Nghe ca khúc “The Silent Night” nghĩ về thuần khiết và năng lượng của Đức tin

The Silent Night,” (Đêm Thánh Vô cùng – lời Việt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông) từng được bầu chọn là ca khúc Giáng sinh được yêu thích nhất trên toàn thế giới ra đời năm 1816 tại một nhà thờ nhỏ của Áo. Lời ca do tu sĩ trẻ Joseph Mohr sáng tác và phần nhạc do người phụ trách dàn nhạc của nhà thờ, Franz Xaver Grober viết. 

Tôi vừa được nghe lại ca khúc vào đêm 25 Tháng Mười Hai, 2022 do người bạn gái (mới quen,) chị Vinh thể hiện cùng ban nhạc địa phương (có anh Sơn chồng chị chơi bass) trên sân khấu nhỏ của cộng đồng với số lượng khách tham dự khoảng trên 50 người, bên ngoài là thời tiết – 7 đến – 10 độ C (khoảng 12 – 8 độ F). Giọng nữ trung mềm mại khá dày dặn của chị còn chưa giấu được âm sắc rúng động của người chưa quen đứng trước đám đông. Chị ca thật chậm, trang nghiêm, mạnh mẽ, bằng cả yêu thương của trái tim và chỉ có phần lời tiếng Việt. 

Bài The Silent Night được ra đời từ ngôi nhà thờ nhỏ này.

Tôi đã nghe nhiều ca sĩ và dàn nhạc Tây phương biểu diễn hoàn hảo ca khúc này trong các đĩa nhạc Giáng sinh. Nhưng phần giọng ca và hòa âm phối khí (quá) chuyên nghiệp đã vô tình làm mất đi những âm sắc tươi ròng của cảm xúc thật. Giọng ca của chị Vinh cuốn tôi vào ca khúc và niềm hạnh phúc trung thực được thể hiện một đức tin.

Chỉ bao gồm bảy dòng nhạc và lời với giai điệu có phần “đơn giản”, các nhịp (Rhythms) đan xen lẫn nhau theo thứ tự 2/ 3, kế tiếp 2/ 2, tiếp tục 2/ 2/ 3/ 3, tiếp theo 2/ 2/ 3/ 2, kết thúc bằng 2/ 1.5/ 2/ 2 lan toả, giai điệu và nhịp điệu bài hát mô phỏng chuyển động của ánh sáng một chòm sao vừa dịu dàng, trang nghiêm vừa kỳ ảo lộng lẫy. (Cách theo dõi nhịp của ca khúc ở đây chỉ tương đối vì dựa trên phần lời tiếng Anh và Việt trong khi nguyên bản ca khúc bằng tiếng Áo.)

Nhịp và giai điệu bài hát cũng rất gần với nhịp trào lên và lắng xuống của trái tim, gợi lại chuyển động tụ họp và lan toả ra, tụ hội và lan toả, nhiều lần, tựa như những đám đông thầm lặng tụ họp để chiêm ngưỡng và toả ra mang theo Tin Mừng.

Giai điệu tưởng chừng đơn giản nhưng phổ kín ít nhất hai quãng tám với âm vực rộng, nhiều nốt cao. 

Dùng thanh âm để diễn tả… im lặng trang nghiêm, thực ra là im lặng của cả tâm trí và cảnh trí, đó là những âm thanh ở ranh giới của hư và thực. Ánh sáng chan hoà, lộng lẫy cũng là ánh sáng của cả thực và hư. Khi con người bị cuốn hút về phía ánh sáng, đó là trạng thái tĩnh lặng của tâm linh.

Cùng chia sẻ di sản Cựu Ước (Old Testament) bao gồm ba tôn giáo lớn, Thiên Chúa (với rất nhiều nhánh nhỏ khác nhau,) Hồi giáo, và Do Thái giáo, trong đó Thiên Chúa là tôn giáo lớn nhất thế giới, Hồi giáo hàng thứ hai. Sự khác biệt giữa ba tôn giáo này nằm ở cách giải thích khác nhau về Tân Ước (New Testament,) nói về sự ra đời của Jesus Christ và các bộ Thánh kinh cơ bản hướng dẫn hành vi ứng xử theo các nguyên tắc phổ quát nhất của mỗi tôn giáo. Ngay Tân Ước cho đến nay cũng bao gồm ít nhất là 4 bản được ghi chép lại nhờ các vị Mark, Luke, John, và Matthew. 

Lời bài ca The Silent Night.

Trong khi Cựu Ước giống như nhiều pho sử thi của các sắc tộc trên thế giới với những tình tiết huyền thoại mang tính tượng trưng như ba ngày đêm của Jonah trong bụng cá voi, đại hồng thủy và con thuyền Noӓh tương tự như trong sử thi miêu tả đời sống thượng cổ của các chủng tộc khác, thì Tân Ước diễn giải theo Thiên Chúa giáo khẳng định một niềm tin mãnh liệt vào việc thờ “nhất thần” (duy nhất một Đấng sáng tạo ra Thế giới) nhưng tại thế bằng hình ảnh của Con Người bằng xương bằng thịt, có mẹ cha sinh thành, (dù cách thức sinh thành ít nhiều huyền bí,) biết đau đớn và chịu hi sinh như mọi con người bình thường,- Đức “Ngôi Hai Trời Xuống” tức Jesus.

