa lương phạn cùng đồ hành lý, rồi lén đưa chúa tôi đến Hà Tiên.
Đến khi Nguyễn Ánh an bang phục quốc rồi, nhớ lại chuyện cũ, bèn hạ chiếu chỉ, mời Hòa thượng Nguyễn Phước Chánh lai kinh. Cảm ơn Phật lực hộ trì, đức vua tu bổ và phong hiệu cho chùa là: “Sắc Tứ Linh Thứu Cổ Tự”, lại cũng vì nhớ công phụng sự, vua sắc phong cho ngài Nguyễn Phước Chánh hàm ân là Mẫn Huệ Thiền Sư Đại Lão Hòa Thượng. (Gia Long, Nguyên Niên).
Cây Đa nhà thầy Năm Thưởng
Dọc theo đường rầy xe lửa từ chợ cống (ngã ba Đạo Thạnh) chạy dài theo đường “vòng lớn” cho tới sở lục lộ là xóm dân di cư từ các vùng chiến tranh đến đây cư trú, nhà cửa cất lên san sát hai bên đường rầy. Qua xóm cây “Dái ngựa” gần chợ Vòng Nhỏ, đường rầy bẻ ngoặt chạy cặp theo bờ sông, bên trái là giếng nước với hàng hàng cây đa cổ thụ rậm rạp nằm dọc theo đường Ngô Tùng Châu (Lê Thị Hồng Gấm ngày nay), còn bên phải, tàng cây che phủ trên những căn nhà sàn cất sát bờ sông thuộc xóm “Hãng xáng.”
Đi một đoạn ngắn nữa là đến bến Bắc Rạch Miễu, ty công chánh, ty kiến thiết với tháp nước cổ lỗ sĩ ở trên cao, cùng với nhiều cây đa nằm lẫn lộn giữa nhà dân và khu công sở.
Từ ngã tư đường ông bà Nguyễn Trung Long (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay) và bến Bắc Rạch Miễu, đường rầy xe lửa chạy song song với đại lộ Gia Long cho đến cuối con đường là ga xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho nằm giáp với ngã ba sông Mỹ Tho và rạch Bảo Định (Công viên Lạc Hồng). Đến đây chỉ còn vài cây thưa thớt trong vườn hoa công viên và đặc biệt chỉ còn cây đa bên cạnh cầu Tàu là cao to hơn cả, gốc rễ lộ thiên chiếm một diện tích rất lớn, rễ phụ từ các nhánh trên cao thòng xuống tới mặt đất đâm rễ tạo thành những gốc cây to bao quanh gốc cây chính.
Theo thời gian do nhu cầu sửa sang, mở rộng giao thông, chánh quyền đốn hạ các cây đa nằm sát mặt đường, còn cận khu nhà dân thì họ tự chặt dần cho đến khi không còn dấu tích của rừng cổ thụ hàng trăm năm.
Thông thường thì các cây đa nằm ở gần các giao lộ đều có các miếu thờ đặt ở dưới gốc nên còn sót lại vì mọi người đều tin rằng miếu thờ dưới gốc cây đa càng to thì càng linh thiêng và trấn áp được ma quỷ nên ít ai dám đốn hạ.
Đến thời Pháp thuộc chánh quyền cho xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhu cầu cai trị của họ, ở Nam kỳ nổi bật nhất là ở tỉnh Mỹ Tho, họ cho xây cầu Quay để từ Chợ Cũ mọi người có thể di chuyển dễ dàng qua khu phố mới ở phía tây như tòa Bố (Tòa Hành Chánh), dinh Tỉnh Trưởng, trường College de My Tho (1879), bệnh viện, viện dưỡng lão v…v… Đồng thời họ cũng cho lót đá hay tráng nhựa các con đường chính trong tỉnh nối liền với quốc lộ 4 đi Sài Gòn hay các tỉnh lân cận.
Hai bên lề những con đường mới, họ cho trồng me thẳng hàng khắp tỉnh lỵ, tạo thành những con đường rợp bóng mát, đặc biệt vì lá me chua rụng đầy dưới đất, không cỏ dại nào sống nổi nên đã làm thành những khoảng đất dọc theo hai bên đường rất thông thoáng.
Tuy vậy, cũng vẫn còn những cây đa cao to nằm rải rác quanh vùng chợ mới và tập trung nhiều nhất là ở khu vực quanh ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lý Thường Kiệt. Ở đây, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dưới gốc các cây đa nằm trên lề đường, một số thợ hớt tóc treo gương, bắc ghế đẩu hành nghề vào ban ngày, chiều tối dọn dẹp đồ nghề, tháo gỡ mọi thứ trả lại vĩa hè cho khách bộ hành đi lại.
Cũng trong khu vực nầy, kể từ khi thầy Năm Thưởng phá dở căn nhà ngói cũ của gia đình để xây lại thành một ngôi nhà mới theo kiểu biệt thự nóc bằng, trổ cửa về hướng nam, đường Lý Thường Kiệt đã gây ra một số lời đồn đại. Thiên hạ bàn tán, xì xầm rất nhiều trong dư luận xã hội.
Dĩ nhiên về phương diện giấy phép đốn cây và xây cất thì rất dễ dàng, thông suốt vì lúc bấy giờ thầy Năm đã là cha vợ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng về phương diện tâm linh và dư luận bên ngoài thì lại là cả một vấn đề khó khăn, phức tạp.
Khi nói đến vấn đề tâm linh hay tín ngưỡng trong việc xây cất nhà cửa thì thường hay theo phong thổ, địa lý để mong sao cho mọi sự hạnh thông và vượng phát. Người bình dân luôn trọng vọng vào các ông thầy thuốc bắc, chuyên bắt mạch và viết toa thuốc bằng chữ Nho để bệnh nhân có thể ra các tiệm thuốc mua từng thang đem về xắc uống, như ở tiệm Trường An Đường có thầy Hai Khá, bác ruột của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm (Thứ trưởng Bộ Giáo dục), thầy Ba Thơm ở tiệm Đức Sanh Đường, thầy Năm Thưởng ở tiệm Thọ Nam Đường … Có nhiều khi các thầy thuốc lại là cố vấn trong vấn đề phong thổ, địa lý mà người dân thường rất tin cậy.
Thầy địa lý phán đốn hạ cây đa ở đường Lý Thường Kiệt sau nhà thầy Năm Thưởng sẽ biến cuộc đất ở đây trở thành vượng địa, triệt trừ âm khí, nói nôm na là trừ được ma quỷ ở quanh vùng.
Sở dĩ người ta tin như vậy là vì đối diện với khu nhà thầy Năm là cư xá sĩ quan Nguyễn Thái Học và trại gia binh, bên cạnh đó, ở đây trước kia còn có nhà xác, các binh sĩ tử trận đều được đưa về đây để đội chung sự lo việc tẩn liệm, chờ thân nhân đến lãnh đưa về quê quán chôn cất. Tiếng đồn rằng thường đêm có những tiếng hú quanh quẫn trên những hàng cây cao âm u, hòa quyện với tiếng gió làm thành một không gian thật ghê rợn.
Mặc dù sau nầy, nhà xác đã được chuyển đổi, di dời vào bệnh viện dã chiến quân y được xây cất rất xa khu cư xá, nhưng lời đồn đại vẫn còn và tiếng hú hằng đêm cũng không bao giờ dứt, mãi cho đến khi đốn hạ được cây đa ở sau nhà thầy Năm thì mới êm. Từ đó cả khu vực nầy, không nói ra nhưng ai cùng thầm mang ơn thầy Năm.
Một chút chuyện cũ, gia đình thầy Năm Thưởng rất nhân đức, ngoài nghề nghiệp hàng ngày giúp đỡ dân tình, xem mạch, bốc thuốc ở tiệm, ngày thường ở nhà, thầy còn xem mạch giùm, không lấy tiền và cho toa để người bệnh ra chợ bổ thuốc.
Còn bà Năm và các con nhận nấu cơm tháng cho người quen ở quê ra tỉnh, đồng thời cũng cho các sĩ quan độc thân trong cư xá, ở bên kia đường. Thậm chí, người quen thâm tình còn được ở trọ tại nhà ông bà. Sau nầy, có nhiều người trong số họ đã thành danh, giữ những địa vị cao trong xã hội.
Thật sự, sau khi căn biệt thự, kiến trúc rất đơn giản giống như các ngôi nhà khác ở trong vùng ra đời thì tình hình an ninh xã hội ở khu vực lại được cải thiện rất tốt vì đối diện xéo, ngang giếng nước là xóm “Hàng còng” rất lộn xộn, tệ nạn xã hội, đỉ điếm lan tràn, nổi tiếng khắp tỉnh lỵ.
Thế rồi, đến Tết Mậu Thân 1968, bộ đội cộng sản nửa đêm nổi dậy tấn công thị xã Mỹ Tho. Theo điều nghiên quân sự thì mặt phía tây bắc thị xã là yếu nhất, hơn nữa từ vùng căn cứ “Giáp Nước,” Đạo Thạnh bộ đội băng ngang rạch Bảo Định là bắt cầu đươc chợ Thạnh Trị, bến xe đò cũ, và chỉ vượt qua một con đường Nguyễn Tri Phương là tiến tới các cơ quan quân sự như Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 7, thành Quang Trung (tiểu khu Định Tường), Tòa Hành Chánh, Dinh Tỉnh trưởng …
Đang trên đà tiến quân nhanh chóng, cả tiểu đoàn chủ lực tự nhiên bị khựng lại vì gặp phải hỏa lực rất dữ dội từ dưới các gốc đa ven bờ giếng nước, nhất là từ phía bên hông nhà Thầy Năm Thưởng, bộ đội cộng sản chết chất đống như rạ, đến độ sau nầy chánh quyền cộng sản đã đặt tên cho con đường nầy là đường Tết Mậu Thân.
Họ thất bại không ngờ là vì Tết năm ấy, may thay Tổng Thống Thiệu về Mỹ Tho ăn Tết nên tiểu khu đã điều động một đơn vị thiết giáp án ngữ khu vực giếng nước cạnh nhà thầy Năm Thưởng, tạo thành một yếu tố bất ngờ khiến bộ đội cộng sản thiệt hại nặng nề mà không tiến lên được bèn rút lui khi trời chưa rựng sáng. Nhờ đó mà các cơ sở trọng yếu trong tỉnh cũng như khu dân cư trong vùng còn nguyên vẹn không bị thiệt hại.
Sau nầy khi giang sơn đổi ngôi, nhà đổi chủ, căn nhà thầy Năm Thưởng được giao cho Phó Bí Thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Niềm (Ba Niềm) làm nơi cư trú, chưa phải là chủ mà biết bao nhiêu tai họa đã đổ xuống cho gia đình ông. Có người biết xem thuật tướng số cho rằng mạng mỏng mà ở trên cuộc đất dành cho chánh vì vương thì làm sao mà trụ cho được. Chưa mất mạng đã là may. Tư đó Ba Niềm từ bỏ căn nhà nói trên và chánh quyền biến ngôi nhà nầy thành nơi công cộng.
Nói tóm lại, đất Mỹ Tho nói riêng và miền Nam nói chung là nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài cứu nhân độ thế, con người ở đây luôn ghi nhớ câu “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” nên có thể thấy lúc nào và ở đâu họ cũng luôn phù trợ người yếu thế, giúp đỡ kẻ cơ nhỡ mà không cầu báo đáp, nhưng “hoàng thiên hữu nhãn” luôn dành cho dân lành ở đây thoát khỏi những đại họa do thiên tai như bão lụt hoặc địch họa như chiến tranh làm chết hàng triệu triệu người “sinh Bắc tử Nam.”
Âu đó cùng là trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng người vậy.