Thừa nhận và đồng nhất phẩm chất huyền bí của tâm linh với năng lực chịu trách nhiệm cá nhân đã khiến cho những nguyên lý của Thiên chúa giáo chinh phục được thế giới rộng lớn, bao gồm nhiều chủng tộc, trở thành tôn giáo lớn nhất mở cửa vào thế giới hiện đại và động lực để xây đắp nền văn minh Tây phương hiện đang còn nhiều năng lượng phát triển, “gánh vác” toàn thế giới.

Khoảng 300 năm trước Chúa Jesus ra đời, đoàn quân của Alexandre Đại Đế khi chinh phục Ấn Độ cổ đại đã luôn kính trọng nhường bước trước các vị tu sĩ Phật giáo bởi chủ tướng của họ yêu mến và thường xuyên thỉnh giáo các vị cao tăng (ni) này.  

Khởi đầu của Thiên Chúa giáo tại các vùng đất của đế quốc La Mã cổ xưa và một phần dải Ghaza phải chịu đựng nhiều hoạn nạn vì sự truy tầm và hãm hại của thế giới đa thần giáo, (parisiens, thờ phượng nhiều vị thần,) di sản của nền văn minh Hy lạp cổ đại. Các nhà thờ, nhà nguyện đầu tiên được bí mật xây dựng dưới lòng đất cho đến khi Constantine Đại Đế (khoảng 306-337 sau Công nguyên) ban bố lệnh chính thức thừa nhận Thiên Chúa giáo là tôn giáo của Đế quốc La Mã và thành lập thành phố Constantinople “theo lệnh của Thượng Đế” và ngày 11 tháng Tháng Năm, năm 330.

“Sinh sau đẻ muộn hơn,” Hồi giáo trở nên phổ biến vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên nhưng là tôn giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai. Hồi giáo coi đấng Tối cao hiện thân là nhà Tiên tri Mohamad và chỉ coi Jesus Christ là một trong các vị Thánh tử vị đạo, cũng như lấy Kinh Q’aran làm bộ nguyên tắc tổ chức đời sống xã hội và ứng xử đạo đức. Những đội quân Hồi giáo từ Phi châu từng nhiều lần tràn sang cướp phá và từng có lần chiếm được thành phố Constantinople, khởi đầu cho mối hiềm khích lâu đời giữa hai thế giới Thiên Chúa và đạo Hồi còn nóng bỏng cho đến ngày hôm nay. Cuộc sống và lãnh thổ đan xen giữa hai tôn giáo tại vùng Trung và Nam Âu hiện nay cũng là kết quả của việc hai tôn giáo xâm lấn và chung sống với nhau qua lịch sử châu Âu hàng ngàn năm.  

Vào khoảng thế kỷ thứ 16 sau Công nguyên, triều đình Tây Ban Nha bắt đầu các hành động truy bức người Do Thái giáo, bắt họ phải cải đổi sang đạo Thiên Chúa đã gây ra làn sóng di cư lớn của người Do Thái giáo vượt sóng to gió lớn Đại Tây Dương tới Tân thế giới tức Hoa kỳ ngày nay để tìm chỗ trú ẩn cho lòng tin.

Người Mỹ lập quốc cũng xuất phát từ cuộc mạo hiểm sinh mạng của những nhóm người Tin Lành Thanh Giáo (Puritants tại Anh quốc) bị ngược đãi và chèn ép phải ra đi lên đường kiếm tìm Tự do, mà trước hết là tự do có Đức tin.

Một bức tranh cảnh Giáng sinh

Nhớ lại buổi đầu khi Thiên Chúa giáo được du nhập vào Việt Nam, một quốc gia nhỏ theo Phật giáo, đa thần và đạo thờ ông bà, vào khoảng thế kỷ 15, theo chân các vị linh mục người Hòa Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, vv… những va chạm, “cú sốc” văn hóa giữa hai bên đã trở thành xung đột có khi đổ máu và cảnh phá phách ban thờ gia tiên gây ra nỗi đau buồn không thể nào quên với nhiều dòng họ người Việt. Đặc biệt sau sự kiện 30 Tháng Tư, miền Nam Việt Nam mất vì vũ lực của quân đội Miền Bắc, tự do tôn giáo trở thành một điều cấm kỵ không được nói tới ở Việt Nam.

Tự do lựa chọn đức tin thực ra là tự do thừa nhận cảm xúc tâm linh hướng về điều cao cả, nó tương tự nhau ở mọi tôn giáo, có thể khơi nguồn những năng lượng vô biên trong con người, trong khi lòng tin đặt vào những giá trị vật chất thì nhỏ bé và hữu hạn. Muốn dùng một chủ thuyết lý tính nào đó thay thế lòng tin không khác gì dùng giá trị vật chất thay thế tâm linh.  

Không thừa nhận tự do tôn giáo là gạt bỏ và quay lưng lại hiểu biết căn cốt nhất về phẩm giá được nuôi dưỡng từ bản chất tự nhiên của con người: Bản chất rúng động trước tình yêu, điều cao thượng và cộng hưởng với cảm xúc của những người chung quanh, bao gồm cả cộng đồng lớn hơn một cộng đồng sắc tộc.

Thể hiện Đức tin là phẩm chất biết nhìn nhận và tôn xưng Cái Đẹp của Con Người. Không phải ngẫu nhiên các tác phẩm nghệ thuật lớn của mọi thời đại, mọi nền văn minh đều thể hiện đề tài và chủ đề liên quan đến Đức tin. Cuộc đời thiếu đi Cái Đẹp chỉ còn là nấm mồ của những khát vọng vật chất phù du và ngắn ngủi.

Penn, 26 tháng 12, 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: